Bài 158: Sách Giô-na, một tiên tri mang định kiến

437

Bài 158: Sách Giô-na, một tiên tri mang định kiến

Trong lịch sử truyền giảng Tin Lành, chỉ có một chiến dịch mà cả thành phố gồm mọi người từ vua cho đến dân thường đều đồng lòng ăn năn. Sự thành công của chiến dịch truyền giảng nầy là một phép lạ lớn. Có lẽ mọi người đều bày tỏ lòng ăn năn vì chính vị vua của họ đã ăn năn. Với một chính quyền chuyên chế thì đây là điều dễ xảy ra.

Có một nữ giáo sĩ đi truyền giáo tại vùng núi Luzon, cô làm việc 7 năm với ước mong đem Tin Lành đến cho người Balongao. Tên cô là Joanne, nhưng theo cách phát âm địa phương thì tên cô được đọc là “Wammi” Một hôm Wammi đến gặp vị tù trưởng, ông nói với cô, “Wammi, tôi đang đọc cuốn sách của Đức Chúa Trời, và bây giờ thì tôi quyết định rằng cô sẽ không thể dạy chúng tôi về cuốn sách ấy nữa.” Cô Wammi thầm nghĩ như vậy là chức vụ giáo sĩ của mình tại đây xem như kết thúc, cô hỏi viên tù trưởng, “Amassal, tại sao tôi không thể dạy các ông về cuốn sách đó.” Viên tù trưởng đáp, vì cuốn sách của Đức Chúa Trời nói rằng đàn bà không được dạy đàn ông về Lời của Ngài. Do đó bây giờ cô dạy tôi và đến phiên tôi sẽ dạy lại cho dân làng tôi.” Wammi thở phào nhẹ nhõm. Bộ lạc nầy có một cơ cấu quyền hành rất chặt chẽ. Khi viên tù trưởng bắt đầu dạy Lời Chúa cho dân làng thì cả bộ lạc đều công khai tin nhận Chúa. Mọi người đều tin Chúa vì họ được nghe lời giảng đạo từ chính người lãnh đạo của mình. Tuy nhiên Wammi cảm nhận là sự sống thuộc linh chưa được thể hiện rõ ràng cho đến vài năm sau đó. Bây giờ hằng ngàn người trên khắp vùng núi Luzon đều thờ phượng Chúa. Vào Chúa nhật của mỗi tháng họ họp nhau lại thành một nhóm rất lớn. Những Chúa nhật khác, họ họp nhau thành những nhóm nhỏ trên khắp các buôn làng. Một cuộc cách mạng đã xảy ra khi mà viên tù trưởng ăn năn, tin nhận Chúa và đích thân rao giảng Lời của Ngài cho đồng bào mình. Có lẽ điều tương tự như vậy đã xảy ra tại Ni-ni-ve. Có lẽ vị vua đã bày tỏ lòng tin nơi Đức Chúa Trời và tạo ảnh hưởng sâu rộng trên quốc gia ông.

Khi đọc sách Giô-na cho đến chương 3, chương ghi lại biến cố cả dân thành Ni-ni-ve ăn năn, chúng ta vẫn chưa nắm được hết sứ điệp của cả sách. Sứ điệp chính của Giô-na nằm ở chương 4, chương nầy ghi về phản ứng của Giô-na khi dân thành Ni-ni-ve ăn năn. Có lẽ quí vị cho rằng Giô-na sẽ rất vui vì lịch sử sẽ ghi nhớ ông là người truyền giảng Lời Chúa rất thành công. Lẽ ra Giô-na nói rằng, “Thật là tuyệt vời! Đức Chúa Trời yêu thương ngay cả người Ni-ni-ve, tình yêu của Ngài không chỉ giới hạn trong phạm vi người Do Thái. Chúa có quyền biến đổi lòng của dân ngoại. Thật là phép lạ lớn lao.”

Tuy nhiên Giô-na không phản ứng như vậy. Lòng Giô-na đầy căm thù người  Ni-ni-ve. Việc người  Ni-ni-ve ăn năn và được giải cứu khỏi cơn đoán phạt khiến Giô-na vô cùng giận dữ. Giô-na than trách với Chúa rằng, Giô-na 4

Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi cầu xin Ngài, ấy há chẳng phải là điều tôi đã nói khi tôi còn ở trong xứ tôi sao? Vì đó nên tôi lật đật trốn qua Ta-rê-si vậy. Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhơn từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ.
3 Hỡi Đức Giê-hô-va, vậy bây giờ, tôi nài xin Ngài hãy cất sự sống tôi; vì về phần tôi, chết còn hơn sống!

Chúa hỏi Giô-na, “Liệu ngươi giận như vậy có nên không?” Giô-na đi ra ngoài thành về hướng đông, ông làm một cái chòi bằng lá cây rồi chờ xem điều gì xảy ra cho thành nầy. Khi lá cây bị héo vì nắng nóng, Chúa khiến dây nho mọc lên thật nhanh chóng để phủ trên đầu Giô-na khỏi bị cái nắng nóng thiêu đốt. Giô-na cảm thấy dễ chịu. Nhưng rồi Chúa lại chuẩn bị một con sâu, sáng hôm sau nó cắn dây nho, dây nho khô héo và chết. Khi mặt trời mọc lên, ánh nắng dọi trên đầu Giô-na đồng thời Chúa khiến một cơn gió đông thật nóng thổi đến. Ông ngất đi và chỉ mong được chết. Giô-na nói, “Thà chết còn hơn.” Chúa hỏi Giô-na, “Ngươi giận vì cớ dây nho nầy có nên không?” Giô-na trả lời, “Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm.” Chúa phán, Giô-na 4

Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sanh ra và một đêm thấy nó chết.
11 Còn ta, há không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao
?

Có lẽ quí vị tự hỏi liệu có gì sai trật nơi vị tiên tri nầy không? Tại sao ông lại phản ứng cách lạ lùng như vậy? Thật ra Giô-na có một nan đề mà ngày nay chúng ta gọi là thành kiến. Giô-na có thành kiến với người  Ni-ni-ve. Ông ghét họ. Người Do Thái chánh tông coi thường người  Ni-ni-ve vì họ là dân ngoại. Người Do Thái gọi dân ngoại là “chó.” Nghĩa là dân ngoại không có sự hiểu biết thuộc linh. Bên cạnh thành kiến nầy,  Ni-ni-ve còn là kẻ thù của ông. Có thể Giô-na đã chứng kiến những cảnh tàn bạo do người  Ni-ni-ve gây ra trên đồng bào ông, không chừng cho gia đình của ông nữa cũng nên. Giô-na có lý do để căm ghét người  Ni-ni-ve, điều nầy giải thích vì sao khi Chúa cứu người  Ni-ni-ve thì Giô-na lại giận dữ.

Tại đây chúng ta thấy Chúa bày tỏ lòng kiên nhẫn lớn lao đối với Giô-na, Ngài dạy ông bài học bằng dây nho. Chúa khiến lá dây nho che trên chòi của Giô-na bị khô héo nên ông giận dữ. Chúa phán,

Ngươi nổi giận vì cớ dây nầy có nên không? Người thưa rằng: Tôi giận cho đến chết cũng phải lắm.
10 Đức Giê-hô-va lại phán: Ngươi đoái tiếc một dây mà ngươi chưa hề khó nhọc vì nó, ngươi không làm cho nó mọc, một đêm thấy nó sanh ra và một đêm thấy nó chết.
11 Còn ta, há không đoái tiếc thành lớn Ni-ni-ve, trong đó có hơn mười hai vạn người không biết phân biệt tay hữu và tay tả, lại với một số thú vật rất nhiều hay sao?

Nhiều học giả tin rằng 12 vạn người ở đây chỉ về các trẻ em là lứa tuổi chưa biết phân biệt phải trái và chưa chịu trách nhiệm về hành động của mình. Dựa vào điều đó các học giả tin rằng dân số  Ni-ni-ve khoảng từ một đến hai triệu người. Qua chương 4, Chúa muốn vị tiên tri mang thành kiến hãy suy xét lại thái độ của mình.

Trong phần lược khảo những sách tiên tri, chúng tôi đã thưa với quí thính giả rằng nhiệm vụ của một tiên tri là cất đi mọi chướng ngại làm cản trở công việc của Đức Chúa Trời trên đất nầy. Một khi trở lực xảy ra thì tiên tri sẽ lên tiếng cho đến khi giải quyết xong và công việc Chúa được diễn tiến bình thường trở lại. Theo quí vị thì trở lực được tìm thấy trong sách Giô-na là gì? Đó là thành kiến, thành kiến của vị tiên tri và của dân sự Đức Chúa Trời. Chúa muốn dạy rằng những thành kiến trong chúng ta phải được cất đi để Chúa có thể hành động qua chúng ta.

Một lần nữa sứ điệp của sách Giô-na cũng giống như những tiên tri khác đó là: Đức Chúa Trời yêu thương loài người, Đức Chúa Trời yêu thương tất cả mọi người. Ngài yêu người da đen và yêu người da trắng, Ngài yêu người Á Phi và Ngài cũng yêu người Âu Mỹ, Ngài yêu tất cả mọi người. Đây là sứ điệp chạy xuyên từ Sáng Thế Ký cho đến Khải Huyền, Đức Chúa Trời yêu thương tất cả mọi người. Các tiên tri thường được xem là những người công bố sứ điệp bi thảm thì cũng giảng về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sứ điệp chính của sách Giô-na không phải là việc tìm xem con cá lớn đến mức độ nào để có thể nuốt Giô-na, nhưng sứ điệp của sách là tình yêu thương của Chúa. Con cá chỉ được nhắc đến 4 lần, Giô-na được nói đến 17 lần, nhưng Đức Chúa Trời được đề cập đến 35 lần.

Tình yêu thương là thuộc tính căn bản của Đức Chúa Trời được thể hiện qua sách Giô-na. Tuy nhiên Ngài không thể bày tỏ tình yêu thương của Ngài qua một tôi tớ còn mang đầy thành kiến. Nếu Chúa yêu  Ni-ni-ve mà tiên tri của Ngài ghét họ thì làm sao Chúa có thể làm việc qua tiên tri của Ngài được? Làm sao Chúa có thể bày tỏ tình yêu của Ngài khi mà con dân của Chúa còn sống trong thành kiến?

Nếu đọc sách Giô-na và trả lời 3 câu hỏi nầy: Sách nầy nói về điều gì? Điều đó có nghĩa gì và điều đó có nghĩa gì đối với tôi? Thì chúng ta sẽ học được bài học quan trọng qua việc Giô-na ghi lại sách nầy. Đáng lưu ý là các tác giả của Cựu Ước khi viết sách, họ không tô điểm để người ta thấy cái tốt của họ, giống như người Việt ta có câu: “Tốt khoe, xấu che” Thật ra sách Giô-na do ông viết ra lại khiến cho người đọc có cảm tưởng ông là người quái gở. Thế mà Giô-na vẫn trung thực ghi lại mọi việc. Ông cho biết thế nào ông đã nổi loạn với Chúa, thế nào ông là người đầy thành kiến. Ông cũng cho thấy Chúa là Đấng thành tín, kiên nhẫn hành động qua một người như ông. Giô-na cũng không ngần ngại cho biết ông không có tình yêu của Đức Chúa Trời đối với người  Ni-ni-ve, nhưng Chúa là Đấng giàu lòng thương xót họ.

Bài học của Giô-na là: “Tôi không có tình yêu thương đối với người  Ni-ni-ve nhưng Chúa có tình yêu đó. Tôi không yêu người  Ni-ni-ve nhưng Chúa yêu họ. Tôi không muốn yêu người  Ni-ni-ve, nhưng Chúa muốn yêu họ. Tôi không đã không bày tỏ lòng yêu thương đối với người  Ni-ni-ve nhưng Chúa đã thể hiện lòng yêu thương của Ngài.”

Đức Chúa Trời yêu thương hết thảy mọi người trên thế giới nầy, không một ai mà Chúa không yêu. Khi Chúa hứa với Áp-ra-ham là tổ phụ của một dân tộc đặc biệt được lựa chọn thì Ngài khẳng định rằng, “Qua ngươi mà mọi nước, mọi dân sẽ được phước.” Mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia đều ở trong trái tim của Ngài. Điều khó khăn của Đức Chúa Trời là làm sao để truyền đạt khải tượng nầy đến với những tiên tri còn mang đầy thành kiến như Giô-na.

Một số học giả tin rằng còn có một lẽ thật khác được tìm thấy qua sách Giô-na. Đó là lẽ thật về sự sống lại. Các học giả tin rằng Giô-na đã thật sự chết trong bụng cá. Giô-na nói rằng, Giô-na 2:7

Tôi đã xuống đến chơn nền các núi; Đất đã đóng then nó trên tôi đời đời. Hỡi Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi, nhưng Ngài đã đem mạng sống tôi lên khỏi hầm hố!

Nếu Giô-na đã thật sự chết trong bụng cá và được sống lại thì sách Giô-na không những dạy chúng ta về lòng yêu thương của Đức Chúa Trời, từ bỏ thành kiến mà còn là một minh họa về sự chết và sự sống lại. Chúa Jêsus phán rằng:

Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một thể ấy, Con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. (Ma-thi-ơ 12:40)

Dựa theo những gì mà Chúa Jêsus và Giô-na đã nói mà nhiều người tin rằng sách Giô-na cũng dạy về lẽ đạo sống lại.

Sách Giô-na nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho thế giới bị hư mất tương phản với thành kiến của con người. Sách cũng nói đến quyền tể trị tuyệt đối của Đức Chúa Trời trên mọi biến cố xảy ra trong đời sống chúng ta. Và cuối cùng sách Giô-na minh họa về sự chết và sống lại.

Khi đọc sách Giô-na, chúng ta tự hỏi là mình còn có những thành kiến nào không? Công việc Chúa có bị trở ngại bởi thành kiến của chúng ta không? Có khi nào chúng ta từ chối trước tiếng gọi của Chúa không? Nếu xem lại những gì Chúa cho phép xảy ra trên đời sống mình chúng ta có thưa với Chúa rằng, “Dạ con xin vâng lời Ngài” không? Chúa yêu chúng ta và Ngài muốn chúng ta gạt bỏ thành kiến để đến với người khác và nói với họ rằng Chúa cũng yêu họ. Phải chăng đây là những gì mà quí vị đang làm?

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

Bài trướcKrao Khan – 1/1/2025
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ Bà K’ DỊU