Tùy Bút: Chân Dung Người Nữ Cơ Đốc

5872

 

 

Tháng 3, thời điểm giao mùa của những ngày nắng đẹp rộn ràng bên sắc hoa tươi thắm của mùa xuân và mùa hạ, với cái nắng chói chang hơn, rực rỡ hơn, và bao giờ cũng vậy, tiếng ve ở một góc trời nào đó lại râm ran hòa trong màu lá xanh mượt trên cành phượng vỹ lấp ló những sắc đỏ màu hoa, báo hiệu một sự chuyển giao đã đến.

 

Hôm nay, nhân ngày Phụ nữ Tin Lành, chúng ta cùng nhau chia sẻ những tấm gương của những người Phụ nữ Cơ Đốc trong Kinh Thánh, trong cuộc sống đời thường, để khích lệ những người phụ nữ có đời sống đạo tốt đẹp, làm tròn vai trò và chức năng của người vợ, người mẹ… trong gia đình.

 

Người ta thường nói: “Phụ nữ là một nửa của thế giới”. Điều này là hiển nhiên và cũng có thể nói: “Đàn ông là một nửa của thế giới”.

 

Về mặt số học thì thiết nghĩ không có gì để nói, vì đó là xác suất bình thường. Tuy nhiên người ta nói: “Phụ nữ là một nửa của thế giới” để nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện đại.

 

Ngày xưa, trong các xã hội phong kiến, vai trò người phụ nữ bị xem thường: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, với ý nghĩa là "một con trai thì xem là có, nhưng mười con gái vẫn coi như không có" thể hiện cách đánh giá con là nam hay nữ trong Nho giáo, trọng nam khinh nữ.

 

“Trai tài lấy năm lấy bảy, gái chính chuyên chỉ có một chồng”, ý nói người nam giới có thể có quyền lấy năm, lấy bảy vợ, nhưng người con gái thủ tiết chỉ với một người chồng.

 

“Trai tay không chẳng ăn mày vợ, gái trăm vạn cũng thể nhờ chồng”, nhấn mạnh tiền của, dù là hai vợ chồng làm ra hay của người chồng hoặc người vợ làm ra, thì cũng gọi là của chồng cả.

 

Dĩ nhiên những quan niệm đó, ngày nay đã quá lỗi thời, lạc hậu. Nó đi ngược lại với sự phát triển của xã hội, một xã hội mà nam và nữ đều bình đẳng, không có một sự phân biệt nào giữa người nam và người nữ.

 

Ngày nay, có rất nhiều người phụ nữ thành đạt trong kinh doanh, trong công tác xã hội. Nhiều người đã trở thành những nhà lãnh đạo, mà là lãnh đạo giỏi. Có thể kể ra một số điển hình:

 

–         Sirimavo Bandaranaike, thủ tướng Sri Lanka, là nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới.

–         Indira Gandhi, Thủ tướng Ấn Độ.

–         Golda Meir, Thủ tướng Israel,

–         Isabel Peron, Tổng thống Argentina, nữ tổng thống đầu tiên của thế giới.

–         Margaret Thatcher, Thủ tướng Anh.

–         Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Myanma.

–         Kim Campbell, Thủ tướng Canada.

–         Angela Merkel, thủ tướng Đức.

–         Park Geun-hye, Tổng thống Hàn Quốc

Không những vậy, khi trở về với gia đình, họ cũng là một người vợ đảm đang, người mẹ hiền, người kết nối tình yêu và hạnh phúc trong mái ấm nhỏ của mình.

 

Người phụ nữ hiện nay khác xưa rất nhiều, họ có học, thông minh, hiện đại, mạnh mẽ, cương quyết hơn. Tuy nhiên bản chất dịu dàng của người phụ nữ bao giờ cũng là những nét đẹp muôn đời của người phụ nữ.

 

Người phụ nữ Cơ Đốc đẹp, vì không những họ là một người mẹ hết lòng yêu thương con cái, một người vợ biết thuận phục chồng, một người con hiếu thảo, mà họ còn là một người hết lòng kính mến Chúa. Những đóng góp của họ có thể hết sức thầm lặng, nhưng nếu không có họ, không có sự tận tụy, hy sinh của họ thì những người nam khó lòng hoàn thành được nhiệm vụ, công việc được giao.

 

Trong Kinh Thánh cũng có rất nhiều tấm gương về người phụ nữ. Một trong những người đó là bà Giô-kê-bết, mẹ Môi-se. Sách Xuất Ê-díp-tô ký 2:1-10, chép lại như sau:

 

“Vả, có một người trong họ Lê-vi đi cưới con gái Lê-vi làm vợ. Nàng thọ thai, và sanh một con trai; thấy con ngộ, nên đem đi giấu trong ba tháng. Nhưng giấu lâu hơn nữa không được, nàng bèn lấy một cái rương mây, trét chai và nhựa thông, rồi để đứa trẻ vào, đem thả trong đám sậy dựa mé sông. Người chị đứa trẻ đứng xa nơi đó đặng cho biết nó sẽ ra sao. Vả, bấy giờ, con gái Pha-ra-ôn xuống sông tắm, còn các con đòi đi dạo chơi trên mé sông; công chúa thấy cái rương mây đó giữa đám sậy, bèn sai con đòi mình đi vớt lên. Công chúa mở rương ra, thấy đứa trẻ, là một đứa con trai nhỏ đương khóc, bèn động lòng thương xót mà rằng: Ấy là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Người chị đứa trẻ bèn nói cùng công chúa rằng: Tôi phải đi kêu một người vú trong bọn đàn bà Hê-bơ-rơ đặng cho đứa trẻ bú chớ? Công chúa đáp rằng: Hãy đi đi. Người gái trẻ đó đi kêu mẹ của đứa trẻ. Công chúa nói rằng: Hãy đem đứa trẻ nầy về nuôi bú cho ta; ta sẽ trả tiền công cho. Người đàn bà ẵm đứa trẻ mà cho bú. Khi lớn khôn rồi, người bèn dẫn nó vào cho công chúa, nàng nhận làm con, và đặt tên là Môi-se, vì nàng nói rằng: Ta đã vớt nó khỏi nước.

 

Quả là một người phụ nữ khôn ngoan. Chúng ta cũng nên nhớ lại thời điểm bấy giờ, Pha-ra-ôn muốn tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên nên đã ra lệnh giết hết trẻ sơ sinh nam. Tuy nhiên, vì các bà mụ không làm theo lời ông, nên ông mới ra lệnh lần nữa, quăng những bé trai xuống sông.

 

Mẹ Môi-se đã tính toán rất kỹ lưỡng, bỏ con mình vào chiếc rương mây cho trôi sông, đến đúng chỗ công chúa đang dạo chơi. Công chúa cũng là một người phụ nữ nên thấy đứa trẻ, bà rất thương nó cho dù biết rằng đây là một đứa con của người Hê-bơ-rơ. Qua sự sắp đặt của mẹ Môi-se, cuối cùng ông cũng được chính mẹ mình cho bú, chị mình bồng ẳm, lại được công chúa nhận làm con nuôi, một giải pháp thật lý tưởng trước sự gian ác của Pha-ra-ôn.

 

Tuy Kinh Thánh không nói nhiều về mẹ Môi-se, nhưng sau này, chúng ta thấy, nhờ quyết định khôn ngoan của bà mà dân tộc Y-sơ-ra-ên đã có được vị lãnh tụ vĩ đại. Chính vị lãnh tụ này đã đưa dắt dân sự thoát khỏi ách thống trị hà khắc của Pha-ra-ôn, dẫn họ đến miền đất hứa mà Đức Chúa Trời dành cho họ và như Kinh Thánh nói:

 

“Về sau, trong Y-sơ-ra-ên không còn dấy lên tiên tri nào giống như Môi-se, mà Đức Giê-hô-va biết giáp mặt. Không có ai bằng người, hoặc về các dấu kỳ, phép lạ mà Đức Giê-hô-va sai người làm tại trong xứ Ê-díp-tô, trước mặt Pha-ra-ôn, các quần thần, và cả xứ của người; hoặc hết thảy công việc lớn lao và đáng sợ mà Môi-se cậy tay quyền năng mình làm tại trước mặt cả Y-sơ-ra-ên.” (sách Phục truyền luật lệ ký 34:10-12)

 

Một người nữa mà Kinh Thánh cũng nhắc đến rất ít, nhưng bà đã để lại cho chúng ta một bài học về sự nhạy bén, đức tin vững vàng. Chính nhờ quyết định của bà mà cả gia đình không bị tiêu diệt trong cuộc chiến tranh tiêu diệt.

 

Ra-háp là một kỵ nữ sống trong một ngôi nhà nằm ngay tường thành Giê-ri-cô. Hai thám tử của Giô-suê đã trú ngụ ở nhà bà, khi họ bị truy đuổi, bà đã giấu họ dưới những bụi gai phơi trên mái nhà. Những người đuổi theo bị đánh lạc hướng, và sau đó, bà đã có một thỏa thuận với những người đã trú ẩn trong nhà mình. Bà biết chắc chắn thành Giê-ri-cô sẽ sụp đổ trước các Tôi tớ của Đức Chúa Trời, vì vậy Ra-háp đã yêu cầu họ bảo vệ bà và gia đình mình. Với sự giúp đỡ của bà, hai thám tử đã thoát qua cửa sổ, ra ngoài thành. Thư Hê-bơ-rơ 11:31 có chép: “Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám.”

 

Ra-háp tuy là một kỵ nữ nhưng đã có một quyết định sáng suốt. Bà đã biết rất rõ sự diệt vong của thành Giê-ri-cô, bởi nó đã bị Đức Chúa Trời rủa sả vì những tội lỗi của nó. Bà cũng đã biết đến những việc Ngài đã làm cho dân sự Ngài ở Ai Cập, những điều đó đã làm bà thức tỉnh, thay vì tố giác các thám tử, bà đã tìm mọi cách che chở và cứu thoát họ, để đổi lại gia đình mình được bình an và được gia nhập vào dân sự Y-sơ-ra-ên.

 

Điều kỳ diệu thay, sau này, bà là vợ của Sanh-môn: “Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê; Gie-sê sanh vua Đa-vít.” (Ma-thi-ơ 1:5)

 

Và chúng ta, aicũng biết vua Đa-vít là ai rồi.

 

Ru-tơ là một người phụ nữ cũng thường được nhắc đến như là một người con dâu hiếu thảo, hết lòng kính sợ Đức Chúa Trời.

 

Bà là người Mô-áp, sống trong thời Các Quan xét. Trong xứ mình, Ru-tơ đã Mạc-lôn, con trai trưởng của Ê-li-mê-léc và Na-ô-mi, những người Y-sơ-ra-ên xuất thân từ Bết-lê-hem, xứ Giu-đa, họ đã đến Mô-áp trong thời kỳ đói kém. Na-ô-mi sau đó góa bụa và hai con trai của bà lần lượt qua đời mà không có người thừa kế. Bà quyết định trở về quê hương, lúc đó Ru-tơ, quyết nhận trở về cùng bà, nhận dân sự và Đức Chúa Trời của bà là của mình. Chỉ có cái chết mới có thể làm họ chia rẽ (sách Ru-tơ 1:17)

 

Trong suốt mùa gặt lúa ở Bết-lê-hem, Ru-tơ đi mót lúa trong ruộng của Bô-ô, một người bà con giàu có của Ê-li-mê-léc. Bô-ô để ý, chăm sóc bà và biết được tấm lòng trung thành của bà đối với Na-ô-mi. Ru-tơ được mời ăn bánh chung với các con gặt và được giúp đỡ suốt mùa gặt lúa mạch và lúa mì.

 

Khi tất cả mùa màng được thu hoạch xong người ta bắt đầu đạp lúa, theo lời dạy của Na-ô-mi, Ru-tơ đi đến sân đạp lúa khi đêm đến và ngỏ ý muốn Bô-ô che chở bằng cách viện đến tinh thần thượng võ của ông. Bô-ô bảo bà hãy về nhà ngay khi trời sáng, với món quà gồm 6 đấu lúa mạch và một lời hứa rằng, nếu người họ hàng gần của bà không chịu cưới bà theo luật pháp Môi-se thì ông sẽ thay người đó với tư cách người bà con có quyền chuộc gia sản cho bà.

 

Với sự chứng kiến của 10 trưởng lão, Bô-ô yêu cầu người bà con của Na-ô-mi chuộc lại phần đất của Ê-li-mê-léc và sản nghiệp này là tài sản được ủy thác bất khả xâm phạm nên không được để lọt vào tay những người không thuộc họ hàng. Để được sản nghiệp này, người đó phải có bổn phận cưới Ru-tơ theo luật truyền. Người bà con ấy không đủ tiền chuộc sản nghiệp này và trao quyền ấy cho Bô-ô.

 

Chính câu nói của bà với mẹ chồng mình: “… Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ; vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó. Ví bằng có sự chi khác hơn sự chết phân cách tôi khỏi mẹ, nguyện Đức Giê-hô-va giáng họa cho tôi!” (sách Ru-tơ 1: 16-18) là câu nói thể hiện lòng hiếu thảo của Ru-tơ, thể hiện đức tin cương quyết của bà khi nhận Đức Chúa Trời của mẹ là Đức Chúa Trời của mình và quyết định theo mẹ về Bết-lê-hem, dẫu biết rằng ở nơi đó, mình sẽ bị khinh dễ, xem thường.

 

Tấm lòng hiếu thảo của bà được Kinh Thánh chép khá tỉ mỉ, đời sống của bà như một mẫu mực của những người con dâu trong mọi thời đại, luôn kính sợ Chúa, hiếu thảo mẹ chồng.

 

Trong Kinh Thánh thì có rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời, những phẩm hạnh của họ mãi là những bài học quí giá cho các chị em phụ nữ chúng ta ngày nay.

 

Chúng ta có thể nói đến Hoàng hậu Ê-xơ-tê; bà An-ne, mẹ tiên tri Sa-mu-ên; Rê-bê-ca, vợ của Y-sác; A-bi-ga-in, sau này là vợ vua Đa-vít; Ê-li-sa-bét, mẹ Giăng báp-tít; Ta-bi-tha (Đô-ca), người làm nhiều việc lành và hay bố thí…

 

Và trong những nhân vật đó, chúng ta có thể nói thêm về Ma-ri, mẹ phần xác của Chúa Giê-xu, một con người được cả nhân loại kính trọng qua các thời đại.

 

Bà Ma-ri thì có lẽ chúng ta không cần nói, vì hầu như ai cũng biết, mỗi mùa Giáng sinh về, hình ảnh bà Ma-ri và Giô-sép bên máng cỏ hài nhi Giê-xu đang nằm, quá quen thuộc đối với mọi người.

 

Qua Kinh Thánh, chúng ta thấy Ma-ri là một người phụ nữ kính sợ Chúa hết lòng. Vâng lời, khiêm nhường, là phẩm chất của bà. Suốt cuộc đời, bà luôn đi theo Chúa Giê-xu để chăm sóc Ngài khi Ngài còn nhỏ, để làm môn đồ khi Ngài thi hành chức vụ. Khi Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá, bà cũng có mặt, (sách Giăng 19:25), nhận chăm sóc một môn đồ của Chúa (câu 26, 27). Sau khi Chúa thăng thiên, bà đã cùng hết thảy những môn đồ của Chúa “bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện”. Một cuộc đời sự vâng phục tuyệt đối ý muốn của Đức Chúa Trời.

 

Thế còn hiện nay, người phụ nữ Cơ Đốc chúng ta có những phẩm hạnh gì? Có khác những người phụ nữ đời thường không?

 

Theo tôi, người phụ nữ Cơ Đốc phải có những phẩm hạnh tốt nhất mà những người phụ nữ khác có, bởi nói cho cùng họ cũng là phụ nữ mà. Tuy nhiên, người phụ nữ Cơ Đốc là một người con Chúa, chính vì vậy, ngoài vai trò là một người mẹ hết mực yêu thương, luôn chăm sóc con cái, họ còn phải có nhiệm vụ hướng dẫn cho con mình học hỏi, hiểu biết lời Chúa một cách sâu sắc, làm nền tảng cho một đời sống tin kính. Muốn có được điều đó, người phụ nữ Cơ Đốc phải nổ lực cầu nguyện với Chúa, xin Ngài thêm ơn, thêm sức để mình có nhiều cơ hội học hỏi lời Ngài, hiểu biết lời Chúa, giúp cho đời sống họ thêm mẫu mực và có thể hướng dẫn cho con cái mình được tốt.

 

Với chồng, người phụ nữ Cơ Đốc không những là người vợ đảm đang, yêu thương, chăm sóc chồng mà còn nổ lực hoàn thành trách nhiệm của mình để chồng yên tâm công tác. Nếu chồng là một người Hầu việc Chúa, có thể là Tôi tớ Chúa, hay là một chấp sự, nhân sự Hội Thánh, người phụ nữ Cơ Đốc luôn là cánh tay đắc lực, hỗ trợ chồng trong công việc, sẻ chia những niềm vui, nổi buồn, sát vai bên chồng những khi thuận lợi cũng như những lúc khó khăn. Họ chính là nguồn động viên, an ủi có ảnh hưởng đến tinh thần của người chồng.

 

Những Tôi tớ Chúa khi ra đi Hầu việc Chúa ở những vùng sâu, vùng xa, khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Nếu không có sự chịu thương chịu khó, sự đảm đang, lo toan mọi việc của người vợ, thì thật khó hoàn thành được chức vụ. Rồi khi nói đến những Tôi tớ Chúa, chúng ta cũng nhớ đến những người mẹ của họ, những người phụ nữ Cơ Đốc này, có lẽ là những người gieo hạt giống tin kính đầu tiên trong từng lời ru tiếng hát cho các Tôi tớ Chúa, họ luôn có một khát khao cháy bỏng đó là con mình vào bước đường dâng mình Hầu việc Chúa. Và thật hạnh phúc biết bao khi chúng ta có những người mẹ như vậy.

 

Nếu bản thân người phụ nữ Cơ Đốc là một người Hầu việc Chúa, thì họ phải hy sinh rất nhiều: thời gian, gia đình, người thân, và bản thân họ… Chính vì vậy, họ là những người phụ nữ quả cảm.

 

Có thể nói, nếu dành thì giờ cả ngày, chúng ta cũng không thể nói hết về những tấm gương người phụ nữ Cơ Đốc, những phẩm hạnh của họ chính là bông trái của một tấm lòng kính mến Chúa thật sự, dẫu có thể họ là những nhân vật trong Kinh Thánh, cách xa chúng ta hằng nghìn năm, hay họ là những người phụ nữ trong thời hiện đại, cuộc đời của họ vẫn luôn là những bài học quí báu về cách đối nhân xử thế, những tấm gương đức tin mẫu mực, là bài ca yêu thương làm hành trang cho đời sống đạo của mỗi người trong chúng ta.

 

Lời Kinh Thánh chép:

“Duyên là giả dối, sắc lại hư không;
Nhưng người nữ nào kính sợ Đức Giê-hô-va sẽ được khen ngợi.”
(sách Châm ngôn 31:30)

 

 “Một người nữ tài đức ai sẽ tìm được? Giá trị nàng trổi hơn châu ngọc.” (sách Châm ngôn 31:10)

 

Giá trị của người nữ tài đức không như châu ngọc (là những giá trị vật chất, nay còn mai mất), mà chính là tấm lòng kính sợ Chúa. Họ có giá trị vượt trội hẳn vì họ là những người nữ con Chúa, con của Đấng Toàn năng, Đấng Tể trị toàn thể vũ trụ, giá trị của họ còn đến đời đời ở trong nước Chúa vĩnh hằng.

 

Nhân ngày Phụ nữ Tin Lành năm 2014, xin chúc cho quí bà, quí mẹ, quí chị và các bạn thanh nữ, những người Phụ nữ Cơ Đốc, dồi dào sức khỏe thuộc linh cũng như thuộc thể, là tấm gương sáng đức tin, là mẫu mực về lòng yêu kính Chúa cho biết bao thế hệ con cháu noi theo. Nguyện xin Đức Chúa Trời ban phước cho quí vị. Amen!

 

 

Vũ Hướng Dương

 

 

Bài trướcBồi Linh Thông Công Phụ Nữ Tỉnh Bình Dương.
Bài tiếp theoBài thứ 68: Lựa Chọn Của Người Và Của Chúa