SỐNG CUỘC ĐỜI TIN CẬY
Điểm chung của những con người và những trường hợp sau đây là gì?
· Thủ môn của một đội bóng tham dự World Cup trong loạt sút luân lưu.
· Một bác sĩ phẫu thuật trong một ca phẫu thuật tim khó.
· Phi công đang cố hạ cánh trong khi hai động cơ của máy bay ngưng hoạt động.
Tất cả những tình huống thử thách này đòi hỏi những cá nhân liên quan phải thể hiện kỹ năng tốt nhất trong những khoảnh khắc đầy áp lực và đòi hỏi sự cẩn trọng. Và đó là nơi chúng ta tìm thấy Đa-ni-ên và những người bạn của ông trong phần tiếp theo của câu chuyện. Họ vượt lên trên áp lực với lòng tin cậy sâu sắc vào Đức Chúa Trời.
Sân Khấu Được Thiết Lập
Trong năm thứ hai đời vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua thấy chiêm bao, thì trong lòng bối rối và mất giấc ngủ (Đa-ni-ên 2:1)
Câu Kinh Thánh này minh họa tuyệt vời cho câu nói của Shakespeare trong vở Henry IV: “Không dễ nằm chút nào với cái đầu đội vương miện.” Giấc ngủ của Nê-bu-cát-nết-sa bị phá rối bởi những giấc mơ. Nhưng có một giấc mơ đặc biệt khiến ông quan tâm. Như nhà thần học Donald Campbell nói, những mối bận tâm ban ngày đã trở thành những lo lắng vào ban đêm, nên vua thức giấc trong sự rối loạn và triệu tập ngay những người cố vấn cho mình.
“Không có áp lực sẽ không có kim cương” – MARY CASE |
Nhà vua cho gọi “các thuật sĩ, pháp sư, phù thuỷ, và người Canh-đê” (2:2, HĐTT). Thuật sĩ là những văn sĩ thần bí hoặc các học giả. Pháp sư là những người bỏ bùa mê và thầy tư tế. Các phù thuỷ liên quan đến thế giới huyền bí và buôn bán các loại thảo dược, bùa mê. Còn người Canh-đê là những người thông thái. (Vua không cho gọi Đa-ni-ên và những người bạn của ông như vậy, vì có thể họ còn đang trong thời gian được đào tạo.)
Khi tất cả được triệu tập trước mặt vua, một cuộc đối thoại diễn ra cho thấy những người được cho là khôn ngoan này phải đương đầu với bao rắc rối.
Vua nói cùng họ rằng: Ta đã thấy một chiêm bao; và lòng ta bối rối, muốn biết chiêm bao đó.
Những người Canh-đê nói cùng vua bằng tiếng A-ram rằng: Tâu vua, chúc vua sống đời đời! Xin thuật chiêm bao cho những kẻ tôi tớ vua, và chúng tôi sẽ giải nghĩa.
Vua trả lời cho những người Canh-đê rằng: Sự ấy đã ra khỏi ta. Nếu các ngươi không nói cho ta biết chiêm bao đó thể nào và lời giải nó làm sao, thì các ngươi sẽ bị phân thây, nhà các ngươi sẽ trở nên đống phân.Nhưng nếu các ngươi tỏ chiêm bao và lời giải nó cho ta, thì các ngươi sẽ được lễ vật, phần thưởng, và vinh hiển lớn từ nơi ta. Các ngươi hãy tỏ cho ta chiêm bao đó và lời giải nó thế nào.
Họ lại tâu lần thứ hai rằng: Xin vua kể chiêm bao cho những kẻ tôi tớ vua, và chúng tôi sẽ cắt nghĩa.
Vua rằng: Ta biết chắc các ngươi tìm cách để hoãn thì giờ, vì các ngươi thấy sự ấy đã ra khỏi ta. Nhưng, nếu các ngươi không tỏ cho ta biết chiêm bao, thì cũng chỉ có một luật cho các ngươi; vì các ngươi đã điều đình với nhau đem những lời giả dối bậy bạ nói cùng ta, cho đến ngày giờ sẽ thay đổi. Vậy, hãy nói chiêm bao cho ta, và ta sẽ biết rằng các ngươi có thể giải nghĩa được (2:3-9).
Thật là một bi kịch. Tôi tin chắc rằng nhà vua đã có sự nghi ngờ đối với những kẻ này trong một thời gian rồi. Rõ ràng ông đã thắc mắc trước những quan điểm “ba phải” mà họ đem đến trong nơi cần lời khuyên khôn ngoan. Do đó, ông giữ lập trường của mình khi đối diện với những phản kháng của họ và dùng cái chết đe doạ nếu họ không đáp ứng được yêu cầu của ông để giải nghĩa giấc mơ một cách chính xác.
Lời khẩn cầu thương xót của họ cho thấy tính nghiêm trọng của sự nguy hiểm họ đang đối diện:
Những người Canh-đê tâu lại cùng vua rằng: Chẳng có người nào trên đất nầy có thể tỏ ra việc của vua; vì chẳng có vua nào, chúa nào, người cai trị nào đem việc như thế hỏi đồng bóng, thuật sĩ, hay người Canh-đê nào.Vì sự vua đòi là hiếm có, và không ai có thể tỏ cho vua được, chỉ có các vì thần không ở với loài xác thịt.
Vậy nên vua phát tức mình và giận dữ lắm, bèn truyền mạng lịnh giết chết hết những bác sĩ của Ba-by-lôn.Vậy mạng lịnh đó đã truyền ra; người ta hầu đem giết hết thảy những bác sĩ, lại tìm Đa-ni-ên cùng đồng bạn người để giết (2:10-13).
Sau khi những người thông thái thừa nhận họ không có khả năng để giải thích giấc mơ, Nê-bu-cát-nết-sa liền nổi cơn thịnh nộ. Ông quá tức giận đến nỗi ra lệnh tất cả những nhà thông thái—gồm cả Đa-ni-ên và những người trẻ khác đang được huấn luyện—phải bị xử tử. Do đó, Đa-ni-ên và những người bạn của ông bị bắt giam.
Nhưng khi những người Canh-đê bảo rằng đòi hỏi của nhà vua là quá đáng, vì chỉ có các thần mới có thể làm được một điều như thế, họ đã vô tình chuẩn bị cho Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên thực hiện điều đó!
Những Tấm Lòng Thuận Phục
A-ri-ốc, quan thị vệ của vua, được sai đi giết tất cả những người thông thái của Ba-by-lôn. Nhưng khi ông tiếp cận Đa-ni-ên, chàng trai Hê-bơ-rơ có khả năng “lấy sự khôn ngoan và tri thức” mà nói với ông (2:14). Đa-ni-ên xin ông giải thích lý do, và A-ri-ốc kể toàn bộ câu chuyện buồn. Tận dụng ngay cơ hội:
Đa-ni-ên vào, xin vua cho mình một hạn nữa, hầu có thể giải nghĩa điềm chiêm bao đó cho vua (2:16).
Về cơ bản, Đa-ni-ên nói rằng: “Hãy cho tôi thời gian, tôi bảo đảm có câu trả lời cho vua.” Đây là lời hứa quá lớn!
“Tôi tin; xin Chúa giúp đỡ trong sự không tin của tôi!”—Mác 9:24 |
Đoạn, Đa-ni-ên trở về nhà, và tỏ sự ấy cho các bạn mình là Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. Người xin họ cầu Đức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương xót họ về sự kín nhiệm nầy, hầu cho Đa-ni-ên và đồng bạn mình khỏi phải chết với những bác sĩ khác của Ba-by-lôn. (2:17-18).
Đa-ni-ên chia sẻ gánh nặng với các bạn của mình, và họ bắt đầu cùng cầu nguyện. Họ “cầu Đức Chúa Trời ở trên trời dủ lòng thương xót.” Đây là một sự bày tỏ mạnh mẽ về sự tin cậy thuộc linh của họ. Họ ước ao rằng bởi lòng thương xót, Đức Chúa Trời sẽ can thiệp và giải cứu họ khỏi án tử mà họ sắp phải chịu.
Vậy sự kín nhiệm được tỏ ra cho Đa-ni-ên trong sự hiện thấy ban đêm; Đa-ni-ên bèn ngợi khen Chúa trên trời.Đoạn, Đa-ni-ên cất tiếng nói rằng: Ngợi khen danh Đức Chúa Trời đời đời vô cùng! Vì sự khôn ngoan và quyền năng đều thuộc về Ngài. Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng. Chính Ngài tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm; Ngài biết những sự ở trong tối tăm, và sự sáng ở với Ngài. Hỡi Đức Chúa Trời của tổ phụ tôi! Tôi cảm ơn và ngợi khen Ngài, vì Ngài đã ban cho tôi sự khôn ngoan và quyền phép, và bây giờ Ngài đã khiến tôi biết điều chúng tôi cầu hỏi Ngài, mà tỏ cho chúng tôi biết việc của vua (2:19-23)
Đúng như lời cầu xin của các chàng trai , Đức Chúa Trời bày tỏ sự kín nhiệm về giấc mơ của nhà vua cho Đa-ni-ên. Lưu ý một câu tuyên bố hiển nhiên về sự nhậm lời cầu nguyện: “Vậy sự kín nhiệm được tỏ ra.” Cũng hãy lưu ý phản ứng của Đa-ni-ên. Với cái thòng lọng kề sẵn quanh cổ, nhưng phản ứng đầu tiên của ông không phải là tìm kiếm sự nhẹ nhõm hay sử dụng tri thức của mình để có được sự thuận lợi cho mình mà là thờ phượng. Và trọng tâm của sự thờ phượng đó là Đức Chúa Trời toàn năng và sắm sẵn:
· “Ngợi khen danh Đức Chúa Trời,” danh đó tượng trưng cho đặc tánh của Đức Chúa Trời;
· “Sự khôn ngoan và quyền năng đều thuộc về Ngài,” không thuộc về Đa-ni-ên;
· “Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa,” hàm ý Ngài tể trị hoàn toàn trên mọi loài sống;
·
“Điều xuất hiện trong tâm trí chúng ta khi suy nghĩ về Đức Chúa Trời là điều quan trọng nhất liên quan đến chúng ta.”—A. W. TOZER |
“Bỏ và lập các vua,” vì Đức Chúa Trời nắm quyền tối cao trên mọi dân tộc;
· “Ban sự khôn ngoan … và sự thông biết,” như lời hứa trong Gia-cơ 1:5;
· “Chính Ngài tỏ ra những sự sâu xa kín nhiệm,” kể cả giấc mơ này.
· “Ngài biết những sự ở trong tối tăm, và sự sáng ở với Ngài.”
Đa-ni-ên dâng lên Đức Chúa Trời tất cả sự ngợi khen vì Ngài đáp lời cầu nguyện của ông. Thật là một cách thể hiện tuyệt vời của sự thờ phượng!
Có gì không thích hợp không khi Đa-ni-ên tạ ơn Đức Chúa Trời vì Ngài đã cứu mạng sống ông? Tất nhiên là không. Nhưng dường như trong tâm trí của Đa-ni-ên sự giải cứu lạ lùng này chỉ là thứ yếu so với sự kỳ diệu của Đức Chúa Trời là Đấng thực hiện điều đó.
Phản ứng của Đa-ni-ên khiến mỗi chúng ta phải xét lại lòng mình để xem đâu là trọng tâm đối với chúng ta:
· Những ơn phước hay Đấng ban ơn phước?
· Công việc hay Chúa của công việc?
· Sự đáp lời cầu nguyện hay Đức Chúa Trời là Đấng đáp lời cầu nguyện?
Đó là tất những gì liên quan đến trọng tâm. Và khi không đủ lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời, chúng ta dễ đánh mất trọng tâm. Viễn cảnh tương lai của chúng ta trở nên mờ mịt, và chúng ta nhìn thấy cây cối thay vì khu rừng. Tuy nhiên, trọng tâm của Đa-ni-ên luôn rõ ràng trong suốt thời kỳ áp lực giữa sống và chết. Tấm lòng của ông được gắn chặt vào Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời giúp ông hành động thay vì gục ngã dưới áp lực.
Sự kín nhiệm được bày tỏ
Đa-ni-ên cứ tiến bước với lòng tin rằng Đức Chúa Trời sẽ dọn sẵn một con đường.
Vậy nên Đa-ni-ên đến nhà A-ri-ốc, là người vua đã truyền cho diệt những bác sĩ của Ba-by-lôn; và nói cùng người như vầy: Đừng diệt những bác sĩ của Ba-by-lôn; nhưng hãy đưa tôi vào trước mặt vua, thì tôi sẽ giải nghĩa điềm chiêm bao cho vua. Bấy giờ A-ri-ốc vội vàng dẫn Đa-ni-ên đến trước mặt vua, và tâu cùng vua như vầy: Tôi đã tìm thấy một người trong những con cái Giu-đa bị bắt làm phu tù, người ấy sẽ cho vua biết sự giải nghĩa đó (2:24-25).
Đa-ni-ên đến với A-ri-ốc, quan thị vệ của vua, và nói với ông ta rằng mình có thể giải nghĩa giấc mơ của vua và bảo ông ta không nên giết những nhà thông thái. A-ri-ốc, theo lời đề nghị của Đa-ni-ên, dẫn Đa-ni-ên đến gặp vua, và khi Đa-ni-ên đứng trước vương triều (có lẽ là lần đầu tiên), vua hỏi một câu hỏi mang tính mỉa mai và cưỡng ép:
“Quả thật rằng ngươi có thể tỏ cho ta biết điềm chiêm bao ta đã thấy, và lời giải nó chăng?” (2:26)
Nói cách khác, phải chăng Đa-ni-ên có thể thành công trong khi tất cả những nhà thông thái của vua đã thất bại? Đương nhiên câu trả là “Đúng vậy”.
Đa-ni-ên ở trước mặt vua trả lời rằng: Sự kín nhiệm mà vua đã đòi, thì những bác sĩ, thuật sĩ, đồng bóng, thầy bói đều không có thể tỏ cho vua được. Nhưng có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những điều kín nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết điều sẽ tới trong những ngày sau rốt. Vậy, chiêm bao của vua và các sự hiện thấy của đầu vua đã thấy trên giường mình là như vầy: Hỡi vua, khi vua nằm trên giường, có những tư tưởng về sự xảy đến sau nầy, thì Đấng hay tỏ sự kín nhiệm đã cho vua biết sự sẽ xảy đến. Về phần tôi, sự kín nhiệm đó đã tỏ ra cho tôi, không phải vì tôi có sự khôn ngoan gì hơn người nào sống; nhưng để được giải nghĩa cho vua hiểu, và cho vua biết những ý tưởng trong lòng mình. (2:27-30)
Đây không phải là sự khiêm nhường giả dối của Đa-ni-ên. Đó là sự nhận biết thành thật về vai trò của ông trong sự kiện này. Vấn đề thật rõ ràng—tất cả là về Đức Chúa Trời, không phải Đa-ni-ên. Và những hành động của ông thể hiện lòng tin cậy của ông nơi Chúa.
* * *
Đa-ni-ên có khả năng giải nghĩa chính xác giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa, đó là cơ hội học hỏi rất ý nghĩa cho nhà vua. Nhưng càng có ý nghĩa hơn khi đem lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời của Đa-ni-ên:
Đoạn, vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Quả thật, Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và là Chúa của các vua; chính Ngài là Đấng tỏ ra những sự kín nhiệm, vì ngươi đã có thể tỏ ra sự kín nhiệm nầy.
Trong cuộc sống, cũng giống như thời tiết, có những lúc áp cao hay áp thấp – nhưng không bao giờ là không có áp lực. Những lựa chọn của chúng ta trong những thời kỳ không ngừng thay đổi này bày tỏ nhiều điều về chúng ta.
Trọng tâm của bạn ở đâu trong những lúc gặp áp lực? Bạn có cố sức tự vệ bằng mọi giá không? Bạn có làm những điều liều lĩnh gây hại cho người khác trong khi cố sức như vậy không? Hay bạn quan tâm nhiều hơn đến những hành động của bạn phản ánh thế nào về Đức Chúa Trời của mình?
Trong những khoảnh khắc cần thận trọng, hãy cầu xin Đức Chúa Trời bày tỏ sự hiện diện của Ngài trên đời sống bạn. Hãy dùng những thì giờ này trang bị sẵn sàng để thực hiện những mục đích đời đời và tôn kính Đức Chúa Trời.