Bài 103: Thế Nào Là Người Được Phước

3549

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Chúng ta đang lược khảo Thi Thiên 23. “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi; tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì.” Thi Thiên là những bài ca thánh của dân sự Đức Chúa Trời. Trong phần dẫn nhập về Thi Thiên, chúng ta biết rằng tác giả đôi khi nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời, đôi khi nói với Đức Chúa Trời về con người và nhiều khi nói với con người về Đức Chúa Trời. Nói cách khác, đôi khi họ ngợi khen Chúa, đôi khi họ cầu nguyện và nhiều khi họ rao giảng về Chúa. Trong phần dẫn nhập chúng ta đã biết rằng Thi Thiên có nhiều chủ đề khác nhau. Có những Thi Thiên nói về người được phước. Có Thi Thiên nói đến tâm trạng đau buồn, chán nản, tuyệt vọng của tác giả cũng như trình bày thế nào họ đã thoát ra khỏi tâm trạng nầy. Rồi cũng có Thi Thiên thờ phượng, qua những Thi Thiên nầy tác giả không những thờ phượng một mình những khuyến khích chúng ta thờ phượng và hướng dẫn chúng ta nên thờ phượng như thế nào. Bên cạnh đó, một số Thi Thiên mang tính chất tiên tri. Những tiên tri nầy nói trước về lần hiện đến thứ nhất và lần hiện đến thứ nhì của Chúa Giê-xu. Thông thường, Thi Thiên nói về người được phước là Thi Thiên rao giảng. Những Thi Thiên liên quan đến các cảm xúc đau buồn thường là Thi Thiên cầu nguyện và dĩ nhiên mọi Thi Thiên nói với Đức Chúa Trời về Đức Chúa Trời là Thi Thiên thờ phượng.

Thi Thiên 23 là một trong những Thi Thiên giảng dạy về người được phước. Thi Thiên 23 có thể được xem là những lời tâm tình của một con chiên. Chúng ta hãy tưởng tượng có một con chiên nhỏ nhìn qua rào trông thấy những con chiên bên ngoài chuồng đang ốm yếu. Nó nói với con chiên đói rách đó rằng, “Chúa là Đấng chăn giữ tôi.”

Những Thi Thiên nói về người được phước không chỉ nói đến các phước hạnh nhưng cũng nói đến bí quyết của những phước hạnh đó. Những phước hạnh nầy không phải là tình cờ, không phải là trùng hợp, không phải là ngẫu nhiên. Bí quyết của mọi phước hạnh nằm ở câu “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.”

Trong phần mở đầu, Đa-vít cho biết rằng Đức Chúa Trời là một thân vị, Đa-vít có mối liên hệ cá nhân với Ngài. Cựu Ước khẳng định rằng Đức Chúa Trời là thân vị qua một câu rất ý nghĩa, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.” Tân Ước cho biết Đức Chúa Trời là một thân vị và mối liên hệ giữa chúng ta với Ngài là mối liên hệ Cha – con. Chúa Giê-xu dạy chúng ta thưa với Đức Chúa Trời là “Cha của chúng tôi.” Cũng trong Tân Ước, một trong những dấu hiệu khi chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh đó là chúng ta thưa với Chúa, “Aba, lạy Cha.” Theo nguyên ngữ thì chữ Aba là từ dùng để gọi người Cha rất thân mật. Chúng ta có thể có mối liên hệ rất gần gũi với Chúa đến nỗi chúng ta gọi Đức Chúa Trời là Cha của mình. Những hình ảnh về Đấng chăn chiên hay hình ảnh về người Cha cho biết rằng Đức Chúa Trời là một thân vị và Ngài mong muốn có mối liên hệ với chúng ta.

Câu mở đầu, “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi” là câu chìa khóa cho cả Thi Thiên 23 vì nó làm nền tảng cho tất cả các lẽ thật và ý nghĩa của cả Thi Thiên. Chẵng hạn sau lời mở đầu, Thi Thiên 23 ghi, “Ngài dẫn tôi đến mé nước bình tịnh,” điều này không chỉ có nghĩa là sự bình lặng và thanh tịnh. Con chiên không thể nào uống nước trừ khi mặt nước phải phẳng lặng như tờ, nếu mặt nước có chút nhấp nhô thì nó sẽ lên mũi của chiên. Do đó, Đấng chăn chiên dẫn chiên đến mé nước bình tịnh có nghĩa là Chúa dẫn chúng ta đến một chỗ thích hợp với mình. Có bao giờ bạn kinh nghiệm về việc Chúa khiến mình nằm xuống bởi một cơn bệnh chẳng hạn mà ngay lúc đó bạn cho rằng nó là một tai họa, nhưng sau đó thì mới khám phá rằng Ngài khiến bạn nằm xuống trên đồng cỏ xanh để dẫn bạn đến mé nước thích hợp?

Có một Mục sư vì bệnh nên phải từ chức ở một Hội Thánh lớn. Theo lẽ thường thì ông nghĩ rằng việc đó là một tai họa trong chức vụ. Ông muốn xem xét một số lời mời từ những Hội Thánh khác cũng khá lớn, nhưng trước hết ông phải đi khám để tìm xem vì sao mình lại mắc bệnh. Trong quá trình thử nghiệm, ông bị nhức đầu dữ dội suốt 10 tuần lễ. Nhức đầu đến nỗi ông không sao nhấc đầu lên khỏi gối vì chỉ khi vừa nhổm dậy thì ông có cảm giác như mình bị đứt mạch máu não. Do đó ông phải nằm xuống trở lại. Suốt 10 tuần đó ông không thể làm ứng viên của những Hội Thánh mà ông rất muốn tìm hiểu. Sau đó ông được hỏi là liệu ông vui lòng làm việc với một Hội Thánh mới ở một thị trấn nhỏ. Vì ông và vợ đã có ý định mở Hội Thánh tại thị trấn đó nên họ liền chấp nhận đề nghị nầy. Một năm sau, các Trưỡng lão của Hội Thánh khuyên ông nên đi bệnh viện chuyên khoa để thử nghiệm thêm. Bác sĩ cho biết ông lâm vào tình trạng kiệt quệ vì làm việc quá sức. Sau ba tuần rưỡi làm những xét nghiệm tại bệnh viện, dựa trên kết quả, các bác sĩ nói với ông rằng, “Ông không thể chịu đựng nỗi nhiều căng thẳng, ông nên giảm bớt công việc và làm tốt hơn. Ông nên về một thị trấn nhỏ để quản nhiệm một Hội Thánh nhỏ.” Sau khi họ mô tả những gì ông nên làm thì ông nói, “Thưa bác sĩ, tôi đã về một Hội Thánh như vậy được một năm rồi. Chúa đã khiến tôi nằm xuống và dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài đã dẫn tôi đến một nơi thích hợp cho tôi.” Bạn đã từng kinh nghiệm điều tương tự như vậy không? Đó là ý nghĩa của câu “Ngài dẫn tôi đến mé nước bình tịnh.”

Một điểm khác liên quan đến chiên đó là nó không tự lo cho mình được. Nếu không có người chăn thì chiên không tự làm được điều gì. Khi một con chiên cái sinh con thì nó nằm nghiêng trên lưng mình, nếu vì một lý do nào đó mà nó bị lăn qua thì bốn chân sẽ bị đưa lên không, không thể nào tự quay trở lại. Nó chỉ nằm đó và kêu “be be”. Những con chiên khác chạy đến, đứng quanh và cũng không làm gì khác hơn là kêu “be be.” Nếu người chăn không nghe được hoặc không thấy được thì sau khoảng ba hoặc bốn tiếng, chiên cái sẽ dần dần chết đi. Trường hợp nầy được gọi là chiên bị ngã. Khi người chăn đỡ chiên trở về vị trí nằm trên lưng của nó thì nó sẽ được an toàn. Có bao giờ bạn cảm thấy dường như mình bị “ngã” không? Có bao giờ bạn có cảm tưởng rằng mình giống như một con chiên đang bị ngã, bốn chân đưa lên không và chẳng làm gì khác hơn là kêu “be be”? Khi ở trong một tình trạng như vậy, bạn phải cầu nguyện, “Lạy Chúa, xin đỡ con dậy, nếu Ngài không giúp con thì con không còn có hy vọng gì nữa cả.” Đây chính là ý nghĩa của chữ “cứu rỗi.” Chữ nầy có cùng nghĩa với chữ “giải cứu.” Nói cách khác, lời cầu nguyện chúng ta dâng lên Chúa sẽ là, “Lạy Chúa, xin hãy đến và cứu con vì nếu Ngài không cứu con, con không thể tự cứu mình được.” Lời cầu nguyện này xuất phát từ hình ảnh của người chăn nâng đỡ chiên mình sau khi bị ngã.

Điều quan trọng là cần hiểu những gì mà Thi Thiên 23 muốn nói. Dựa vào Thi Thiên này, chúng ta tự hỏi những câu hỏi sau đây: Có phải tôi là người được phước như Thi Thiên 1 đã mô tả không? Bạn có những ngày đáng ghi nhớ trong đời sống thuộc linh không? Bạn có nhớ lúc nào Chúa đã đến với đời sống bạn và khiến bạn nằm xuống không? Bạn còn nhớ vào lúc nào Chúa trở nên Đấng chăn giữ và bạn trở nên chiên của Ngài không? Có khi nào Bạn đã được Chúa khôi phục lại sau khi bị ngã quỵ không?

Một điều rất có ý nghĩa là chúng ta có thể sống với tinh thần thờ phượng trong lòng khi suy gẫm về Thi Thiên 23. Cách đây nhiều năm, một người nói rằng, “Học thuộc lòng Thi Thiên 23 và đọc trở lại ít nhất mỗi lần 3 tháng sẽ thay đỗi đời sống quý vị.” Mục sư Dick Woodward cho biết có 3 phân đoạn trong Kinh Thánh rất quan trọng đối với ông. Một trong 3 phân đoạn nầy là Thi Thiên 23, phận đoạn thứ nhì là bài cầu nguyện chung mà Chúa Giê-xu đã dạy và cuối cùng là đoạn 3 sách Phi-líp. Ông đã sống với 3 phân đoạn nầy. Ông học thuộc lòng và trong những đêm mất ngủ, thay vì đếm sao theo cách mà người ta khuyên những người mất ngủ nên làm, thì ông hình dung mình là một con chiên và thờ phượng Chúa khi suy gẩm trở lại toàn bộ Thi Thiên 23. Bởi ơn của Đức Chúa Trời mà Ngài là Đấng chăn giữ, ông thầm nguyện, “Lạy Cha, con cảm ơn Cha là Đấng chăn giữ con. Con cám ơn Cha vì Ngài đã khiến con an nghỉ. Cám ơn Cha vì Ngài đã dẫn con đến mé nước bình tịnh, một nơi thích hợp cho con. Con cám ơn Cha đã khôi phục lại tâm linh con bằng cách chỉ cho con những lối công bình để bước đi trong đó. Cám ơn Cha vì con được an ủi khi biết rằng Ngài bảo vệ con bởi cây gậy của Ngài, còn cây trượng của Ngài thì dẫn dắt con. Con cám ơn Cha vì giữa mọi khó khăn, Ngài ban cho con lòng vững tin vì biết rằng Ngài dọn bàn cho con và dự liệu cho con mọi sự. Cám ơn Cha về tinh thần lạc quan, không những hôm nay, nhưng cũng cho ngày mai, cả cuộc sống của con và vĩnh viễn trong cõi đời đời. Cám ơn Chúa về lòng tin quyết rằng từng ngày một trong đời sống của con được tràn đầy bởi những điều tốt lành vì Ngài là Đấng chăn giữ con. Cám ơn Cha vì phước hạnh và sự thương xót sẽ theo con từ nay và cho đến muôn đời. Cám ơn Cha vì bởi ân sủng của Ngài mà con có hy vọng rằng rồi đây con sẽ được ở với Ngài trong cõi đời đời.”

Có bao giờ bạn thờ phượng Chúa xuyên suốt Thi Thiên 23 bằng cách cám ơn Ngài về tất cả phước hạnh tuyệt vời được mô tả trong đó không?

Lần đến chúng ta sẽ học Thi Thiên nói về người được phước. Nó là một khuôn mẫu cho các Thi Thiên khác có cùng chủ đề trên. Xin chúng ta cùng mở ra Thi Thiên 23 và học thuộc lòng Thi Thiên nầy. Đây là một Thi Thiên hết sức quí báu và có ý nghĩa cho đời sống chúng ta. Suy gẫm về Thi Thiên nầy không những chỉ từ đầu óc mà còn từ tấm lòng rằng “Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi.”

Bài trướcHiệp Nguyện Giáo Phẩm Và Chấp Sự Tp. Cần Thơ Tháng 01/2019
Bài tiếp theoBài 102: Chúa Giê-Xu Sống Lại Và Truyền Ban Mạng Lịnh Lớn.