Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 4)

3216

♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 1)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 2)
♦ Sách: Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Khó Khăn (phần 3)

 

THỜI KỲ THỬ NGHIỆM ĐỨC TIN

CÓ NGƯỜI ĐÃ ĐỊNH NGHĨA “đức tin” theo những chữ đầu của từ FAITH, “Từ Bỏ Tất Cả Tôi Tin Cậy Ngài” ( Forsaking All I Trust Him.) Rõ ràng điều này cũng mô tả điều Ê-li đã làm trong những câu chuyện về ông được ký thuật trong I Các Vua 17. Ông đã từ bỏ tất cả để tin cậy Chúa. Sau khi đối đầu với Vua A-háp và chế nhạo hình tượng Ba-anh của ông, A-háp đã trốn vào sa mạc theo sự chỉ dẫn của Đức Chúa Trời. Ít nhất trong vòng một năm, ông đã phải tin cậy Chúa chu cấp cho ông trong một nơi hoang vắng một cách diệu kỳ.

Vì vậy, bài học đầu tiên dành cho Ê-li về sự tin cậy là tin Đức Chúa Trời là Đấng chu cấp cho ông. Nhưng công tác giảng dạy của Chúa chưa hoàn tất.. Bài học kế tiếp cho Ê-li là học biết rằng Đức Chúa Trời cũng là Đấng chu cấp cho những người khác. Cuộc sống không đơn giản chỉ liên quan đến Ê-li – ông phải nhìn thấy nhu cầu của những người khác và đáp ứng với nhu cầu đó bằng sự quan tâm theo đúng sự chỉ dẫn của Chúa.. Ê-li sẽ học bài học đó tại Sa-rép-ta.

Thử Nghiệm Dành Cho Một Phụ Nữ

Cho đến thời điểm này, đây là lần thứ ba trong ký thuật ngắn gọn về đời sống của Ê-li cho biết ông lắng nghe và vâng theo sự kêu gọi của Chúa dành cho ông để thực hành đức tin. Mặc dù chúng ta không biết lý do nào khiến Ê-li quyết định đến trước mặt A-háp để cảnh cáo ông về cơn hạn hán sắp đến, chúng ta có thể tưởng tượng rằng “Lời Đức Chúa Trời” về điều này “đến với Ê-li” y như nó sẽ xảy ra sau đó khi Đức Chúa Trời phán bảo ông đến khe Kê-rít và sau này là đến Sa-rép-ta. Chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời đã cung ứnghướng dẫn cụ thể cho Ê-li để đến đưa ra lời công bố dành cho vua.

Mỗi lần như thế, Ê-li phải đặt cảm xúc riêng qua một bên- chẳng hạn như sự sợ hãi, để thực hiện mệnh lệnh của Chúa. Và mỗi lần như thế, ông phải từ bỏ tất cả – dẹp bỏ tất cả sự do dự của bản thân để thực hiện những điều Chúa bảo ông làm. Chẳng hạn chúng ta không biết gì về gia đình của Ê-li, nhưng chúng ta có thể giả định rằng khi rời khỏi Ga-la-át để đối đầu với A-háp, ông đã phải đặt gia đình sang một bên để thực hiện chuyến đi đó.

Giờ đây ông được Chúa kêu gọi để bỏ lại sau lưng những con quạ, khe nước khô hạn, và sa mạc nơi ông đang ẩn nấp để đến Sa-rép-ta gặp một người đàn bà góa. “Vậy, người đứng dậy đi đến Sa-rép-ta. Khi đến cửa thành, người thấy một người đàn-bà góa lượm củi” (I Các Vua 17:10).

Rõ ràng Đức Chúa Trời đã chỉ dẫn cho Ê-li biết chính xác người phụ nữNgài muốn tiên tri lưu ý và gặp gỡ sau khi đến Sa-rép-ta. Đường bộ từ khe khô hạn ở Kê-rít đến đó là một đoạn đường dài và, và Ê-li rất khát. Vì thế những lời đầu tiên ông nói với người đàn bà góa là lời thỉnh cầu: “Ta xin ngươi hãy đi múc một chút nước trong bình để cho ta uống” (c. 10).

Có lẽ đây là thử nghiệm đầu tiên dành cho Ê-li về lời hứa của Đức Chúa Trời. Ông được hứa: “Ta đã truyền cho một người góa-bụa ở thành ấy lo nuôi ngươi” (c. 9). Vì thế ông hỏi xin nước uống – nhưng không chỉ là nước. Khi người đàn bà góa đi lấy nước, Ê-li gọi với theo. “Cũng hãy đem trong tay ngươi cho ta một miếng bánh nữa” (c.11).

Lời đề nghị xin bánh là điều vượt quá khả năng của người đàn bà góa có thể làm, như chúng ta sẽ thấy, nhưng sự tin cậy của Ê-li nơi Chúa đã được ban thưởng. Ngài đã sai tiên tri từ Y-sơ-ra-ên sang Sa-rép-ta và vào ngay nhà của một người đàn bà tin nơi Đức Chúa Trời chân thật. Khi nghe lời đề nghị ban đầu của Ê-li, lời đầu tiên mà bà đáp với ông là: “Tôi chỉ Giê-hô-va Đức Chúa Trời hằng sống của ông mà thề” (17:12, TTHĐ).

Hãy tưởng tượng âm điệu đó làm hài lòng Ê-li đến dường nào. Sau khi đối đầu với vị vua thờ hình tượng và rồi một mình sống trong sa mạc, thật vui sướng làm sao khi nhận ra rằng người đàn bà góa được chỉ định là một người bạn tri âm tri kỷ! Chắc chắn đây là yếu tố chứng minh cho Ê-li rằng tin cậy những chỉ dẫn của Chúa là điều phải lẽ.

Trong vòng 2 năm tới, Ê-li sẽ được người đàn bà này cấp dưỡng. Và dù ông đã sớm nhận ra bà nghèo khó đến mức nào, chắc hẳn ông đã được sự khích lệ lớn bởi thực tế rằng giờ đây có hai người trông đợi Chúa chu cấp cho họ- không chỉ một người.

Ngay lập tức lòng tin cậy Chúa của họ được đưa vào thử nghiệm.

Khi Ê-li hỏi xin bà một “miếng bánh,” câu trả lời của bà chẳng có gì ngoài một sự khích lệ. Bà giải thích “Tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình” (c. 12)

Và rồi bà khiến vị khách này vô cùng ngạc nhiên.

“Nầy tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết” (c.12).

Thật ra có ba người cần được nuôi ở đây – và lại không có đủ thức ăn.

Đối với người đàn bà goá, đây là lúc yếu tố tin cậy mang lấy một chiều kích mới. Ê-li bảo bà hãy cho ông ăn trước. Nhưng khi yêu cầu điều đó, ông cũng đưa ra một lời hứa khó tin.

Thực ra, ông đang nói, “nếu ngươi làm bánh cho ta ăn trước, sau đó ngươi sẽ làm cho ngươi và cho con trai ngươi, thì ngươi sẽ không thiếu thức ăn.”

Ê-li cho bà biết: “Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê-hô-va giáng mưa xuống đất” (c.14).Đúng là một tình thế tiến thoái lưỡng nan dành cho một người goá phụ/một người mẹ như bà!

Hãy nghĩ về điều này. Ê-li đã thỉnh cầu một bữa ăn cho bản thân ông và hứa với bà về sự chu cấp (c. 14), nhưng ông không đưa ra cho bà bất kỳ bằng cớ nào để xác nhận rằng ông có thể giữ lời hứa. Bà có hai lựa chọn:

  • Ăn bữa ăn cuối cùng, và biết rằng mình sắp chết đến nơi.
  • Trao cho Ê-li phần ăn cuối cùng của mình và tin lời hứa của ông về sự chu cấp của Đức Chúa Trời.

Bà chỉ mới gặp vị khách mới đến trong thành này. Bà không biết gì về ông nhưng vì lý do nào đó, những điều ông nói đem đến một sự chắc chắn với bà rằng bà sẽ không hết dầu để làm bánh. Bà không có bằng cớ nào là Đức Chúa Trời sẽ giúp Ê-li giữ lời húa. Bạn có dám từ bỏ bữa ăn cuối cùng của mình để cho một người xa lạ chưa từng biết không?

Hãy nhớ rằng:

“Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy” (Hê-bơ-rơ 11:1).

Người đàn bà đã đáp ứng bằng đức tin với những điều bà trông mong, nhưng chẳng xem thấy.

“Vậy, nàng đi và làm theo điều Ê-li nói” (c.15). Ông bảo bà cho ông ăn trước, và khi bà làm theo, Đức Chúa Trời của sự chu cấp đã ban phước cho bà. Kết quả là người đàn bà góa, con trai của bà, và Ê-li “ăn trong lâu ngày” (c.15)

Việc không ngừng chu cấp bột và dầu của Chúa dành cho người đàn bà này là một phép lạ. Điều này cũng mô tả lời hứa của Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 6:33, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.” Bà đã đặt các mục đích của Chúa lên trước hết, và Đức Chúa Trời đã chu cấp cách dư dật.

Người đàn bà góa Sa-rép-ta đã được thử nghiệm bởi một tiên tri đến từ thành khác, là vị tiên tri bỗng xuất hiện trong một ngày nào đó với nhữngyêu cầu kỳ quặc, và bà đã vượt qua thử nghiệm cách chiến thắng.

Khủng Hoảng Của Một Gia Đình

Bởi vì Đức Chúa Trời chu cấp thức ăn cho gia đình, đứa con trai đã không chết đói – điều đã đem lại niềm tin chắc cho người mẹ. Tiếc thay, một cơn khủng hoảng mới đã xảy ra đe dọa mạng sống của con trai đàn. Nó bị bệnh nặng. Thực tế, nó bệnh rất nặng đến tắt thở. “Sau một ít lâu, con trai của người đàn bà, tức là chủ nhà, bị đau,” Kinh Thánh cho chúng ta biết. “bệnh rất nặng đến đỗi trong mình nó chẳng còn hơi thở” (c. 17).

Đây là một khủng hoảng lớn trong gia đình mà khi so sánh thì những việc trước đó dường chẳng đáng gì.

Phép lạ về việc không ngừng thực phẩm đã đánh mất sức ảnh hưởng của nó khi con trai bà góa ngã bệnh. Kinh Thánh không cho chúng ta biết là lúc này nó đã chết- hay chỉ là tình trạng không còn hơi thở.

Không có khủng hoảng nào lớn hơn cho người mẹ khi thấy con mình đang gặp nguy hiểm. Đứa con duy nhất của người góa nghèo là niềm vui duy nhất giữa cảnh khốn khó và bên bờ vực cuộc sống – và giờ đây dường như bà sắp mất nó vì một kẻ thù vô hình mà bà không thể chống lại.

Khi dối diện với điều đó, chúng ta có thể sẽ nói, “Thật không công bằng. Bà đã làm mọi điều đúng. Bà đã tin cậy, vâng phục, và có một tấm lòng tôi tớ. Bà còn phải làm gì nữa?

Rõ ràng, một bài học về bi kịch của người đàn bà góa là đây: nếu chúng ta nghĩ rằng tin cậy và vâng phục Chúa sẽ loại trừ nan đề ra khỏi đời sống chúng ta, thì chúng ta đã lầm. Đức Chúa Trời không phải là một ông thần trong một cái chai luôn làm theo điều chúng ta muốntuỳ theo mệnh lệnh và sự tiện lợi của chúng ta. Đức Chúa Trời hoàn toàn tốt lành và toàn năng, nhưng chúng ta không kiểm soát Ngài. Ngài không cho chúng ta quyền sử dụng tuỳ tiện theo ích lợi riêng của chúng ta.

Cả Ê-li và người đàn bà góa phải học biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng nắm quyền kiểm soát – và chúng ta cũng phải học. Chúng ta phải nhận ra và tin cậy các mục đích của Ngài, ngay cả trong những khủng hoảng đau đớn của đời sống.

Nỗi Đau Của Một Người Mẹ

Đối với những ai đang đối diện với bi kịch về sự chết thình lình, việc tìm kiếm giải đáp cho câu hỏi lớn “Tại sao” là điều tự nhiên. Khuynh hướng tự nhiên của chúng ta là tìm ra ý nghĩa cho điều không thể giải thích được như thế và điều đó thường dẫn đến việc tìm cho ra ai là người phải chịu trách nhiệm cho những bi kịch đó.

Vì nhiều lý do chúng ta không thể hiểu rõ, người đàn bà góa Sa-rép-ta đã quay sang hỏi Ê-li – một người khách từ thành khác đã tự đến nhà bà. Có lẽ bà cảm thấy rằng Ê-li, một người dường như có mối liên hệ với Chúa, đã khiến Đức Chúa Trời chú ý đến bà. Và có lẽ, bà đã suy luận, Đức Chúa Trời chú ý nhiều đến gia đình bà vì cớ Ê-li, vì Ngài đã nhìn thấy tội lỗi trong đời sống bà và đó là hình phạt dành cho bà. Và có lẽ bà cũng lập luận rằng hình phạt đó dẫn đến cái chết cho con trai bà.

Chúng ta không thể biết chắc tại sao bà đã kết luận rằng Ê-li là kẻ đáng trách trong thảm kịch này, nhưng chúng ta biết từ bản văn rằng bà đang đổ lỗi cho ông. Bà nói với Ê-li, “Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng? Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội lỗi tôi và giết con tôi chăng?” (c. 18).

Chúng ta hãy cùng xem xét cuộc chiến nội tôm đang giằng xé trong lòng bà:

Tức giận. “Hỡi người của Đức Chúa Trời, tôi với ông có việc chi chăng?” Thật đáng buồn, trong lúc đau đớn, chúng ta thường tấn công những ai gần gũi với mình nhất – ngay cả những người đã làm rất nhiều điều tốt cho chúng ta. Câu nói của bà giống như “Tôi ước gì ông chưa từng đến đây.” Không hiểu sao sự hiện diện của Ê-li trongnhà đã dấy lên cảm giác tức giận của bà. Bà nhắc đến ông là “người của Đức Chúa Trời” ngụ ý rằng bà cảm thấy Đức Chúa Trời đang đặc biệt chú ý đến ông và hoàn cảnh của ông ngay trong nhà bà.

Mặc cảm tội lỗi. “Có phải ông đến nhà tôi đặng nhắc lại những tội lỗi tôi?” Điều này đến từ sự nghi ngờ của bà rằng việc có vị tiên tri ở gầnkhiến Đức Chúa Trời nhìn thấy tội lỗi của bà rõ ràng hơn. Mặc cảm tội lỗi thường xuyên hiện diện trong những bi kịch mà chúng ta đối diện như thế nào? Và rồi chúng ta suy nghĩ: Lẽ ra tôi nên làm điều gì đó thì chắc hẳn điều này đã không xảy ra.

Đổ lỗi. “giết con tôi chăng?” Kinh Thánh không cho chúng ta biết cụ thể tại sao bà nghĩ Đức Chúa Trời đang đoán phạt bà, nhưng bà chắc chắn rằng rõ ràng cái chết của con trai bà là giá trả cho tội lỗi của bà. Có lẽ người góa phụ này, có lòng tin nơi Chúa, nhưng cũng có xen lẫn một số niềm tin ngoại giáo trong tư duy của bà, điều giải thích lý do bà lại nghĩ rằng các thần (hay Đức Chúa Trời) đang âm mưu chống lại bà trong nhiều cách.

Lòng Thương Xót Của Tiên Tri

Nếu ở trong hoàn cảnh này, chúng a sẽ làm gì? Đứa bé, niềm hy vọng duy nhất cho tương lai và hạnh phúc của người đàn bà đã không còn sự đồng hành và tình yêu của chồng, đang tắt thở nằm bất động trên ghế. Bà đột ngột tấn công vị khác không mời đã từng cả gan xin bà phần thức ăn ít ỏi cuối cùng của bà. Giờ đây bà buộc tội ông đã gây nên cái chết trước mắt cho đứa con yêu dấu của bà. Đó là một cảnh tượng hết sức đau buồn và thất vọng.

Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu chúng ta đã bị buộc tội gây nên một thảm kịch như thế?

Chúng ta có dùng lời đáp trả lại những cáo buộc của nguời mẹ bằng cách chối cãi là mình chẳng có liên quan gì đến sự qua đời của con trai bà không?

Hay là chúng ta sẽ làm như Ê-li, một tiên tri bình thường, đã làm.

Không trả đũa trước những lời giận dữ, mặc cảm tội lỗi, và đổ lỗi của goá phụ, ông chỉ đơn giản nói với bà, “Hãy giao con nàng cho ta” (c.19). Rồi ông bồng đứa bé, chạy ra phía ngoài nơi cầu thang dẫn đến phòng cao, phòng Ê-li đang ở và đặt nó trên trên giường của ông.

Hãy lưu ý đến sự mềm mại và đầy tự tin của Ê-li trước nỗi đau của ngườiphụ nữ này. Ông đã ẳm đứa trẻ “từ tay mẹ nó” và vội vàngđưa đến phòng riêng của ông, là nơi ông có thể ở một mình với đứa bé và với Chúa.

Ngay sau đó, ông sẽ có cơ hội để tiếp tục nói chuyện với người đàn bà góa, nhưng giờ đây lời nói của ông chỉ dành riêng và trực tiếp hướng lên Cha thiên thượng của mình.

Lời cầu nguyện của Ê-li. Chúng ta hãy xem xét kỹ lời cầu nguyện của Ê-li với Chúa. Kêu cầu với Đấng đã sai ông đến Sa-rép-ta, Ê-li cầu xin, “Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! Cớ sao Ngài giáng tai họa trên người đàn bà góa nầy, nhà nàng là nơi tôi trú ngụ, mà giết con trai người đi?” (c. 20). Giống như kiểu trách móc của người đàn bà góa, Ê-li dường như đổ lỗi cho Chúa về điều khủng khiếp này. Người mẹ đổ lỗi cho Ê-li; giờ đây Ê-li hướng sự trách móc về chính Chúa. Đó là một lời cầu nguyện bạo dạn, có lẽ thậm chí là một lời cầu nguyện quá táo bạo.

Theo sau lời cầu nguyện này là một hành động bất thường nhưng rõ ràng rất quan trọng của Ê-li. Ông đã nằm ấp trên mình đứa trẻ không còn hơi thở ba lần trước khi tiếp tục cầu nguyện. Chúng ta không biết chính xác tại sao ông làm như vậy, nhưng chúng ta biết rằng hai lần khác trong Kinh Thánh, người của Đức Chúa Trời đã làm điều này trong khi tìm kiếm quyền năng của Đức Chúa Trời để khiến đứa trẻ sống lại. Trong II Các Vua 4:34, Ê-li-sê đã nằm ấp trên mình đứa trẻ đã chết hai lần, cầu nguyện cho đứa trẻ, và nhìn thấy đứa trẻ sống lại. Và trong Công Vụ Các Sứ Đồ 20, một gã trẻ tuổi tên là Ơ-tích đã té từ trên cửa sổ xuống và chết. Phao-lô vội vàng cứu giúp, “Phao-lô bước xuống, nghiêng mình trên người, ôm lấy người” (c. 10). Ngay lập tức Ơ-tích được sống lại.

Khi Ê-li nằm ấp mình trên đứa trẻ, ông đã kêu cầu cùng Đức Giê-hô-va, “Ôi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi! Xin Chúa khiến linh hồn của đứa trẻ nầy trở lại trong mình nó” (c. 20-21).

Lời cầu nguyện đầy tin cậy này của Ê-li nhắc chúng ta về bài học trong Gia-cơ 5 – bài học được minh họa bởi lời cầu nguyện khác của vị tiên tri: cầu nguyện cho trời mưa. Đó là lời cầu nguyện sốt sắng, giống như lời cầu nguyện này. Nó được trình bày bởi “một người công bình,” như lời cầu nguyện này. Và đó là lời cầu nguyện “có quyền năng và hiệu quả,” như lời cầu nguyện này. Một lần nữa, Ê-li đã cầu khẩn xin Chúa khi ông không thể đem lại hy vọng cho những người cần nó.

TLời cầu nguyện nước đôi của Ê-li trong I Các Vua 20-21 cũng cho thấy nhiều cảm xúc lẫn lộn của ông.

Sự bối rối của Ê-li. Trong lời cầu nguyện đầu tiên, rõ ràng rằng Ê-li đã bối rối, cả gan chất vất Chúa về các mục đích của Ngài. Hãy nhớ rằng, Ê-li là một người yếu đuối như chúng ta (Gia-cơ 5:17), và cuộc sống cũng thường làm cho chúng ta bối rối. Chúng ta thường gặp phải những tình huống xảy ra mà chúng ta không thể hiểu được trong sự hiểu biết giới hạn của mình như thế nào? Vì thế chúng ta tự hỏi, “Chúa đang làm gì đây?” Tin mừng là Đức Chúa Trời không từ chối trả lời cho những câu hỏi chân thật của chúng ta. Ngài chỉ từ chối trả lời những đòi hỏi mang tính ngạo mạn.

Ngay cả trong sự bối rối của Ê-li, chúng ta vẫn thấy bằng chứng rằng ông đang học để thấu hiểu được sự vĩ đại của Đức Chúa Trời trong lời cầu nguyện thứ hai. Như thế nào? Hãy xem thực tế ngạc nhiên này: Ê-li cầu xin Chúa cho một số điều chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Không có trường hợp nào về việc Đức Chúa Trời khiến kẻ chết sống lại được ký thuật từ Sáng Thế Ký đến I Các Vua 17. Ê-li đã cầu xin một điều mới trong kinh nghiệm của loài người. Vì thế, lý do khiến Ê-li cầu xin Chúa làm một phép lạ như thế là một điều đáng ngạc nhiên. Tại sao? Bởi vì ông tin vào một Đức Chúa Trời Đấng có thể làm điều không thể.

Sự Trả Lời Của Đức Chúa Trời. Hãy tưởng tượng niềm vui đã tràn ngập trong lòng Ê-li như thế nào về những điều sắp xảy ra! “Đức Giê-hô-va nhậm lời của Ê-li; linh-hồn của đứa trẻ trở lại trong mình nó, và nó sống lại” (c.22). Lời cầu nguyện sốt sắng, có hiệu quả của Ê-li đã đến tai của Đức Chúa Trời, và Ngài đã phục hồi hơi thở vào miệng và phổi của đứa trẻ. Một người bình thường đã cầu nguyện và một phép lạ phi thường đã xảy ra!

“Ê-li bồng đứa trẻ, đi xuống lầu, vào trong nhà dưới, giao cho mẹ nó mà nói rằng: Hãy xem, con nàng sống!” (c. 23).

Hy vọng của người đàn bà góa và Ê-li đã được ban thưởng. Sự sống đã trở lại với đứa trẻ. Hãy tưởng tượng niềm vui của người đàn bà khi thấy con trai của mình – có lại hơi thở!

Phản ứng của bà là phản ứng của người được giải cứu – phản ứng của tất cả những ai nhìn biết bản tính của Chúa trong sự vĩ đại, oai nghiêm, và quyền năng. Những lời nói của bà sau sự phục hồi sức khỏe diệu kỳ của con trai bà là lời nói của tất cả những ai đã thấy Đức Chúa Trời hành động trong đời sống họ: “Nàng bèn nói cùng Ê-li rằng: Bây giờ tôi nhìn biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật” (c. 24). Thấy những công việc của Đức Chúa Trời, hoặc là qua việc đọc về chúng trong Kinh Thánh hoặc qua việc nhìn thấy chúng được thực hiện trong đời sống chúng ta là nhìn thấy lẽ thật trong hành động.

Đối với người đàn bà góa và đối với Ê-li, mục đích của Đức Chúa Trời giờ đây là điều rõ ràng. Tội lỗi của bà không phải là vấn đề. Mục đích của Đức Chúa Trời là thêm lên sự tin cậy Chúa mà cả bà và Ê-li đã có nơi Đức Chúa Trời.

Áp Dụng

Đúng là chúng ta không thể kiểm soát những gì xảy ra cho mình, nhưng chúng ta có thể kiểm soát cách chúng ta đáp ứng với những gì xảy ra với chúng ta.

  • Trong những lúc khủng hoảng, chúng ta có học biết chạy đến với sự hiện diện và chăm sóc của Chúa không?
  • Trong những lúc khủng hoảng, chúng ta có học đối diện với những điều đang cố làm yếu đi lòng tin cậy của chúng ta nơi Chúa không?
  • Trong những lúc khủng hoảng, chúng ta có học biết tin cậy nơi ý muốn Chúa, không chỉ cho tương lai nhưng cũng trong hiện tại không?
  • Trong những lúc khủng hoảng, chúng ta có học biết ngửa trông nơi quyền năng của Chúa phục sinh không?

 

Còn tiếp …

 

Bài trướcCách Nuôi Trẻ Lớn Lên Trong Nền Văn Hóa Hay Thay Đổi
Bài tiếp theoChọn Phước Lành hay Rủa Sả –  7/12/2017