UB.TTN – Lãnh Đạo Cơ Đốc Lý Tưởng

4682

HTTLVN.ORG – “Lãnh đạo” và “Nhà lãnh đạo” là hai cụm từ không phải lúc nào cũng gắn liền với nhau. Vì một số người mang danh là nhà lãnh đạo nhưng vẫn không hoàn thành được công tác lãnh đạo. Đó chính là những nhà lãnh đạo chức vị. Ngược lại một số nhà lãnh đạo có được địa vị lãnh đạo từ chính phẩm hạnh, năng lực của bản thân tạo ảnh hưởng, và lôi cuốn mọi người đi theo đường lối của chính mình.Các bạn thanh thiếu niên hôm nay sẽ là những nhà lãnh đạo Cơ Đốc trong tương lai. Điều này sẽ không còn là ảo tưởng nếu các bạn bắt đầu rèn luyện bản thân theo những phẩm chất sau:

A. PHẨM CHẤT:

1/ Tinh thần vâng phục cấp lãnh đạo

Để trong tương lai các bạn trẻ sẽ là những nhà lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng được người khác tôn trọng, vâng phục, thì ngay từ bây giờ hãy bắt đầu nếp sống vâng phục những người trên mình. Trong gia đình lãnh đạo là ông bà cha mẹ, những người trực tiếp dạy dỗ mình. Ở Hội Thánh thì có Mục sư, trưởng ban ngành mà mình sinh hoạt. Ở trường học thì thầy cô giáo. Vâng phục cấp lãnh đạo không phải trong sự sợ sệt, khinh khiếp, hoặc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Nhưng vâng phục với tinh thần vui vẻ, tự nguyện, yêu quí, tôn trọng họ vì Chúa đã chọn những người đó làm chức vụ lãnh đạo của mình.

Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, nhưng trong vai trò là Con Người, để thực hiện chương trình cứu rỗi toàn nhân loại, Ngài đã sẵn sàng “chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:6-8). Hãy bắt đầu học theo gương vâng phục của Chúa Giê-xu và lời dạy của Ngài “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy” (Lu-ca 6:31).

2/ Lòng trung thành:

Trung thành là trước sau một lòng một dạ, giữ trọn niềm tin, tình cảm gắn bó với lãnh đạo của mình, không làm tôi hai chủ. Lòng trung thành cũng nói đến việc không thêm bớt điều gì không có thật vào câu chuyện, hay là làm sai điều gì hại người khác. Người có lòng trung thành luôn được nhiều người yêu thích, lựa chọn, tin cậy và muốn người đó cùng làm việc với mình. Để trở nên người lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng thì cần lắm sự thật thà, trung thành, nghiêm túc trong công việc. Kinh Thánh Rô-ma 12:9 “Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành”. Lãnh đạo Cơ Đốc không giống như lãnh đạo bên ngoài xã hội đó là không lươn lẹo, không hai lòng. Vì có Chúa Giê-xu là vị lãnh đạo tối cao đang xem xét và ban thưởng tùy theo công việc của mỗi người đã làm.

Tương lai, năm năm, bảy năm,…các bạn sẽ là những cha mẹ, ông bà, hoặc có thể là Mục sư, chấp sự, giáo viên Trường Chúa Nhật…trong tất cả những chức vị đó cần phải làm gương cho những người chúng ta đang chăn dắt. Phải hướng dẫn họ có một đời sống trung tín với Chúa, tận tâm với Hội Thánh, Giáo Hội. Ban thanh thiếu niên, Hội Thánh nơi mình nhóm lại, hãy tập tành sự trung thành trong những công tác được giao, sử dụng tài năng, ân tứ phục vụ Chúa hết lòng. Vì đây là gia đình Cơ Đốc nơi mình được sinh ra trong đức tin, nên hãy hết lòng gây dựng, quan tâm nhau, đừng so sánh với những nơi khác. Hãy bắt đầu tinh thần và thái độ trung thành ngay hôm nay đối với người thân, bạn bè trong nếp sống ngay thẳng, thật thà, yêu thương.

3/ Hy sinh lợi ích bản thân cho người khác:

Chúng ta có thể thấy hai hình ảnh: Trong quân đội, người ta trao huân chương cho những người sẵn sàng hy sinh vì người khác; Trong kinh doanh, chúng ta thưởng cho những người sẵn sàng hi sinh những người khác để chúng ta có thể phát triển. Thật trái ngược, Simon Sinek, nhà lý luận quản lý đã nghiên cứu và cho biết chính là nhờ môi trường, nếu có môi trường tốt bất kì ai trong chúng ta cũng có thể làm nên điều kì diệu.

Hy sinh lợi ích của mình cho người khác không phải là chuyện dễ, bởi không ai muốn mình phải hy sinh, nhưng chỉ muốn người khác hy sinh cho mình mà thôi. Lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng thì tinh thần hy sinh vì lợi ích người khác là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Hy sinh về điều gì? Giờ nhóm của ban ngành thì sẵn sàng đến sớm hơn mọi người để chuẩn bị mọi việc. Trong các bữa tiệc sẵn sàng ăn sau mọi người; sẵn sàng xắn tay áo trong mọi công tác dọn dẹp, phục vụ cho người khác. Sẵn sàng nhường phần ăn trên ngồi trước cho người khác, sẵn sàng bỏ tiền túi của mình cho những người mình phục vụ vì lợi ích của người khác. Sẵn sàng dành thành tích cho người khác, chấp nhận chọn phần thua thiệt về mình. Có thể các bạn đang cố gắng làm mọi việc cho ban thanh thiếu niên, Hội Thánh nhưng không ai hiểu và bị ai đó nói hành, nói xấu hoặc hiểu lầm hãy sẵn sàng chủ động xin lỗi và tha thứ cho họ.

Chúa Giê-xu là tấm gương lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng trong sự hy sinh, cả nhân loại tìm đến Ngài để nhận sự cứu rỗi từ hành động hy sinh ấy. Rồi trong những người tin Chúa, đã có nhiều người được chọn, và sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo Cơ Đốc. Khi chúng ta tập tành tinh thần hy sinh nó sẽ trở thành niềm vui của người lãnh đạo, là mục đích của chức vụ Thánh mà Chúa sẽ giao phó trong tương lai. Hãy tin rằng Chúa biết hết mọi điều, Ngài sẽ chứa những giọt nước mắt các bạn trong ve của Ngài. Hãy mỉm cười và hết lòng với những việc mà Chúa đang giao phó. Chắc chắn sẽ không thua thiệt đâu. vì Chúa đang nhìn thấy tấm lòng của người lãnh đạo gương mẫu như chính Chúa Giê-xu và Ngài sẽ ban thưởng bội phần.

B. NĂNG LỰC:

1/ Có tầm nhìn:

Một nhà lãnh đạo ngoài những phẩm chất trên thì năng lực cũng là điều không thể thiếu, vì lãnh đạo mà không có năng lực cũng như con dao mà lưỡi không sắc bén, chỉ dùng để làm kiểng.

Tầm nhìn của nhà lãnh đạo là thấy được nhu cầu của người khác. Đặc biệt tầm nhìn của ngươi lãnh đạo Cơ Đốc lại quan trọng hơn vì cần nhìn thấy được nhu cầu tâm linh của ban ngành mình đang sinh hoạt hay của Hội Thánh ở trong tình trạng nào. Kinh Thánh Châm ngôn 27:23: “Hãy ráng biết cảnh trạng bầy chiên con, Và lo săn sóc các đàn bò của con”. Nhìn thấy và từ đó lên kế hoạch thuyết phục những người khác cùng cộng tác bằng những việc cụ thể.

+ Thứ nhất: Giúp họ lập lại mối tương giao mật thiết với Chúa. Khích lệ các ban viên để dành thì giờ với Chúa nhiều hơn. Lắng nghe tiếng Chúa để biết ý Chúa muốn mình làm gì cho ban ngành của mình. Mối liên hệ với nhau qua thì giờ học Lời Chúa, quan tâm chia sẽ lẫn cho nhau, hiệp nhau cùng cầu nguyện.

+ Thứ hai: Cần có thì giờ nói chuyện với giới trẻ về những thay đổi của thế giới quan xung quanh (nhu cầu vật chất gia tăng, công nghệ thông tin phát triển, nhu cầu học tập giới trẻ, sự khủng hoảng tâm lý của giới trẻ, …). Đây là những nhu cầu mà giới trẻ đang quan tâm và cần lắm có sự tư vấn từ người lãnh đạo.

2/ Biết tạo cảm hứng:

Nhà lãnh đạo Cơ Đốc có thể thực hiện hai điều để tạo cảm hứng cho nhân sự cộng tác:

+ Biết nhận thiếu sót: Hầu như nhiều người lãnh đạo, kể cả những nhà lãnh đạo Cơ Đốc luôn cho rằng mọi quyết định của mình luôn luôn đúng. Bởi lẽ, họ nghĩ rằng nếu nhận mình sai thì sẽ mất uy tín với những người xung quanh. Ngược lại, chính thái độ thành thật của lãnh đạo sẽ sản sinh ra những người cấp dưới thành thật và có trách nhiệm. Theo các chuyên gia kinh tế: “Tiến bộ thực sự trong các công ty thường được xây dựng trên nền tảng những sai lầm và những cải tiến mà họ châm ngòi”. Vì khi phân tích những sai lầm sẽ tìm ra cách mới để phát triển và khích lệ tinh thần cho tất cả các thành viên. Người lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng cần thành thật nhận sai và sẵn sàng tha thứ, khích lệ người khác khi họ thiếu sót.

+ Biết nói “cảm ơn”: cũng là câu mà lãnh đạo Cơ Đốc cần luôn nói với những người đã góp phần trong công việc nhà Chúa với chúng ta. Theo TS. Emiliana Simon-Thomas – chuyên gia nghiên cứu về hạnh phúc, Giám đốc khoa học tại Trung tâm UC Berkeley’s Greater Good Science Center: Chỉ cần dành vài giây để cám ơn nhân viên đúng cách, nhà lãnh đạo có thể giúp họ cảm thấy hạnh phúc hơn và làm việc với năng suất cao hơn. Người lãnh đạo Cơ Đốc có những nhân sự là những người sẵn sàng phục vụ vô điều kiện vì Chúa, nên người lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng không có cớ gì để không thể nói lời “cám ơn”, vì tất cả “mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định” (Rô-ma 8:28).

Ngày nay, một số người trưởng thành cũng chưa thực hiện được hai điều này, vì từ lúc nhỏ họ không có thói quen “xin lỗi và cám ơn”. Hãy bắt đầu một hành động nhỏ để gặt những thành công lớn trong chức vụ lãnh đạo mai sau.

3/ Có ảnh hưởng:

Nếu một nhà lãnh đạo Cơ Đốc có được ít nhất 4 phẩm chất ở phần đầu, thì đó là bước đầu tiên củng cố tầm ảnh hưởng của bản thân giữa vòng các nhân sự cộng tác.

Điều tiếp theo rất quan trọng tạo nên tầm ảnh hưởng của lãnh đạo, chính là người lãnh đạo làm cho những người đi theo mình tin rằng đi theo mình họ sẽ thành công và sau mỗi công tác thành công, họ đều nghĩ và tin rằng, trong thành công đó là có sự đóng góp của họ. Sứ đồ Phao-lô đã khẳng định công khó của anh em trong Chúa là như nhau: “tôi đã trồng, A-bô-lô đã tưới, nhưng Đức Chúa Trời đã làm cho lớn lên. Vậy, người trồng, kẻ tưới, đều không ra gì, song Đức Chúa Trời là Đấng làm cho lớn lên. Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm” (I Cô-rinh-tô 3:6-8).

Các bạn trẻ, hãy gác một bên sự kiêu hãnh, sức khỏe, năng lực, sự thành công, …của chính mình. Hãy nhường lời khen ngợi cho người khác, hãy dâng sự vinh hiển lên cho Chúa. Phần thưởng cùng sự khen ngợi Chúa đã để dành cho các bạn nơi Thiên Đàng vinh hiển.

4/ Phát huy ân tứ và trao dồi Lời Chúa:

Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời. Ví bằng có người giảng luận, thì hãy giảng như rao lời sấm truyền của Đức Chúa Trời; nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus Christ” (I Phi-e-rơ 4:10-11). Phương cách để phát huy các ân tứ Chúa ban là trung tín thực hiện các ân tứ Chúa ban trong các công tác được giao, bằng sức Chúa ban cho chứ không cậy sức riêng, đừng “đứng núi này trông núi nọ”, đừng so sánh với sự thành công của người khác. Hãy duy trì và phát triển những ân tứ Chúa ban trên tình thần “cầu nguyện”. Sự cầu nguyện phải trở thành hơi thở của nhà lãnh đạo Cơ Đốc, vì sự cầu nguyện sẽ giúp các ân tứ được phát huy trong đường lối Chúa, chứ không theo sự tham muốn quyền lực và lợi ích cá nhân.

Người lãnh đạo Cơ Đốc cần trao dồi Lời Chúa, vì Lời Chúa chính là nền tảng dạy dỗ để uốn nắn bản thân “Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, Nguyên bổn rằng: Cả Kinh-thánh đều chịu Đức Chúa Trời hà hơi vàocó ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình” (II Ti-mô-thê 3:16). Một người lãnh đạo Cơ Đốc nếu không sâu nhiệm Lời Chúa cũng như con chiên đầu đàn nhưng không hiểu lời hướng dẫn và ý muốn của Người Chăn, thì không thể đưa đàn chiên đến “đồng cỏ xanh tươi, mé nước bình tịnh”. Lời Chúa là vốn đầu tư cho các công tác cứu người, nếu không có vốn thì làm sao đầu tư để thu về những linh hồn ăn năn tội!

Người lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng là đầy tớ lý tưởng của Đức Chúa Trời. Đó sẽ không là ảo tưởng, nếu mỗi Cơ Đốc Nhân sẵn sàng trao dồi mỗi ngày phẩm chất lẫn năng lực. Nhưng điều cần phải nhớ của một đầy tớ Đức Chúa Trời chính là trung kiên với trọng trách được giao đến cuối cùng, để được Chúa gọi: “Hỡi đầy tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi” (Ma-thi-ơ 25:23)

Trở thành người lãnh đạo Cơ Đốc lý tưởng không phải là ảo tưởng, nếu hôm nay các bạn bắt đầu những hành động trên đây như một thói quen, một nếp sống Cơ Đốc lý tưởng.

Ti-mô-thê Tạ

Bài trướcKhai Giảng Thánh Kinh Căn Bản Dài Hạn 2018 Tỉnh Bến Tre
Bài tiếp theoNăng Lực Của Tình Yêu (4) – 12/4/2018