Ngày 10/10/2016: Bão Tố trong Đời Sống

835

Mác 4:35-41

35 Đến chiều ngày ấy, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Chúng ta hãy qua bờ bên kia. 36 Khi cho dân chúng tan về rồi, Đức Chúa Jêsus cứ ở trong thuyền, và môn đồ đưa Ngài đi; cũng có các thuyền khác cùng đi nữa. 37 Vả, có cơn bão lớn nổi lên, sóng tạt vào thuyền, đến nỗi gần đầy nước; 38 nhưng Ngài đương ở đằng sau lái, dựa gối mà ngủ. Môn đồ thức Ngài dậy mà thưa rằng: Thầy ôi, thầy không lo chúng ta chết sao? 39 Ngài bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên lặng như tờ. 40 Đoạn, Ngài phán cùng môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao? 41 Môn đồ kinh hãi lắm, nói với nhau rằng: Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?
 

Câu gốc: “Đoạn, Ngài phán cùng các môn đồ rằng: Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?” (Mác 4:40).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Các môn đồ chèo thuyền băng qua biển hồ theo lệnh của ai? Tại sao Chúa Giê-xu ngủ trong khi các môn đồ khó nhọc chèo chống với cơn bão? Lời các môn đồ nói khi đánh thức Chúa dậy bày tỏ tình trạng thuộc linh của họ ra sao? Khi thức dậy Chúa làm gì và nói gì với các môn đồ? Chúng ta học được những bài học nào qua câu chuyện này?

 

1. Chúa ra lệnh cho các môn đồ. Chúa giảng dạy bên bờ biển cho một đoàn người rất đông, nên Ngài phải xuống ngồi trên một chiếc thuyền, còn cả đoàn dân thì đứng trên bờ (Mác 4:1). Buổi chiều ấy, chính Chúa Giê-xu ra lệnh cho các môn đồ chèo thuyền qua bờ bên kia. Trên đường đi, thình lình một cơn bão lớn nổi lên (Mác 4:37; Ma-thi-ơ 8:24). Biển hồ Ga-li-lê được bao quanh bởi đồi núi cao, vị thế địa lý như cái phễu. Khí nóng từ mặt hồ bốc lên, nếu gặp khí lạnh từ trên tràn xuống, có thể gây ra những cơn gió lốc hoặc bão nổi lên thình lình. Cơn bão xảy ra là bất ngờ cho các môn đồ nhưng chắc chắn không bất ngờ đối với Chúa, vì Ngài có thần tính (Cô-lô-se 2:9). Mặt khác, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời nhập thể (Giăng 1:14), nhưng Ngài có nhân tính nên cũng mệt mỏi và ngủ sau một ngày dài giảng dạy. Như vậy, Chúa Giê-xu biết trước môn đồ sẽ gặp bão khi Ngài ra lệnh cho họ chèo ra khơi, và Ngài cũng để cho họ chịu khó nhọc chèo chống, nước tạt vào thuyền đến độ nguy hiểm (Lu-ca 8:23). Dù họ làm theo Lời Chúa, dù có Chúa trên thuyền với họ, họ vẫn gặp thách thức khó khăn!

 

2. Chúa ra lệnh cho thiên nhiên. Câu nói “Thầy ôi, Thầy không lo chúng ta chết sao?” vừa có ý than phiền, vừa cho rằng Chúa cũng có thể chết vì cơn bão. Khi họ kinh hãi nói với nhau “Người này là ai mà gió và biển cũng đều vâng lệnh người?” bày tỏ mức hiểu biết giới hạn của họ về thầy mình. Chúa giảng dạy có quyền năng, Ngài chữa lành nhiều người bệnh bằng phép lạ, nhưng họ chưa hề chứng kiến Ngài sai khiến thiên nhiên! Họ cần được mở mắt để thấy rằng Ngài chính là Đấng Tạo Hóa, cầm quyền trên cả vũ trụ (Giăng 1:1-3)

 

3. Chúa hỏi các môn đồ. Câu hỏi của Chúa “Sao các ngươi sợ? Chưa có đức tin sao?” thật ra đã hàm chứa câu trả lời: Đức tin nơi Chúa là phương thuốc chữa căn bệnh sợ hãi. Sợ hãi là vì không có đức tin hoặc kém đức tin. Ngược lại, đức tin mạnh mẽ nơi Chúa sẽ vượt thắng sự sợ hãi.

 

Bài học cho chúng ta: (1) Vâng phục theo ý Chúa không miễn trừ khỏi thách thức khó khăn (Giăng 16:33); (2) càng biết Chúa qua Lời Ngài và qua kinh nghiệm sống, đức tin chúng ta càng mạnh mẽ, không sợ hãi khi đối diện với khó khăn.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa xin mở rộng mắt tâm linh con để con biết Ngài hơn, tin cậy Ngài hơn, và sống mạnh mẽ cho Ngài.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Cô-lô-se 3.

Bài trướcBồi Linh Quý IV/2016 Tại HTTL An Phú – TP. Cần Thơ
Bài tiếp theoBài 76: Ba Sự Thật Về Ơn Cứu Rỗi