HTTLVN.ORG – Những lời cầu nguyện trong Kinh Thánh đều có mẫu số chung là niềm hy vọng. Hy vọng khiến chúng ta nhìn lên trời và sấp mình xuống với đầu gối của mình, nắm chặt lấy Đấng ngự trên cao kia. Phục Truyền Luật Lệ Ký 33:12 chép rằng “Người mà Đức Giê-hô-va yêu mến sẽ được ở yên gần bên Ngài. Hằng ngày Đức Giê-hô-va sẽ che chở người, lập nơi ở Ngài giữa hai vai người, Đức Giê-hô-va ngự giữa hai vai người”. Cầu nguyện là yên nghỉ trong hy vọng và giao phó mọi phiền não vào nơi cánh tay toàn năng của Chúa. Đây là sự tin cậy dạn dĩ và trung tín nơi Đấng Tạo Hóa, Đấng Bảo Vệ và Đấng Tiếp Trợ của chúng ta. Có 650 lời cầu nguyện trong Kinh Thánh, và khoảng 450 sự đáp lời cầu nguyện được ghi lại.
Kinh Thánh chép rằng Đức Chúa Trời quan sát chúng ta suốt đêm, ngay cả khi chúng ta nằm ngủ nữa kìa. Có phải bạn từng bị đánh thức ban đêm mà không có lý do rõ ràng không? Có khi, theo cá nhân tôi, tôi tin là để kết nối với chúng ta trong sự cầu nguyện.
Đặc trưng của những lời cầu nguyện trong Kinh Thánh
Có nhiều lúc cầu nguyện trong Kinh Thánh mang tính thi ca và ở các dịp khác đây là một cuộc trò chuyện, được thể hiện qua một sự giảng dạy hoặc được viết ra trong một bức thư. Vẫn còn những bài viết khác là những tác phẩm suy niệm và hồi ức về Đức Chúa Trời là ai và Ngài đã làm gì cho chúng ta cho đến thời điểm này. Có ít nhất chín loại cầu nguyện khác nhau trong Kinh Thánh: sự cầu nguyện nhơn đức tin, cầu nguyện chung, cầu xin hoặc thỉnh cầu (nài xin), tạ ơn, thờ phượng, dâng hiến, cầu thay, rủa sả và cầu nguyện trong Thánh Linh.
Đa-vít là người sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, ông đã dốc đổ tấm lòng ra trong sự cầu nguyện với Đức Chúa Cha nhiều lần và điều này được bày tỏ xuyên suốt Kinh Thánh. Dù ẩn mình trong hang động tránh kẻ thù hay khi cảm thấy xấu hổ về tội lỗi của mình, Đa-vít đã xây qua Đức Chúa Trời xin Ngài vùa giúp, mong được tha thứ. Ông ngợi khen Đức Chúa Trời về bản thể của Ngài. Mối quan hệ với Đức Chúa Trời trong sự cầu nguyện của ông bao phủ lấy nhiều trang Thi Thiên và có vai trò như một lời nhắc nhở về mối liên hệ cá nhân của Đức Chúa Trời chúng ta là dường nào. Trong Tân Ước, chúng ta thấy mối quan hệ mật thiết của Phao-lô với Đức Chúa Cha qua sự làm chứng về đời sống của ông và những lời cầu nguyện mà ông đã dâng lên vì các Hội Thánh mà ông thành lập sau cuộc hạnh ngộ với Đấng Christ. Ông nhắc tới sự cầu nguyện những 41 lần.
Mặc dù họ sống vào các thời điểm khác nhau, chúng ta vẫn có thể nghe thấy niềm hy vọng trong những lời lẽ của cả Đa-vít lẫn Phao-lô. Lời cầu nguyện ấy tuôn đổ qua các thư tín và Thi Thiên của họ rất cá nhân và sâu sắc. Hai nhân vật này đã được thay đổi cho đến đời đời khi nhìn biết Đức Chúa Trời cao cả của họ.
Những lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong chức vụ trên đất của Ngài được nhắc đến 25 lần. Mác 1:35 thuật lại thể nào Ngài dậy thật sớm tìm một nơi yên tĩnh để cầu nguyện với Cha của Ngài. Ngài dạy chúng ta cách thức cầu nguyện:
“Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:9-13).
Ngài đã cầu nguyện ở trong vườn đến mức thống khổ, xin Cha cất bỏ gánh nặng thập tự giá khỏi Ngài. Nhưng Ngài khép lại lời cầu nguyện trong sự trung tín, thuận phục: “xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi!” (Lu-ca 22:42). Khi chúng ta dốc đổ tấm lòng ra với Đức Chúa Trời, theo gương của Ngài, chúng ta bao phủ lời cầu nguyện đó với ý muốn của Đức Chúa Trời bởi nhân danh Chúa Giê-xu mà chúng ta cầu xin. Những lời cầu nguyện thường được kết thúc với “A-men”. Có người giải thích rằng từ này có ý nói: “được lắm, Đức Chúa Trời đã nghe thấy lời cầu nguyện của tôi; do vậy tôi biết điều này là chắc chắn và là một lẽ thật”.
Dưới đây là 3 lời cầu nguyện đầy khích lệ trong Kinh Thánh:
- Bài cầu nguyện của Chúa
“Vậy các ngươi hãy cầu như vầy: Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác! Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men” (Ma-thi-ơ 6:9-13)
Lời Chúa Giê-xu nói ra trong sự cầu nguyện có năng quyền mạnh mẽ. Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời cung ứng cho chúng ta ngôn từ để cầu nguyện! Mục sư John Piper giải thích: “Tôn thánh danh Chúa là một hành động của tấm lòng chứ không chỉ là của lý trí như hành động của ma quỷ, cũng không phải là việc giơ hai tay lên giống như người Pha-ri-si đã làm, nhưng là sự trân trọng danh Ngài trên hết mọi sự giống như Cơ Đốc nhân xem trọng”.
Chúa Giê-xu dạy chúng ta phải nhắm đến địa vị đúng đắn của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha, thờ lạy và ngợi khen Đức Chúa Trời về bản thể và công việc của Ngài. Vì cớ sự chết và sự sống lại của Đấng Christ, chúng ta được tha tội khi chúng ta xưng ra và ăn năn, và có thể nài xin Đức Chúa Trời bảo vệ và vùa giúp. Khi chúng ta không có lời để cầu nguyện, chúng ta có thể chuyển sang bài cầu nguyện của Chúa, và cầu xin Đức Thánh Linh giúp đỡ chúng ta cá nhân hóa nó vào cuộc sống hàng ngày. Bài cầu nguyện ấy có thể được diễn giải như sau: “Đây là Cha của bạn ở trên trời mà bạn đang liên hệ với, và Ngài biết rõ hơn chính bạn về những gì bạn có cần. Với một Đức Chúa Trời như vầy yêu thương bạn, bạn có thể cầu nguyện rất đơn sơ với Ngài.”
- Lời cầu nguyện của Ma-ri
“Ma-ri bèn nói rằng: Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Nầy, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước; Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh, và Ngài thương xót kẻ kính sợ Ngài từ đời nầy sang đời kia. Ngài đã dùng cánh tay mình để tỏ ra quyền phép; Và phá tan mưu của kẻ kiêu ngạo toan trong lòng. Ngài đã cách người có quyền khỏi ngôi họ, và nhắc kẻ khiêm nhượng lên Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon, và đuổi kẻ giàu về tay không. Ngài đã vùa giúp Y-sơ-ra-ên, tôi tớ Ngài, và nhớ lại sự thương xót mình. Đối với Áp-ra-ham cùng con cháu người luôn luôn, như Ngài đã phán cùng tổ phụ chúng ta vậy” (Lu-ca 1:46-55).
Bài ca của Ma-ri là “bài tụng ca”. Ma-ri hạ mình và ngập tràn vui mừng bởi cách Đức Chúa Trời nhìn xem nàng và đã chọn nàng làm mẹ xác thịt của Chúa Giê-xu. Lời cầu nguyện của nàng phản ảnh sự tôn kính mà nàng dành cho Đức Chúa Trời. Đời sống cầu nguyện của chúng ta cũng được nung nấu nhiều bởi những lời thỉnh cầu và lo toan. Đúng như thế, khi thế gian vỡ tung ra và áp lực đè nặng trên đời sống chúng ta hàng ngày với những lo âu và sợ hãi mới. Cảm nhận điều không thấy được kia rất là dễ dàng, ngay cả trong một thế giới được kết nối bằng kỷ thuật cao hơn trước đây.
Lời cầu nguyện của Ma-ri nhắc cho chúng ta nhớ về tầm quan trọng của việc dành thì giờ để nhớ Đức Chúa Trời là ai và nhớ rằng Ngài đang nhìn xem chúng ta. Hết thảy chúng ta, kẻ thấp hèn nhất trong mọi kẻ thấp hèn. Ngài nhìn thấy ngay cả những vấn đề nhỏ nhất khiến chúng ta buồn rầu. Ngài gần gũi và thương xót. Trái ngược với những gì xã hội khiến chúng ta tin: “Ngài không lấy gì làm ấn tượng với bất kỳ kiêu ngạo, quyền lực hay sự sang trọng nào của bạn. Ngài thương xót những ai kính sợ Ngài, những kẻ nào hạ mình xuống, xây khỏi bản ngã kiêu căng về sự giàu có, trở nên nhận biết sự thấp hèn và quên mình vì cớ người khác” – Mục sư John Piper nói từ bục giảng.
- Lời cầu nguyện của Gia-bê
“Gia-bê khấn nguyện với Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên rằng: Chớ chi Chúa ban phước cho tôi, mở bờ cõi tôi rộng lớn; nguyện tay Chúa phù giúp tôi, giữ tôi được khỏi sự dữ, hầu cho tôi chẳng buồn rầu! Đức Chúa Trời bèn ban cho y như sự người cầu nguyện” (I Sử Ký 4:10).
Cầu nguyện như Gia-bê là phó sự sống mình cho Đức Chúa Trời như một túp lều trống vậy. Giữa một chuỗi phả hệ trong Cựu Ước, chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện của Gia-bê. Tên của ông có nghĩa là “đau khổ”. Ông cầu xin Đức Chúa Trời cứu ông ra khỏi tình trạng của chính ý nghĩa cái tên của ông. Ồ, đôi khi chúng ta phải chiến đấu với con người của mình. Lợi lộc vật chất không phải là tiêu điểm và mục đích lời cầu nguyện của Gia-bê. Thay vào đó chính là sự mở rộng của tấm lòng. Đức Chúa Trời hứa với chúng ta về sự tiếp trợ, chớ không hứa sự thịnh vượng.
Đức Chúa Trời đã dựng nên mỗi người với một mục đích duy nhất và đặt cuộc sống hàng ngày của chúng ta giữa những người xung quanh. Khi chúng ta cầu nguyện, điều quan trọng là chúng ta phải cởi mở với “bờ cõi” mà Đức Chúa Trời muốn trải dài và cơi rộng ra trong cuộc sống của chúng ta. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là sự phát triển của tri thức tin kính và các ân tứ thuộc linh trong tấm lòng của chúng ta. Ngài sẽ dẫn chúng ta vào mục đích của chúng ta khi vâng phục ăn năn tội lỗi của mình và theo đuổi Đức Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta muốn tôn vinh Ngài trong mọi sự chúng ta làm và với những gì chúng ta có.
Bạn sẽ sử dụng các gương cầu nguyện trong Kinh Thánh như thế nào để làm mạnh mẽ đời sống cầu nguyện của mình?
Có rất nhiều lời cầu nguyện đáng kinh ngạc trong sách Thi Thiên cung ứng cho chúng ta lời lẽ để cầu nguyện khi chúng ta không biết phải nói gì. Thi Thiên 86 là một trong nhiều Thi Thiên mà Đa-vít dốc đổ tấm lòng của ông ra với Đức Chúa Trời. Trong đó, ông cầu nguyện: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy nghiêng tai qua, nhậm lời tôi; Vì tôi khốn cùng và thiếu thốn. Xin bảo hộ linh hồn tôi, vì tôi nhân đức; Đức Chúa Trời tôi ôi! xin hãy cứu kẻ tôi tớ Chúa vẫn nhờ cậy nơi Chúa. Chúa ôi! xin thương xót tôi; Vì hằng ngày tôi kêu cầu Chúa. Xin hãy làm vui vẻ linh hồn kẻ tôi tớ Chúa; Vì, Chúa ôi! linh hồn tôi ngưỡng vọng Chúa” (các câu 1-4).
Mặc dù cuộc đời và trải nghiệm của Đa-vít trên đất rất khác so với hoàn cảnh hiện đại của chúng ta, nhưng những cảm xúc mà ông thể hiện trong câu từ của mình cũng là nỗi lòng của chính chúng ta. Hãy đọc phần còn lại của Thi Thiên này, hoặc bất kỳ phân đoạn Kinh Thánh nào mà Đức Chúa Trời đặt để trong tấm lòng của bạn, và làm theo các bước đơn giản này để thêm nó vào lời cầu nguyện hàng ngày.
- Tô màu và ghi chép những điều cần thiết
Tô màu những mệnh đề hay cụm từ được lặp đi lặp lại, và bất cứ điều gì nói tới hoàn cảnh sống trong hiện tại. Bạn không cần phải làm điều này trên bản văn bằng giấy với bút mực trên tay. Những ứng dụng [app] học Kinh Thánh có thể giúp bạn tô sáng câu gốc và sắp xếp các điểm cần lưu ý thay cho bạn.
- Tham khảo các bản Kinh Thánh có chú thích, các sách tự điển Kinh Thánh, giải nghĩa Kinh Thánh
Những tài liệu và ứng dụng nghiên Kinh Thánh rất phong phú trong việc ứng dụng các lời cầu nguyện trong Kinh Thánh vào đời sống. Hãy đi theo đường lối mà Đức Chúa Trời đang dẫn dắt bạn trong linh trình cá nhân trong khu rừng Kinh Thánh. Đừng quá tập trung vào việc phải học thuộc lòng nhưng hãy tập chú vào những gì Chúa tỏ ra suốt linh trình đó.
- Hãy cầu nguyện với điều đó
Hãy cá nhân hoá lời cầu nguyện trong Kinh Thánh thành lời cầu nguyện hằng ngày của bạn và hãy khởi sự nắm bắt điều đó mỗi ngày. Hãy viết ra những lời cầu nguyện, hãy in ra những lời cầu nguyện rồi chép chúng vào một quyển sổ riêng. Hãy khoanh tròn các nhân xưng đại danh từ rồi cá nhân hoá chúng. Một lời cầu nguyện mà Đa-vít có thể trở thành lời cầu nguyện của cá nhân bạn. Hay, một ghi chú đơn sơ từ Kinh Thánh có thể nhóm lên ngọn lửa và trở thành một phần lẽ thật mà chúng ta lặp đi lặp lại cho chính mình. Cầu nguyện là điều riêng tư. Các tấm gương trong Kinh Thánh thì đúng là những tấm gương. Việc quan trọng nhất là giữ cho việc trò chuyện, tương giao với Chúa phải được diễn ra liên tục.
Đoàn Phan Danh dịch
Tác giả: Meg Bucher (Nguồn: biblestudytools.com)