Bài 94: Lời Dự Ngôn Của Chúa Giê-Xu.

6237

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

MA-THI-Ơ 24:1-13

  Ma-thi-ơ 24 và 25 được xem như Bài Giảng trên núi Ô-li-ve. Đây là bài giảng chính yếu sau cùng trong sách Tin lành Ma-thi-ơ. Ba bài giảng trong sách này là:

  1. Sự thành lập nước trời (Bài Giảng Trên Núi)

 – Ma-thi-ơ 5-7, nói về nền đạo đức của Nước Trời.

  1. Sự hiện hành nước Trời (Bài giảng bằng ẩn dụ đầy huyền nhiệm)

   – Ma-thi-ơ 13: Công bố rõ ràng về tình trạng thực tại của Nước Trời.

  1. Kết luận về nước Trời (Bài giảng trên núi Ô-li-ve)

   – Ma-thi-ơ 24-25: nói về tương lai của Nước Trời.

  Sở dĩ đây được gọi là những bài giảng chính yếu, bởi vì phạm vi rộng lớn, nội dung và mục tiêu quan trọng của chúng.

CHÚA GIÊ-XU BÁO TRƯỚC VỀ SỰ HỦY PHÁ THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

          Sau khi Chúa Giê-xu đã mạnh mẽ lên án những người lãnh đạo tôn giáo, Ngài đã quay lưng lại với Giê-ru-sa-lem, và báo cho họ biết rằng nhà của họ (tức đền thờ) sẽ bị bỏ hoang.

          Ma-thi-ơ 24:1 Khi Đức Chúa Jêsus ra khỏi đền thờ, đương đi, thì môn đồ đến gần để chỉ cho Ngài xem các nhà thuộc về đền thờ.

          Chúa Giê-xu vừa phán với họ rằng, vương quốc của Ngài sẽ bị đình hoãn lại và đền thờ sẽ bị bỏ hoang – Vào thời bấy giờ đền thờ được xây từ nhiều tòa nhà lớn, ngôi đền thờ đang được xây bởi vua Hê-rốt và việc xây cất lúc ấy vẫn còn đang tiến hành. Đền thờ được xây bằng đá cẩm thạch trắng, rất rộng lớn và rất đẹp – Vì thế các môn đồ đang phân vân và thắc mắc về lời phán của Chúa rằng đền thờ này sẽ bị bỏ cho hoang vu. Thế nên họ đến cùng Ngài để chỉ cho Ngài xem các tòa nhà của đền thờ.

          Ma-thi-ơ 24:2 Ngài phán rằng: Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng? Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống.

          “Các ngươi có thấy mọi điều đó chăng?” Các môn đồ nghĩ rằng họ đã thấy rõ nên họ xin Ngài hãy nhìn xem, thế nên Ngài hỏi lại họ: “Các ngươi có thật sự thấy nó chăng?” Trong thời đại ngày nay, đây quả là một câu hỏi khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta có thật sự thấy thế giới chung quanh chúng ta chăng?

          Các bạn thân mến, mọi công trình tuyệt tác của loài người trên đất chỉ nhằm để đề cao, tôn vinh con người nhưng không nhường sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời, thậm chí còn nhạo báng Ngài thì ắt hẳn sẽ bị Ngài đoán phạt. Tháp Ba-bên một thời trong Cựu ước đã minh chứng cho sự phạm thượng của loài người và đã bị Đức Chúa Trời hủy phá (xem Sáng-thế ký 11). Cũng thế, Giê-ru-sa-lem và đền thờ của nó tỏ ra sự ngạo mạn của dân Y-sơ-ra-ên, họ không nhận biết và tôn vinh Con của Đức Chúa Trời đang hiện diện đầy vinh quang giữa họ, vì thế nó cũng sẽ bị bỏ hoang.

          Các bạn thân mến, mọi sự trên đất này rồi sẽ qua đi: các trung tâm văn hóa, các trường học đồ sộ, những ngôi nhà chọc trời uy nghi, các thành phố tráng lệ mà chúng ta đã từng biết, rồi một ngày nào đó cũng sẽ qua đi. Điều này nghe dường như khó có thể xảy ra và đó chính là điều mà các môn đồ đang suy nghĩ lúc bấy giờ.

          Chúa Giê-xu tiếp tục phán rằng:“rồi đây sẽ chẳng còn một hòn đá nào chồng trên một hòn đá nào mà không bị đổ xuống” Nếu lời tuyên bố thứ nhất của Ngài khiến họ sửng sốt, thì lời tuyên bố thứ hai khiến họ bị đau đớn vô cùng.

     Nhiều năm trước đây đoàn du lịch đến thăm viếng bức tường than khóc ở Giê-ru-sa-lem. Người trưởng đoàn du lịch ấy cố làm cho chúng tôi lưu ý về cách những viên đá của bức tường bị mòn dần đi. Bởi vì có rất nhiều người đến đây than khóc qua nhiều năm tháng. Lịch sử cho chúng ta biết rằng bức tường được xây bằng những tảng đá của từ những tòa nhà khác nhau qua nhiều thời kỳ khác nhau. Một cái tháp của đền thờ nằm đúng vào vị trí góc của khu vực đền thờ cổ. Nhiều cuộc khai quật mới đây cho biết rằng nó đúng là cái tháp của đền thờ đã được xây bằng nhiều loại đá khác nhau trải qua nhiều thời kỳ. Sự kiện này đã nói lên điều gì? Các bạn thân mến, điều này nói lên rằng, không một hòn đá nào chồng lên một hòn khác mà không bị đổ xuống – Sau này các người thợ xây dựng phải đi nhặt nhiều hòn đá từ những địa điểm khác nhau để xây lại cái tháp đó của đền thờ, bởi vì vào năm 70 Sau Công Nguyên, hoàng đế Titus của La-mã đã thật sự tiêu hủy thành Giê-ru-sa-lem này.

          Mặc dầu ngày nay đối với chúng ta, điều này chỉ là một sự kiện lịch sử xa xưa, nhưng đối với các môn đồ thời bấy giờ đó lại là một khải thị rất đổi kinh ngạc. Tôi chắc rằng, họ đã bàn tán rất nhiều về điều ấy, rồi sau đó đến với Ngài và đưa ra ba câu hỏi:

          Ma-thi-ơ 24:3 Ngài đương ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.

          (1)- “Khi nào những sự đó sẽ xảy ra?” – Khi không còn một hòn đá nào nằm chồng trên một hòn đá khác.

          (2)-“Có điềm gì chỉ về sự Chúa đến?” – Câu trả lời cho câu hỏi này được tìm thấy trong các câu 23-51 của đoạn 24 này.

          (3)-“Có điềm gì chỉ về ngày tận thế?” – Câu trả lời cho câu hỏi này được tìm thấy trong các câu 9-22.

          Chúa Giê-xu sắp sửa trả lời ba câu hỏi ấy, và chúng ta gọi các câu trả lời của Ngài là BÀI GIẢNG TRÊN NÚI Ô-LI-VE bởi vì nó đã xảy ra trên núi Ô-li-ve.

   CHÚA GIÊ-XU TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI CỦA MÔN ĐỒ

          Câu hỏi thứ nhất: “Khi nào những sự đó sẽ xảy ra?” – Khi không còn một hòn đá nào nằm chồng trên một hòn đá khác. Điều này không được giải đáp trong Tin lành Ma-thi-ơ, nhưng chúng ta sẽ tìm thấy sự giải đáp đó trong Tin lành Lu-ca và trong Tin lành Mác. Tại sao sự giải đáp này không được bao hàm trong Tin lành Ma-thi-ơ? Bởi vì Tin lành Ma-thi-ơ là Tin lành nói về Vương quốc nước trời, chủ yếu giới thiệu về vị Vua. Sự phá hủy thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 Sau Công Nguyên, điều này liên hệ với thời đại mà chúng ta hiện nay đang sống, nhưng nó chẳng có gì liên quan đến thời đại tương lai xa vào lúc mà Chúa Giê-xu trở lại. Bởi vậy, Ma-thi-ơ đã không đặt nó là một phần nằm trong BÀI GIẢNG TRÊN NÚI Ô-LI-VE.

          Bây giờ chúng ta hãy lắng nghe câu trả lời của Chúa cho câu hỏi thứ nhất này, được ký thuật trong Tin lành Lu-ca 21:20-24

  20 Vả, khi các ngươi sẽ thấy quân lính vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết sự tàn phá thành ấy gần đến. 21 Lúc đó, ai ở trong xứ Giu-đê hãy trốn lên núi; ai ở trong thành phải đi ra ngoài, ai ở ngoài đồng đừng trở vào thành. 22 Vì những ngày đó là ngày báo thù, hầu cho mọi lời đã chép được ứng nghiệm. 23 Trong những ngày ấy, khốn cho đờn bà có thai, và đờn bà cho con bú! Vì sẽ có tại nạn lớn trong xứ, và cơn thạnh nộ nghịch cùng dân nầy. 24 Họ sẽ bị ngã dưới lưỡi gươm, sẽ bị đem đi làm phu tù giữa các dân ngoại, thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị dân ngoại giày đạp, cho đến chừng nào các kỳ dân ngoại được trọn.

          Chẳng nghi ngờ gì nữa, Chúa Giê-xu phán điều này, và những người nghe này còn hiện diện vào năm 70 Sau Công Nguyên, khi quân đội La-mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem, công hảm nó, cắt đứt Giê-ru-sa-lem khỏi thế giới bên ngoài, sau đó chọc thủng bức tường thành và đột nhập vào trong. Những gì mà người La-mã làm rất là kinh khủng. Đây là sự tàn phá tệ hại nhất trong lịch sử Giê-ru-sa-lem, tàn khốc hơn cả sự tàn phá mà Vua Nê-bu-cát-nêt-sa đã thực hiện trước đó hơn sáu thế kỷ. Khi người La-mã tàn phá Giê-ru-sa-lem vào năm 70 Sau Công Nguyên, thì phần đầu tiên của BÀI GIẢNG TRÊN NÚI Ô-LI-VE đã được ứng nghiệm trọn vẹn.

          Câu hỏi tiếp theo của các môn đồ: Sẽ có điều gì để chỉ về sự trở lại và điềm gì về ngày tận thế?

          Chúa Giê-xu sẽ trả lời các câu hỏi đó của các môn đồ theo trình tự thời gian và trong một thứ tự hợp lý. Ngài sẽ trả lời câu hỏi sau cùng của họ trước rồi mới trả lời câu hỏi thứ nhất sau. Điều đầu tiên mà Chúa đề cập đến là dấu lạ báo về thời kỳ tận thế, nói chính xác hơn là sự cuối cùng của thời đại đó. Thế giới sẽ chẳng bao giờ có sự kết thúc. Thế giới cũ sẽ qua đi và một thế giới mới sẽ được thế chỗ vào. Điều này chẳng khác chi việc bán đi chiếc xe hơi cũ rồi bù tiền vào mua lại một chiếc xe hơi mới khác. Các bạn chớ có nói rằng: “Đối với tôi, thế là kết thúc thời đại của chiếc xe hơi đó. Cũng một thể ấy, Chúa sẽ đổi thế giới cũ để thay một thế giới mới khác tốt đẹp hơn. Thế giới sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Nhưng nó sẽ có sự kết thúc một thời kỳ, và đó chính là từ ngữ mà các môn đồ sử dụng trong các câu hỏi của họ đối với Chúa Giê-xu.

          Trong Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve khi Chúa Giê-xu nói về sự hiện đến của Ngài, Ngài muốn liên hệ đến việc Ngài trở lại trên trái đất này đặng thiết lập vương quốc của Ngài. Hội Thánh chẳng được đề cập gì trong bức tranh này cả. Thật ra, trước khi kết thúc thời kỳ nầy thì Hội Thánh đã được cất lên rồi và đó sẽ là những ngày sau cùng của quốc gia Y-sơ-ra-ên. Ngài đang nói đến thời kỳ đại nạn và Ngài đặt đề mục này trong bài giảng.

 

   CHÚA GIÊ-XU VẠCH RA CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA THỜI KỲ NÀY

          Ma-thi-ơ 24:4 Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi.

          Câu “hãy giữ, kẻo có kẻ dỗ dành các ngươi” là đặc điểm của toàn thể thời kỳ này. Chúa chúng ta đưa ra lời cảnh báo này bởi vì sẽ có nhiều sự lừa dối, đặc biệt trong suốt thời kỳ đại nạn lúc mà An-ti-christ sẽ xuất hiện. Phi-e-rơ cảnh báo chúng ta trong II Phi-e-rơ 2:1, “Dầu vậy, trong dân chúng cũng đã có tiên tri giả, và cũng sẽ có các giáo sứ giả trong anh em; họ sẽ truyền ra những đạo dối làm hại, chối Chúa đã cứu chuộc mình, tự mình chuốc lấy sự hủy phá thình lình” Trong thời đại ngày nay, chúng ta không phải lo lắng về các tiên tri giả, bởi lẽ bất kỳ ai khởi sự nói tiên tri, chúng ta là những cơ-đốc-nhân sẽ có thể biết ngay đó là tiên tri giả, vì các tiên tri không được dùng trong giai đoạn này. Tuy vậy, chúng ta phải coi chừng các giáo sư giả, chúng có rất nhiều ở xung quanh chúng ta. Muốn nhận biết những giáo sư giả đó chúng ta phải dùng đến Kinh Thánh để thử nghiệm họ.

          Các bạn thân mến, chúng ta cần phải coi chừng sự giảng dạy sai lạc đó, mà nó hiện có rất nhiều ở xung quanh chúng ta. Bởi vậy Chúa chúng ta đã cảnh báo rằng: “Hãy giữ kẻo có kẻ lừa dối các ngươi ”

           Ma-thi-ơ 24:5 Vì nhiều người sẽ mạo danh ta đến mà nói rằng: Ta là Đấng Christ; và sẽ dỗ dành nhiều người.

          Gần đến giai đoạn kết thúc của thời kỳ đó, sẽ có nhiều kẻ tuyên bố rằng chính họ là Đấng Christ. Ngày nay, chúng ta cũng đang thấy những kẻ đó hiện diện trong chúng ta. Trước đây có một người đã công bố dựng nên một “thành thánh” và có thể giải quyết các nan đề của thế giới. Tôi xin cam đoan với các bạn rằng, chẳng có “thành thánh” nào trên trái đất này cả, nhưng một ngày nào đó Chúa chúng ta sẽ từ Ngôi Chí Thánh của Ngài ở trên Thiên đàng trở lại trái đất này và Ngài sẽ giải quyết mọi nan đề. Chúng ta cũng nên nhớ rằng, cho dù ngày nay có rất nhiều an-ti christ, nhưng đến khi kết thúc thời kỳ đó thì sẽ chỉ có một An-ti christ, kẻ thù nghịch cùng Đấng Christ và chính hắn sẽ lập lên quyền hành duy nhất đó.

          Tôi tin rằng Chúa chúng ta đang ngồi trên núi Ô-li-ve đó, nhìn xuống đến kỳ chung kết của thời đại và thấy rõ thời kỳ đại nạn, nhưng ấy là phần mở đầu bài giảng của Ngài. Ngài nối kết khoảng trống của giai đoạn chuyển tiếp này bằng cách cho chúng ta thấy hình ảnh thời kỳ của Hội Thánh.

          Ma-thi-ơ 24:6 Các ngươi sẽ nghe nói về giặc và tiếng đồn về giặc: hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến; song chưa là cuối cùng đâu.

          Chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh, bằng bất cứ cách nào đi nữa thì cũng không phải là dấu hiệu tỏ ra rằng chúng ta đang ở vào cuối của thời kỳ đó. Chúa chúng ta đang nối kết khoảng trống của gian đoạn kể từ thời kỳ các môn đồ đang sống cho đến thời kỳ cuối cùng của thời đại ấy.

          Khi nghe thấy các cuộc chiến tranh lớn, chúng ta rất dễ nghĩ rằng ấy là dấu hiệu tỏ ra kỳ cuối cùng của thời đại ấy. Nhưng thật ra thì chúng không phải như vậy. Trong mấy ngàn năm qua đã có rất nhiều cuộc chiến tranh lớn lao và chỉ có khoảng hai trăm năm hòa bình. Trước đây, khi đến giai đoạn kết thúc của thế chiến lần thứ nhất, nhiều cuốn sách được ấn hành cho rằng đấy sẽ là thời kỳ tận thế. Thế chiến lần thứ nhất tạo nên loại suy nghĩ nói trên. Nhưng sau cuộc chiến tranh đó, chúng ta lại chứng kiến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Rồi đến thế chiến lần thứ hai, bom nguyên tử nổ. Nhân loại trong thời kỳ đó cũng cho rằng, ấy là sắp đến thời kỳ tận thế. Nhưng tất cả đều đã sai với loại suy nghĩ như vậy.

          Kể từ thế chiến thứ hai đến nay, chúng ta cũng đã trải qua một thời kỳ khá dài, nhưng sự cuối cùng của thế giới này vẫn chưa xảy đến. Chúng ta hãy lắng nghe Chúa, và đừng lắng nghe các giáo sư giả. Chúng ta sẽ nghe về chiến tranh và tiếng đồn về chiến tranh, nhưng chúng ta đừng nên bối rối vì tất cả những điều ấy phải đến, nhưng vẫn chưa phải là kỳ cuối cùng của thời đại. Các bạn thân mến, chúng ta nên ghi nhớ trong tâm trí rằng nhân loại sẽ chẳng bao giờ giải quyết được vấn nạn chiến tranh. Hội Quốc Liên đã không thể giải quyết được nan đề này và rồi Liên Hiệp Quốc cũng sẽ không thể nào giải quyết nó được. Thế giới sẽ chẳng có hòa bình mãi đến khi nào Hoàng Tử Hòa Bình trở lại.

          Ma-thi-ơ 24:7-8

7 Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. 8 Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại.

          Những điều này là các đặc điểm của toàn thể thời đại, thế nên đó không phải là các dấu báo hiệu kết thúc thời đại, “nhưng sự cuối cùng vẫn chưa đến” (câu 6). Các Christ giả, tiếng đồn về chiến tranh, đói kém, dịch lệ và động đất nêu lên các đặc tính cho toàn thể thời đại của Hội Thánh, nhưng chúng sẽ trở nên mãnh liệt hơn, nhiều hơn khi gần đến phần kết thúc của thời đại ấy. Ngay lúc này đây, sự gia tăng dân số trên thế giới đang gây nên sự khủng hoảng. Hàng ngàn người, hàng triệu triệu người trên thế giới đang rơi vào cảnh chết đói, và tình trạng này rồi sẽ tăng lên nữa. Con ngựa ô của nạn đói kém vẫn chưa thấy xuất hiện (Khải huyền 6:5-6), thế nên đến cuối cùng của thời đại thì con ngựa đói kém và kẻ cỡi ngựa sẽ đến. Tất cả những gì mà chúng ta đang chứng kiến ngày nay chỉ là sự mở đầu của sự đau buồn.

          Câu kế tiếp sẽ mở đầu cho chúng ta với từ ngữ thời gian.

  SỰ KHỞI ĐẦU CỦA CƠN HOẠN NẠN VÀ CÁC DẤU HIỆU CỦA NÓ

          Bây giờ, Chúa Giê-xu bắt đầu nói về thời gian của cơn đại nạn. Các bạn và tôi đang sống trong “thời đại Hội Thánh” hay “thời đại của Đức Thánh Linh” mà một số người thích nói về các điều đó. Kinh Thánh phân chia thế gian này ra làm ba nhóm người: người Do Thái, người dân ngoại, và Hội Thánh Chúa (xem I Cô-rinh-tô 10:32). Trong thời đại này, Đức Chúa Trời đang gọi ra một dân tộc cho danh Ngài phát xuất từ hai nhóm người Do Thái và dân ngoại, để cùng hòa nhập vào trong nhóm thứ ba là Hội Thánh. Chính nhóm thứ ba này sẽ được cất lên khỏi thế gian vào thời điểm Chúa Giê-xu hiện ra trên không trung, rồi thì cơn đại nạn sẽ khởi đầu, tôi tin rằng câu 9 nói đến sự khởi đầu này.

           Ma-thi-ơ 24:9 Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn và giết đi; các ngươi sẽ bị mọi dân ghen ghét vì danh ta.

          “Bấy giờ, người ta sẽ nộp các ngươi trong sự hoạn nạn” Ai là “các ngươi” được nói trong câu này? Rõ ràng, Chúa không có ý diễn tả về người trong Hội Thánh mà chỉ nói đến dân tộc Y-sơ-ra-ên (dân Do-thái). Sự hoạn nạn mà Ngài đang nói đến ấy là chủ nghĩa bài Do Thái trên phạm vi toàn cầu.

          Về điểm này, tôi xin được nêu ra một sự kiện quan trọng cho các Cơ-đốc-nhân trong thời đại ngày nay. Mãi cho đến khi nào mà Hội Thánh chân thật còn hiện diện trên thế giới này, thì sẽ không thể nào có được chủ nghĩa bài Do Thái, bởi vì Hội Thánh sẽ kháng cự lại chủ nghĩa đó. Không một tín hữu cơ-đốc chân chính nào trong Cứu Chúa Giê-xu lại có thể ghét bỏ người Do Thái, đó là điều không thể có được. Theo cảm nghĩ của riêng tôi thì chính những giáo phái tân tự do kia trong Hội Thánh mới là kẻ đại diện cho mặt trận giả trá đó nhằm chống lại người Do Thái. Cho đến chừng nào mà Hội Thánh chân chính của Chúa còn hiện diện giữa thế gian này thì sẽ không bao giờ có chủ nghĩa bài Do Thái trên toàn cầu được, nhưng chủ nghĩa này sẽ bùng nổ khi Hội Thánh đã được cất lên.

          Ma-thi-ơ 24:10-11

10 Khi ấy cũng có nhiều kẻ sẽ sa vào chước cám dỗ, phản nghịch nhau, và ghen ghét nhau. 11 Nhiều tiên tri giả sẽ nổi lên và dỗ dành lắm kẻ.

          Như chúng ta đã xem xét trước đây, Hội Thánh được cảnh báo hãy chống trả với các giáo sư giả, còn Y-sơ-ra-ên thì được cảnh báo chống lại các tiên tri giả. Thế nên ở đây, sau khi Hội Thánh Chúa đã được cất lên, thì một lần nữa sự cảnh báo về tiên tri giả cũng được đề cập đến.

          Ma-thi-ơ 24:12 Lại vì cớ tội ác sẽ thêm nhiều thì lòng yêu mến của phần nhiều người sẽ nguội lần.

          Đây cũng chính là một nguyên tắc trong nhiều nguyên tắc của Bài Giảng Trên Núi Ô-li-ve mà chúng ta có thể áp dụng cho thời đại ngày nay. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều con cái, tôi tớ Chúa đã trở nên nản lòng trong cuộc chiến chống lại tội ác đang xâm nhập vào trong Hội Thánh ngày càng nhiều hơn. Người ta sống buông thả theo sự ham muốn giống hệt những người thế gian tội lỗi, và những chiến sĩ thập tự lại dễ dàng rời xa trận chiến thuộc linh. Khi tội ác gia tăng nhiều thì lòng yêu mến trong nhiều người sẽ nguội dần. Bởi vậy, điều này sẽ trở nên thực hữu hơn nữa vào kỳ cuối cùng của thời đại.

          Câu Kinh Thánh tiếp theo đây sẽ làm cho nhiều người phải giật mình. Ma-thi-ơ 24:13 Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng, thì sẽ được cứu.

          Câu hỏi được đặt ra là: ai sẽ là người bền chí cho đến cùng? Vâng, khi tôi nghiên cứu về sách Khải huyền, tôi nhận thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ ngăn chận mọi sức mạnh thiên nhiên, ngăn chận mọi điều ác, thậm chí cả điều thiện trong khi đó Ngài ấn dấu cho một số đông người nhất định. Như thế ai sẽ là người bền chí cho đến cuối cùng? Dĩ nhiên, đó sẽ những ai mà Chúa đã đóng ấn vào lúc ban đầu. Đấng Chăn Chiên Hiền Lành của mọi thời đại, sẽ đem theo chiên của Ngài cho đến lúc cuối cùng. Lúc đầu khởi sự với một trăm con chiên thì cuối cùng Ngài cũng mang theo đủ một trăm con chiên.

          Cũng có lúc, một người nào đó hỏi tôi rằng: “Chớ cái ông gì gì đó hoạt động rất tích cực trong Hội Thánh, nhưng sau đó lại đi vào con đường tội lỗi. Vậy ông ấy sẽ được cứu không?” Tôi chỉ có thể đáp rằng, tôi không biết. Chúng ta cần phải chờ đợi để biết điều gì sẽ xảy ra. Tôi cũng thường bảo với mọi người rằng, loài heo rồi cuối cùng cũng kết thúc cuộc sống của chúng ở chuồng heo, còn những đứa con trai hoang đàng rồi cuối cùng sẽ tìm thấy đường trở lại với nhà Cha. Thật là lầm lẫn, nếu đi tìm đứa con trai hoang đàng trong chuồng heo và ngược lại đi tìm con heo nơi nhà Cha. Phi-e-rơ có nói: “Heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.” (II Phi-e-rơ 2:22).

          “Nhưng kẻ nào bền chí cho đến cuối cùng thì sẽ được cứu.” Các bạn sẽ phải chờ xem rồi mới biết. Thỉnh thoảng cũng có đứa con trai hoang đàng, tức là một Cơ-đốc-nhân, lại đi trong đường sai lệch xa cách nhà Chúa, nhưng bởi vì nó là con, nên một ngày nào đó sẽ bước ra khỏi con đường sa đọa. Tại sao vậy? Bởi vì con trai ấy có một Đấng Chăn Chiên tuyệt vời dẫn dắt nó, thế thì cuối cùng “con trai ấy sẽ được cứu.”

     Các bạn thân mến, Chúa Giê-xu nói trước về những dấu hiệu xảy ra trong thời kỳ cuối cùng, tôi mong ước rằng các bạn bền tâm giữ lòng tin của mình cho đến khi Ngài Chúa Giê-xu hiện ra cất Hội Thánh lên.

Bài trướcHiệp Nguyện Giáo Phẩm – Chấp Sự Tp. Đà Nẵng
Bài tiếp theoCầu Thay Trong Tình Yêu – 5/6/2018