NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI
Sách Các vua ghi lại lịch sử của người Hê-bơ-rơ, nó có ý nghĩa quan trọng vì liên quan đến vương quốc của Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên khái niệm vương quốc tại đây không giống như trong Tân ước. Đây là một vương quốc mà con người khước từ Đức Chúa Trời làm vua. Mặc dầu Chúa không muốn điều đó xảy ra, nhưng Ngài chấp thuận yêu cầu của dân Y-sơ-ra-ên. Chúa muốn một thể chế trong đó Ngài cai trị trực tiếp trên dân sự của Ngài thông qua tiên tri hay thầy tế lễ. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên muốn có một vương quốc giống như các quốc gia lân bang. Do đó Đức Chúa Trời không chịu trách nhiệm về những hậu quả mà các vua gian ác gây ra.
Sách Các vua đã ghi lại sự phát triển và suy sụp của vương quốc đó. Vương quốc này đạt đến tuyệt đỉnh của giàu sang và vinh quang dưới thời trị vì của Sa-lô-môn. Dân chúng đã toại nguyện dưới thời của Sa-lô-môn, nhưng giai đoạn này không kéo dài được lâu vì đó không phải là ý muốn của Đức Chúa Trời. Sách 1 Các vua ghi lại việc vương quốc bị chia đôi. Sách 2 Các vua ghi lại sự sụp đổ của cả hai vương quốc bắc và nam. 2 Các vua 17:22,23 đã mô tả cách đáng kinh sợ về tình trạng dân Y-sơ-ra-ên như sau:
22 Dân Y-sơ-ra-ên đều đi trong hết thảy tội lỗi của Giê-rô-bô-am đã phạm, chẳng từ bỏ chút nào, 23 cho đến ngày Đức Giê-hô-va đày đuổi họ khỏi trước mặt Ngài, y như Ngài đã phán bởi miệng của các tiên tri, tôi tớ Ngài. Vậy, Y-sơ-ra-ên bị cất khỏi xứ mình, lưu đày qua A-si-ri cho đến ngày nay.
Đây là những câu mô tả tình trạng vương quốc phía Bắc, gọi là Y-sơ-ra-ên. 2 Vua 25:21 ghi lại sự sụp đổ của vương quốc phía nam, còn gọi là Giuđa.
“Vua Ba-by-lôn khiến giết chúng nó tại Ríp-la, trong xứ Ha-mát. Như vậy, dân Giu-đa bị bắt đem đi khỏi xứ mình”
Khi nghiên cứu cẩn thận về sự sụp đổ của vương quốc phía nam, chúng ta thấy rằng sự mất nước và bị bắt lưu đày của vương quốc phía nam không đơn giản. Người Ba-by-lôn không phải chỉ tiến công một lần rồi xâm lăng và bắt dân Y-sơ-ra-ên ên lưu đày. Thật ra thủ đô Giê-ru-sa-lem của họ đã bị tàn phá trong suốt thời gian 20 năm. Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ lần thứ nhất khi Giehogiakim làm vua. Giê-hô-gia-kim đầu hàng và thuần phục Ba-by-lôn trong 3 năm. Sau đó Giê-hô-gia-kim dấy loạn. Người Ba-by-lôn tiến đánh Giê-ru-sa-lem lần thứ hai, nhiều người Y-sơ-ra-ên bị thảm sát. Lần nầy con của Giê-hô-gia-kim cũng đầu hàng. Những người không bị giết thì bị xiềng lại để đem qua Ba-by-lôn. Một số người còn sót lại thì được cai trị bởi một vua bù nhìn tên là Sê-đê-kia. Sê-đê-kia cai trị Giê-ru-sa-lem trong 10 năm dưới thẩm quyền của người Ba-by-lôn. Theo chân các tiền bối, Sê-đê-kia cũng nỗi loạn. Dân Do thái nổi tiếng về dòng máu bất khuất. Lần nầy thì họ bị tiêu diệt tan tành.
Khi bước qua sách Ê-xơ-ra và Nehemi thì chúng ta thấy một số người Y-sơ-ra-ên đã trở về từ xứ lưu đày của Ba-by-lôn. Họ được sự chấp thuận và thậm chí ủng hộ của Si-ru đại đế của Ba tư để xây dựng lại đền thờ, thành phố và quê hương của họ. Việc tái thiết gặp rất nhiều sự chống đối. Những người chống nghịch gởi một lá thư cho hoàng đế Ba tư, nói rằng, “Nếu vua xem xét lại trong lịch sử của các vua Ba-by-lôn thì sẽ thấy rằng, Y-sơ-ra-ên là một dân tộc nổi tiếng phản loạn.” Thế rồi việc kiểm chứng được tiến hành, cuối cùng kết luận đúng như điều tố cáo và một lịnh mới được ban hành: “Hãy chấm dứt công việc tái thiết của người Y-sơ-ra-ên.”
Thật vậy, người Y-sơ-ra-ên nổi tiếng là bất khuất và sẵn sàng dấy loạn để bảo vệ chủ quyền. Khi ở dưới quyền thống trị của người Lamã thì người Y-sơ-ra-ên đã dấy loạn vào năm 70. Khi bị tấn công họ thà tự tử chớ không chịu đầu hàng người La-mã. Giê-ru-sa-lem đã bị đánh phá nhiều lần trong lịch sử. Nó đã bị san bằng vào năm 70, Giê-ru-sa-lem ngày nay không phải là Giê-ru-sa-lem vào thời Chúa Jêsus.
Kể từ năm 70 cho đến biến cố tàn sát hằng triệu người Do thái của Đức quốc xã, họ phải sống trong sự nhút nhát khiếp sợ. Tuy nhiên bây giờ, họ xây dựng một tinh thần kiêu hãnh dân tộc. Họ huấn luyện những người trẻ phải kiêu hãnh về dân tộc của mình. Các thanh niên tham gia vào quân đội. Họ đọc lời tuyên thệ tại Masada là một địa danh ghi lại những gương bất khuất và hi sinh của người Do thái. Đây là một nơi trở nên thánh địa của họ. Họ đang khôi phục lại tinh thần chiến đấu can trường và bất khuất. Y-sơ-ra-ên nghĩa là “người tranh chiến.” Tên này do Gia-cốp mà ra và đó là ý nghĩa của chữ Y-sơ-ra-ên.
Khi đi theo dòng lịch sử của người Hê-bơ-rơ, điều đầu tiên chúng ta nhận thấy là sách Các vua đã ghi lại sự hình thành, phát triển và sụp đổ của dân tộc Hê-bơ-rơ. Bên cạnh đó chúng ta cũng để ý đến các vua. Họ đã lưu lại những gương tốt cũng như những gương xấu. Tuy nhiên phần lớn là những gương xấu. Chỉ có vài vua của vương quốc phía nam là tốt, còn tất cả những vua vương quốc phía bắc đều xấu.
Nhân vật đáng lưu ý trong các vua là Sa-lô-môn. Cuộc đời của ông là một lời cảnh cáo nghiêm trọng cho chúng ta. Sa-lô-môn đã khởi đầu rất tốt. Ông giống như Sau-lơ đã có một khởi điểm rất tốt, và cả hai cũng giống nhau ở chỗ có một kết thúc rất dỡ.
Trong những chương đầu của sách Các vua, Đa-vít là vua cha của Sa-lô-môn đã dặn dò Sa-lô-môn những lời cuối cùng khi trao quyền cai trị cho ông. Nhân tính của Đa-vít lại trỗi dậy trên giường hấp hối, ông bảo Sa-lô-môn phải hành xử thế nào với Si-mê-i khi người nầy rủa sả Đa-vít trong luc Đa-vít chạy trốn vì đảo chánh, cho dầu trước đó Đa-vít đã tha thứ. Đa-vít dặn dò, “Ta đã nói với Si-mê-i rằng, ta sẽ không hại nó, nhưng con không bị ràng buộc. Con là người khôn ngoan, biết phải làm gì. Đừng để nó qua đời bình an.” Sau đó Sa-lô-môn giết Si-mê-i. Đa-vít cũng căn dặn phải thanh trừng Giô-áp vì Giô-áp đã giết hai vị tướng tài là Áp-ne và A-ma-sa. Rất có thể đàng sau lý do khiến Đa-vít muốn giết Giô-áp là vì Giô-áp đã giết Áp-sa-lôm là con trai của Đa-vít.
Khi Đa-vít trao quyền chấp chính cho Sa-lô-môn để trở nên vị vua thứ ba của Y-sơ-ra-ên thì Sa-lô-môn tỏ ra sẵn sàng đi theo bước chơn của cha mình. Ông đã thưa với Chúa rằng, “Con chỉ là một đứa trẻ, không biết phải ăn nói, hành xử thế nào. Vậy làm sao con có thể cai trị trên dân Y-sơ-ra-ên rất lớn nầy?” Y-sơ-ra-ên đã trở nên phú cường và đông đúc. Chúa thật hài lòng về lời cầu nguyện chân thành của Sa-lô-môn, Ngài đã đáp lời rằng,
Bởi vì ngươi đã cầu xin điều này, mà không xin sự sống lâu, không xin sự giàu có, cũng không xin mạng của những kẻ thù nghịch ngươi, nhưng xin sự thông minh để biết xét đoán, nầy, ta đã làm theo lời cầu xin của ngươi, ban cho ngươi tấm lòng khôn ngoan thông sáng đến đỗi trước ngươi chẳng có ai bằng, và sau ngươi cũng sẽ chẳng có ai ngang. Vả lại, ta cũng đã ban cho ngươi những điều ngươi không xin, tức là sự giàu có và sự vinh hiển, đến đỗi trọn đời ngươi, trong vòng các vua, sẽ chẳng có ai giống như ngươi.
Sa-lô-môn đã trở nên người giàu có nhất và khôn ngoan nhất đã từng sống. Khi đến Thi thiên 127 và Châm ngôn, chúng ta sẽ thấy điều đó. Ông là người có kinh nghiệm về cuộc sống hơn hẳn mọi người khác. Dựa trên những điều này thì ông lại là vị vua thất bại nặng nhất. Như chúng tôi có trình bày với quí vị, sự chia đôi đất nước, sự sụp đổ và bị bắt lưu đày hay mọi thảm họa giáng trên dân Y-sơ-ra-ên không phải là hậu quả của Đa-vít vì Đa-vít đã thú tội và Chúa đã tha thứ. Đa-vít là vị vua tốt trong suốt 24 năm sau khi ông phạm tội. Do đó những tai họa là hậu quả do tội của Sa-lô-môn.
Khi đất nước Y-sơ-ra-ên lên đến tột đỉnh của vinh quang thì Sa-lô-môn quay lưng khỏi Đức Chúa Trời. Nói đúng hơn là chính những người vợ của Sa-lô-môn khiến ông quay lưng khỏi Đức Chúa Trời. Ông có đến 700 hoàng hậu và 300 cung phi, những người nầy đã khiến ông trở lòng và bội đạo. Những người đàn bà nầy thờ các thần ngoại giáo, Sa-lô-môn đã chịu ảnh hưởng bởi tà đạo. Từ đó cả quốc gia bị lâm vào vòng điêu linh. Bởi vậy chính những sự giàu sang và khôn ngoan lại càng khiến sự thất bại của Sa-lô-môn trở nên nặng nề hơn.
Chúng tôi tin rằng Sa-lô-môn dường như đã có sự thức tỉnh. Sau lơ thì không phải như vậy. Có 3 lý do khiến chúng ta tin về sự thức tỉnh của Sa-lô-môn. Lý do thứ nhất được ghi trong Thi thiên 127. Sa-lô-môn chỉ cảm tác duy nhất Thi thiên 127. Qua Thi thiên này Sa-lô-môn muốn nhắn nhủ với mọi người rằng,
Nếu Đức Giê-hô-va không cất nhà, Thì những thợ xây cất làm uổng công. Nhược bằng Đức Giê-hô-va không coi-giữ thành, Thì người canh, thức canh luống công.
Sa-lô-môn là một kiến trúc sư tài giỏi. Ông không những xây dựng đền thờ mà còn xây dựng thành phố và các công viên. Ông đã đóng một đoàn thuyền để vượt biển khơi. Khi viết những dòng Thi thiên nầy thì Sa-lô-môn muốn nói rằng, “Lao tâm, lao lực nhiều khi luống công nếu lao tâm lao lực cho những mục tiêu sai trật.” Từ đó Sa-lô-môn cho biết điều quan trọng nhất để xây dựng đó là con cái trong gia đình. Ông đã dạy chúng ta bài học về thứ tự ưu tiên. Qua Thi thiên 127, Sa-lô-môn nói rằng, “Điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm đó là xây dựng đời sống con cái mình.” Sa-lô-môn đã thất bại trong việc dưỡng dục con ông. Một trong những người con ông bị liệt vào hàng ngu dại. Chắc hẳn Sa-lô-môn ân hận khi nhìn lại, thấy mình đã dành quá nhiều thì giờ để xây dựng những gì thuộc về thế gian nầy ngoại trừ xây dựng chính con mình.
Sách Truyền đạo là cả một bài ca ân hận não nề của Sa-lô-môn. Đây là lý do thứ hai khiến chúng ta tin rằng Sa-lô-môn đã có sự thức tỉnh. Sách truyền đạo là một bài giảng rất tuyệt vời. Chữ truyền đạo nghĩa là người rao giảng. Mười hai chương của sách Truyền đạo là một bài giảng rất thích hợp cho giới trẻ. Đứng vào vai của một người lão thành, Sa-lô-môn nói với họ rằng, “Ta đã phạm một lỗi lầm nghiêm trọng, ngươi đừng đi vào vết xe đổ giống như ta. Ngươi hãy học từ sự thất bại của ta, học từ kinh nghiệm của ta. Kinh nghiệm không những là một thầy giáo nhưng kinh nghiệm còn là một thầy giáo đầy sức thuyết phục. Ngươi không cần phải kinh nghiệm những gì ta đã kinh nghiệm, không cần học những gì mà ta đã học.” Nếu nghiên cứu sách Truyền đạo, chúng ta sẽ có cảm tưởng rằng Sa-lô-môn đã quay trở lại với Chúa vào những ngày cuối của đời mình.
Lý do thứ ba khiến chúng ta tin rằng Sa-lô-môn đã thức tỉnh đó là Sách Sử ký không hề ghi lại tội của ông, giống như trường hợp của Đa-vít. Điều nầy khiến chúng ta suy nghĩ là Sa-lô-môn đã thú tội va ăn năn. Dẫu vậy Sa-lô-môn vẫn là một lời cảnh cáo nghiêm trọng đối với mỗi chúng ta. Phần lớn cuộc đời của ông là một lời khuyến cáo mặc dầu khởi đầu sự nghiệp ông đã để lại gương tốt.
Lần đến chúng ta sẽ học biết thế nào Đức Chúa Trời đã dùng các tiên tri của Ngài để rao truyền sứ điệp cho các vua, trong đó một số tốt còn phần lớn là xấu. Vì đây là sách lịch sử trong Cựu ước nên xin nhớ rằng khi học, chúng ta tìm xem những gương tốt và những gương xấu. Các vị tiên tri cũng xuất hiện trong những sách lịch sử. Họ là những gương sáng tuyệt vời bên cạnh phần lớn các vua gian ác. Khi Đức Chúa Trời muốn dạy chúng ta một điều gì, Ngài thường nói qua cuộc đời của một người nào đó. Khi Đức Chúa Trời muốn khuyến cáo một ai thì Ngài cũng phán qua một người. Đây là điều chúng ta cần ghi nhớ khi đọc những sách lịch sử trong Cựu ước.