Yêu Bằng Lời Nói – 6/7/2020

3520

 

Ê-phê-sô 4:29

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em; nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến.”

Câu hỏi suy ngẫm: Những đặc tính của lời nói yêu thương là gì? Đặc tính nào bạn cần phải trau dồi? Bạn áp dụng những đặc tính này vào sinh hoạt hằng ngày ra sao?

Lời nói rất quan trọng vì phản ánh những gì chất chứa trong lòng, và trong ngày phán xét, chúng ta phải khai trình với Chúa những điều hư không mình đã nói (Ma-thi-ơ 12:34-37). Tuy nhiên, lời nói lại rất dễ vấp phạm và cũng dễ gây vấp phạm cho người khác. Trước giả Thư Gia-cơ nói: “Chúng ta thảy đều vấp phạm nhiều cách lắm. Nếu có ai không vấp phạm trong lời nói mình, ấy là người trọn vẹn, hay hãm cầm cả mình” (Gia-cơ 3:2).

Là một tạo vật mới của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải có một tiêu chuẩn mới trong lời nói. Sứ đồ Phao-lô dạy: “Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em.” Trong nguyên nghĩa, từ dữ” là từ ngữ để chỉ trái cây hư thối hay cá ươn. Lời dữ là những lời nói xấu xa, tục tĩu, rủa sả, chế nhạo, hung dữ. Lời dữ cũng là lời nói làm tổn thương người khác. Là Cơ Đốc nhân, chúng ta hãy nuôi dưỡng tâm hồn mình bằng những lời đẹp đẽ tốt lành của Kinh Thánh và lấy đó làm tiêu chuẩn của lời nói chúng ta. Trong quyển sách viết lại những hồi ức khi hầu việc Chúa tại Wales, bà Bethan Lloyd-Jones kể về một người đàn ông ăn nói rất thô tục, báng bổ và bẩn thỉu đến nỗi những người thân quen nhất của ông cũng phải bỏ đi mỗi khi ông lên tiếng. Ngay sau khi tin Chúa, tuy nhận biết chửi thề là sai nhưng ông vẫn không thể bỏ được. Một lần khi ông nổi nóng với vợ và chửi thề thì Chúa lập tức để những lời chửi rủa đó vọng lại tai ông khiến ông nhận biết sự ô uế của môi miệng mình. Ông đã quỳ gối ăn năn, khóc lóc và xin Chúa cứu, từ đó ông kinh nghiệm sự biến đổi của Chúa và môi miệng không còn thốt ra những lời thô tục nữa.

Ngược lại với “lời dữ”“lời lành”. Và cho dù là “lời lành” thì cũng chỉ nên nói “khi đáng nói”, nghĩa là lời nói phải đúng thời điểm. “Hễ lắm lời, vi phạm nào có thiếu; Nhưng ai cầm giữ miệng mình là khôn ngoan” (Châm Ngôn 10:19). Đồng thời, cũng luôn ghi nhớ mục đích của lời nói phải là “giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến”, nghĩa là lời nói phải đem đến sự gây dựng, và giúp cho người nghe được tốt hơn.

Trong quyển Giải Nghĩa Thư Ê-phê-sô, Mục sư Charles R. Swindoll viết: “Không nên chú trọng lời nói vào việc tiêu khiển cho người khác, nhưng nên nói để soi sáng cho họ. Không nên nói để hạ người khác xuống nhưng nên nói để gây dựng họ… Nếu học sống theo quy tắc đơn giản này, chúng ta có thể cứu gia đình, bạn bè, và Hội Thánh của mình khỏi rất nhiều sự đau đớn”.

Bạn thường nói những lời lành hay lời dữ?

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhớ con là tạo vật mới của Đức Chúa Trời. Xin Chúa thánh hóa môi miệng con để lời nói con đẹp lòng Ngài, và đem đến sự gây dựng, nâng đỡ, và khích lệ anh chị em con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 1.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcĐắk Lắk: Hội Thánh Buôn Êbung – Bài Ca Hiệp Một
Bài tiếp theoCó Nên Tranh Cãi Trước Mặt Con?