Bài 76: Ba Sự Thật Về Ơn Cứu Rỗi

2686

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

 

 

 

Sự thật thứ nhất về ơn cứu rỗi là Chúa Jêsus Christ đã cất đi hình phạt của tội lỗi. Kinh thánh gọi đây là “Phúc âm” hay “Tin lành.” Tin lành là giải pháp duy nhất của Đức Chúa Trời cho hình phạt của tội lỗi. Trong cuộc đàm thoại thâu đêm với giáo sư Ni-cô-đem, Chúa Jêsus khẳng định rằng, “Ta là con một của Đức Chúa Trời, Ta là giải pháp duy nhất đến từ trời, Ta là Cứu Chúa duy nhất, ngoài Ta, Đức Chúa Trời không có một giải pháp nào khác hoặc một Cứu Chúa nào khác.” Những lời tuyên bố dứt khoát nầy cho biết rằng không một tôn giáo nào có thể đem lại sự cứu rỗi. Bạn có thể tin hoặc không tin vào Chúa Jêsus, dẫu vậy khi khẳng định với Ni-cô-đem, Chúa Jêsus đã phát biểu một chân lý quan trọng nhất. Nghĩa là Tin lành của Chúa Jêsus là phương cách duy nhất để cất đi hậu quả tội lỗi. Đó là sự thật thứ nhất của ơn cứu rỗi.

 

Sự thật thứ hai về ơn cứu chuộc đó là Đức Thánh Linh có sức mạnh chiến thắng quyền lực tội lỗi. Sứ đồ Giăng đã nói trong 1 Giăng 4:4 rằng, “Đấng ở trong chúng ta là lớn hơn những kẻ ở trong thế gian.” Tội lỗi có một quyền lực rất mạnh. Quyền lực của tội lỗi, của điều ác và của Sa-tan rất thực và rất mạnh, nhưng tin vui đó là quyền năng của Đức Chúa Trời lớn hơn quyền lực của tội lỗi và Sa-tan. Sứ đồ Phao-lô nói rằng chúng ta có sức mạnh vô địch nhờ Đức Thánh Linh. Chúng ta không phải sống dưới tội lỗi hay quyền lực của tội lỗi. Sống trong ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta thắng hơn tội lỗi. Phao-lô kết luận phần thứ nhất của sách Rô-ma bởi đoạn 5 câu 1 như sau: “Chúng ta được xưng nghĩa bởi đức tin và được phục hòa với Đức Chúa Trời qua Cứu Chúa Jesus Christ của chúng ta.” Chúa Jêsus đã giải quyết hình phạt của tội lỗi. Phao-lô bắt đầu phần thứ hai trong sách Rô-ma với đoạn 5:2, “Đấng đã làm cho chúng ta cậy đức tin vào trong ơn nầy là ơn chúng ta hiện đương đứng vững; và chúng ta khoe mình trong sự trông cậy về vinh hiển Đức Chúa Trời.”

 

Chúng ta đã được phục hòa với Đức Chúa Trời, nhưng đó không phải là tất cả. Nhờ Chúa Jêsus mà chúng ta được bước vào trong ơn và quyền năng của Thánh Linh. Bởi điều đó mà chúng ta đứng vững trong thế gian và sống một đời sống tôn vinh Đức Chúa Trời. Quyền năng của Thánh Linh lớn hơn quyền lực của tội lỗi.

 

Sự thật thứ ba về ơn cứu rỗi, được gọi là sự xưng nghĩa, hơi phức tạp hơn. Nó liên quan đến hậu quả hay những vết nhơ, vết nhăn của tội lỗi. Từ “xưng nghĩa” là một trong những từ rất hay trong Kinh thánh. Từ “xưng nghĩa” không chỉ xuất hiện trong Tân ước nhưng còn xuất hiện trong cả Cựu ước. Đa-vít dùng chữ này trong Thi thiên 51.

 

Bây giờ chúng ta thực hiện một sự so sánh. Sách Sử ký chiếm một thời gian dài bằng khoảng thời gian của 2 Sa-mu-ên và Các vua. Sách này mô tả lại những biến cố trong khoảng thời gian đó. Tại sao Đức Chúa Trời cho phép những sách khác nhau ghi lại những việc xảy ra trong khoảng thời gian giống nhau? (1000 BC – 500BC) Một số các học giả cho rằng sách Sa-mu-ên và Các vua được ghi lại theo cái nhìn của con người, nhưng sách Sử ký được ghi lại theo cái nhìn của Đức Chúa Trời. Những hậu quả của tội lỗi do Đa-vít gây ra được ghi chép hết sức rõ ràng trong Sa-mu-ên lại không hề được nhắc đến trong sách Sử ký. Tội của Đa-vít đã không được đề cập đến vì ông đã ăn năn xưng tội với Chúa. Đối với Đức Chúa Trời thì Đa-vít như chưa hề phạm tội. Thử tưởng tượng cuộc đời của chúng ta được ghi lại trong cuộn băng cassette, khi đến những phần ghi lại tội lỗi thì Chúa cắt bỏ đi. Sau đó Chúa lại chắp nối cuộn băng trở lại giống như cuộc đời của chúng ta chưa hề bị hoen ố bởi tội. Tội của chúng ta không chỉ được tha thứ mà còn được xem như chưa từng xảy ra, đó chính là sự xưng nghĩa. Sự vắng bóng về tội của Đa-vít trong sách Sử ký là một minh họa cho điều nầy. Xưng nghĩa là những tội lỗi được cắt bỏ đi.

 

Một khái niệm cần được giải thích là chúng ta được xưng nghĩa đối với ai? Theo chiều đứng thì chúng ta được xưng nghĩa đối với Đức Chúa Trời. Khi Đức Chúa Trời nhìn xuống một tội nhân đã được xưng nghĩa thì Ngài xem người đó như chưa từng phạm tội, không một vết nhơ, không một vết nhăn đối với Chúa. Tuy nhiên sự xưng nghĩa còn có chiều ngang, đó là đối với con người. Dĩ nhiên điều rất quan trọng là cần được xưng nghĩa đối với Đức Chúa Trời, nhưng đôi khi cũng quan trọng để được xưng nghĩa đối với con người. Tưởng tượng bạn can tội sát nhân và bị tuyên án tử hình. Khi bị giam trong tù, bạn nghe đến Tin lành nên ăn năn và tin nhận Chúa Jêsus. Đức Chúa Trời tha thứ và xem bạn như chưa hề phạm tội giết người. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn được tự do để ra khỏi tù. Sự xưng nghĩa có hai chiều, đó là chiều đứng đối với Đức Chúa Trời và chiều ngang đối với con người. Chúng ta cần được xưng nghĩa đối với Đức Chúa Trời và chúng ta cũng cần được xưng nghĩa đối với con người. Đối với Đức Chúa Trời thì chúng ta không có vấn đề gì cả vì sự xưng nghĩa đã cất đi mọi hoen ố của tội lỗi. Đức Chúa Trời đã thay đổi chiếc áo dơ bẩn của chúng ta bởi chiếc áo tinh sạch của Chúa Jêsus. Lời Chúa dạy rằng, “Hãy đi và đừng phạm tội nữa” vì những vết nhơ trong cuộc đời của chúng ta hoặc những vết nhơ chúng ta gây ra cho những người khác vẫn không sao tẩy sạch đối với con người.

 

Có một cụ già 83 tuổi. Cụ trở lại với Chúa vào năm 82 tuổi. Đây là một trường hợp khá hi hữu. Ngày kia cụ bà gọi điện thoại cho Mục sư rằng, “Xin Mục sư đến để khuyên giải chồng tôi vì ông cứ ngồi đó, khóc suốt ngày mà không chịu nói gì cả.” Mục sư đến gặp cụ, sau khi xúc cảm lắng dịu, thì cụ mới nói, “Con ơi, con ơi!” Mục sư hỏi “Thưa cụ, con của cụ thế nào?” Ông cụ mới kể lại ông đã từng đối xử rất tàn nhẫn với những đứa con của mình, ông đã hủy hoại cuộc đời của chúng. Giờ đây hai người con của ông đang ở trong bịnh viện tâm thần. Ông tin rằng chính ông phải chịu trách nhiệm về những thảm kịch đã xảy ra trong cuộc đời của chúng. Người cha đã ăn năn và đối với Chúa thì ông không có một vết nhơ, không phải lãnh hình phạt nào. Nhưng những đứa con của ông thì sao? Hậu quả của những tội lỗi ông đã gây ra trên con của mình thì sao? Có những vết hằn và hoen ố trên cuộc đời của con cụ. Có những điều mà không sao thay đổi được. Điều này hiển nhiên đúng đối với sự thật thứ ba của tội lỗi đó là cái giá của tội rất cao và có những vết sẹo vẫn hằn sâu với thời gian. Martin Luther nói rằng, “Tội lỗi giống như hai anh em sinh đôi.” Thường thì tội lỗi của chúng ta đều có liên hệ đến một người nào đó. Chúng ta đưa đẩy họ đến chỗ phạm tội, cho dầu khi chúng ta ăn năn, còn những vết nhơ trên đời sống của họ thì sao? Vấn đề nằm chỗ đó. Đó là lý do mà Lời Chúa dạy rằng, “Ta viết cho các con những lời nầy để các con không phạm tội.”

 

Có một câu chuyện ngụ ngôn kể về sự tranh luận giữa hai ông cụ trên thiên đàng. Một ông cho rằng mình là một chứng tích vĩ đại nhất về ân điển, ông nói “Tôi đã sống một cuộc đời tệ hại trong 91 năm trường, nhưng đến giờ hấp hối, tôi đã đặt lòng tin nơi Chúa Jêsus. Ngài cứu tôi khỏi cuộc đời băng hoại giống như tên tướng cướp trên thập tự giá. Do đó tôi mới là một bằng chứng vĩ đại nhất về ân điển của Đức Chúa Trời.” Người kia không đồng ý nói rằng, “Anh sai rồi, tôi mới là chứng cớ vĩ đại nhất về ân điển của Chúa. Tôi được sinh ra trong một gia đình Cơ Đốc. Tôi chưa bao giờ lăn lộn trong vũng bùn của tội lỗi. Anh chỉ kinh nghiệm về ân điển khi được cứu và khi qua đời, nhưng tôi kinh nghiệm về ân điển trong sự cứu rỗi, trong cả cuộc sống và sự giữ gìn của Chúa. Đức Chúa Trời đã giữ tôi không phạm tội trong suốt cuộc đời của mình. Bởi vậy, cuộc đời của tôi mới là một chứng cớ mạnh mẽ hơn về ân điển của Đức Chúa Trời.” Cứ như vậy cuộc tranh luận tiếp tục bất phân thắng bại. Cuối cùng sự việc được trình lên các thiên sứ. Các thiên sứ lập thành một hội đồng xét xử. Sau một hồi cân nhắc, các thiên sứ kết luận, “Người thứ nhì mới là một chứng tích vĩ đại nhất về ân điển. Vì Đức Chúa Trời không chỉ cứu người đó khỏi hình phạt của tội lỗi, mà Ngài còn cứu người đó khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi.”

 

Một số người quan niệm rằng nếu không có kinh nghiệm của một cuộc đời vùi sâu trong tội lỗi thì sự ăn năn quy đạo không có giá trị, và người khác sẽ không thấy thú vị gì khi nghe những câu chuyện như vậy. Những người đã từng phạm tội khét tiếng sau đó ăn năn thì mới thu hút được nhiều người. Đó là một cái nhìn sai. Câu chuyện vĩ đại nhất là câu chuyện nói về những cuộc đời được giữ gìn khỏi tội lỗi. Không có điều gì tốt về tội lỗi và hậu quả của tội lỗi cả vì Kinh thánh cho biết hậu quả của tội lỗi là sự chết. Đức Chúa Trời có thể chữa lành nhiều vết sẹo và ô nhơ trong cuộc đời chúng ta nhưng có những vết hằn sâu không thể phai tàn được. Đó là lý do mà Kinh thánh dạy rằng, “không phạm tội là tốt hơn.” Chúa nói với người đàn bà phạm tội tà dâm rằng, “Ta không định tội ngươi, hãy đi đừng phạm tội nữa.” Xin đừng tạo một ấn tượng trên con cái chúng ta hoặc trên các bạn trẻ rằng phải trải qua những kinh nghiệm với tội lỗi rồi được cứu thì mới có giá trị.” Điều tốt hơn là không phạm tội.

 

Kinh thánh nói rất rõ về hình phạt của tội lỗi, quyền lực của tội lỗi và hậu quả của tội lỗi. Điều này cũng được thể hiện qua cuộc đời của Đa-vít. Đa-vít đã ăn năn thú tội để được cứu khỏi hình phạt của tội lỗi. Trong Cựu ước, tội nhân đặt tay trên đầu của con vật làm sinh tế, qua đó biểu tượng cho tội lỗi được chuyển sang con vật. Như vậy các sinh tế giải quyết hình phạt của tội lỗi.

 

Tội lỗi có một sức mạnh. Việc Đa-vít là một người tin kính mà còn bị sa ngã cho thấy điều nầy. Phao-lô hẳn đã nghĩ đến Đa-vít khi viết trong 1 Cô-rinh-tô 10 rằng, “Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã.” Nếu Đa-vít mà còn sa ngã thì chúng ta cần phải cảnh giác đối với quyền lực của tội lỗi. Dẫu vậy điều đáng mừng là quyền năng của Thánh Linh Đức Chúa Trời mạnh hơn quyền lực của tội lỗi.

 

Tội lỗi sẽ đi kèm với những hậu quả nhất định. Phần bi thảm trong cuộc đời của Đa-vít là ông phải trả giá cho tội lỗi của mình. Hậu quả đau thương nhất là cái chết của Áp-sa-lôm, rồi đến cái chết của đứa bé do Bát-sê-ba sinh ra, những tan vỡ và thảm kịch xảy ra trong gia đình của ông. Rõ ràng Đa-vít đã trả một giá thật nặng nề cho tội lỗi của mình. Đó là lý do mà Kinh thánh đã ghi lại thật tường tận những hậu quả kinh hoàng đó.

 

Một lý do mà Chúa cho phép ghi lại sự sa ngã của Đa-vít là để nói lên ơn cứu chuộc lạ lùng. Chúa giúp Đa-vít cất đi mặc cảm cũng như hình phạt của tội lỗi. Khi thú tội thì Đa-vít đã thưa với Chúa rằng, “xin dựng nên trong con một lòng trong sạch.” Đa-vít đã nhận được sức mạnh từ nơi Chúa, mọi vết nhơ của tội lỗi đã được bôi xóa. Tuy nhiên cũng qua chính cuộc đời của Đa-vít, Chúa muốn chúng ta tránh xa khỏi tội lỗi như lời Chúa Jesus dạy, “Hãy đi, đừng phạm tội nữa.”

 

Bài trướcNgày 10/10/2016: Bão Tố trong Đời Sống
Bài tiếp theoBài 76: Quyền Năng Của Chúa Giê-Xu (TT)