Tác giả: Ái Tâm
Phát thanh viên: Thiên Lý – Minh Công
Tiếng đôi nạng gỗ gõ từng âm thanh cộc cộc trên lối mòn, khô cứng đưa vào nhà như cố gắng đệm cho tiếng hát rộn rã của Trung: “Bước với Chúa yêu thương không vương lo buồn…,” nâng Lan lên, để nhìn lại tháng ngày trầy trụa trong cuộc sống rồi so với ngày nay mà dâng lời tạ ơn Thiên Chúa.
Ngày ấy, Trung và Lan là đôi bạn chung trường, chung lối về, nhưng không chung niềm tin, không chung niềm mơ ước, nên khi rời phố quận để tiếp tục việc học, mỗi người chọn cho mình một hướng đi, một nếp sống. Biết bao cuộc vui của đời sống đô thị nhưng không thu hút cô gái hiền lành nơi phố quận, nên Lan sống lặng yên bên lề những bon chen, nhộn nhịp… Trong khi đó, Trung không bỏ lỡ cuộc chơi vì sợ phí thời gian tuổi trẻ. Nhiều lần gặp lại, Lan khuyên Trung cẩn thận để ngày nào đó không hối hận về những năm tháng vô ích đi qua cuộc đời mình. Trung cười, “không ngờ Trung thế này mà lại làm bạn với lão bà nhà quê, sợ sống…”
Rồi khi đất nước thống nhất, trở về phố quận, bạn bè cũ chẳng còn ai, người lập nghiệp phương xa, người theo vợ, theo chồng về quê ngoại, quê nội, đôi bạn lại trở nên thân thiết như ngày nào. Nhiều lần mẹ Lan nhỏ nhẹ nhắc:
– Điều gì không trong ý Chúa là chống lại Chúa, là tội lỗi. Không bao giờ thỏa hiệp với tội lỗi nghen con, Lời Chúa dạy: ‘đừng mang ách chung với những kẻ chẳng tin’ con nhớ không?
– Mẹ đừng lo, không bao giờ con bỏ Chúa đâu.
Nhưng rồi trong nước mắt của mẹ, trong nỗi đau nát lòng của cha, Trung Lan cưới nhau với thỏa ước ‘đạo ai nấy giữ’. Dù hai năm đầu thỏa ước được tuân giữ, nhưng nhiều lần Lan cảm thấy sự sai lầm của mình khi quyết định đi vào hôn nhân. Khi có hướng nhìn khác nhau, thì có những niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống Lan cũng không thể chia sẻ với chồng dù hai người vẫn yêu nhau nhưng không thể cảm thông với nhau, điều đó tạo nên nỗi cô đơn nào đó trong Lan. Với Trung, khi đã quen sống trong sự buông thả thì ép mình vào nề nếp, kỷ luật khó vô cùng; dù Trung vẫn biết mình phải thay đổi để đem an vui cho vợ, cho con. Không thể ép mình vào nếp sống mà Trung cho là gò bó, nhàm chán, Trung bắt đầu nói dối bận họp, bận công tác để giao du, nhậu nhẹt với bạn bè. Sự dối trá trở nên khoảng cách rất xa của hai tâm hồn, là hố sâu thẳm của hôn nhân.
Tuy ở chung trong một mái nhà với sự ràng buộc của con cái, người ngoài nhìn vào đôi khi thèm muốn cái hạnh phúc của Trung Lan, nhưng mấy ai đoán được chỉ một cơn gió, cái hạnh phúc bề ngoài đó sẽ sập ngã. Dù Lan hết sức khuyên can, nài nỉ, nước mắt giọt ngắn, giọt dài lúc cứng rắn, khi mềm mỏng, và nhiều lần Trung cũng hứa, cũng cố gắng từ bỏ nếp sống bê tha, nhưng vài tuần sau thì “ngựa lại quen đường cũ”. Cho đến lúc Lan thấy sự bất lực trong việc tự chèo chống con thuyền hôn nhân của mình, Lan mới trở lại kêu cầu lòng nhân từ thương xót của Chúa đối với con chiên lạc bầy. Ngày tháng vẫn trôi qua, biết bao hoàng hôn heo hắt Lan đợi chồng về sum họp trong bữa ăn tối của gia đình thì Trung được một ai đó đưa về trong cơn say xỉn; hay những đêm thao thức đợi chờ tiếng gọi mở cửa hoặc nghe tiếng nhè nhẹ của chiếc chìa khóa tra vào ổ như sợ âm thanh nào đó phá tan sự im vắng của đêm khuya, nhưng rồi sự im vắng vẫn dành cho đêm dài. Trong mỏi mòn, nhiều lần Lan cũng trách sao Chúa không thương mình, tình yêu của Chúa không phải là tình yêu đời đời sao?! Nhưng có lúc Lan cũng hiểu mặt trời vẫn luôn chiếu sáng, chỉ có mây che ánh mặt trời; Chúa vẫn yêu thương Lan cũng như cả nhân loại này, nhưng trong cách này, cách khác Lan khước từ không nhận tình yêu đấy thôi. Rồi đến một ngày nhận được giấy thế chấp ruộng đất, nhà cửa từ ngân hàng, Lan mới biết những gì cha mẹ cho lúc đi lấy chồng, những gì ky cóp để dành cho tương lai cho con thì Trung đã đổ tất cả vào cuộc đỏ đen. Giữa lúc Lan điện thoại khóc với mẹ, một người bạn của Trung đến báo tin, vì thua bạc nên Trung uống liên tu bất tận, khi rượu bắt đầu làm chủ tâm tư thì Trung lại lấy xe phóng ra đường, bạn bè không ngăn cản kịp, Trung đâm vào chiếc xe du lịch, hai chân bị cán nát, người bạn an ủi:
– Dù sao chị cũng nên mừng vì mạng nó lớn lắm. Tai nạn như vậy mà chỉ nát hai chân là phước đức nhà nó còn lớn…, nó đang nằm trên bệnh viện thành phố có thằng Kỳ ở đó chờ chị…
Khi Trung rời bệnh viện, ông bà Thông, ba mẹ của Lan đã sửa chữa kho chứa nông sản trở nên tổ ấm cho gia đình con gái tá túc. Trung bước vào nhà với thân thể tàn phế cùng tiếng reo mừng của các con: “Ba về, ba về,” một âm vang vắng bóng từ lâu trong căn nhà sang trọng của Trung từ những ngày Trung ăn nên làm ra. Trong căn nhà ấy vợ của Trung thiếu một người chồng trung thành, các con vắng người cha nhân hậu, nhưng lại luôn có một chủ nhân ông khó tính, đòi hỏi, kiêu ngạo. Giờ đây trong căn nhà kho này, Trung cảm nhận được sự ấm áp từ tấm lòng của những người thân yêu. Lan kéo chiếc ghế bên cạnh ông Thông, nói với Trung:
– Anh ngồi đây nói chuyện với ba một tí, em vào chuẩn bị áo quần và nước để anh tắm, chừng nửa giờ nữa ông bà Mục sư và Ban Trị sự Hội Thánh đến cầu nguyện cho ngày sum họp của gia đình mình, và cũng có các bạn làm cùng phòng với anh nữa.
– Hoàn cảnh của mình bây giờ đổi khác rồi, sao em còn bày vẽ chi cho…
– Anh đừng lo, mẹ bảo anh về ít nhất cũng bắt con gà nấu nồi cháo, các món ăn khác các chị trong nhà thờ nấu đưa đến, gọi là chung vui với mình, em cản ngăn không được; còn các bạn của anh cũng đòi làm một bữa ‘nhậu” cho đã để mừng anh, em giải thích anh đã thay đổi thế nào họ cũng không chịu, họ bảo lúc nằm viện anh nói thế thôi, chứ về rồi làm sao anh sống như bệnh viện được, nên em nghĩ tốt nhất mời họ đến luôn hôm nay. Tuy có chật chội, nóng nực nhưng em xin Chúa cho buổi sum họp của mình trở nên phước hạnh.
Khi thức ăn trên bàn đã cạn, món tráng miệng được dọn lên, Trung ra hiệu xin được phép thưa chuyện, mọi người ngưng nói chuyện hướng nhìn Trung:
– Thưa ba má, thưa cô bác, anh chị em, Trung và Lan sinh ra và lớn lên nơi phố quận này nên đời sống hai đứa chẳng xa lạ gì với ai. Hôm nay Trung muốn nói về đôi nạng gỗ nên xin cho Trung được nhắc lại những gì có liên quan đến. Như mọi người biết, gia đình Trung Lan là hàng xóm của nhau nhưng cảnh sống khác biệt. Ba mẹ Lan tẩn mẩn với từng tấc đất nuôi từng đứa con ăn học và dành thì giờ xây dựng đời sống tâm linh của con cái mình, cho dù ông rất giỏi, góp ý, cố vấn cho nhiều người làm ăn thành đạt như ba má Trung, nhưng gia đình Lan chọn nếp sống đạo đức, và đơn giản. Trong khi Trung lớn lên trong sự nuông chiều và giàu có. Những năm lên thành phố học, giờ đây con thành thật xin ba má tha tội cho con, con ăn chơi là chính, cái bằng cử nhân con đem về cho ba má nở mặt nở mày với mọi người và có chức vị trong quận mình là con mua, chứ thật sự con thi rớt. Rồi khi con làm trưởng phòng hành chánh ở quận, đâu ai biết tất cả hồ sơ, giấy tờ con đem về bắt ép vợ con lo. Nhàn hạ và gian dối là lối mở đưa con vào con đường cờ bạc rượu chè. Càng ngày con càng lún sâu, vì vậy con đã thế chấp, bán tất cả vườn tược, nhà cửa cho những canh bạc trắng của mình. Đã đến lúc kiệt quệ mà con vẫn kiêu ngạo, không chấp nhận thất bại nên con đã ăn cắp nữ trang của má và của vợ để đánh canh bạc cuối cùng. Dù con đã tính toán những bước gian lận kỹ càng, nhưng vận đen vẫn không rời con. Tuyệt vọng, con định lao mình vào chiếc xe hàng tự tử, nhưng dường như có một lực nào đó nắm giữ con để cuối cùng con bị chiếc xe du lịch cán nát hai chân. Đối với con tai nạn này là phép lạ. Con giận lắm vì mình không chết được, tất cả cơn giận đó con cằn nhằn, oán trách và chưởi bới ngay cả vợ con. Bên cạnh giường con nơi bệnh viện là anh Lịch, một người thợ hồ bị tai nạn nghề nghiệp. Anh ở quê, được đưa lên thành phố trị bệnh, vợ anh phải thay anh đi làm để lo cơm nước cho mẹ già và bầy con bốn đứa, nên những ngày nằm ở đó chỉ có ông Truyền đạo và vài tín hữu đến thăm. Vì không tiền nên anh nằm cạnh con chỉ có một ngày, sau đó anh xin nằm ngoài hành lang. Rồi những lúc thấy con không ngủ, anh bò vào thăm và nói chuyện. Con thấy hoàn cảnh của anh Lịch thật tội nghiệp, nhưng anh lại cho mình có phước, vì nếu Chúa không cứu thì anh chết khi trượt chân rớt từ tầng lầu thứ ba rồi, vợ con anh sẽ vất vả biết bao. Anh là người dưới quê, học hành chẳng bao nhiêu, nhưng thấy cách đối xử của con với Lan, anh bảo là anh yên lặng cầu nguyện Chúa thay đổi con chứ một người vợ hiền thục như vậy làm sao chịu nỗi người chồng thô lỗ như con. Nói chuyện với anh, con cảm thấy như niềm hy vọng rạng ngời trong Chúa Giê-xu của anh dần dần xâm chiếm con. Trong cuộc sống nghèo khổ của anh bị che khuất bởi sự bình an và niềm vui rạng rỡ, và đó là lý do con nói anh cầu nguyện cho con. Sau khi con thật sự tin nhận Chúa Giê-xu, con được thay đổi như mọi người đã thấy. Trước kia con rất kiêu ngạo, dù ba mẹ và Lan đã cố gắng với con rất nhiều, con vẫn luôn nhạo cười, khinh chê đức tin của ba mẹ và Lan. Con cố phá sự bình an, vui mừng, hiền thục trong đời sống Lan nhưng con không cướp phá được những gì sâu kín trong lòng Lan. Do đó, Chúa dùng anh Lịch đưa con đến với thập tự giá của Ngài, Ngài phải đập dập hai chân con, con mới chịu quỳ xuống đầu phục Ngài. Ngài ban cho con đôi nạng gỗ này như chứng tích về thập tự giá trong con, để trên đôi nạng này con đi ra nói về tình yêu của Chúa cho mọi người. Riêng với các bạn đồng sở, chúng ta từng ăn nhậu với nhau, từng chia sẻ những khắc khoải, trống vắng của tâm hồn mà rượu cùng mọi thú ăn chơi không khỏa lấp được. Nhìn Trung, nhìn đôi nạng này các bạn hiểu sự thay đổi sâu xa trong đời sống. Trung rất mong trong một ngày thật gần các bạn cùng hát với Trung: “Bước với Chúa yêu thương, tôi đi muôn phương, không vương lo buồn, Đường gập ghềnh nhưng chan hòa ánh chiếu dương. Bước với Chúa yêu thương, tôi không cô đơn, vui tươi trên đường. Lòng nhẹ nhàng quăng xa mọi gánh sầu vương…”
Tiếng hát thiết tha, trầm ấm của Trung khiến mọi người cùng nâng lời chúc tụng.