Bài 48: Giu-Đa Và Nàng Ta-Ma

6717

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

Sáng thế ký 38                                                

Đây là đoạn Kinh thánh khác nữa mà dường như chẳng lấy gì làm cần thiết lắm, chẳng khác chi như cái chân thứ năm của một con bò. Sau khi đọc qua câu chuyện này, có lẽ chúng ta mong ước rằng phải chi nó đã được loại ra khỏi Kinh thánh. Có nhiều người đã từng hỏi rằng, không hiểu tại sao đoạn này lại được đặt vào trong Lời của Chúa. Tuy vậy, nó cũng giúp cho chúng ta biết được một ít bối cảnh về chi phái Giu-đa, chi phái mà từ đó Chúa Giê-xu xuất phát. Sự kiện nó được bao hàm trong Kinh thánh đã khiến nó trở nên quan trọng. Trong đoạn này chúng ta sẽ đọc được những tên như Giu-đa, Ta-ma, như Pha-rê, Giê-ra. Nếu như nghĩ rằng chúng nghe có vẻ na ná, thì ấy chẳng qua là chúng ta đã từng đọc chúng trong đoạn thứ nhất của Kinh thánh Tin lành Ma-thi-ơ. Chúng nằm trong gia phổ của Đức Chúa Giê-xu Christ. Đây là một điều đáng ngạc nhiên quá phải không? Chúa Giê-xu của chúng ta lại phát sinh từ một dòng dõi tội lỗi. Đúng là Ngài xuất thân và nhập thế cũng như chúng ta về mọi phương diện. Tuy nhiên Ngài là người duy nhất trên thế gian này vô nhiễm nguyên tội. Ngài đã giáng sanh vào một dòng dõi loài người đầy tội lỗi và tất cả mọi người thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.

 

Đoạn Kinh thánh này đề cập đến vấn đề tội lỗi cùng sự hổ thẹn của Giu-đa. Điều này khiến chúng ta có thể nói rằng, chắc chắn Gia-cốp chẳng được an ủi gì nhiều bởi các con trai mình, và điều này cũng trông dường như các con trai của Gia-cốp là những đứa con ngỗ nghịch, ngoại trừ Giô-sép và Bên-gia-min. Vì thế Giô-sép làm tiêu đi sự an ủi cho Gia-cốp, người cha tan nát cõi lòng, vì đứa con trai yêu dấu kia đã biến mất khỏi tay ông. Tất cả điều này cũng tiết lộ cho chúng ta thấy rằng, Gia-cốp đã bỏ ra quá nhiều thì giờ tại Pha-đan A-ram để gom góp cơ nghiệp tài sản hơn là dành thời giờ dạy dỗ con cái của mình. Ông ta thật khác với Áp-ra-ham biết bao!

 

Chúng ta cũng nhớ được có lần Đức Chúa Trời đã phán với Áp-ra-ham như vầy: “Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công bình và ngay thẳng; thế thì, Đức Giê-hô-va sẽ làm cho ứng nghiệm lời Ngài đã hứa cùng Áp-ra-ham.” (Sáng thế ký 18:19)

 

Thế nhưng Gia-cốp đã không làm điều đó. Thời ấy ông đã quá bận rộn ở ngoài đồng để thực hiện lời giao kết làm việc cho người cậu La-ban đến nỗi ông không có thời gian để dạy dỗ các con trai mình. Đó là một tấn thảm kịch, bởi vì mỗi một người trong nhóm họ dường như đã lún sâu vào con đường của tội lỗi.          

                         

Cũng có một lý do khác tại sao đoạn Kinh thánh này lại được bao gồm trong Lời của Đức Chúa Trời vào thời điểm ấy. Mở đầu đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ cùng đi xuống xứ Ai-cập với Giô-sép. Đức Chúa Trời phái Giô-sép đi trước, như thể anh ta tạo một cơ hội ngẫu nhiên quá đỗi tình cờ trong cuộc đời mình, nhằm mở đường cho sự di chuyển của con cái Y-sơ-ra-ên xuống xứ Ai-cập sau này. Sự kiện này có thể cũng là nhằm bảo tồn sự sống cho họ suốt thời kỳ nạn đói xảy ra tại xứ Ca-na-an, cũng có thể nhằm đưa họ ra khỏi vũng đất ấy để thoát khỏi những người dân Ca-na-an xấu xa gian ác và đến sống ẩn dật tại xứ Gô-sen, Ai-cập. Nếu như Gia-cốp và gia đình vẫn tiếp tục sống tại Ca-na-an thì chắc họ đã sa vào lối sống đáng kinh tởm của người dân Ca-na-an rồi. Thế thì đoạn Kinh thánh trước mặt chúng ta đây sẽ tỏ tường về sự cần thiết cho việc đem gia đình Gia-cốp tránh khỏi ảnh hưởng suy đồi của người dân Ca-na-an thời đó.

 

TỘI LỖI VÀ SỰ HỔ THẸN CỦA GIU-ĐA

 

Đây là câu chuyện về Giu-đa mà dòng dõi của ông sẽ là dòng dõi nhà vua trong vòng các chi phái Y-sơ-ra-ên.

Sáng thế ký 38:1-2, “Trong lúc đó, Giu-đa, lìa xa các anh em mình, đến ở cùng một người A-đu-lam, tên là Hi-ra. Tại đó, Giu-đa thấy con gái của một người Ca-na-an, tên là Su-a, bèn cưới làm vợ, và ăn ở cùng nàng.”

Anh ta đã lìa khỏi anh em mình và đi làm ăn với một người A-đu-lam nào đó. Khi xuống đến vùng Ca-na-an rồi, anh ta gặp một người phụ nữ bản xứ và cưới nàng làm vợ, cùng ăn ở với nàng.

 

Sáng thế ký 38:3, “Nàng thọ thai, sanh được một con trai, đặt tên là Ê-rơ.”

Giu-đa đặt tên đứa bé là Ê-rơ, và quả thật Giu-đa đã lầm lỗi (erred). Anh ta đã phạm tội.

Sáng thế ký 38:4-6, “Nàng thọ thai nữa, sanh được một con trai đặt tên là Ô-nan; lại sanh thêm một con trai, đặt tên là Sê-la. Vả, lúc vợ sanh sản, thì Giu-đa ngụ tại Kê-xíp. Giu-đa cưới cho Ê-rơ, con trưởng nam, một người vợ tên là Ta-ma.”

Đây là lần xuất hiện đầu tiên của Ta-ma. Bằng phương cách này nàng ta đã đi vào trong gia phổ của Đấng Christ! Bây giờ, hãy nhìn đến gia đình này, thật là một gia đình chứa đầy tội lỗi.

 

Sáng thế ký 38:7-10, “Nhưng Ê-rơ độc ác trước mặt Đức Giê-hô-va, nên Ngài giết người đi. Giu-đa bèn biểu Ô-nan rằng: Con hãy lại gần vợ anh con, kết bạn cùng nàng như em chồng, đặng nối dòng dõi cho anh. Ô-nan biết rằng dòng dõi nầy sẽ chẳng thuộc về mình, nên đương khi đến cùng nàng, thì làm rơi rớt xuống đất, để đừng sanh dòng dõi cho anh. Nhưng điều người làm vậy không đẹp lòng Đức Giê-hô-va, nên Ngài cũng giết người luôn đi.”

Điều này cũng nhắc nhở cho chúng ta biết rằng vào thời ấy vấn đề tình dục rất ít được đề cập.

Sáng thế ký 38:11, “Đoạn, Giu-đa biểu Ta-ma, dâu mình, rằng: Hãy về ở góa bên nhà cha con, cho đến chừng nào Sê-la, con trai cha, sẽ trở nên khôn lớn. Vì người nói rằng: Chúng ta hãy coi chừng, e khi nó cũng chết như hai anh nó chăng. Ta-ma bèn đi về ở nhà cha mình.”

Đó là phong tục thời bấy giờ, khi một người đàn ông qua đời, mà không con thì em trai mình sẽ phải cưới chị dâu ấy làm vợ. Ô-nan đã đến với Ta-ma, nhưng lại không muốn cho nàng sanh con để nối dõi cho anh mình. Bấy giờ Giu-đa có một con trai khác ở độ tuổi đang lớn, ông bảo với con dâu mình rằng, theo phong tục, nàng nên trở về nhà cha nàng, đợi đến khi con trai nhỏ kia của ông đủ khôn lớn để có thể kết hôn.

 

Sáng thế ký 38:12-13,  “Ngày qua tháng lại, con gái của Su-a, vợ Giu-đa, qua đời. Khi đã nguôi lòng, thì Giu-đa đi cùng bạn là Hi-ra, người A-đu-lam, lên đến nơi mấy thợ hớt lông chiên mình, tại Thim-na. Người ta cho nàng Ta-ma hay điều đó mà rằng: Nầy, ông gia ngươi đi khiến Thim-na đặng hớt lông chiên.”

 

Sự giao thương mà Giu-đa đã có liên quan đến việc gặp gỡ với người A-đu-lam này bằng tên gọi là Hi-ra, rõ ràng có mối liên hệ đến việc chăn chiên. Lúc ấy họ đang chăn chiên và chắc đã có chung với nhau một bầy chiên rất đông. Giu-đa đi lên đó đặng hớt lông chiên, và trong suốt khoảng thời gian đó thì Ta-ma cũng đang nóng lòng chờ đợi ở nhà. Nàng đi đến kết luận rằng Giu-đa sẽ không để cho Sê-la lấy nàng làm vợ.

 

Sáng thế ký 38:14, “Nàng bèn cổi áo góa bụa mình lại, rồi ngồi trước cửa thành Ê-na-im, bên con đường đi về Thim-na; làm vậy là vì nàng đã thấy Sê-la khôn lớn rồi, nhưng họ không gả mình cho chàng làm vợ.”

 

Dĩ nhiên, Sê-la là con trai thứ ba của Giu-đa. Ta-ma nhận thấy Giu-đa chẳng thèm quan tâm đến việc để cho Sê-la lấy nàng làm vợ, thế nên nàng đã quyết định hành động. Nàng cởi bỏ áo tang góa bụa, ngồi xệch bên vệ đường và trùm đầu bằng lúp như tập tục của những cô gái giang hồ.

 

Sáng thế ký 38:15-16, “Giu-đa thấy nàng, cho là một kỵ nữ, vì nàng che mặt, bèn lại gần mà nói rằng: Hãy cho ta đến cùng nàng; vì cớ người không biết nàng là dâu mình. Nàng đáp rằng: Ngươi sẽ cho tôi món chi đặng đi đến cùng tôi?”

 

Bây giờ chúng ta thử quan sát về hình ảnh của Giu-đa. Ông ta đã ăn ở với một người phụ nữ dân Ca-na-an, là con gái của Su-a. Thế rồi ông ta cũng lại làm công việc giống như thế với Ta-ma. Đây thật là một hình ảnh đen tối và là một câu chuyện xấu xa mà chúng ta đang chứng kiến. Giu-đa nghĩ rằng Ta-ma là một cô gái giang hồ, nàng đã chụp lấy cơ hội đó để lợi dụng ông ta và cũng nhằm bắt chẹt ông sau này, thế là nàng đã hành động.

 

Sáng thế ký 38:17-20, “Đáp rằng: Ta sẽ gởi cho nàng một con dê con của bầy ta. Nàng hỏi: Người sẽ cho tôi một của chi làm tin, cho đến chừng nào sẽ gởi con dê? Đáp rằng: Ta sẽ cho nàng của chi làm tin bây giờ? Nàng đáp: Con dầu, dây và cây gậy của người đương cầm nơi tay. Người liền cho, đi lại cùng nàng; nàng thọ thai vì người vậy. Đoạn, nàng đứng dậy mà đi, 19  cổi lúp ra và mặc quần áo góa bụa lại. Giu-đa cậy bạn A-đu-lam mình đem cho con dê con đặng chuộc mấy vật tin nơi tay người đờn bà nầy; nhưng tìm nàng chẳng thấy.”

 

Giu-đa đã nhờ một người bạn đi vào trong thành phố và người này nói rằng: “Tôi không tìm một cô gái giang hồ, nàng ấy chẳng ở đây.”

 

Sáng thế ký 38:21-24, “Bạn bèn hỏi dân tại nơi nàng ở rằng: Người kỵ nữ khi trước ở ngoài đường nơi cửa thành Ê-na-im đâu rồi? Họ đáp rằng: Ở đây chẳng có một kỵ nữ nào hết. Bạn bèn trở về Giu-đa mà rằng: Tôi kiếm nàng không đặng; và dân nơi đó có nói: ở đây chẳng có một kỵ nữ nào. Giu-đa rằng: Nầy, tôi đã gởi dê con đến, mà bạn chẳng thấy nàng; vậy, để cho nàng giữ lấy của tin đó, chẳng nên gây điều nhơ nhuốc cho chúng ta. Cách chừng ba tháng sau, người ta có học lại cùng Giu-đa rằng: Ta-ma, dâu ngươi, đã làm kỵ nữ, và vì nông nổi đó, nàng đã hoang-thai. Giu-đa đáp: Hãy đem nó ra thiêu đi.”

 

Giu-đa là một con người như thế đó. Một người sống đồng thời với hai tiêu chuẩn. Đức Chúa Trời không chấp nhận những điều này. Mặc dầu chúng được ghi lại ở đây trong Lời Chúa, nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài chấp nhận nó. Con cái của Đức Chúa Trời ngày ấy hành động giống hệt như dân Ca-na-an, đó chính là lý do mà Ngài kéo họ ra khỏi xứ và đưa họ vào trong đất Ai-cập. Ở đấy, Ngài sẽ phân rẽ và cách ly họ tại xứ Gô-sen nhằm giúp họ tránh xa cái ảnh hưởng đầy kinh khiếp. Diễn biến éo le đầy kịch tính ấy được chép ra trong đoạn Kinh thánh này để nói lên sự cần thiết mà qua đó Đức Chúa Trời thực hiện kế hoạch của Ngài.

 

Giu-đa thật đang hành động hết sức xấu xa không thể nào nói nổi. Sự kiện là ông ta nhanh chóng tìm thấy tội lỗi trong người khác, nhưng lại không thấy được tội lỗi trong chính mình. Việc này nhắc nhở cho chúng ta nhớ lại câu chuyện, có lần Na-than đến cùng Đa-vít và kể cho Đa-vít nghe câu chuyện người nghèo nọ chỉ có một con chiên cái nhỏ xem như là tài sản quí báu của mình. Thế mà có người giàu nọ đến bắt lấy nó đi đặng làm thịt đãi khách của mình. Khi nghe Na-than nói đến điều đó thì Đa-vít nhanh chóng kết tội người giàu có kia ngay. Đa-vít phản ứng giống hệt như cách của Giu-đa. Đa-vít phán rằng, kẻ giàu có nọ phải bị xử ném đá cho đến chết. Na-than bình tĩnh tuyên bố rằng: “Chính vua là người giàu đó.”

 

Thật hết sức lý thú khi chúng ta học biết được rằng, tất cả chúng ta có thể nhìn thấy tội lỗi trong người khác một cách hết sức rõ ràng, nhưng chúng ta không thể nhìn thấy tội lỗi trong chính bản thân mình.

 

Sự kết tội chống lại Giu-đa tăng lên gấp bội. Tội lỗi của ông ta chính nó đã là kinh khiếp, nhưng tội lỗi đó lại phạm với nàng dâu của mình. Đó cũng là phương cách mà người Ca-na-an đã sống. Trong thời đại ngày nay, người ta nghĩ rằng mình đang sống trong phong trào tình dục và gọi là “phong trào tự do tình dục mới.” Trải qua hàng nhiều thế kỷ, những kẻ vô tín đã từng sống theo sự tự do tình dục. Đó cũng là một phần của sự vô tín,  và đó cũng chính là lý do tại sao họ sống thấp hèn như sự kiện họ làm! Đó cũng là lý do tại sao họ bị phán xét và người Ca-na-an đã bị truất bỏ và bị biến mất. Đức Chúa Trời đã phán xét họ. Đó có thể là sứ điệp gởi cho bất cứ người nào. Tuy nhiên, rất nhiều người ngày nay dường như không nhận được sứ điệp đó, thậm chí kể cả những Cơ Đốc nhân. Chúng ta có thể tự hỏi tại sao đoạn này được nằm trong Kinh thánh? Nó nằm trong Kinh thánh như là một lời cảnh báo chúng ta, để bảo cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời không chấp nhận tội lỗi và cũng để giải thích lý do tại sao Đức Chúa Trời đã rút dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi đất Pha-lét-tin để đưa họ vào trong xứ Ai-cập.

 

Sau đó Ta-ma được đem đến trước mặt cha chồng của nàng:

Sáng thế ký 8:25, “Đương khi người ta đem nàng ra, thì nàng sai đến nói cùng ông gia rằng: Xin cha hãy nhìn lại con dấu, dây và gậy nầy là của ai. Tôi thọ thai do nơi người mà có các vật nầy.”

 

Giu-đa sắp sửa cho đem thiêu sống nàng, thì tức thì nàng giải bày: “Tôi cũng muốn cho cha biết ai là cha của đứa bé, đó chính là người chủ nhân của những đồ vật mà con chỉ cho cha xem.” Giu-đa nhìn những thứ đó và phải công nhận rằng chúng chính là những vật sở hữu của mình.

 

Sáng thế ký 38:26, “Giu-đa nhìn biết mấy món đó, bèn nói rằng: Nàng phải hơn ta, vì ta không đưa Sê-la, con trai ta, cho nàng. Đoạn, người không ăn ở cùng nàng nữa.”

 

Đối với Giu-đa, lẽ ra ông ta đã nên cự tuyệt đối với những ham muốn hèn hạ của mình, nhưng chúng ta cũng có thể thấy được tại sao ông ta đã phục theo và làm theo một số tập tục của người Ca-na-an.

 

Chúng ta dừng lại một chút để tìm ra một ứng dụng cho vấn đề này. Xin hãy nhớ rằng, tất cả những việc trên đây được viết ra nhằm mục đích dạy dỗ. Chúng nhằm làm gương cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta thường nghe nói rằng nếu muốn làm chứng hay giao thông với thế hệ thời đại thì chúng ta phải hòa đồng và sống theo lối sống giống như họ. Chúng ta không đồng ý với quan điểm này. Đức Chúa Trời chẳng bao giờ áp dụng phương pháp này để làm chứng. Đức Chúa Trời từng luôn truyền dạy dân sự Ngài, dù dưới hoàn cảnh nào cũng phải sống một cuộc sống cao cả, thánh khiết, vượt trổi hơn những người trong đồng cảnh ngộ.

 

Có thể tưởng tượng một cách rõ ràng rằng, một trong số những giáo sư thần học của thời đại ngày nay bước lên chiếc tàu Nô-ê và nói: “Hỡi anh bạn Nô-ê, anh đang bỏ ra tất cả thời gian của mình để mà đóng con tàu này. Anh thật quá dại dột mà đi làm công việc vô tích sự ấy. Tối nay, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi tiệc rất lớn tại Ba-by-lôn. Người ta vừa chuyển đến một lô hàng cần sa mới, và chúng ta sẽ được đi mây về gió, sẽ lướt nhẹ nhàng trên cây cỏ, chúng ta sẽ có những giây phút tuyệt vời mà chỉ mất một chuyến đi ngắn ngủi, anh không cần phải đóng con tàu ấy đâu. Chúng tôi sẽ dành cho anh một chuyến đi đầy thú vị. Thôi, nhanh lên nào!” Dĩ nhiên Nô-ê  từ chối. Thế nên nhà thần học nọ đã hỏi Nô-ê: “Vậy làm thế nào anh có thể hy vọng có mối quan hệ được với tất cả những kẻ híp-pi (những kẻ chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa hiện sinh) ở Ba-by-lôn? Làm thế nào anh sẽ có thể tiếp cận được với đám thanh niên Ba-by-lôn thích nhảy đầm kia, nếu anh không sẵn lòng đi xuống đặng giao tiếp với họ?”

 

  Đối với Nô-ê, Đức Chúa Trời chỉ yêu cầu ông ta rao truyền sứ điệp của Ngài. Và đây cũng chính là điều mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải làm ngày nay. Chắc chắn nếu con cái Đức Chúa Trời muốn phân phát Lời của Ngài và sống một đời sống xứng đáng đặng rao giảng Phúc âm thì Ngài sẽ làm cho vững vàng sự làm chứng của họ. Ngày nay có rất nhiều vị mục sư quá lo sợ thiếu mất hội chúng nghe mình, đến nỗi họ làm bất cứ điều gì đặng lôi cuốn đám đông đến với nhà thờ – bởi thế một số người ấy đang gặp nhiều rắc rối. Chúng ta hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ yêu cầu chúng ta thỏa hiệp. Ngài chỉ yêu cầu chúng ta rao giảng Lời của Chúa – bất kể là hội thánh chúng ta có lớn nhỏ bao nhiêu đi chăng nữa.

 

Tiến sĩ Scofield có lần được mời đến giảng trên toàn tiểu bang North Carolina. Buổi giảng đầu tiên lại diễn ra vào một đêm mưa, và có rất ít người đến nghe ông ta giảng. Vị mục sư địa phương cảm thấy ái ngại và xin lỗi Tiến sĩ Scofield về việc này. Thế là ông ta đến với vị Tiến sĩ và nói rằng ông ta cảm thấy rất có lỗi vì đã có quá ít người đến nghe một nhà thần học có tiếng tâm như thế này. Tiến sĩ Scofield liền đáp lời vị mục sư rằng: “Chúa của chúng ta giảng chỉ có 12 người nghe và Ngài cũng chẳng than phiền gì. Vậy thử hỏi, tôi là ai mà dám than phiền chỉ vì số người đến nghe quá ít?” Đây quả là một bài học đáng giá cho thời đại chúng ta. Chúng ta rất thường nghĩ rằng, phải có một số đông người đến nghe, bằng chẳng vậy thì Đức Chúa Trời sẽ không hiện diện tại đó. Có lẽ Đức Chúa Trời đã kêu gọi chúng ta làm chứng cho số ít người. Nếu chúng ta rao giảng Lời Chúa thì Lời đó hẳn nhiên sẽ có hiệu lực trong chính nó. Lời của Đức Chúa Trời có quyền năng, và Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những con tàu vận chuyển mà qua đó Ngài sẽ phân phát Lời Ngài.

 

Vâng, đúng là Giu-đa đã tự hạ đạo đức của mình xuống ngang hàng với người Ca-na-an và chúng ta hãy nhìn xem hậu quả:

 

Sáng thế ký 38:27-30, “Đến kỳ sanh nở, nầy trong bụng nàng có thai đôi. Đương lúc sanh nở, một trong hai đứa đưa tay ra trước; bà mụ bắt lấy tay buộc một sợi chỉ điều, và nói rằng: Đứa nầy ra trước. Nhưng nó rút tay vào, thì đây, anh nó lại ra. Bà mụ nói rằng: Mầy, tông rách dường nầy! Họ đặt tên là Phê-rết. Kế em nó ra sau, là đứa nơi tay có sợi chỉ điều, và họ đặt tên là Sê-rách.”

 

Bây giờ nếu chúng ta lật sang Kinh thánh Tân Ước, để tìm thấy gia phổ của Đức Chúa Giê-xu được chép trong Ma-thi-ơ đoạn 1, như vầy:

“Gia phổ Đức Chúa Jêsus Christ, con cháu Đa-vít và con cháu Áp-ra-ham. Áp-ra-ham sanh Y-sác; Y-sác sanh Gia-cốp; Gia-cốp sanh Giu-đa và anh em người. Giu-đa bởi Tha-ma sanh Pha-rê và Xa-ra. Pha-rê sanh Ếch-rôm; Ếch-rôm sanh A-ram (Ma-thi-ơ 1:1-3)

Thế rồi lần theo gia phổ này, chúng ta sẽ đọc được câu Kinh thánh trong Ma-thi-ơ 1:16, “Gia-cốp sanh Giô-sép là chồng Ma-ri; Ma-ri là người sanh Đức Chúa Jêsus, gọi là Christ.”

 

Thật là một điều đáng kinh ngạc biết bao khi chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu Christ theo phần xác thịt, đã đến trên thế gian này thông qua dòng dõi của Giu-đa và Ta-ma! Khi Ngài đến với gia đình nhân loại, Ngài lại hoá thân vào trong một dòng dõi đầy tội lỗi. Ngài là Đấng vô tội, đã phải nhận chịu tội lỗi vì cớ chúng ta. Hầu cho qua Ngài, chúng ta được xưng công bình trước mặt Đức Chúa Trời. II Cô-rinh-tô 5:21, “Đức Chúa Trời đã làm cho Đấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Đấng đó mà được trở nên sự công bình của Đức Chúa Trời.”

 

Trước khi kết thúc bài học này, chúng ta nhớ tình dục là điều tốt lành mà Đức Chúa Trời ban cho con người khi Ngài tạo dựng. Đời sống tình dục cần được thể hiện trong hôn nhân giữa vợ chồng. Còn nếu ai bị lôi cuốn vào tình dục ngoài vợ chồng của mình thì đó là tội lỗi, và người ấy phải nhận lấy hậu quả của mình.

                   

 

Bài trướcBài 48: Sở Hữu Các Phước Hạnh Thuộc Linh (tt)
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư, Truyền Đạo, Nhân Sự Tỉnh Quảng Ngãi.