I Cô-rinh-tô 9:19-23
19 Vả, tôi đối với ai vẫn cũng là được tự do, mà tôi đành phục mọi người, hầu cho tôi được nhiều người hơn. 20 Với người Giu-đa, tôi ở như một người Giu-đa, hầu được những người Giu-đa; với những người dưới quyền luật pháp, (dầu chính tôi chẳng ở dưới quyền luật pháp), tôi cũng ở như kẻ dưới quyền luật pháp, hầu được những người dưới quyền luật pháp; 21 với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp, hầu được những người không luật pháp. 22 Tôi ở yếu đuối với những người yếu đuối, hầu được những người yếu đuối; tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để cứu chuộc được một vài người không cứ cách nào. 23 Mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin lành, hầu cho tôi cũng có phần trong đó.
Câu gốc: “Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người để có thể cứu được vài người, không cứ cách nào” (câu 22b).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô nói mình được tự do mà đành phục mọi người nghĩa là gì? Ông đã trở nên như người Do Thái hoặc người ngoại bang như thế nào và với mục đích gì? Chúng ta noi gương Sứ đồ Phao-lô thế nào trong việc truyền bá Phúc Âm?
Sứ đồ Phao-lô là người tự do, về phương diện thuộc thể cũng như thuộc linh ông không bị lệ thuộc bởi bất cứ ai, nhưng ông “đành phục mọi người”, trong nguyên văn là “tự nguyện trở thành nô lệ cho mọi người”, với mục đích để có thể chinh phục thêm nhiều người cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Với người Do Thái, Sứ đồ Phao-lô trở nên như người Do Thái trong một số sinh hoạt không trái với niềm tin để họ dễ chấp nhận và lắng nghe sứ điệp Phúc Âm. Thí dụ, dù biết rằng phép cắt bì không ảnh hưởng đến sự cứu rỗi (Ga-la-ti 6:15), nhưng “bởi cớ những người Giu-đa ở trong các nơi đó”, ông vẫn làm phép cắt bì cho chàng trai trẻ Ti-mô-thê, để thanh niên này gia nhập vào đoàn truyền giáo của ông (Công Vụ 16:3). Hoặc dù biết rằng Cơ Đốc nhân được thanh sạch chỉ nhờ huyết Cứu Chúa Giê-xu (Hê-bơ-rơ 10:10), nhưng Sứ đồ Phao-lô cũng đã cùng với bốn người Do Thái khác thực hiện nghi lễ thanh tẩy tại Giê-ru-sa-lem, để tránh gây vấp phạm cho hằng vạn tín hữu người Do Thái (Công Vụ 21:20-26). Còn đối với người ngoại bang, là những người không có luật pháp Môi-se, Sứ đồ Phao-lô từng chấp nhận ngồi ăn uống chung với họ (Ga-la-ti 2:11-14), ông hòa đồng với những tập quán của dân ngoại, miễn là những điều đó không trái nghịch với “luật pháp của Đấng Christ” (câu 21), mục đích là để giúp cho nhiều người được cứu rỗi.
Người yếu đuối trong câu 22, là những người ông đề cập trong chương 8 về của cúng thần tượng. Mức độ hiểu biết của họ còn non nớt, khi họ thấy những người tự cho là hiểu biết ngồi ăn trong miếu tà thần, họ bắt chước và lương tâm yếu đuối của họ bị ô uế, tổn thương. Dù Sứ đồ Phao-lô biết thần tượng trong thế gian là hư không, nhưng để tránh gây vấp phạm cho những người có lương tâm yếu đuối ấy, ông thà không ăn đồ cúng (I Cô-rinh-tô 8:13). Sứ đồ Phao-lô đã trở nên mọi cách cho mọi người để bằng mọi cách cứu được một số người.
Phúc âm cứu rỗi của Chúa không bao giờ thay đổi (I Cô-rinh-tô 2:1-2), nhưng Sứ đồ Phao-lô đã khéo léo hòa vào lối sống của từng sắc dân với những văn hóa khác nhau để họ có cảm tình và sẵn sàng lắng nghe sứ điệp Phúc Âm của ông, “mọi điều tôi làm, thì làm vì cớ Tin Lành” (câu 23). Sống yêu thương và phục vụ tha nhân đồng nghĩa với việc ưu tiên đem Tin Lành cứu rỗi đến cho mọi người bằng mọi cách theo gương của Sứ đồ Phao-lô để nhiều người được cứu.
Ngoài cá nhân chứng đạo, bạn có góp phần vào chương trình truyền giảng của Hội Thánh để có thể cứu được nhiều người không?
Lạy Chúa, xin cho con dạn dĩ chia sẻ Tin Lành cho đồng bào, và xin cho con khôn ngoan trong lối sống và cách tiếp cận với những người chưa biết Chúa.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sa-mu-ên 12.
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org