Sống Vì Tôi Hay Vì Chúa

2705

Mỗi người một hoàn cảnh

Bình và An là đôi bạn thân từ lớp giáo lý Báp-têm. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng. Bình sinh ra đã là tín đồ, được đi nhà thờ và học Kinh Thánh từ nhỏ. Bố của Bình làm Chấp sự hơn mười năm, mẹ là giáo viên dạy đạo thiếu nhi từ thời thanh niên. Có thể nói, Bình sống trong một gia đình có truyền thống Tin Lành. Nhưng chính cái vỏ bọc đó khiến cho Bình an tâm là mình đã nhận được sự cứu rỗi. Dần dần, việc đi nhà thờ trở thành hình thức tôn giáo. Các giờ nhóm sáng Chúa nhật, Bình thường xuyên ngồi ở ghế đá gốc cây hơn là vào trong nhà thờ.

An lại có một hoàn cảnh đặc biệt hơn, sinh ra trong gia đình với quan niệm “đạo nào cũng tốt”. Bố của An thờ rất nhiều vị thần vì nghĩ rằng: “thờ càng nhiều thì càng tốt, vị này không cứu được, thì vị khác sẽ cứu”. Nhưng khi ấy, ông chưa phải là một người chồng, người cha gương mẫu. Vẫn còn nhậu vào mỗi chiều, khó chịu, trách móc, đánh đập vợ và các con,… Nhưng Chúa đã cứu gia đình An thật lạ lùng. Khi một thầy Truyền đạo là bạn thân của ông đến thăm, qua những lời làm chứng của người bạn, ông hiểu được các thần linh mà ông đang thờ cúng là hư không, vô quyền, còn “Chúa là Đấng có quyền hơn các thần”, ông đã tin nhận Chúa. Rồi qua nếp sống thay đổi một cách rõ rệt của bố, yêu thương, quan tâm đến vợ con hơn những ngày trước, An và mẹ cũng tin Chúa.

Sống vì tôi thì được gì?

Bình thì đến tuổi nên phải học Giáo lý căn bản, chứ Bình nghĩ: “Mình không học cũng biết hết rồi”. An bước vào lớp Báp-têm khi vừa quyết định tin nhận Chúa, dù lúc đó cũng chưa biết tin Chúa thì có được gì không!

Thời gian thấm thoát dần trôi, mới đó mà đã hơn ba năm từ ngày cả hai nhận Thánh lễ Báp-têm. Cả hai cùng bước vào cổng trường đại học tại Đà Nẵng. Những buổi nhóm thanh niên, những giờ nhóm thờ phượng Chúa dần vắng mặt Bình. Đó là những giây phút Bình được vui chơi cùng bạn bè tại các quán cà phê, nơi công viên hay bờ biển,… Bình cũng không về nhóm với ban thanh niên tại quê nhà Quảng Nam. Bố mẹ Bình thì cứ đinh ninh con mình vẫn đi nhóm lại với Hội Thánh ở Đà Nẵng, vì nghĩ con mình đã đi nhà thờ từ nhỏ, nên đó là thói quen không thể bỏ. Nhưng bố mẹ Bình không ngờ con mình chỉ theo đạo chứ chưa thật lòng tin nhận Chúa.

Bố mẹ của Bình vẫn thường xuyên gửi tiền hàng tháng cho con. Số tiền mỗi ngày một tăng để đáp ứng nhu cầu học thêm và các chi tiêu đắt đỏ tại thành phố du lịch. Nhưng vì thương con, bố mẹ Bình vẫn cố gắng làm đủ mọi thứ, từ việc trồng lúa, dưa, đậu, phụ hồ, mua bán ve chai,… So với các bạn cùng trang lứa, hay đơn giản là so với An, thì cuộc sống của Bình có phần đầy đủ hơn. Tuy nhiên, điều mà bố mẹ và Hội Thánh không biết đó là Bình đã nghỉ học từ khi bắt đầu bước vào năm hai. Bình lao đầu vào game online, và những cuộc chơi bài bạc thâu đêm với bạn bè trong men bia. Bình chỉ biết sống cho hôm nay, chiều theo những thú vui của đời này, và đã quên Chúa tự bao giờ.

Kinh Thánh Ga-la-ti 6:8 đã khẳng định “Kẻ gieo cho xác thịt, sẽ bởi xác thịt mà gặt sự hư nát; song kẻ gieo cho Thánh Linh, sẽ bởi Thánh Linh mà gặt sự sống đời đời”. Quả đúng như Lời Chúa, sau gần một năm ăn chơi ngày đêm với bạn bè, Bình đã nợ những người cho vay nóng gần một trăm triệu đồng. Ngày hoàn trả cả gốc lẫn lãi đã đến, hai thanh niên ăn mặc lịch sự đi xe hơi đến nhà bố mẹ Bình tại Quảng Nam, và đề nghị bố mẹ phải trả khoản nợ mà Bình đã vay trong thời gian qua. Cả hai chỉ khóc khi biết ra sự tình của Bình. Một trăm triệu là cả tài sản gần năm năm chắt chiu, dành dụm. Dù số tiền đó rất lớn, nhưng bố mẹ của Bình không tiếc bằng việc mình đã mất con tự bao giờ, vì Bình đã bỏ trốn hơn một tháng nay. Nhưng điều quan trọng hơn hết đó là Bình chưa có Chúa trong lòng. Đây là nỗi đau không chỉ của riêng ba mẹ Bình mà rất nhiều người cha, người mẹ đang từng ngày đau đớn nhìn con mình rời xa nhà Chúa, sống cuộc đời tệ hơn người thế gian.

Có thể câu chuyện của Bình chưa có hồi kết, nhưng nếu hỏi “Sống cho tôi” thì được gì? Có chăng ngoài xác thịt và thế gian với nỗi đau, tuyệt vọng và thất bại! Còn “sống vì Chúa” thì mất gì?

Sống vì Chúa sẽ mất gì?

Cũng như Bình, An bước vào trường đại học. Nhưng trong mọi quyết định của cuộc đời, An đều nhờ cậy Chúa trong lời cầu nguyện. An nhớ nhà triết học Platon đã từng nói: “Những ai có một chút trí khôn, đều phải kêu cầu Đức Chúa Trời trước khi bắt đầu công việc của họ, dù việc lớn hay việc nhỏ”. An ở trọ tại nhà sinh viên Tin Lành, thường xuyên đi nhóm và thực hiện đầy đủ nội quy của nhà trọ. An cảm nhận một sự an toàn, vì được sống và sinh hoạt với các bạn sinh viên cùng niềm tin. Vả lại, cuộc sống gia đình An vẫn còn vất vả, nên đối với An vậy là đã quá đủ, quá sung sướng rồi. Không ít các bạn sinh viên Tin Lành cảm thấy gò bó với các quy định khi ở tại nhà sinh viên, nên nhiều bạn đến rồi lại ra đi sau một vài tháng. Nhưng An lại thấy sự gò bó đó là tự do, tự do đi nhóm, tự do phục vụ Chúa tại Ban thanh niên, nhóm sinh viên,… An cũng nhận được sự giúp đỡ từ các ân nhân, là một động lực khích lệ rất lớn đối với một sinh viên khó khăn, khi đi học xa nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học, An nhận được lời mời của nhiều công ty. Cuộc sống của An và gia đình ngày càng ổn định cả vật chất lẫn tâm linh. Dù bộn bề công việc, nhưng An vẫn góp phần phục vụ Chúa trong công tác đặc trách Ban thanh niên. An trung tín dâng phần mười và những khoản khác cho Hội Thánh nơi An sinh hoạt. Vì An nhận thức mọi sự mình có hôm nay là bởi sự ban cho của Chúa. An biết ơn Chúa, biết ơn nhà sinh viên nên vẫn âm thầm giúp đỡ các bạn sinh viên Tin Lành yêu mến Chúa, hiếu học.

Thời gian êm trôi, gần bốn năm từ ngày tốt nghiệp đại học. Giờ đây, An đã có một công việc ổn định, nhà cửa, một vợ hai con. Nhưng vẫn có một điều khiến An cứ trăn trở chẳng thôi. An ước muốn phục vụ Chúa trọn thời gian, dù có nhiều người ngăn cản, kể cả ba mẹ An. Nhưng vợ An thì vẫn luôn ủng hộ mọi quyết định của chồng. Việc gì đến cũng phải đến, sau nhiều ngày tranh đấu tư tưởng và cầu nguyện, An quyết định thi vào Trường Thần học  Không biết ngày mai sẽ ra sao? Nhưng hôm nay, dù phải gác bỏ mọi công việc ở thế gian, tiến bước trên hành trình phục vụ Chúa, An vẫn tin rằng “Sống vì Chúa” mất thế gian nhưng được Ngài. Vậy là đủ.

Cuộc đời thật ngắn, hành động hôm nay là quyết định cho ngày mai. “Sống vì tôi” thì được thế gian tội lỗi, “Sống vì Chúa” thì được thiên đàng phước hạnh.

                                                                                                            (Ti-mô-thê Tạ)

Bài trướcNhững Tội Phải Tận Diệt – 26/3/2021
Bài tiếp theoĐối Nhân và Xử Thế – 27/3/2021