Thư Gửi Con: Gia Tài Để Lại

2054

Con yêu quý,

Thời gian đi qua thật nhanh và cũng thật vô tình. Các con, các cháu rời mẹ, căn nhà dường như trống trải, rộng rãi hơn. Khi tiếng thì thầm trò chuyện, tiếng hát ca, tiếng cười đùa, tranh dành đồ chơi chen vào tiếng khóc, tiếng phân bua… xa dần…; sự trống vắng đưa sự cô đơn lang thang mọi ngõ ngách của đời sống. Ngay cả giây phút đó, mẹ nhận ra phước hạnh mẹ nhận được quá lớn, cao hơn mơ ước của mẹ nhiều: Mối liên hệ gần gũi với con cháu và cao hơn nữa là mối liên hệ với Chúa.

Mẹ có người bạn thời trung học, cô ấy sống rất nề nếp, kỹ lưỡng, sạch sẽ. Đó là tính tốt, nhưng việc gì thái quá cũng không nên. Hai vợ chồng cô có việc làm tốt, một mái nhà nho nhỏ xinh xinh và cậu con trai con trai ngoan ngoãn chăm lo học hành. Đi làm về cô lo cơm canh chu toàn, rồi để đó khi nào đói thì hai cha con tự lấy mà ăn. Cô không biết những câu chuyện trong ngày là mối dây cột những người trong gia đình với nhau chứ không phải thức ăn. Lúc đầu hai cha con còn ăn chung, nhưng về sau mỗi người làm một tô cho gọn. Cũng vì cho gọn hai cha con cũng không còn dịp trò chuyện vì ông cha thì bận coi TV. Khi ăn, cậu con đem cơm vào phòng – sống với thế giới riêng của mình. Còn cô tiếp tục lau dọn cho đến khi mệt nhoài thì đi lục cơm đã nguội mà ăn. Căn phòng khách sạch bóng vì cô quét lau hằng ngày, rồi đóng cửa lại, chỉ được mở cửa khi có khách đặc biệt. Cô không có giờ cho chồng con, còn bạn bè thì chỉ còn mẹ và cô bạn hàng xóm lúc bé. Không có mối liên hệ để nối kết những người trong gia đình với nhau, đến một lúc thì chồng con đều dọn ra, để cô ở lại với ngôi nhà sạch bóng đó. Lúc đầu cô có hơi buồn, nhưng sau đó cô chấp nhận vì mọi thứ trong đời sống được cô sắp xếp theo ý mình. Có lúc mẹ nói về Chúa với cô, cô bảo:

– Em vô thần.

– Trên đời này không ai vô thần Vân ạ, Vân là chúa của Vân đó thôi.

Rồi một ngày căn bệnh ung thư đến, cô mới nhận biết những thứ cô hết lòng, hết sức gầy dựng, giờ đây trở nên vô nghĩa. Mẹ đến thăm và ở chơi với cô một hai hôm. Trong đêm cuối mẹ ở đó, cô bảo:

– Bây giờ em nhận biết cuộc đời mình không phải của riêng mình, mà có một Đấng dựng nên mình, nắm giữ cuộc đời mình…

Ngày cô Vân rời cuộc đời này, mẹ buồn và tiếc thương nhiều vì cô sống những năm tháng có tiền của nhưng vẫn như một người trong cảnh nghèo nàn, cô đơn…

Có một đời sống nghèo tiền của nhưng đem phước hạnh cho gia đình và ảnh hưởng trên nhiều người và ngay cả con cháu của con đó là: Ông Ngoại.

Ông ngoại sinh ra trong một gia đình nghèo ở vùng quê xứ Quảng. Mẹ qua đời năm ông chín tuổi, nhà đông con, ông cố không kham nỗi nên cho ông ngoại đi ở đợ (làm đầy tớ). Lớn lên, như những thanh niên thời đó, ông rời làng quê lưu lạc tìm kế mưu sinh. Trong ơn thương xót của Chúa, ông được Chúa cứu qua chương trình truyền giảng ở Hội Thánh Lạc Thành. Chúa thay đổi ông từ một người gian manh, hút sách, cờ bạc trở nên một thanh niên hết lòng yêu kính Chúa. Do đó ông cố ngoại đã chọn ông làm con rể dù ông nghèo và mù chữ. Ông yêu mến, khát khao Lời Chúa nên mỗi tối bà cố đọc cho ông nghe một chương Kinh Thánh, dù vậy ông vẫn thấy sự giới hạn trong việc học biết Lời Chúa, nên ông đề nghị bà cố dạy đọc viết đủ để ông đọc, học Kinh Thánh. Từ đó, trước khi bắt đầu công việc mỗi ngày, lúc trời chưa sáng rõ, bên chiếc đèn dầu ông yên lặng lắng nghe Chúa dạy Lời của Ngài. Khi các dì, cậu, mẹ làm điều gì sai trật, ông không dùng roi, gậy… mà dùng Lời Chúa khuyên răn như: “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta” hay “hãy coi người khác tôn trọng hơn mình;” hoặc “hãy ở với nhau cách nhân từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy;” hay lúc huênh hoang tự đắc, ông nhắc nhở: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau”… Trong từng trường hợp, ông đều có Lời Chúa để dạy dỗ, khuyên bảo, nhắc nhở… Rồi mỗi tối ông dạy cho vợ con trong giờ gia đình lễ bái (gia đình hiệp nguyện). Hình ảnh mỗi sáng sớm ông ngoại bên quyển Kinh Thánh in đậm nét trong cuộc đời mẹ, và tất cả con của ông – để ngày nay tất cả con của ông đều có giờ yên lặng, phước hạnh đó. Khác với cô bạn của mẹ, khi qua đời để lại tiền của, gia sản không ít cho cậu con trai duy nhất, nhưng cô ấy bảo: “Rồi một ngày không xa, tất cả cũng chẳng còn gì chị ạ…” Khi ông ngoại rời trần gian này về nhà trên trời, ông không để lại cho con cháu một đồng nào cả, nhưng ông để lại một gia tài cứu chuộc trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Con cháu ông sẽ tận hưởng dòng suối ân sủng đó hết đời này đến đời tiếp khác… Nhớ con nhé, Lời Chúa được dạy, được học, được vun trồng tiếp nối để con cháu của chúng ta luôn sống trong sự an bình và sung mãn, phước hạnh và thỏa nguyện.

Mẹ lớn lên trong sự tự hào của nền giáo dục khai phóng, nhưng trong sự giới hạn của con người, người học trò nào cố gắng thu thập và thực hành thì có tiến bộ hơn những người khác phần nào đó thôi. Nhưng Lời Chúa với năng quyền biến đổi mới thật sự khai phóng con người. Cùng sống ở vùng quê, người tin Chúa có hiểu biết, tầm nhìn cao hơn; ngay cả với những người sắc tộc, bộ tộc nào được nghe biết Lời Chúa họ cũng vượt ra khỏi hủ tục để sống đời bình an phước hạnh hơn.

Như con biết đó, ông ngoại chưa một ngày cắp sách đến trường. Vào khoảng năm 1941-1942; khi cụ cố Mục sư Duy Cách Lâm tìm được một cây cổ thụ cao to trên núi, 12 người đàn ông không ôm hết được vòng quanh thân cây, cụ nghĩ chỉ cần cây này đủ để làm nhà thờ, nhưng làm sao hạ nỗi! Cụ đến tìm và nói ý của cụ, sau đó cụ đưa ông ngoại đi coi cây. Nhìn cây cao to, ông ngoại lắc đầu: Không ai hạ nổi, nhưng nếu Chúa cho cụ tìm được cây, xin được phép thì Chúa cũng cho tôi cách để hạ. Chúng ta cùng cầu nguyện. Sau đó cụ đi hàn nối lưỡi cưa để ông ngoại hạ với sự giúp sức của 12 người khác. Chỉ một cây to đó đã làm trụ cột, trính, kèo, rui… nên ngôi nhà thờ Đà Lạt trước đây, còn dư làm tư thất. Ngày nay, Hội Thánh Đà Lạt phát triển, con dân Chúa đã xây cất lại cho rộng lớn đủ với nhu cầu, nhưng để nhớ ngôi nhà thờ ban đầu, Hội Thánh vẫn giữ lại vòng trụ đặt trên khung tòa giảng mà lần mình đi Đà Lạt mẹ chỉ cho con đó.

Con yêu,

Mẹ viết thư này để nhắc con rằng, những Lời dạy con, không những khai phóng đưa con vào dòng suối ân sủng, đem cho con bình an mà còn đưa gia đình, Hội Thánh, cộng đồng đến nguồn phước hạnh vĩnh hằng… Nhớ nghen con, đừng bao giờ bỏ qua, hay quên truyền lại cho các cháu của mẹ những Lời dạy đem phước hạnh cho con, đó là gia tài ba mẹ nhận từ ông bà, truyền lại để con bảo tồn, truyền lại cho con cháu của con. Dòng suối thiêng này sẽ chuyển đến cõi vĩnh hằng con ạ…

Thương con vô cùng,

 Mẹ, Ái Tâm

(BTMV 54 – Tháng 07/2016)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Gia Đình” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ bientap@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcHdĭp Hdơr Knga Kơ Khua Yang – 22/02/2021
Bài tiếp theoĐức Giê-hô-va Đã Thấy – 23/2/2021