Năng Lực Của Tình Yêu (4) – 12/4/2018

3518

 

I Giăng 2:9-11

 9 Kẻ nào nói mình ở trong sự sáng, mà ghét anh em mình, thì còn ở trong sự tối tăm. 10 Ai yêu mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm. 11 Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người. 

Câu gốc: “Ai yêu mến anh em mình, thì ở trong sự sáng, nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm” (câu 10).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Giăng dùng hình ảnh nào để nói về tình trạng của một người yêu mến anh em mình? Kết quả của một đời sống yêu thương là gì? Bài học hôm nay đem lại cho chúng ta sự khích lệ nào để sống cuộc đời yêu thương?

Trái ngược với tình trạng “ở trong sự tối tăm” của người ghét anh em mình, người sống cuộc đời yêu thương “thì ở trong sự sáng.” Chính vì “ở trong sự sáng” nên họ biết rõ con đường chính đáng mình phải đi, và dẫn đến một kết quả tất yếu là “nơi người đó chẳng có điều chi gây cho vấp phạm.”

Sứ đồ Giăng muốn nói đến những ai không bị vấp phạm? Trước hết, chính bản thân người sống yêu thương sẽ không bị vấp phạm. Nếu chúng ta có tình yêu thương, thì chúng ta có thể tha thứ và chấp nhận anh em ngay cả những khi họ phạm phải lỗi lầm với mình. Trong thực tế đã có biết bao người phục vụ Chúa lui đi trong chức vụ vì bị người khác làm cho vấp phạm. Nhiều người bị vấp phạm vì tự ái trước lời chê bai của người khác; có người thì bất mãn vì sự vô ơn của người khác đối với công khó của mình… Thực trạng đó khiến nhiều người tìm cách bảo vệ đời sống thuộc linh của mình bằng cách tự cô lập với những người chung quanh, kể cả với anh em trong Chúa. Họ cho rằng cách tốt nhất để không bị vấp phạm, để không đánh mất niềm vui trong đời sống thuộc linh là trở nên những tín đồ thuộc “phái biệt lập”, càng ít giao tiếp hay cộng tác với các tín hữu khác càng tốt. Nhưng nhà giải nghĩa Kinh Thánh John R. W. Stott đã nhận định tình trạng này như sau: “Một Cơ Đốc nhân càng tự bao phủ chính mình, tập trung vào việc nuôi dưỡng nhân cách của mình, bảo tồn đức hạnh của chính mình, thì càng ít nhìn thấy ánh sáng. Người đó sẽ tự cho mình là trung tâm, và không bao lâu sẽ trở nên quá yêu mình. Và kẻ thù lớn nhất của tình yêu thật là việc quá yêu mình. Đó chính là nguồn gốc của sự thù ghét.”

Ngoài ra, người sống cuộc đời yêu thương sẽ không làm cớ gây cho người khác vấp phạm. Khi một người sống yêu thương theo Lời Chúa dạy thì người ấy sẽ tôn trọng và quan tâm đến anh em mình, người đó sẽ làm mọi việc vì lợi ích của người khác. Chính tình yêu thương sẽ “che đậy vô số tội lỗi” và giúp cho người sai phạm “bỏ đường lầm lạc” (Gia-cơ 5:20). Nhà giải nghĩa Kinh Thánh Warren W. Wiersbe viết: “Tình yêu thương khiến chúng ta trở thành những hòn đá cho người khác bước lên. Lòng căm ghét khiến chúng ta thành những hòn đá khiến cho người khác vấp ngã.”

Đời sống bạn có thường làm cớ gây vấp phạm cho người khác không? Nguyên nhân từ đâu?

Lạy Chúa, xin cho con bày tỏ sự sáng của Chúa qua nếp sống yêu thương mỗi ngày của con. Xin cho con luôn xem người khác như tôn trọng hơn mình và làm mọi việc vì sự vinh hiển của Chúa và vì ích lợi của anh em con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ma-thi-ơ 6.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcUB.TTN – Lãnh Đạo Cơ Đốc Lý Tưởng
Bài tiếp theoHiệp Nguyện Mục Sư, Truyền Đạo, Chấp Sự Khu Vực TP. Cần Thơ