Bài thứ 233: Thẩm Quyền Của Chúa Giê-xu

1091

Đọc Mác 11: 27-33

Câu căn bản: Mọi người đều kinh ngạc về sự dạy dỗ của Ngài, vì Chúa dạy một cách có thẩm quyền, chứ không như các thầy thông giáo. Mác 1:22.

 

 

Suy niệm:  Trong tuần lễ cuối cùng tại Giê-ru-sa-lem,  Chúa Giê-xu bị giới lãnh đạo tôn giáo chất vấn nhiều điều. Phân đoạn chúng ta đọc hôm nay là một trong những điều họ chất vấn. Họ hỏi: “Bởi thẩm quyền nào mà Thầy làm những việc này, ai cho Thầy thẩm quyền để làm những việc ấy?” Những việc ấy hàm ý tất cả những phép lạ Chúa đã làm, và nhất là việc Chúa đuổi những người buôn bán trong đền thờ ngày hôm trước. Giới lãnh đạo tôn giáo thời đó đang thu lợi về việc mua bán trong đền thờ, bây giờ Chúa đến dẹp bỏ đi tất cả nên họ rất tức giận. Tuy nhiên, họ không làm gì được vì Chúa có lý và dân chúng thì thán phục Ngài (câu 18). Vì vậy họ thách thức Chúa xem thử Chúa nhân danh ai mà làm việc đó.

Thật ra đây cũng là  một câu hỏi gài bẫy. Nếu Chúa xưng là Con Đức Chúa Trời, họ sẽ buộc cho Chúa tội phạm thượng. Nếu Chúa xưng Ngài là Con Vua Đa-vít, họ sẽ tố cáo Chúa phản loạn, chống lại bạo quyền La-mã.

Câu trả lời của Chúa trong câu 33 không phải là cách khéo léo để tránh né vấn đề, nhưng là để cho giới lãnh đạo Do-thái lúc đó thấy rõ vấn  đề.

Nếu họ trả lời được câu hỏi của Chúa, họ sẽ đương nhiên tìm ra câu trả lời cho câu hỏi của họ.

Câu hỏi của Chúa là:  “Báp-tem của Giăng đến từ trời hay từ loài người?” Chúng ta đều biết ông Giăng, người làm báp tem, là người tuyên bố Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế. Nếu họ nhận báp tem của ông Giăng đến từ trời thì dĩ nhiên họ cũng phải công nhận thẩm quyền của Chúa đến từ trời. Đưa ra câu hỏi gài bẫy Chúa, họ không ngờ lại bị dồn vào thế bí không thể trả lời được.

Khi họ trả lời “Không biết”, Chúa cũng không trả lời câu hỏi của họ. Câu nói của Chúa hàm ý rằng: Nếu họ là người dạy dân chúng mà không biết, thì họ không có quyền gì để chất vấn Chúa cả.

 

Những bài học chúng ta ghi nhận qua phân đoạn Kinh Thánh này là:

1.       Chúng ta cần tránh lỗi lầm của giới lãnh đạo tôn giáo thời xưa.  Họ là những người thấy và biết rõ thẩm quyền của Chúa Giê-xu, nhưng cố tình phủ nhận, và tìm cách bắt bẻ Ngài.

2.       Chúng ta biết rõ Chúa Giê-xu đến từ trời. Thẩm quyền của Chúa là từ Chúa Cha, Chúng ta phải vâng phục uy quyền đó.

3.       Khi bị người đời thắc mắc và đặt câu hỏi, chúng ta cần xem rõ động cơ nào thúc đẩy họ nêu các câu hỏi, để hướng họ đi đến căn bản của vấn đề, nên tránh những lý luận dài dòng vô ích.

 

 

 

 

 

Bài trước3.000 Người Được Nghe Phúc Âm Tại Tỉnh Đồng Tháp
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Tại Cơ Sở Mới Của Hội Thánh Nhánh Tây Thạnh TP. HCM