Bài 123: Ê-sai: Vị Tiên Tri Được Kêu Gọi Và Sai Phái

6519

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Sách tiên tri đầu tiên được khảo sát là một trong những sách đại tiên tri, tác giả tên là Ê-sai. Các sách tiên tri được chia làm hai loại: đại đại tiên tri và tiểu tiên tri. Sở dĩ gọi là đại tiên tri không phải vì họ quan trọng hay tiểu tiên tri vì họ là thứ yếu, nhưng chỉ đơn giản là căn cứ vào độ đài nội dung mà thôi. Vậy xét theo một khía cạnh thì các tiểu tiên tri lại xuất sắc hơn vì họ đã trình bày sứ điệp cách ngắn gọn hơn. Dựa theo định nghĩa trên thì Ê-sai là một đại tiên tri vì sách của ông là sách dài nhất trong các sách tiên tri, cả thảy gồm 66 chương. Khi học về đời sống của Ê-sai chúng ta sẽ nắm được những nét khái quát của một tiên tri.

Ê-sai xuất thân từ dòng dõi quí tộc của người Do Thái. Theo truyền thống thì Ê-sai bà con với vua Ô-xia và vua Giô-ách. Như vậy ông thường hay lui tới cung điện và được gặp mặt vua. Vì ông đã phục vụ dưới nhiều triều vua nên kinh nghiệm trong quá khứ là một sự chuẩn bị tốt cho chức vụ mà Chúa đã kêu gọi ông.

Trong suốt thời gian các vị tiên tri sinh sống và hành chức, tức là từ năm 800 T.C.  cho đến 400 T.C.  đã có nhiều thế lực hùng mạnh trên thế giới hưng thịnh và suy tàn. Đế quốc Ba-by-lôn đã xâm chiếm A-sy-ri, sau đó Ba-by-lôn bị Mê Đi Ba Tư thôn tính, nhưng rồi đến lượt Mê Đi Ba Tư lại bị Hy Lạp chinh phục. Điều chúng ta cần lưu ý là Ê-sai đã thi hành chức vụ trong thời gian đế quốc A-sy-ri cầm quyền và thủ đô của A-sy-ri là Ni-ni-ve.

Ê-sai xuất hiện trước khi đế quốc A-sy-ri xâm lăng vương quốc phía Bắc tức là nước Y-sơ-ra-ên. Vương quốc phía Bắc gồm 10 chi phái hay bộ tộc đã bị bắt đi làm nô lệ. Họ được xem là những chi phái bị xóa tên vì sau khi bị lưu đày thì họ không hề còn được nhắc đến. Nhiều bài giảng của Ê-sai tập trung cho vương quốc phía Bắc.Ông cảnh cáo họ rằng cơn phán xét của Đức Chúa Trời sẽ giáng xuống vì tội thờ lạy thần tượng của họ. Sau khi xâm lăng và lưu đày vương quốc phía Bắc, người A-sy-ri quay sang vương quốc phía Nam và tấn công họ. A-sy-ri chiếm được 46 thành phố của Giu-đa nhưng họ chỉ tràn đến cổng thành Giê-ru-sa-lem mà thôi. Họ bắt 200.000 người đày sang A-sy-ri. Nếu người A-sy-ri chiếm được Giê-ru-sa-lem thì họ đã vĩnh viễn đưa hai vương quốc phía Bắc và phía Nam vào sự quên lãng. Tuy nhiên họ chỉ đến cổng thành và đây là cơ hội đã tạo nên biến cố lịch sử cho tiên tri Ê-sai.

 Vua của vương quốc phía Nam tức nước Giu-đa lúc bấy giờ là Ê-xê-chia, ông là vị vua tốt, một người tin kính Chúa và nhiệt thành trong đời sống cầu nguyện. Ê-xê-chia đã viết 10 Thi thiên. Khi người A-sy-ri tràn quân đến cổng thành Giê-ru-sa-lem, tướng của họ sỉ nhục người canh giữ thành. Điều này làm chúng ta nhớ lại Gô-li-át đã sỉ nhục người Hê-bơ-rơ và Đa-vít đã dám đứng lên để chống lại Gô-li-át. Hãy nhớ lại Đa-vít đã nói gì về Gô-li-át không? “Nguời ta phải cảnh cáo những kẻ nào dám sỉ nhục Đức Chúa Trời hằng sống.” Viên tướng A-sy-ri vừa sỉ nhục vừa kêu gọi người Giu-đa hãy giương cờ trắng đầu hàng. Người nầy gởi một tối hậu thư cho Ê-xê-chia nói rằng “Vương quốc phía Bắc đã bị tiêu diệt và lưu đày cho dầu họ tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Do đó tin vào Đức Chúa Trời của các ngươi cũng vô ích mà thôi.” Ê-xê-chia đem lá thư này vào đền thờ và trải ra trước mặt Chúa, ông cầu nguyện với Ngài, “Chúa ơi, đây là sự sỉ nhục và phạm thượng,” rồi ông hết lòng kêu cầu cùng Chúa cứu mạng sống của đồng bào mình. Trong lúc đó thì Ê-sai nhận được sự mặc khải từ Chúa. Vị tiên tri đi vào trong đền thờ và nói với Ê-xê-chia rằng, “Chúa đã nghe lời cầu nguyện của vua và Ngài sẽ ra tay giải cứu.” Ê-sai cho Ê-xê-chia biết là quân A-sy-ri sẽ nhận được lịnh rút quân, khi mà tướng của A-sy-ri về đến đất mình thì ông sẽ bị giết chết. Thế rồi trong đêm đó một tai hoạ dữ dội giáng xuống trên trại quân A-sy-ri, 185,000 binh sĩ bị giết chết. Sáng hôm sau khi khám phá những thây người, quân A-sy-ri cuốn gói trực chỉ quay về A-sy-ri. Khi đến A-sy-ri, thì viên tướng bị ám sát như lời báo trước của Ê-sai.

Xét theo khía cạnh con người thì nếu không bởi ảnh hưởng và chức vụ của tiên tri Ê-sai thì người A-sy-ri đã thôn tính và lưu đày vương quốc phía Bắc lẫn phía Nam và đưa họ đến chỗ bị tuyệt diệt. Ê-sai đã xoay chiều của cuộc chiến khiến quân A-sy-ri rút lui và cứu vương quốc phía Nam. Tiên tri Ê-sai đã thi hành chức vụ 100 năm trước khi Ba-by-lôn xâm chiếm A-sy-ri và trở nên đế quốc thời bấy giờ, chính người Ba-by-lôn đã bắt và lưu đày dân Giu-đa. Ê-sai là một trường hợp điển hình rõ nét về chức vụ tiên báo của các tiên tri trong Kinh Thánh. Ê-sai đã nói trước rằng Ba-by-lôn sẽ chinh phục A-sy-ri và rồi xâm lăng vương quốc phía Nam, bắt cư dân lưu đày. Những điều nầy đã được nói ra 150 năm trước khi nó xảy ra. Ê-sai cũng nói trước rằng người Giu-đa sẽ trở về từ xứ lưu đày Ba-by-lôn. Chức vụ tiên báo của tiên tri Ê-sai là một minh họa rõ nét về vai trò của các tiên tri trong Kinh Thánh.

Mặc dầu sống 100 năm trước khi người Ba Tư xâm lăng Ba-by-lôn, Ê-sai đã báo trước rằng người Mê Đi Ba Tư sẽ chinh phục Ba-by-lôn. Thậm chí Ê-sai còn nêu danh tánh của hoàng đế Mê Đi là Siru đại đế. Sau khi đề cập đến Siru đại đế, Ê-sai nói tiên tri rằng, “Ngươi sẽ ra một chiếu chỉ nhằm cho phép người Giu-đa từ Ba-by-lôn được trở về quê hương của họ để tái thiết thành phố, đền thờ và quốc gia.” Đây là một trong những bằng chứng thật hùng hồn về chức vụ nói trước những biến cố sẽ xảy ra trong Kinh Thánh.

Joshephus là một sử gia Do Thái cung cấp cho chúng ta chi tiết rất lý thú về việc hồi hương từ xứ Ba-by-lôn. Khi người Mê Đi Ba Tư xâm chiếm Ba-by-lôn thì một trong những điều đầu tiên mà Siru đại đế làm đó là ấn hành một sắc lịnh cho phép người Do Thái được trở về quê cha đất tổ. Sắc lịnh của Siru đại đế được ghi trong sách E-xơ-ra. Siry đại đế tuyên bố rằng người Giu-đa được phép trở về để xây lại đền thờ của họ. Sử gia Josephus bổ sung một chi tiết rất thú vị. Ông cho biết, các trưởng lão đã đem lời tiên tri của Ê-sai mà trình lên Siru đại đế. Họ giải thích rằng vị tiên tri tiền bối của họ, người sống cách đây 150 năm đã gọi đích danh đại đế, và nói là vua sẽ trả tự do cho họ. Theo sử gia Josephus thì điều đó làm cho vua cảm động và ấn hành sắc lịnh rất quan trọng nầy. Một lý do khác khiến chúng ta tin nơi lời tiên tri của Ê-sai vì E-xơ-ra đã trích từng chữ từng câu của tiên tri Ê-sai.

Do đó nhận định về ảnh hưởng chức vụ của Ê-sai, chúng ta thừa nhận là ông đã giải cứu Giê-ru-sa-lem ra khỏi tay người A-sy-ri bằng cách khiến họ rút quân quay về. Lời tiên tri của ông được viết ra trước 150 cũng đem lại sự giải cứu cho người Giu-đa khỏi xứ Ba-by-lôn, nhờ đó mà người Giu-đa đã hồi hương, tái thiết đền thờ, thành phố và quốc gia của họ. Khi cân nhắc ảnh hưởng của đời sống và chức vụ của Ê-sai, chúng ta hiểu được tại sao Ê-sai được gọi là hoàng tử của các tiên tri.

Ê-sai cũng là một nhà truyền giảng Lời Chúa thượng thặng. Theo Chúa Giê-xu thì Giăng Báp-tít là tiên tri lớn nhất. Tuy nhiên trong Lu-ca 3 thì vị tiên tri vĩ đại nhất nầy đã giảng lại lời của tiên tri Ê-sai. Những lời của tiên tri Ê-sai ở đây thật ra là những bài giảng của Ê-sai. Vì vị tiên tri vĩ đại nhất đã giảng những bài giảng của Ê-sai nên chính Ê-sai phải là một nhà truyền giảng thượng thặng.

Ê-sai đã giảng ít nhất là năm hoặc sáu chục năm. Ông đã sống suốt 5 đời vua của Giu-đa và 6 đời vua của Y-sơ-ra-ên. Chức vụ của ông tập trung cho người Giu-đa, mặc dầu ông nói rất nhiều cho vương quốc phía Bắc về những gì sẽ xảy ra cho họ, chức vụ ông vẫn hướng về người Giu-đa.

Nếu chúng ta muốn tìm hiểu về bối cảnh lịch sử của Ê-sai, cần đọc cẩn thận về những câu mở đầu của sách nầy. Ê-sai cho biết ông sống và thi hành chức vụ qua các triều đại khác nhau. Sứ điệp của ông thay đổi để thích hợp cho từng triều vua, tốt cũng như xấu. Ô-xia là vua tốt, Ê-xê-chia là vua tốt. A-háp là vua rất gian ác. Ma-na-se thì vô cùng gian ác. Trong đời Ma-na-se, Ê-sai đã mạnh mẽ rao giảng chống nghịch sự gian ác của nhà vua, theo truyền thoại thì Ma-na-se đã giết chết Ê-sai. Truyền thoại cho biết Ma-na-se đã đặt Ê-sai vào thân cây trống ở phía trong rồi cưa rời ra thành hai mảnh như người ta cưa một khúc gỗ vậy. Hê-bơ-rơ 11:37 nói về các bậc anh hùng đức tin bị ném đá, cưa xẻ, nhiều người tin rằng câu này đề cập về Ê-sai.

Dẫu vậy có một điều chắc chắn là nhiều người đang “cưa xẻ” lời tiên tri của Ê-sai ra từng mảnh nhỏ trong những năm qua. Trong suốt 1700 năm, không ai nghi ngờ gì về sự kiện là chỉ có một tác giả của sách Ê-sai. Thế nhưng trong khoảng 200 năm vừa qua có một hiện tượng mới xuất hiện gọi là “Thượng tầng phê bình Kinh Thánh.” Thượng tầng phê bình Kinh Thánh bắt đầu từ nước Đức, nó nhằm tấn công vào Kinh Thánh. Một phần của Thượng tầng phê bình Kinh Thánh là tấn công sách Ê-sai. Nguyên nhân dẫn đến sự đả kích sách Ê-sai vì họ không thể nào chấp nhận việc một người nêu đích danh tên của vị hoàng đế 150 năm trước khi vị hoàng đế nầy xuất hiện. Đó là một phép lạ siêu nhiên, và vì không chấp nhận yếu tố siêu nhiên nên họ cho rằng có nhiều người viết sách Ê-sai. Họ tin rằng sách Ê-sai được viết bởi hai tác giả. Một người viết 39 chương đầu của sách, người kia viết 27 chương còn lại. Một số người khác cho rằng Ê-sai có ba hay bốn tác giả. Chúng tôi tin vào tính nhất quán của sách Ê-sai hay nói cách khác sách nầy chỉ có một tác giả là Ê-sai mà thôi. Chúng tôi sẽ giải thích lý do ở phần dẫn nhập tiên tri Ê-sai.

Sách Ê-sai gồm 66 chương được chia làm hai phần rõ ràng. Phần thứ nhất gồm ba mươi chín chương đầu. Phần thứ hai từ chương 40 đến 66. Có nhiều lý do để chia chúng ra làm hai phần phân biệt. Dĩ nhiên điều nầy không có nghĩa là có hai Ê-sai. Phần một là sứ điệp nhằm cảnh cáo dân sự của Đức Chúa Trời về sự xâm lăng và bắt lưu đày của người A-sy-ri mà Ê-sai cho rằng đó là cơn đoán phạt của Chúa. Phần hai là sứ điệp an ủi và chữa lành. Phần một được xem như là sự giải phẫu thuộc linh. Trong phần nầy Ê-sai hầu như cắt xẻ dân sự của Chúa qua lời cảnh cáo. Sứ điệp của ông giống như sứ điệp của các tiên tri khác trong Cựu Ước. Bắt đầu từ chương 40 hay phần thứ hai, Ê-sai công bố một sứ điệp khác. Ê-sai đã mở đầu phần thứ hai bằng cách nói rằng, “Hãy an ủi dân ta, hãy an ủi dân ta.” Hai mươi bảy chương còn lại là sứ điệp an ủi.

Có sự tương đồng lý thú giữa sách Ê-sai và Kinh Thánh. Về số lượng thì Ê-sai có 66 chương và Kinh Thánh có 66 sách. Về cấu trúc thì sách Ê-sai được chia làm hai phần, phần thứ nhất gồm 39 chương, phần thứ hai gồm 27 chương. Kinh Thánh cũng được chia làm hai phần là Cựu Ước gồm 39 sách và Tân Ước gồm 27 sách. Về nội dung thì phần dầu của Ê-sai giống như Cựu Ước gồm những lời cảnh cáo nghiêm trọng. Phần này nêu lên tình trạng thật của con người và giải pháp mà họ có thể tìm thấy nơi Đức Chúa Trời. Phần thứ hai của Ê-sai giống như Tân Ước. Tân Ước bắt đầu với lời tuyên bố của Giăng Báp-tít về một tiếng kêu trong đồng vắng, hãy dọn đường cho Chúa. Ê-sai cũng mở đầu giống như vậy. Sự tương đồng giữa Ê-sai và Kinh Thánh là một trong những điều hết sức lạ lùng.

Bài trướcGiới Thiệu Sách Mới: Tìm Đúng Người Bạn Đời
Bài tiếp theoThơ: Xin Chớ Ngã Lòng