Hàng Giả

1878


Có khi nào bạn vui mừng vì chọn mua được một món hàng rất ưng ý, nhưng khi về nhà mới ngỡ ngàng phát hiện ra đó là hàng giả không? Nhìn bề ngoài một sản phẩm, khó có thể phân biệt đâu là giả, đâu là thật, vì hàng giả được sản xuất theo kiểu dáng và nhãn mác y hệt hàng thật, sau đó được tung ra bán trên thị trường để đánh lừa người tiêu dùng. Cách thức sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi đến mức nhiều khi chính những người quản lý công ty cũng không phân biệt được đâu là hàng do công ty họ sản xuất và đâu là hàng giả. Nhìn những bao bì hấp dẫn, mẫu mã như thật… nhưng tất cả chỉ là bề ngoài, toàn bộ bên trong đều là giả! Chỉ khi đem ra sử dụng thì mới biết được chất lượng thật của món hàng.

 

Tổ chức Hải quan Thế giới công bố số liệu cho biết thị trường hàng tiêu dùng giả toàn cầu đang bùng phát ở mức báo động, ước tính lên tới 500 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm. Con số này tương đương 5-7% lượng hàng hóa toàn thế giới. Phòng Thương mại Mỹ cũng cho biết hàng tiêu dùng giả trên toàn cầu tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như túi xách, quần áo, dược phẩm, hàng điện tử và phụ tùng ô tô. Họ thường đưa người tới các hội chợ thương mại lớn để thu thập những mẫu mã mới nhất, sau đó bắt tay ngay vào sản xuất để nhanh chóng tung ra thị trường tiêu thụ.

 

Ở nước ta, tình trạng hàng giả là một vấn đề nhức nhối của xã hội, nhất là những ngày gần Tết Nguyên đán. Từ thực phẩm đến mỹ phẩm giả đang được ồ ạt nhập lậu qua biên giới, cho đến một số lượng rất lớn rượu giả dán tem giả rất tinh vi đã xuất hiện trên thị trường trước Tết. Ngoài ra, chúng ta còn hết sức đau lòng khi thấy những hàng giả như sữa cho trẻ em, dược phẩm cũng xuất hiện ở thị trường gây tác hại đến sức khỏe của nhiều người.

 

Cách đây khoảng 2.000 năm, trên con đường vào thành Giê-ru-sa-lem, Chúa Giê-xu đã phát hiện một cây vả thuộc loại “hàng giả”, Kinh Thánh Tân Ước ghi lại như sau: “Sáng mai, khi trở lại thành thì Ngài đói. Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sinh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.” (Ma-thi-ơ 21:18-19).

 

Cây vả là một loại cây được trồng rất phổ biến tại xứ Palestine. Cây có tàn lá rất lớn nên thường là nơi núp bóng cho những người lao động giữa trưa hè nóng bức. Đến mùa trổ bông, cây vả đậu trái trước và sau đó mới ra lá, vì vậy cây vả nào có lá thì chắc chắn cây đó đã có trái. Kinh Thánh ghi lại rằng, khi Chúa Giê-xu vào thành Giê-ru-sa-lem thì Ngài đói, Ngài trông thấy một cây vả đầy lá sum suê bên đường, nhưng khi đến gần thì lại không thấy có trái nào cả, chỉ thấy lá mà thôi. “Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sinh ra trái nữa! Cây vả tức thì khô đi.”

 

Không phải vô cớ mà Chúa Giê-xu đã quở cây vả khiến nó khô đi từ gốc đến ngọn, cũng không phải Chúa đã làm một điều phi lý là quở trách một loài cây vô tri chẳng biết gì, nhưng Ngài muốn dạy các môn đồ và chúng ta hôm nay một bài học thật quan trọng, đó là phải sống chân thật với Chúa và với mọi người. Cây vả Chúa Giê-xu thấy, cành lá thật xanh tốt, bề ngoài dường như đây là một cây vả tốt tươi và sai trái, nhưng thực chất lại là cây vả “giả hình”! Chúa chúng ta là chân lý, tức là lẽ thật (Giăng 14:6); Ngài là Đấng chân thật, vì thế sống chân thật cũng sẽ là bằng cớ chứng tỏ chúng ta là con cái của Ngài. Nhưng một thực tế đáng buồn, không ít Cơ Đốc nhân lại thường sống giả hình với nhau và cả với Chúa. Nhiều người nghĩ rằng có thể làm hàng giả được với con người, thì cũng có thể là “hàng giả” với Đức Chúa Trời, nhưng thật ra không có gì qua được mắt Ngài.

 

Thời Cựu Ước, việc thờ phượng Chúa cùng mọi nghi lễ dâng sinh tế đều được chính Đức Chúa Trời dạy bảo phải thực hiện, nhưng cũng chính Ngài đã nói: “Ta đã chán chê của tế lễ”; muôn vàn của tế lễ mà dân Do Thái dâng trên bàn thờ đều không can hệ gì đến Chúa, vì Ngài “gớm ghét mùi hương, ngày trăng mới, ngày Sa-bát cùng những cuộc hội họp trọng thể” của họ (Ê-sai 1:13-14). Vì sao như vậy? Bao bì của một món hàng cần phải đẹp để thu hút khách hàng, nhưng bao bì đẹp ấy chỉ có giá trị thật sự khi món hàng bên trong là hàng thật và có chất lượng. Hình thức thờ phượng và nghi lễ rất cần phải có, nhưng nghi lễ chỉ có giá trị khi thực hiện với lòng kính yêu và biết ơn Chúa mà thôi. Khi sự thờ phượng chỉ là hành vi tôn giáo, chú trọng hình thức bề ngoài mà tấm lòng cách xa Chúa, thì sự thờ phượng, dâng hiến, cầu nguyện của chúng ta nào có giá trị gì?

 

Vì thế, phải loại bỏ mọi động cơ nào không xứng hiệp khi đến với Chúa, với người. Nếu không vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà đến, thì Chúa “chẳng khứng chịu tội ác hội hiệp nơi lễ trọng thể” đâu. Ngài cũng đã từng phán “Thôi đừng dâng của lễ chay vô ích cho ta nữa” (Ê-sai 1:13). Đừng tự ru ngủ mình rằng hằng tuần cũng có đi nhà thờ đều đặn, cũng có khả năng để làm nhiều công việc lớn trong nhà thờ, cũng hát những bài thánh ca với giọng hát thật hay giữa Hội Thánh, nhưng lại sống trước mặt Chúa bằng con người tội lỗi, con người cũ đáng hư mất của mình. Những người sống như vậy khác nào đến với Chúa bằng một thân cây vả đầy lá nhưng không có trái nào. Đến với Chúa bằng con người tội lỗi là một sự khinh lờn lớn với Chúa. Đến với Chúa mà không kính sợ Ngài là một hành vi phạm thượng rất đáng sợ. Tác giả sách Hê-bơ-rơ đã cảnh cáo: “Hãy lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài, vì Đức Chúa Trời chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt” (Hê-bơ-rơ 12:28-29).

 

Người nào sống giả hình với Chúa cũng sẽ sống giả hình với nhau; cư xử với nhau bằng hình thức bề ngoài; đánh giá nhau theo những gì mắt thấy và mỗi người cũng tìm cách tự đánh bóng mình để được người khác tôn trọng. Vì thế đến nhà thờ gần như ai cũng có vẻ bề ngoài là “thánh nhân” cả, nhưng sau đó là cuộc sống đầy những buồn giận, ghen ghét, tranh cạnh, gian dâm, ô uế, luông tuồng, nói xấu lẫn nhau, nói lời tục tỉu… cùng các sự khác giống như vậy, làm tác hại đến uy danh của Chúa và Hội Thánh của Ngài.

 

Người ta làm hàng giả vì thiếu đạo đức; cây vả không có trái vì một thiếu sót nào đó trong thân cây; tín đồ sống giả hình vì thiếu Lời Chúa. Chỉ có Lời Chúa mới làm cho tâm trí chúng ta trở nên mới, để hướng dẫn cuộc sống giống như Đấng đã đặt sự sống của chính Ngài trong đời sống của chúng ta. Đức Chúa Trời muốn chúng ta sống chân thật với Ngài và Ngài đang nhìn thấu tận sâu thẳm tâm hồn của chúng ta, không có điều chi được giấu kín trước mặt Ngài cả. Ai sống thật với Chúa thì cũng sẽ sống thật với anh em mình.

 

Đừng như cây vả chỉ sum sê cành lá bề ngoài để rồi kết thúc cuộc đời bằng tình trạng khô héo từ gốc đến ngọn, mà hãy gắn bó với Lời Chúa để có thể sống bằng sự sống thật của Chúa ban cho và kinh nghiệm sự mầu nhiệm của một sự sống phong phú mạnh mẽ “như cây trồng gần dòng nước, sinh bông trái theo thời tiết, lá chẳng héo tàn…” (Thi Thiên 1:3).

 

Hàng giả có tinh vi mấy đi nữa rồi cũng có ngày bị phát hiện và bị loại khỏi thương trường. Sống giả hình giữa Hội Thánh có thể qua mặt con người, nhưng đối với Chúa thì đừng hòng, nếu cứ ngoan cố thì có ngày Ngài sẽ vạch mặt chỉ tên.

 

“Hàng thật” hay “hàng giả”, không chỉ người đó biết mà còn có Chúa biết. Hãy cẩn thận và chớ khinh lờn.

 

Ánh Dương

 

 

Bài trướcBài thứ 30: Đừng Giới Hạn Chúa!
Bài tiếp theoBài thứ 31: Lật Ngược Tình Thế