Vô Cùng

1117

Anh thanh niên rất đẹp. Đẹp và cao sang, màu da cẩm thạch trắng, mịn, ánh nét cao quý. Mũi thẳng, mắt to và sâu, ánh nhìn thăm thẳm. Chiếc miệng đẹp, làn môi khá đậm, rõ nét cương nghị. Nụ cười kín đáo, vừa thanh thản, vừa trầm lặng. Thỉnh thoảng, nụ cười của anh phảng phất một niềm vui khó hiểu, niềm vui lảng đảng, đâu như từ bờ bên kia sông Giô-đanh (Jordan) theo gió bay về, lấp đi vẻ thanh thản và trầm lặng của một thanh niên tinh anh, dòng dõi Lê-vi (Levites) của dân tộc Hê-bơ-rơ (Hebrew) cao quý. Những khi đó, cánh mũi anh phập phồng, mắt anh không còn tia nhìn thăm thẳm nữa mà mờ đi trong sắc màu nâu nhạt ướt nước, màu của thế tục, của bâng khuâng, của đam mê.

 

Anh mặc một chiếc áo mát-lát (mashlach) may bằng vải lông chiên, phía trước và phía sau đều có thêu chỉ vàng, nổi bật trên nền vải sọc to, hai màu: màu đỏ tía rực rỡ và màu cánh sen lặng lẽ. Chỉ thêu là những sợi vàng ròng, làm chiếc áo lóng lánh, lộng lẫy, kiêu sa.

 

Chiếc áo đó là tấm áo choàng của một tiểu vương uy quyền ngoài sa mạc gửi tặng cho cha anh, thầy tế lễ thuộc chi phái Lê-vi trong dân Hê-bơ-rơ. Nhận biết chiếc áo không thích hợp cho một chi tộc tinh tuyền ơn chọn lựa thiên thượng, cha anh không mặc mà cũng không cho con cháu mặc. Ông cho xếp vào một chiếc rương chứa đồ lặt vặt không dùng đến và đưa vào gác xép.

 

Không may là anh thanh niên trông thấy chiếc áo ngay khi món quà được đưa đến từ sa mạc. Anh lén cha, lấy chiếc áo, đem về phòng mình, thỉnh thoảng mặc ra ngoài, vui chơi với bạn bè, những người bạn thương buôn trẻ từ các xứ lạ, theo cha tập tành việc kinh doanh.

 

Tối hôm đó, anh từ nhà hát trở về. Ở đó, anh cùng đám bạn thương buôn ngồi uống rượu và ngắm các đào nương, vũ nữ ca múa, quay cuồng. Trong màu mắt nâu nhạt, ướt nước, anh ngắm xem những chiếc áo lụa mỏng manh, những chiếc bụng nhỏ, eo thon uốn éo theo tiếng trống, theo điệu nhạc. Rồi từ chỗ anh ngồi, những chiếc cốc, những chai rượu mạnh bày tràn trên bàn cũng muốn rùng mình đứng dậy múa hát. Và anh, anh cũng đứng lên, tay đưa cao lên đầu, chuẩn bị múa tay, uốn éo. Có một bàn tay kéo anh ngồi xuống, bàn tay của một anh thương nhân trẻ, người quê ở Tạt-sơ (Tarsus). Anh nầy thường theo cha đến Giê-ru-sa-lem  (Jerusalem) mua bán, và cũng có mấy lần theo gia đình anh Lê-vi nầy đến dự thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ Giê-ru-sa-lem.

 

Anh thanh niên Lê-vi ngồi xuống bàn, cất tiếng hát. Tiếng hát của anh trầm, ấm áp như than hồng ủ giữa tiết trời đông, nhưng vang vang như tiếng bước chân rập ràng trong buổi diễu hành của một đoàn hùng binh. Giọng hát trầm, khêu dậy sức sống, âm vang trong nhà hát rộng.

 

Cả nhà hát quay lại nhìn. Các vũ nữ cũng dừng tay múa, lặng lẽ đứng nghe. Cả khán phòng lặng ngắt, mọi hơi thở dường như ngưng đọng. Người ta chỉ nghe tiếng hát ấm, vang, mạnh mẽ mà thanh thoát chuyển tải lời bài hát nghẹn ngào, lời bài hát diễn tả nỗi nhục nhằn của một dân tộc đã có lần bị mất nước, cam phận lưu đày:

 

“Từ Si-Ôn, cành cội già nức nở

“Tiễn nụ xanh, lá thắm xuôi dòng

“Sóng Giô-đanh quặn lòng thương nhớ

“Năm tháng qua, sóng cuộn ngược dòng

“Mà nghe tiếng khóc nát lòng,

“Hồn Si-Ôn khóc nước non điêu tàn…”

 

 

Tiếng hát ấm áp cứ vang vang, dội vào hồn người nỗi hồi tưởng về những năm tháng khốn đốn, lao lung của một dân tộc. Mọi người trong nhà hát đang lắng nghe, xao xuyến, bồi hồi, thì chợt một tiếng thét lớn vang lên, rồi một giọng nói rắn như đá dội xuống nền đá hoa sáng bóng của nhà hát và dội lên trần nhà hát cao vút và dội vào bốn bức tường im ắng, trầm mặc đang ấp ủ tiếng hát ngọt ngào, tiếng hát vừa khoắc khoải vừa tuôn đổ như dòng suối, nước trong vắt, mạnh mẽ, vượt qua thác ghềnh ưu tư, xoải dòng thành sông rộng. Tiếng thét và giọng nói hằn học vang lên:

 

–      Im đi! Thằng Do Thái đốn mạt kia! Mi im đi giọng hát nỉ non, than vản của mi. Bọn A-si-ri (Assyria) sẽ trở gót, đạo quân Ba-by-lôn (Babylonia) sẽ quay lại, xâm chiếm đất nước mi, giày xéo dân tộc mi đấy. Mi không cần phải than thở về chuyện của đất nước mi nữa. Để yên cho chúng ta xem múa hát. Đừng để chúng ta nghe những lời ẻo uột đáng ghét của mi nữa…

 

 

Giọng nói hằn học vừa dứt, một tiếng xoảng của thủy tinh vỡ vang lên. Tiếng hát của anh thanh niên Lê-vi đã ngừng lại sau khi tiếng hét bất ngờ vừa vang lên “Im đi! Thằng Do Thái đốn mạt kia!…” Sau tiếng thủy tinh vỡ tiếng hát lại tiếp tục, than vản về Si-ôn (Zion). Lập tức, tiếng xoảng của thủy tinh vỡ lại vang lên và trong nháy mắt, anh thanh niên Lê-vi, tay bị bẻ quặt ra sau lưng bởi hai thương nhân người Li-by (Libya) và bị đẩy ra khỏi cửa nhà hát. Các bạn ngồi cùng anh cũng bị đẩy ra con đường lát đá tảng bên ngoài nhà hát. Các ca kỷ và các vũ nữ Giê-ru-sa-lem nhìn theo…

 

Hôm sau, sau khi mặt trời lặn, các ngôi sao bắt đầu bước ra từ bầu trời đêm, nhìn xuống những con phố rộng, hẹp, những ngôi nhà kín đáo, đẹp đẽ ở Giê-ru-sa-lem với những giếng nước rải rác và những cây ô-li-ve màu xám bạc, anh thanh niên Lê-vi lại bồn chồn. Anh muốn bước chân đến nhà hát, muốn gặp gỡ các bạn thương nhân tứ xứ lẫn các vương tôn công tử của dân Giu-đa (Judah). Anh muốn nghe các ca kỹ đàn hát và xem các nữ vũ công múa hát. Anh vẫn nhớ bàn tay cứng như gọng kềm của kẻ đã đẩy anh ra khỏi nhà hát. Anh vẫn còn ê ẩm ở cổ, ở vai. Anh muốn ở lại nhà, dự buổi cầu kinh tối của gia đình. Nhưng lòng dạ anh cồn cào. Anh nhớ điệu múa, lời ca. Anh nhớ mùi rượu mạnh làm từ những trái nho đen. Anh nhớ ánh sáng nhảy nhót của những ngọn đèn đốt bằng dầu ô-li-ve. Anh cũng muốn có dịp, anh lại hát, điệu hát thương yêu, trân trọng quê hương. Hôm qua là lần đầu tiên anh hát trước nhiều người. Và hôm nay, anh lại muốn hát …

 

Khi các ngôi sao mọc nhiều hơn trên bầu trời đêm, anh không ngăn được nữa nỗi bồn chồn, nôn nóng càng lúc càng trổi lên mạnh mẽ trong tâm trí, trong hồn anh. Anh lấy chiếc áo mát-lát, mặc vào, quấn trên đầu chiếc khăn sang trọng dệt từ lông lạc đà, mịn màng, ấm mát.

 

Ở nhà hát, không việc gì xảy ra cho anh. Những kẻ gây sự tối qua vẫn có mặt, nhưng chúng chỉ nhìn anh bằng ánh mắt dửng dưng. Đêm nay, anh không hát, nhưng anh uống rất say khi thấy ánh mắt ngưỡng mộ của một vũ nữ, suốt buổi tối cứ đăm đắm nhìn anh. Ánh mắt ấy, anh biết, đã đăm đắm nhìn anh từ nhiều ngày. Ánh mắt ấy cũng đã làm lòng anh nôn nao, chân lúc nào cũng muốn chạy đến nhà hát.

 

Khi anh ra về, bầu trời đêm đen kịt những vì sao lấp lánh. Đến ngay trước cửa nhà anh, khi anh đang gọi cổng, thì một bọn gần mười thanh niên trẻ, nét mặt dữ dằn, túa ra từ các ngõ quanh nhà anh, kẻ cầm gậy, kẻ cầm trượng, kẻ cầm cuốc quặp, kẻ cầm dao dài, cách xa vài bước, có mấy kẻ cầm trành đã lắp sẵn đá và cánh tay chúng đã vươn ra, sẵn sàng bung trành ném đá.

 

Người nhà anh không kịp mở cổng, anh quay người, chạy đi, rẽ vào một ngõ nhỏ. Bọn chúng đuổi theo, anh không thể thoát thân. Gậy và trượng bổ xuống. Kẻ cầm cuốc quặp không hiểu sao bổ xuống không trúng người anh, nhưng dao chém tới nhắm vào đầu anh để giáng xuống một dao trí mạng. Anh đưa tay lên đỡ, kèm theo tiếng kêu thất thanh: “Cứu tôi! Xin cứu tôi”. Lưỡi dao bổ xuống, lọt vào lòng bàn tay anh, máu tuôn xối xả. Mũi anh bị đập bằng gậy, trán nhận mấy nhát bổ xuống bằng cây trượng rắn chắc. Đá bật ra từ những chiếc trành ném đá, trúng vào ngực, cả vào mặt, vào miệng anh. Máu tuôn ướt đẫm chiếc áo mát-lát sang trọng.

 

Anh nằm gục trên vũng máu cho đến khi bọn chúng tản đi và có người khiêng anh về nhà cha anh, thầy tế lễ trong dân Y-sơ-ra-ên (Israel).

 

Anh nằm trên giường chữa trị thương tích ba tháng và chờ các vết thương lành lặn, sức khỏe phục hồi. Trong ba tháng ấy, những chàng trai trẻ Giê-ru-sa-lem đến thăm, cho biết những kẻ làm hại anh là những thanh niên Giu-đa, gồm đủ mọi thành phần: kẻ chăn chiên thuê, người làm ruộng thuê, kẻ giúp việc rèn khí giới… đã được các thương nhân xứ lạ đến, thuê họ đánh và chém anh, vì ánh mắt của vũ nữ giai nhân Gia-mi-lét (Jamilesh) nhìn anh ngưỡng mộ.

 

Ba tháng dài trôi qua. Hồn, trí anh miên man. Anh nghĩ đến chiếc áo mát-lát sang trọng, món quà của người dân ngoại uy quyền nay đẫm máu anh, người thanh niên Giu-đa thuộc chi tộc Lê-vi cao quý. Ý định phi nhân tính của những kẻ ngoại bang nhờ sự góp tay đắc lực của những thành phần đạo đức kém cỏi trong dân Y-sơ-ra-ên làm cho thể xác anh tả tơi và tâm hồn anh chấn động, rã rời, sợ hãi.

 

Trong ba tháng ấy, cha anh, thầy tế lễ đáng kính trong dân Y-sơ-ra-ên, im lặng cùng anh. Ông chỉ lẳng lặng chăm sóc anh. Những gì cần nói với anh về sự cao trọng của tuyển dân Đức Chúa Trời, ông đã nói, đã dạy dỗ chi ly, ráo riết từ khi anh còn thơ ấu. Khi anh bắt đầu sống và hành động theo sự dẫn dắt của đôi mắt ướt nơi anh, ông yên lặng, khẩn thiết cầu nguyện cho đứa con yêu dấu của ông.

 

Ông cũng dạy con ông trông đợi Đấng Mết-si-a (Messiah), Đấng Cứu Chuộc dân Y-sơ-ra-ên. Chính lòng ông cũng mong đợi Đấng ấy.

 

Cách đây ba mươi ba năm, khi đó ông là một thanh niên trẻ, rất trẻ, rất đẹp trong chi phái Lê-vi của dân Y-sơ-ra-ên. Ông được các thầy thông giáo dạy dỗ, uốn nắn về niềm tin chờ đợi Đấng Mê-si.

 

Một đêm sao sáng, lòng ông nóng nảy, bồn chồn. Tâm hồn ông như muốn vút bay ra khỏi thể xác ông để chào đón một điều mầu nhiệm xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Rồi những mục đồng hối hả, gấp gáp, bước đi như chạy, ngang qua ngôi nhà tổ phụ của ông. Họ nói với nhau, và ông được nghe “Hãy đến xem Đấng Cứu Thế giáng trần!”.

 

Rồi các mục đồng quay bước trở về, thuật lại việc họ đã gặp Đấng Cứu Thế. Ông nghe, ghi nhớ trong lòng và đặt lòng tin nơi Đấng ấy, là Đấng sẽ “cứu dân mình ra khỏi tội”

 

 

Rồi ông trở thành thầy tế lễ trong dân Y-sơ-ra-ên.

 

Trong khi các thầy tế lễ khác nghi hoặc hoặc dửng dưng về sự việc Chúa Giê-xu (Jesus) người Na-xa-rét (Nazareth) là Đấng Mết-si-a, Đấng Cứu Thế, thì thầy tế lễ trẻ tuổi nầy nuôi dưỡng trong tâm hồn một niềm tin đơn sơ rằng Giê-xu người Na-xa-rét là Đấng phải đến và đã đến. Từ đó tâm tư ông dõi theo Đấng Cứu Thế, từ khi Ngài còn là một thiếu niên mười hai tuổi, đầy khôn ngoan, giảng dạy về nước Đức Chúa Trời tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, cho đến khi Ngài ba mươi tuổi, đi khắp nơi, làm nhiều phép lạ, chữa nhiều bệnh tật, rao giảng về nước Đức Chúa Trời, rao giảng về sự chết chuộc tội và sự phục sinh vinh hiển của chính Ngài.

 

Và, mấy ngày trước đây, Chúa Giê-xu người Na-xa-rét đã bị lính La Mã ập đến bắt trói dẫn đi khi Ngài đang cầu nguyện cùng môn đồ Ngài ở vườn Ghết-sê-ma-nê (Ghethsemane). Bị dân Giu-đa là chính dân Ngài, cáo tội lộng ngôn, tự lập mình bằng Đức Chúa Trời, Ngài bị kết án đóng đinh và án tử hình sĩ nhục ấy sẽ được diễn ra vào ngày mai, trên đồi Gô-gô-tha (Golgotha).

 

Ngày mai, thầy tế lễ trong dân Y-sơ-ra-ên sẽ đưa con trai mình đi tiễn Giê-xu người Na-xa-rét, Đấng sẽ chịu nhục hình trên đỉnh Gô-gô-tha. Có lẽ ông sẽ gặp thầy tế lễ cả và các thầy thông giáo, những người có quyền lực trong cộng đồng dân Giu-đa. Có lẽ họ sẽ đến để kiểm tra việc thực thi án tử hình. Họ sẽ đến. Dân Giê-ru-sa-lem cũng sẽ đến. Và các dân ngoại bang cũng sẽ đến.

 

Anh thanh niên thức dậy từ mờ sáng. Lòng anh bâng khuâng. Tâm trí anh xao động. Đêm qua, cha anh đã tận tụy giải thích cho anh, rằng Đấng sẽ chịu đóng đinh trên cây gỗ chính là Đấng Mết-si-a, là Đấng sẽ cứu dân Y-sơ-ra-ên và mọi sắc dân khác ra khỏi tội. Anh hỏi: “Làm sao để biết Đấng chịu đóng đinh trên thập tự giá vào ngày mai chính là Đấng Mết-si-a, Đấng sẽ cứu muôn dân ra khỏi tội?”

 

 

Cha anh thoáng bâng khuâng, nhưng sau đó, ông trả lời bằng một giọng nói rắn rỏi, điềm đạm và bằng ánh mắt rất sáng của niềm tin.

 

“Đã có dấu ấn thiêng liêng về ngày Giáng sinh của Ngài. Ngày ấy, thiên thần hát bài hát giáng sinh mầu nhiệm, vui mừng “Sáng danh Chúa trên các tầng trời rất cao, Bình an dưới thế, ân trạch cho loài người.” Cũng có dấu ấn thiêng liêng trong ngày Ngài chịu phép báp-têm nơi sông Giô-đanh. Ngày đó “hết thảy dân chúng đều chịu phép báp-têm, Đức Chúa Giê-xu cũng chịu phép báp-têm. Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh Linh lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”. Những dấu ấn thiêng liêng đó được khắp cõi Giu-đê (Judea), Sa-ma-ri (Samaria) và Ga-li-lê (Galilee) nhắc đến. Nay đến biến cố lớn lao nầy, việc Ngài chịu đóng đinh trên Thập tự giá, ta tin rằng sẽ có dấu ấn thiêng liêng – một dấu ấn thiêng liêng mới mẻ, toàn vẹn, một dấu ấn minh chứng Ngài là Con Đức Chúa Trời, đến thế gian để làm trọn ý chỉ Đức Chúa Trời là đem con người đến cùng Đức Chúa trời.

 

 

Anh thanh niên yên lặng. Lòng anh bâng khuâng, tâm trí anh xao động.

 

Rồi anh cùng cha đi đến đồi Gô-gô-tha. Cùng đi với anh và cha anh còn có người em trai kém anh ba tuổi. Em trai anh cũng có màu da cẩm thạch trắng, mịn, mắt to và sâu, ánh mắt nhìn thăm thẳm. Riêng màu nâu nhạt ướt nước, không thấy trong mắt em trai anh, mà thay vào đó là màu nâu sậm, mạnh mẽ, thiết tha.

 

Họ đến đồi Gô-gô-tha khi người tử tội cao quý đã bị treo trên Thập tự giá. Bên trên cây gỗ, có một tấm bảng, ghi: “Giê-xu người Na-xa-rét vua dân Giu-đa”. Những chữ ấy viết bằng ba thứ tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew), La-tinh (Latin) và Gờ-réc (Greek). Tấm bảng yên lặng, và người tử tội cũng đang yên lặng thăm thẳm trên cây gỗ.

 

Anh thanh niên nhìn lên cây gỗ. Em trai anh cũng nhìn lên. Người tử tội đang đau đớn, một nỗi đau lặng lẽ, xót xa, sâu thẳm. Tay Người giang ra, hai thép đinh lớn đóng chắc nơi hai cổ tay, ghìm người vào thanh ngang thập giá. Hai thép đinh khác lớn hơn đóng chắc vào đôi chân gác chéo nhẹ nhàng của Người trên thanh dọc của thập tự giá. Đầu Người đội một chiếc mũ gai, máu nhỏ giọt từ những nơi mũi gai đâm vào. Máu nhỏ giọt trên vầng trán sáng, dịu dàng của Người. Máu nhỏ giọt từ đôi cổ tay mảnh khảnh của người. Máu nhỏ giọt từ đôi chân gác chéo hiền lành của Người.

 

Và máu nhỏ giọt từ trong trái tim âm thầm thổn thức của anh thanh niên Lê-vi.

 

Vì khi anh nhìn lên thập tự giá, mắt anh chạm phải ánh mắt dịu dàng và thiết tha của người tử tội. Người nhìn anh, cái nhìn trầm lặng, đầy yêu thương, đầy khoan dung. Ánh mắt hiền từ, uy nghiêm và nồng nàn nhìn xoáy vào đôi mắt ngỡ ngàng, rụt rè và bàng hoàng của anh.

 

Anh rụt rè và bàng hoàng vì mắt anh nhìn thấy máu và hồn anh lảo đảo khi nhìn thấy máu.

 

Anh nhớ lại ba tháng trước đây, máu anh đã đổ ra từ trán, từ mũi, từ miệng, từ bên hông, trên bả vai, trên đôi chân. Máu khắp người. Máu tuôn ra do trành ném đá vút tới, do cây trượng và cây gậy của kẻ thất phu bổ đến, do lưỡi dao của kẻ hung ác bập xuống. Máu đổ ướt áo, đẫm sân do những giờ phút đam mê liều lĩnh của anh khiến dẫn đến thảm kịch…

 

Nay, anh thấy máu của Đấng chịu treo trên cây gỗ đang nhỏ giọt. Hồn anh lảo đảo. Tâm trí anh bàng hoàng. Cha anh đã nói cùng anh rằng Đấng vô tội sẽ chết thay cho kẻ có tội. Anh nhìn thấy máu. Anh nhìn chăm vào đôi mắt nhân từ, thăm thẳm tình yêu thương, đầy ắp sự nhẫn nại của Người tử tội đang nhìn xuống anh. Anh nhắm mắt lại và thấy máu của anh lênh láng trên mảnh sân nhớp nháp. Anh nhắm mắt lại và thấy máu của người tử tội tuôn đổ nhẹ nhàng mà mãnh liệt, nhỏ giọt thánh thót mà biến thành dòng suối hân hoan, róc rách tiếng nhạc gọi mời, thiết tha âm vang một hòa khúc đợi chờ, nhẫn nại.

 

Anh nhắm mắt lại và nghe có tiếng rạn nứt trong tâm hồn anh khi nhìn lại những năm tháng hư không của đời anh vừa trôi qua, không hi vọng, không niềm tin, không dự tính về tương lai, không nóng nảy, sốt sắng về đời mình, đời người, về sự tôn kính Đức Giê-hô-va, không động lòng trước sự dạy dỗ về niềm tin của tổ phụ.

 

Giữa lúc ấy, giữa lúc anh thanh niên nghe có tiếng rạn nứt trong tâm hồn mình thì bầu trời bỗng trở nên tối tăm. Mây trời dừng lại. Vạn vật im ắng, từ giờ thứ sáu cho đến giờ thứ chín. Mặt trời không tỏa sáng. Bóng tối bao phủ đỉnh đồi Gô-gô-tha. Giữa lúc ấy, tại đền thờ Đức Chúa Trời ở Giê-ru-sa-lem, màn trong đền thờ xé ở giữa ra làm hai. Và tại đồi Gô-gô-tha, Người tử tội quê ở Na-xa-rét kêu lớn tiếng: “Hỡi Cha, tôi giao linh hồn lại trong tay Cha!” Người nói xong thì tắt hơi.

 

Trong giây phút Người tử tội hắt hơi thở cuối cùng, anh thanh niên khóc nức nở trong lòng. Một dòng sống thản nhiên, mơ hồ, mê đắm của đời anh vừa được cuốn đi trong niềm ân hận không cùng khi anh nhìn thấy chiếc đầu cao quý đội mão gai đang gục xuống trên thập tự giá. Một niềm tôn kính, yêu mến sâu xa đối với Đấng chịu chết vừa mọc mầm trong tâm hồn tan nát của anh.

 

Bên cạnh anh, cha anh đang ngước nhìn Đấng Thánh vừa qua đời. Mắt ông đầy ắp sự thành kính, tôn quý đối với Đấng Con Trời. Về sau nầy, khi nhắc lại ngày Chúa chịu đóng đinh, cha anh nói:

 

– Dấu ấn thiêng liêng của Đấng Con Trời là chính trong giờ phút Chúa chịu đóng đinh và trút linh hồn, vạn vật tối sầm lại, và màn trong đền thờ xé làm hai.

 

 

Những khi cha nói về biến cố thiêng liêng ấy, anh thường tiếp lời cha để nói cùng những người sinh sau anh trong ngôi nhà của chi tộc Lê-vi :

 

– Màn trong đền thờ xé làm hai là dấu hiệu của ân điển Chúa. Đức Chúa Trời cho phép con người đến cùng Ngài qua sự chết của Đấng Cứu Thế, Con Ngài. Không còn nữa sự ngăn trở giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời chí thánh. Đấng Cứu Thế đã chịu chết thay, để đưa con người đến cùng Đức Chúa Trời.

 

 

Bên cạnh anh thanh niên Lê-vi vào ngày trọng đại ấy còn có em trai anh, một thanh niên tao nhã, nghiêm túc, con của một thầy tế lễ thành khẩn trong đức tin nơi Đức Chúa Trời và thiết tha trong niềm tin nơi Đấng Cứu Thế. Dưới chân thập tự giá, người em của anh cũng nhìn thấy anh mắt của Đấng chịu chết. Tâm hồn dịu dàng, nhạy cảm, anh nhìn thấy đôi mắt thánh của Đấng Thánh nhìn anh mình và nhìn thấu cả tâm linh mình. Anh thưa cùng Đấng ấy:

 

– Con cảm ơn Người vì Người vừa khiến con yêu mến Người. Tình yêu nầy mới lạ lắm cho con, bởi vì  từ khi còn thơ ấu, con đã lớn lên trong văn tự, trong luật pháp, từ những cuộn giấy da dê hay những cuộn giấy pa-pi-rút (papyrus). Nay con cám ơn Người vì Người dạy con yêu mến chính Người, Đấng yêu thương vô cùng, Đấng im lặng vô cùng, Đấng uy nghiêm vô cùng, Đấng Thánh vô cùng.

 

 

Hai anh em sau đó theo cha trở về nhà, trầm lặng. Sau ba ngày, nghe tin Đấng Cứu Thế sống lại, họ theo chân các môn đồ Chúa tìm đến ngôi mộ trống, nhìn mảnh khăn liệm, lòng thêm rạt rào niềm thương yêu, trí tuệ và tâm hồn thêm sáng ngời đức tin kiên quyết.

 

Hai anh em dòng dõi Lê-vi về sau trở thành hai chứng nhân đầy năng lực của Chúa Giê-xu, Đấng Vô cùng. Họ trở nên hai nhà truyền giáo Cơ Đốc, dong ruỗi khắp xứ Ga-li-lê, xứ Sa-ma-ri, xứ Giu-đê và cả các thành phố ngoại bang trong đế quốc La Mã.

 

 

 

Người đời sau hỏi về tên tuổi họ, thường nhận được câu trả lời từ hậu duệ của họ rằng họ là những người vô cùng may mắn, vô cùng được ơn vì đã gặp gỡ Đấng Cứu Thế ngay dưới chân Thập tự giá của Ngài trên đồi Gô-gô-tha.

 


Dã Hạc

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.