Vai trò của Cơ Đốc Giáo Dục với con trẻ?

3909

Đối với người tin Chúa Giê-xu, nếu hỏi “Cơ Đốc Giáo Dục có quan trọng không”, thì câu trả lời thật quá rõ ràng, không cần phải bàn cãi. Câu trả lời sẽ được nhấn mạnh rằng: CÓ, Cơ Đốc Giáo Dục rất quan trọng. Vậy tại sao lại phải phải hỏi về điều này? Đó là vì trong cộng đồng đức tin, người ta vẫn còn một số cái nhìn khác nhau về Giáo Dục Cơ Đốc.

Chẳng hạn, người ta sẽ đặt vấn đề, “Ai là người chịu trách nhiệm giới thiệu con trẻ về niềm tin Cơ Đốc?”, hay “Tôi nên cho con tôi theo môi trường giáo dục nào, trường công, trường tư, hay giáo dục tại gia?”  Có rất nhiều ý kiến ​​về chủ đề này, và sự tranh luận vẫn không ngừng tiếp diễn.

Vai trò của giáo dục Cơ Đốc

Khi tìm kiếm sự dạy dỗ của Kinh Thánh về điều này, chúng ta đến với một đoạn cụ thể trong Cựu Ước về việc giáo dục con trẻ: 

Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chỉ” (Phục Truyền 6:5-8) 

Lịch sử Y-sơ-ra-ên cho chúng ta biết rằng người cha là người chịu trách nhiệm hướng dẫn con cái mình đi theo đường lối và sự dạy dỗ của Lời Chúa để chúng phát triển thuộc linh và được thịnh vượng. Thông điệp trong phân đoạn này được lặp lại trong Tân Ước, nơi Phao-lô khuyên những người làm cha “hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó” (Ê-phê-sô 6:4).

Châm Ngôn 22:6 cũng nói với chúng ta rằng “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” 

Dạy dỗ không chỉ bao gồm các hình thức giáo dục chính quy, mà còn cả những hướng dẫn của cha mẹ dành cho con trẻ trong những năm tháng đầu đời. Việc dạy dỗ này là nhằm mục đích tạo cho con trẻ một nền tảng vững chắc cho cuộc sống của chúng.

Trách nhiệm giáo dục thuộc về ai?

Khi chúng ta chuyển sang chủ đề về giáo dục chính quy, có những hiểu lầm cần được giải quyết. Thứ nhất, Đức Chúa Trời không nói rằng chỉ có cha mẹ mới giáo dục con cái như nhiều người khẳng định, và thứ hai, Ngài không nói rằng giáo dục công lập là không tốt, hay chúng ta chỉ được cho con cái mình học trong các trường Cơ Đốc. Xuyên suốt Kinh Thánh chỉ nhấn mạnh đến trách nhiệm lớn nhất trong việc giáo dục con cái thuộc về cha mẹ, còn chuyện giáo dục ở đâu thì Kinh Thánh không đề cập. 

Vì vậy, để nói rằng phương pháp giáo dục chính quy “theo Kinh Thánh” là phải dạy học tại nhà (homeshooling) hay tại các trường Cơ Đốc thì dường như chúng ta đã “vượt quá lời đã chép”. Tôi cũng muốn tránh việc chúng ta cố tình dùng Kinh Thánh để chứng minh cho ý kiến chủ quan của mình. Thay vào đó hãy làm ngược lại: chúng ta muốn đưa ra ý kiến của mình trên nền tảng Kinh Thánh. Một lưu ý khác chúng ta cũng nên tránh là cho rằng chỉ có những giáo viên được đào tạo chính quy mới có khả năng giáo dục con cái của chúng ta. Một lần nữa, vấn đề nêu ra ở đây là trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai và câu trả lời: đó là của cha mẹ.

Vấn đề của Kinh Thánh không phải là mô hình giáo dục con cái chúng ta nhận được, mà là thông tin “được lọc” qua mô hình nào. Ví dụ, một học sinh theo mô hình giáo dục tại nhà (homeschool) có thể được giáo dục về những giá trị Cơ Đốc nhưng lại không sống theo bởi vì học sinh đó không thực sự biết Đức Chúa Trời của Kinh Thánh và không thực sự hiểu các nguyên tắc Kinh Thánh. Tương tự như vậy, một đứa trẻ được giáo dục ở trường công vẫn có thể đủ trưởng thành để hiểu về những ngụy biện của sự khôn ngoan trần thế khi đối chiếu với Lời Đức Chúa Trời mà nó được học tại nhà. 

Thông tin đang được sàng lọc qua lăng kính Kinh Thánh trong cả hai trường hợp, nhưng sự hiểu biết tâm linh thực sự chỉ tồn tại trong trường hợp thứ hai. Tương tự như vậy, một học sinh có thể theo học tại ngôi trường Cơ Đốc nhưng hoàn toàn có thể không có và không lớn lên trong mối liên hệ cá nhân với Chúa. Cho nên, nguyên tắc được nhấn mạnh xuyên suốt ở đây là chính cha mẹ là những người có trách nhiệm định hướng và uốn nắn con trẻ sao cho con mình thật sự nhận biết Đức Chúa Trời và tin Ngài.

Trong Hê-bơ-rơ 10:25, Đức Chúa Trời ban cho các tín hữu mạng lệnh, chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” Thân thể của Đấng Christ là một phần không thể thiếu trong việc giáo dục con cái, giúp cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong các vấn đề thuộc linh. Sự giảng dạy đúng đắn về Lời Chúa từ Hội Thánh và lớp Trường Chúa nhật là tốt và cần thiết.

Kinh Thánh là nguồn chân lý

Vì vậy, bất kể chúng ta chọn mô hình giáo dục nào, thì cuối cùng cha mẹ vẫn phải chịu trách nhiệm chính yếu nhất về việc giáo dục tâm linh cho con cái của mình. Một giáo viên trường Cơ Đốc có thể sai, một Mục sư hay giáo viên Trường Chúa nhật có thể sai, và cha mẹ có thể sai về một quan điểm thần học nào đó. Vì vậy, khi dạy con cái về những điều thuộc linh, phải hiểu rằng nguồn chân lý tuyệt đối duy nhất là Kinh Thánh (II Ti-mô-thê 3:16). Có lẽ bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể dạy cho con cái mình là noi gương những người Bê-rê “ngày nào cũng tra xem Kinh Thánh, để xét lời giảng có thật chăng” (Công Vụ 17:11), đồng thời, “hãy xem xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:21).

Hồng Nhung dịch (Theo GotQuestion)

Bài trướcThông báo & Thư mời: Lễ Cảm tạ Chúa – Kỷ niệm 95 năm thành lập Hội Thánh Tin Lành Nha Trang
Bài tiếp theoTP. HCM: Tấn Phong 9 Mục Sư Khu Vực II