Truyện Ngắn: Chuyện Chị Lan – Phần Cuối

1138

>>> Tin liên quan: Chuyện Chị Lan – Phần 1

>>> Tin liên quan: Chuyện Chị Lan – Phần 2

 

 

Ngày cưới của Lan và Minh, anh Hai của Lan đi làm tại thành phố Hồ Chí Minh trở về. Anh về đến nhà sau cả một ngày đường đi tàu mệt mỏi. Chưa kịp thay đồ, anh Hai chở Lan đi đến một quán cà phê và ở đó anh tâm sự cho Lan nghe. Suốt nhiều giờ liền, hai anh em nói chuyện với nhau nhiều lắm, không biết là Lan có nghe hết những lời khuyên nhủ của anh không nữa nhưng anh thấy mình phải tận dụng thời điểm này để khuyên răn em gái.


 

Lan khóc nhiều, Lan đã từng ước mơ ngày cưới của mình sẽ là ngày tuyệt vời, được sánh bước với người mình yêu thương tiến vào thánh đường làm lễ cưới, nhưng giờ đây mơ ước đó đã không bao giờ thành hiện thực.


Đám cưới diễn ra trong sự lặng lẽ và âm thầm, ông Tâm mặt lạnh như tiền suốt từ đầu đến cuối. Bữa tiệc cũng kém tiếng cười đùa như những đám cưới thông thường khác, mọi người đến dự như là trách nhiệm và ai cũng phải ái ngại khi chuyện trò với ông Tâm. Đâu đó có vài lời an ủi ông Tâm: “Thôi, chúng nó đã lỡ rồi mà…” Mọi việc từ tiếp khách, cảm ơn, đại diện cho nhà gái… một tay anh hai của Lan quán xuyến vơi sự trợ giúp rất âm thầm của Phong. Phong đến nhà giúp dựng rạp cưới, anh phụ thuê chén bát phông màn và tất bật với những công việc không tên. Phong ngồi đó dự tiệc cưới mà lòng mình thấy ngổn ngang và trống vắng, anh muốn nói lời gì đó cho Lan và Minh nhưng cuối cùng anh chỉ lặng lẽ nhấm nháp qua loa vài món ăn trên bàn tiệc.


Sau đám cưới, ông Tâm lặng lẽ viết một lá đơn xin từ chức thư ký tại Hội Thánh mặc dù rất nhiều người đã khuyên ông và khích lệ ông tiếp tục. Ông tự xét thấy mình không còn đủ tư cách để làm thư ký, để làm chấp sự. Suốt hai mươi mấy năm hầu việc Chúa của ông, chưa bao giờ ông thấy nhục nhã và xấu hổ như lúc này.


Nhìn chiếc xe hoa đưa Lan và Minh đi khỏi, Phong quay vào lặng lẽ phụ gia đình ông Tâm dọn dẹp và thu xếp cho xong. Đâu vào đấy, anh lên xe phóng đến bờ sông vắng, vất chiếc xe đạp ngã chỏng chơ, Phong thất thần nhìn dòng nước đang cuồn cuộn chảy như nổi lòng của anh. Thế là hết! Còn gì nữa để mà níu kéo, còn gì nữa để mà hy vọng; không biết vô tình hay hữu ý, nhà ai đó văng vẳng tiếng nhạc như tiễn đưa một tình yêu tuyệt vọng:


“Thế là hết, nước trôi qua cầu, đã chìm sâu những tháng ngày đã qua. Thôi đành quên những phút yêu đầu. Những lời yêu ấy nay đã quá xa. Em giờ đây như là chim đã vỗ cánh biết bay phương trời nào? Anh giờ đây như cành khô héo tả tơi đón đưa ngọn gió nào. Tình nào ngờ, tình rơi như lá rơi. Ngày tình buồn vòng tay em lả lơi. Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu, để cuộc tình chìm mau. Nghe mưa mà cúi đầu…”


Phong khóc thống thiết như chưa bao giờ được khóc, anh muốn khóc một lần này nữa rồi thôi,  một lần tiếc thương nữa rồi vĩnh viễn… vĩnh viễn chôn sâu hình bóng của người mình yêu thương vào ký ức. Mặc cho những giọt nước mắt tức tưởi rơi, Phong rút từ ngực áo ra bài thơ đầu tiên anh làm trong đời để dành tặng Lan (nhưng năm lần bảy lượt muốn gởi đi rồi lại thôi, muốn thôi rồi lại tính gởi đi). Anh nhẩm đọc trong nước mắt như cho chính mình nghe, cho chính mình hiểu và cho chính mình cảm thông:


“Em tôi lá ngọc cành vàng

Thướt tha duyên dáng như nàng tiên nga…

Dẫu buồn dẫu giận dẫu xa

Thôi thì ta vẫn như ta vẫn thường

Suốt đời vẫn trọn tình thương

Cầu mong hạnh phúc một đường em đi

Lòng em nếu có chút gì

Sương pha, bão táp lắm khi cuộc đời

Thì anh vẫn chẳng thay dời…

Yêu em nồng thắm…chơi vơi chữ tình

Bài thơ viết tặng riêng mình…”


Phong xếp bức thư thành chiếc thuyền giấy, thả trôi trên sông; thuyền chênh vênh, chao đảo như chính cuộc tình đầu tiên trong đời anh. Nhìn thuyền trôi xa xa vô định, bất giác Phong lo lắng tột cùng cho tương lai của Lan:“Em ơi! Sao khờ dại như vậy? Thuyền đời của em rồi sẽ trôi sao??? Chúa ơi! Xin thương xót Lan…” Phong vẫn vậy, dù trong lúc đau đớn tột cùng nhất, anh vẫn không quên cầu nguyện xin Chúa xót thương Lan, anh luôn đặt niềm tin vào Ngài…


Thời gian rồi cũng nguôi ngoai, Phong quyết định ghi danh vào lớp Thần Học tại khu vực miền trung (Lúc ấy Thánh Kinh Thần học viện chưa được mở cửa lại) và trở thành một thầy Truyền đạo tình nguyện đầy ơn và tận tâm cho công việc Chúa.


 Những ngày tháng đầu tiên làm dâu nhà Minh, Lan thấy hạnh phúc lắm, dù đám cưới diễn ra lặng lẽ nhưng rồi cũng xong. Bây giờ Lan và Minh được trọn đời bên nhau, những tưởng có nhau bên đời thì sẽ vượt qua mọi thử thách, mọi giông tố…


…Nhưng cuộc đời nào trôi theo hướng con người ta định được, cái phiền toái đầu tiên Lan gánh chịu là hàng năm cứ vào tháng 12 âm lịch là nhà Minh có đám giỗ lớn. Lan nấu ăn, làm quần quật tối tăm mặt mũi khi đứa con gái đầu lòng vẫn còn đỏ hỏn trên tay, nhưng đó vẫn chưa phải là điều khiến Lan đau đớn nhất, mẹ Minh nói với Lan:


–  Là con dâu lớn trong nhà, con phải thắp hương lạy bàn thờ ông bà trong ngày giỗ lớn này. Xin ông bà phù hộ cho chúng mày và con chúng mày!


Lan không thể tưởng tượng được cái cảnh này khi còn yêu Minh, Lan đơn giản nghĩ như lời Minh nói rằng đạo ai nấy giữ. Dù về làm dâu người không tin Chúa, nhưng Lan không thể bỏ Chúa được, Lan vẫn còn đức tin và điều này khiến Lan đau khổ lắm, Lan lựa lời nói với Minh thì anh dửng dưng:


– Có gì đâu em khó khăn vậy? Thì cứ chìu theo ý mẹ đi, mà đâu có nhiều gì đâu mà em lo, một năm mới có cái đại giỗ như thế này thôi. Em nên làm theo lời mẹ đi…


Lan nhắm mắt làm liều nhưng khi cầm nhang trên tay, Lan khóc òa không thể kiểm soát, chị vội chạy ra sau nhà, mẹ Minh điên tiết quát tháo cả xóm đều nghe thấy khiến Minh tức tối vô cùng. Thế là tối đó Lan bị chì chiết, bị nói bóng gió là đồ con dâu ăn hại, đồ trẻ con, có cái việc cỏn con như vậy mà cũng khóc.


Năm tháng dần trôi, khi đứa con gái đầu lên 4 thì Lan lại sinh thêm một cô con gái nữa, việc đi nhà thờ của Lan mỗi sáng Chúa Nhật trước đây còn tương đối đều đặn nhưng bây giờ thì với hai đứa con, vài tuần mới thấy Lan đi nhóm lại một lần. Tình yêu dành cho Chúa đối với Lan bây giờ phai nhạt lắm; đúng lúc đó, Lan nhận được thiệp hồng báo tin hôn lễ của Phong.


Ngày Phong cưới vợ là một ngày thời tiết rất đẹp, một hôn lễ thật phước hạnh diễn ra trong thánh đường đã gắn bó với anh và với cả Lan trước kia nữa. Nhìn vợ Phong lộng lẫy và thanh khiết trong chiếc áo cưới trắng tinh, Lan tủi thân quay mặt đi như dấu nỗi niềm tiếc nuối, giá như…???


Càng ngày Lan càng thấy khó gần gũi chuyện trò thân mật với chồng hơn, cưới nhau về Lan mới phát hiện ra những tính cách của Minh mà trước đây khi yêu nhau Lan không bao giờ được thấy. Minh rất độc đoán, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình Minh sắp xếp hết, Lan không được có ý kiến gì. Tất cả mọi khía cạnh từ ăn mặc như thế nào, cách nuôi dạy con cái ra làm sao, cách chế biến và khẩu vị các món ăn trong gia đình, giao du với bạn bè… đều do Minh quyết định. Hơn nữa tính tình Minh rất nóng nảy, chuyện gì không vừa ý là anh la lối om sòm hàng xóm cũng phải e ngại khiến Lan vừa sợ, vừa xấu hổ. Đến nổi ao ước của Lan là thỉnh thoảng hai vợ chồng dắt con cái về nhà thăm ông bà ngoại mà Minh cũng phớt lờ, họa hoằn lắm mới về ngoại chơi một lần mà nhiều lắm thì cũng chỉ ở lại có một đêm thôi mà Minh chì chiết làm mình làm mẩy khiến Lan đau khổ vô cùng. Minh nói nhiệm vụ của phụ nữ là sanh con cái và cung phụng chồng. Sống với nhau hơn 4 năm, Lan chợt nhận ra rằng bây giờ những sở thích riêng tư của Lan đã không còn nữa, Lan răm rắp làm theo những sắp xếp của chồng. Càng ngày Lan càng cam chịu, không dám thở than với ai, mà trách ai được bây giờ khi đó là sự chọn lựa riêng tư của chị? Nhiều đêm chị nằm khóc thầm, ôm con vào lòng, chị tâm sự với con, mà nào đứa con bé bỏng đã hiểu được chuyện gì? Thấy mẹ khóc, nó bập bẹ: “Mẹ ơi đừng khóc, mẹ khóc làm em bé thức giấc đó…”


Những năm tháng đầu tiên của thập niên 90, kinh tế đất nước ngày càng khấm khá hơn, nhu cầu giải trí, nhất là về âm nhạc cũng đã cải thiện lên rất nhiều. Điều đó giúp cho Minh dễ kiếm tiền hơn qua những show diễn và những lớp dạy đàn tại nhà. Kinh tế gia đình cải thiện hơn, Minh và Lan quyết định mua nhà và dọn ra ở riêng. Những tưởng sẽ được thoát khỏi sự khổ sở khi làm dâu, thì Lan lại đối diện với nỗi đau đớn khác…


Do đặc tính công việc của Minh hay tiếp xúc với các bữa tiệc, nên dần dà nhậu nhẹt thành một thói quen khó bỏ của Minh, Lan khổ sở nhiều lắm. Khi đứa con gái thứ ba chào đời là lúc Minh kiếm cớ nhậu nhẹt bết nhè; những ngày say xỉn của Minh còn nhiều hơn số ngày anh tỉnh táo. Lan một mình gánh chịu, đêm đêm canh cánh lo lắng không dám ngủ vì phải chờ cửa đợi chồng về.


Lan giật mình vì tiếng hét của chồng: “Mày làm cho tao thêm một ly nước chanh nữa coi, làm gì mà ngồi thừ ra vậy hả?”  kéo chị trở về với thực tại…


Cứ thế cuộc sống của Lan trải qua những tháng ngày đen tối, đôi khi buồn quá chị cũng nhớ đến Chúa và cầu nguyện… Nhưng mặc cảm tội lỗi trong chị ngăn trở không cho chị dốc lòng với Chúa, chị chịu đựng cuộc sống như vậy riết rồi cũng quen. Nhưng khi việc này xảy ra thì chị dường như không còn đủ sức chịu đựng nữa…


Cái tin Minh chồng chị có người đàn bà khác trong đời khiến chị sốc nặng, chị không thể tha thứ được cho chồng vì sự phản bội tình yêu đã hai mươi năm chị trao phó cho anh. Minh nhẫn tâm bỏ chị Lan với ba đứa con lại và chung sống như vợ chồng với một người khác tại Đà Nẵng khiến chị Lan suy sụp hẳn, chị quyết định xin về nhà ba mẹ ruột.


“Con dại thì cái mang” – Ông Tâm dù rất giận dữ nhưng khi biết tin về Minh, ông sẵn sàng đón nhận Lan cùng với ba đứa cháu ngoại xinh đẹp về ở chung nhà. Tối hôm đầu tiên Lan quay về nhà, ông Tâm đã dành nguyên một đêm nói chuyện với Lan và Lan vẫn không bao giờ quên câu nói trong nước mắt của ông:


– "Kể từ ngày con về nhà chồng, không đêm nào là ba không quỳ gối ngay đây đổ nước mắt ra khóc và cầu nguyện cho con… Đối với ba, con mãi là đứa con gái yêu bé bỏng, dại dột cần sự che chở…”


Lan quỳ gối xuống trước mặt cha cầu xin ông tha thứ, chị lao vào ôm lấy người cha gầy gò và hai cha con ôm nhau khóc, Lan nghẹn ngào: “Ba ơi, con thành thật xin lỗi ba, giá như ngày xưa con nghe lời ba…” cứ thế chị gục đầu vào vai người cha mà khóc, khóc cho trôi hết đi những ngày tháng lầm lỡ trong đời…


Lan nghe tin Minh và người vợ mới đã lên đường sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh bên gia đình vợ với một tâm trạng bình thản. Kể từ ngày được về sống lại dưới mái ấm gia đình ông Tâm, Lan đã được Chúa đụng chạm và dốc lòng hầu việc Chúa… Ba cô con gái xinh xắn cũng đã gặp Chúa và rất yêu quý chị, chị làm chứng trước Hội Thánh như một bài giảng hùng hồn về những lầm lỡ thời trẻ trong chuyện tình yêu hôn nhân… Đối với chị, chị sẵn sàng không che dấu quá khứ lỡ lầm của mình hòng làm một tấm gương cho các bạn trẻ trong Hội Thánh đừng bao giờ đi theo vết xe đổ của chị. Không biết tự bao giờ, chị trở thành người cố vấn chuyện tình yêu cho thanh thiếu niên tại Hội Thánh nhà.


Tối hôm ấy, lúc chị ngồi nói chuyện với cô con gái lớn sắp tốt nghiệp đại học thì chuông điện thoại reo vang, vội vàng nhấc máy chị nghe giọng nói quen thuộc:


– Phải Lan không? Anh Minh đây…


Thoáng bối rối, chị nói nhanh:


– Anh gọi điện thoại có chuyện gì?


Đầu dây bên kia ngập ngừng nghe chừng rất khó nhọc để thốt lên những lời này:


– Anh đã gặp Chúa khi… chìm ngập trong trống vắng và tội lỗi nơi đất khách quê người… Anh đã nhận ra tình yêu của Chúa là…vĩnh cữu trong cuộc đời này. Giờ đây anh gọi về Việt Nam cho em để cầu xin em một điều: hãy tha thứ cho anh và vợ anh bây giờ…


Chị Lan xúc động mạnh và nói:


– Chuyện gì đã qua hãy để nó trôi qua. Em rất vui khi vợ chồng anh đã tìm gặp được tình yêu của Chúa. Nếu không có tình yêu của Ngài thì em đã không sống nổi đến ngày hôm nay. Trong Danh Chúa Giê-xu, em muốn nói là em đã tha thứ cho hai người…từ lúc Chúa thăm viếng đời sống em cách đây vài năm. Chúc hai người hạnh phúc và sống có trách nhiệm với tình yêu vĩ đại mà Chúa đã ban cho.


Nữa vòng trái đất bên kia, hai vợ chồng Minh cũng khóc trước mặt vợ chồng vị Mục sư cố vấn cho hai người mà có lẽ Lan cũng không ngờ: Mục sư Hoàng Phong, người đang có chức vụ cố vấn hôn nhân rất thành công kể từ khi rời Việt nam sang định cư tại Mỹ ba năm trước đây, Minh nói:


– Sau khi cầu nguyện với Chúa rất nhiều, anh muốn bù đắp phần nào cho các con bằng cách mỗi tháng gởi về cho em và các con ít tiền để lo cho mấy đứa ăn học nếu em cho phép…và muốn đưa con gái lớn của mình sang đây du học sau khi con tốt nghiệp. À mà anh cũng muốn em nói chuyện với mục sư đã làm chứng và chăm sóc vợ chồng anh…là Mục sư…à mà không…là anh Phong…


Chị Lan bất ngờ khi nghe giọng nói của anh Phong ngày xưa, chị không ngờ ba người lại hội ngộ với nhau trong hoàn cảnh như thế này.


Chị nói với Minh:

 

– Nếu anh đã cầu nguyện kỹ rồi thì em cũng không phản đối gì hết, miễn là con nó đồng ý.


Đặt máy điện thoại xuống bàn sau khi kết thúc cuộc nói chuyện, chị Lan thấy cô con gái lớn cũng đang khóc:


– Con đã nghe hết rồi mẹ, cuối cùng dù muộn màng nhưng ba cũng đã tin Chúa rồi mẹ nhỉ? Con yêu mẹ lắm!


Chị Lan âu yếm vuốt tóc con gái:


– Con ơi, nếu phải chọn lựa thì con hãy thà ở một mình với mẹ suốt đời chứ nhớ đừng bao giờ yêu và kết hôn theo cái cách của mẹ con nhé!


Đứa con nhìn mẹ mỉm cười:


– Mẹ ơi, con không muốn làm buồn lòng mẹ và gia đình! Mà cái chính yếu là con không muốn làm trái Lời Chúa. Chắc chắn sau này con sẽ lấy một người chồng yêu kính Chúa, còn nếu không, con thà ở độc thân suốt đời phụng dưỡng mẹ!


Ngước nhìn lên bầu trời đêm, mẹ con chị Lan thấy ánh trăng sáng vằng vặc, lung linh và như đang mỉm cười với mẹ con chị…


Hết!


Tác giả: Trương Thạch


 

Bài trướcBài thứ 290: Con Đức Chúa Trời
Bài tiếp theoTin Ảnh – Lễ Cảm Tạ 60 Năm Thành Lập Chi Hội Tin Lành Nguyễn Tri Phương, TP. HCM