Có Nên Tranh Cãi Trước Mặt Con?

1666

Vài tháng trước, một người bạn tâm sự với tôi về hoàn cảnh của mình, có ba mẹ ly dị khi cô còn bé. Bạn tôi kể rằng mình lớn lên trong một ngôi nhà hoàn toàn yên ổn và có thể nói là hoàn hảo theo cái nhìn của cô. Cô chưa thấy ba mẹ tranh cãi bao giờ.

Ba mẹ cô thường hay ôm, nắm tay, mỉm cười trông rất hạnh phúc. Có vẻ họ rất yêu thương nhau. Thế rồi một ngày vào năm cô 10 tuổi, họ kêu cô bạn tôi ngồi xuống và bảo rằng đã từ rất lâu rồi, hai người họ không còn yêu thương nhau nữa. Họ nói với cô rằng họ không thể sống với nhau nữa và ba cô đã dọn đi vào ngày hôm sau.

Bạn tôi cảm thấy rất sốc, hoang mang và đau khổ. Rõ ràng cô chưa bao giờ thấy ba mẹ mình bất động về bất cứ chuyện gì. Tất cả những gì cô cảm nhận được chỉ là một ảo ảnh, một bức tranh gia đình hạnh phúc do ba mẹ cô hợp tác vẽ nên mà thôi. Cô chưa bao giờ nhìn thấy ba mẹ thảo luận về những vấn đề thực sự nào. Trong suốt nhiều năm liền, ba mẹ cô đã cảm thấy bực bội về nhau nhưng họ tránh né nêu ra những bất đồng, cố giữ các vấn đề trong người và hoàn toàn mất đi cảm giác thân mật, gắn bó.

Bạn tôi nói rằng phải mất một thời gian dài để đối diện với thực tế là ba mẹ mình đã ly hôn. Cô mất nhiều thời gian hơn để cố gắng tìm ra cách giao tiếp hiệu quả, đặc biệt là về những bất đồng trong hôn nhân.

Điều đáng buồn là có nhiều cặp vợ chồng đã ngừng giao tiếp với nhau, đặc biệt là về những bất đồng với lý do là “trước mặt con trẻ”. Chúng ta dùng con cái mình như một cái cớ để tránh né những vấn đề căng thẳng. Tôi nghĩ rằng có những lúc chúng ta không muốn giải quyết vấn đề với người phối ngẫu của mình, vì vậy chúng ta nói rằng chúng ta không thể thảo luận về điều gì đó bởi vì các con đang ở nhà và không muốn chúng biết ba mẹ đang giận nhau.

Sự thật là con cái chúng ta cần phải hiểu rằng các cặp vợ chồng thỉnh thoảng vẫn tranh cãi với nhau. Chúng ta giận nhau. Chúng ta bất đồng, và những bất đồng là một phần bình thường, lành mạnh của bất kỳ mối quan hệ bền vững nào, đặc biệt là hôn nhân. Điều con cái cần là phải nhìn thấy ba mẹ chúng giải quyết vấn đề theo một phương cách “lành mạnh” – nói chuyện và lắng nghe nhau chứ không phải mắng mỏ, sử dụng ngôn ngữ thô lỗ, đổ lỗi cho nhau, la hét hoặc có bất kỳ hành vi gây hấn nào. Chúng ta phải nói chuyện với sự tôn trọng. Chúng ta cần mau nghe và chậm nói.

Hãy để tôi nhấn mạnh điều này: TRANH CÃI CÁCH THÔ LỖ VỚI NHỮNG HÀNH VI ĐỀ CẬP Ở TRÊN TÁC ĐỘNG CỰC KỲ XẤU ĐẾN HÔN NHÂN VÀ CON CÁI BẠN.  Sự tranh cãi như vậy là không bao giờ được chấp nhận dù là ở trước mặt con cái hay không.

Nếu chúng ta nhận ra mình vừa mới tranh cãi cách thô lỗ ở trước mặt con cái, chúng ta PHẢI xin lỗi vợ/chồng và cả con cái mình về hành vi đó. Có thể bạn cần nhanh chóng tìm đến một người cố vấn hôn nhân có uy tín và chuyên môn để giúp bạn có thể giải quyết xung đột trong hôn nhân cách hiệu quả. Bạn có thể học các kỹ năng cần thiết để tranh luận một cách tôn trọng và lành mạnh hơn vì điều đó là ích lợi cho hôn nhân và con cái bạn. 

Đôi khi, chúng ta cảm thấy sôi sục, mất bình tĩnh và bắt đầu to tiếng. Cách tốt nhất để có thể giải quyết tình huống tiêu cực đó là nhanh chóng nhận ra lỗi sai của mình và tìm kiếm sự tha thứ. Một trong những bài học tốt nhất mà con cái của chúng ta có thể học hỏi từ cha mẹ chúng là làm cách nào để xin lỗi và làm cách nào để tha thứ. 

Kinh Thánh dạy chúng ta hãy nhanh chóng xin lỗi và tha thứ cho nhau. Chúng ta có một cơ hội vàng để chứng minh điều này cho con cái qua cách chúng ta đối xử với vợ/chồng mình trong khi tranh cãi, giải quyết bất đồng. 

Tôi muốn các con tôi biết rằng ngay cả khi tôi buồn về chồng tôi thì tôi vẫn luôn yêu chồng. Dù có tranh cãi thế nào thì cốt lõi của vấn đề là phải có tình yêu trong đó. Con cái chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được điều này nếu chúng ta chưa bao giờ cho chúng nhìn thấy. Chúng phải thấy quá trình chúng ta giải quyết bất đồng hết lần này đến lần khác để chúng có thể hiểu một cách trọn vẹn về việc các cặp vợ chồng giải quyết xung đột và tha thứ nhau như thế nào. 

Là cha mẹ, đôi khi chúng ta có những bất đồng thuộc về phạm trù của người lớn mà trẻ con không nên biết. Do đó cần lưu ý điều này để nói chuyện khi chúng ta ở riêng với nhau. 

Xung đột là một phần của cuộc sống, đặc biệt là khi vợ chồng bạn đang ở trong thời kỳ nuôi dạy con cái. Con cái bạn cần có trải nghiệm về việc vợ chồng bạn giải quyết vấn đề qua những cuộc thảo luận lành mạnh với sự khiêm tốn, tôn trọng nhau và tất nhiên, sẵn lòng tha thứ, tiếp nhận nhau. Khi chúng ta bày tỏ cho chúng một cái nhìn chân thật, lành mạnh về quá trình giải quyết xung đột, chúng sẽ hình thành một hiểu biết tốt hơn về những gì cần có để có một cuộc hôn nhân bền vững.

 Hồng Nhung dịch
(Theo Ashley Willis)

Bài trướcYêu Bằng Lời Nói – 6/7/2020
Bài tiếp theoĐắk Nông: Bổ Nhiệm Quản Nhiệm HTTL Jun Yuh