Thật và Giả – “Hội Thánh Đức Chúa Trời” và Tà Giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (Phần Cuối)

28196

♦ Thật và Giả – “Hội Thánh Đức Chúa Trời” và Tà Giáo “Đức Chúa Trời Mẹ” (Phần 1)

IV. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành đặt trên Sự Cứu Chuộc của Đấng Christ.

Các bài báo lên án rằng tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ buộc người gia nhập phải “uống thứ nước màu đỏ và ăn miếng bánh được cho là máu và thịt của Chúa” thì mới nhận được sự sống đời đời. Và để sớm được về với Chúa mỗi hội viên phải đóng góp 10% thu nhập cho hội. Và thứ nước này bị xem là thuốc hướng thần, có tác dụng như thôi miên, khiến người dùng nó trở thành những người thần kinh không bình thường. [1]

Điều này hoàn toàn khác hẳn với niềm tin của Hội Thánh Tin Lành. Nền tảng đức tin của Hội Thánh Tin Lành là dựa trên sự cứu chuộc của Đấng Christ. Tất cả mọi người đều cần sự cứu rỗi, vì: mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất vinh quang của Đức Chúa Trời; nhờ ân điển của Ngài, bởi sự cứu chuộc trong Đấng Christ Giê-xu, họ được xưng công chính mà không phải trả một giá nào. Đức Chúa Trời đã lập Ngài [Chúa Giê-xu] làm sinh tế chuộc tội cho những ai có đức tin trong huyết Ngài. Việc này bày tỏ sự công chính của Đức Chúa Trời, vì Ngài lấy lòng nhẫn nhục mà bỏ qua những tội lỗi trong quá khứ. Trong hiện tại, Ngài cũng chứng tỏ chính Ngài là công chính và xưng công chính cho người nào đặt lòng tin nơi Đức Chúa Giê-xu (Rô-ma 3:23-26).

Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời, mực thước cho đức tin và đời sống đạo đức của Cơ Đốc nhân[2], khẳng định rõ rằng mọi người đều cần nhận được sự tha thứ, sự cứu chuộc. Giải pháp của Đức Chúa Trời, đó là sự hy sinh cứu chuộc của Chúa Giê-xu trên thập tự giá, trả thay án phạt tội lỗi của toàn nhân loại. Con người nhận được sự cứu rỗi nhờ ân điển, bởi đức tin nơi Chúa Giê-xu. Đó là món quà của Đức Chúa Trời cho nhân loại, không phải do nỗ lực của con người mà có được.

Vì nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không đến từ anh em mà là tặng phẩm của Đức Chúa Trời; cũng không do việc làm của anh em để không ai có thể tự hào. Vì chúng ta là công trình của tay Ngài, được tạo dựng trong Đấng Christ Giê-xu để thực hiện những việc lành mà Đức Chúa Trời đã chuẩn bị từ trước để chúng ta làm theo. (Ê-phê-sô 2:8-10).

Vì lý do đó, mỗi người đều được khích lệ đến tin nhận Chúa Giê-xu để nhận được sự cứu rỗi mà không đòi hỏi phải thực hiện bất kỳ nghi thức nào hay phải nộp bất kỳ khoản thu nhập nào. Quyết định tin Chúa là do ý chí tự do của mỗi cá nhân, mà không phải do bất kỳ sự ép buộc nào.

Hơn nữa, một điều cốt lõi chỉ có thể được tìm thấy trong Cơ Đốc giáo, đó là Đức Chúa Giê-xu, Đấng chúng ta tin cậy, thờ phượng là Đấng đã đắc thắng sự chết và là Đấng Sống Đời Đời, có quyền ban cho người tin Ngài sự sống đời đời. Không một giáo chủ nào trên trần gian này dám quả quyết chắc chắn điều này. Chỉ duy Chúa Giê-xu, trọng tâm, cốt lõi của Cơ Đốc giáo mới có thể tuyên bố điều này cách chắn chắn.

Tuy nhiên, đời sống của người Cơ Đốc không chỉ dừng lại ở chỗ tin Chúa, và tiếp tục sống cuộc đời buông thả, vô trách nhiệm. Niềm tin của người Cơ Đốc là một niềm tin sống động, nghĩa là niềm tin đó phải được bày tỏ qua việc làm.

Kinh Thánh kêu gọi mỗi người Cơ Đốc tích cực bày tỏ nếp sống xứng đáng với Tin Lành, đem lại sự biến đổi cộng đồng, bày tỏ tình yêu thương đối với anh em mình, dù đó là người đã tin Chúa hoặc chưa tin Chúa. Những khoản dâng, những việc lành như chương trình khám chữa bệnh từ thiện, xây dựng nhà tình thương, chương trình dạy nghề miễn phí cho người khó khăn,… mà người Cơ Đốc dự phần không phải là điều kiện để nhận được sự cứu rỗi, nhưng đó là hành động bày tỏ lòng biết ơn Chúa, và tình yêu thương anh em như Lời Chúa dạy. Và tất cả những điều này phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không phải vì bị ép buộc. Đây chính là tinh thần mà Phao-lô đã nhắc nhở các Cơ Đốc nhân tại Cô-rinh-tô:

Mỗi người nên quyên góp tuỳ theo lòng mình đã định, không miễn cưỡng hoặc do ép buộc, vì Đức Chúa Trời yêu mến người dâng hiến một cách vui lòng… Anh em sẽ được phong phú trong mọi sự để làm mọi việc từ thiện; để qua chúng ta người ta sẽ cảm tạ Đức Chúa Trời. Vì sự trợ giúp này không những đáp ứng nhu cầu của các thánh đồ mà còn khiến nhiều người cảm tạ Đức Chúa Trời,… (II Cô-rinh-tô 9:6-15).

Hiến chương của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam cũng nêu rõ trách nhiệm của Cơ Đốc nhân với xã hội là phải yêu thương, giúp đỡ[3]:

Loài người cả nam lẫn nữ đều được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, nên mỗi Cơ Đốc nhân kính Chúa thì phải yêu người;

Mỗi Cơ Đốc nhân có trách nhiệm xây dựng xã hội mình đang sống. Phải yêu thương , cứu giúp mọi người trong hoàn cảnh khốn khó;

Tham gia các công tác xã hội tại địa phương, giữ tình đoàn kết, hết lòng phục vụ an sinh xã hội và cầu bình anh cho mọi người.

Như đã đề cập ở trên, nền tảng đức tin của người Cơ Đốc dựa trên công tác Cứu Chuộc của Chúa Giê-xu dành cho cả nhân loại. Là những người đã nhận được ân điển cứu chuộc của Chúa, Cơ Đốc nhân được khích lệ không chỉ nhận món quà cứu rỗi đó cho cá nhân, nhưng cũng truyền ra tin tức tốt lành này để mọi người cùng biết và cùng nhận được món quà tuyệt vời này. Trên tinh thần đó, Thánh Lễ Tiệc thánh được thiết lập để mỗi Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về sự cứu chuộc của Chúa, sống xứng đáng với sự cứu chuộc này và rao truyền tin tức tốt lành này cho mọi người. Vì vậy, Thánh Lễ Tiệc thánh, bao gồm nước nho, và bánh – hai hình ảnh nhắc nhở về thân và huyết của Chúa Giê-xu đã hy sinh chết thay cho tội lỗi của con người – chỉ dành cho những người đã thuộc về Chúa, hiểu rõ giá trị của sự hy sinh, cứu chuộc của Chúa Giê-xu cho chính mình. Khi dự Thánh Lễ Tiệc thánh, Cơ Đốc nhân được nhắc nhở về niềm tin của chính mình và trách nhiệm của mình là một Cơ Đốc nhân, phải sống xứng đáng với Tin Lành là thể nào. Đây là ý nghĩa thiêng liêng của Thánh Lễ Tiệc thánh mà chính Chúa đã thiết lập, không ai được phép khinh thường.

Khi còn ở trên đất này, trong khi trông đợi Chúa trở lại, mỗi Cơ Đốc nhân phải sống xứng đáng với Tin Lành, tận dụng mọi cơ hội để rao truyền Tin Lành của Chúa, hầu cho nhiều người cũng ăn năn và nhận được sự cứu chuộc. Về ngày Chúa trở lại, chỉ một mình Đức Chúa Trời biết, không ai trong chúng ta có thể biết được. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là luôn luôn sẵn sàng với đời sống xứng đáng, đẹp lòng Chúa, bày tỏ danh Chúa trong thế gian này, để đến ngày Chúa đến, chúng ta có thể nhận được lời khen tặng từ Chủ mình rằng: Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín, Được lắm. Hãy vào chung hưởng niềm vui của chủ ngươi.

Bản tóm tắt so sánh sự khác biệt giữa Hội Thánh của Đức Chúa Trời và tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ, dựa trên những cáo buộc đề cập bởi một số bài báo gần đây:

Hội Thánh của Đức Chúa Trời

Tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ

Biết quan tâm đến lợi ích của người khác

Đấng Christ là mối quan tâm hàng đầu của Cơ Đốc nhân, vì vậy Cơ Đốc nhân sẽ vâng phục Chúa yêu thương, tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của người khác.

Cơ Đốc nhân mang tâm tình của Đấng Christ, phục vụ người khác trong tinh thần khiêm nhường, sẵn sàng hy sinh vì người khác.

Những người chỉ sống ích kỷ, vì mình, không quan tâm người khác

Chỉ sống cho riêng mình, không quan tâm đến nhu cầu của người khác, thậm chí người thân, gia đình.

Cơ Đốc nhân là những người yêu thương, có trách nhiệm với gia đình, bà con, người khác

Trước khi tin Chúa: họ có thể là những người nghiện ngập, trộm cắp cũng như mọi thành phần tệ nạn xã hội khác.

Nhưng sau khi tin Chúa: họ trở nên những người có ích cho xã hội, quan tâm, chăm sóc gia đình mình.

– Những người con hiếu kính cha mẹ,

– Người chồng yêu thương vợ, có trách nhiệm với gia đình,

– Người vợ tôn trọng chồng, thuận phục chồng trong tinh thần kính sợ Chúa,

– Cha mẹ yêu thương, nuôi nấng dạy dỗ con bằng tình yêu,

– Biết quan tâm đến người bà con, những người goá bụa, khó khăn trong Hội thánh và xã hội.

Đời sống của một người Cơ Đốc được biến đổi theo chiều hướng tích cực hơn.

Những người từ bỏ gia đình, thiếu trách nhiệm

Sau khi gia nhập hội viên của tà giáo này, hầu hết rời bỏ gia đình, sống cách ly với các hoạt động xã hội bên ngoài, đồ ăn thức uống sơ sài và chế biến khác thường, tối đến ngủ tập thể cùng nhau, di chuyển theo nhóm đến bất cứ đâu, gia đình ly tán…

Trước khi gia nhập hội, họ có thể là những người bình thường, thậm chí là những người con ngoan, những người vợ, người chồng có trách nhiệm.

Nhưng sau khi gia nhập hội, họ bỏ bê gia đình mình.

Đời sống của những hội viên theo tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ cũng có sự biến đổi nhưng theo chiều hướng ngược lại, trở thành nỗi buồn, sự lo lắng cho xã hội.

Làm việc hết sức mình với tinh thần trách nhiệm cao

1/ Làm việc hết sức mình như làm việc cho chính Chúa là Đấng đã yêu và cứu chuộc mình.

2/ Làm việc trong tinh thần vui vẻ, biết ơn Chúa về mọi điều Chúa ban như cơ hội việc làm, tài chính, sức khoẻ, công việc.
2/ Chăm chỉ làm việc nuôi sống chính mình, người nhà và giúp đỡ người khác.

Những người lười biếng lao động

Hội viên của tà giáo Đức Chúa Trời Mẹ được hứa thoát khỏi mọi bệnh tật, cuộc sống tươi sáng, không phải làm gì vẫn có tiền, sống hạnh phúc. Vì vậy, họ cũng trở nên những người lười biếng, không chịu làm ăn, có lối sống bất thường.

 

Sự cứu rỗi, sự sống đời đời chỉ có được bởi đức tin, nhờ ân điển được ban cho qua sự hy sinh chết thay của Chúa Giê-xu.

Ngài là Đấng đắc thắng sự chết, Đấng sống đời đời, có quyền ban sự sống đời đời cho người tin Ngài.

Tất cả trên tinh thần tự nguyện của từng cá nhân. Ai tin thì được sự sống đời đời, ai không tin thì chịu sự đoán phạt.

Sự tái lâm của Đấng Christ là ý định của Đức Chúa Trời, không một con người nào có thể điều khiển Chúa.

Tiệc thánh là một thánh lễ thiêng liêng, chỉ dành cho người thực sự hiểu được ý nghĩa của sự cứu chuộc bởi sự hy sinh của Chúa Giê-xu và cam kết sống xứng đáng với Tin Lành, và rao truyền Tin Lành về Đấng Christ cho nhiều người biết.

Dùng hình thức thôi miên, yêu cầu đóng phí để sớm nhận được sự sống vĩnh cửu.

Sự tái lâm của Christ tuỳ thuộc vào số tiền đóng góp của hội viên.

Việc truyền bá, níu kéo người gia nhập hội thực chất là một hình thức lừa gạt người khác nhằm trục lợi.

Để gia nhập hội, ứng viên bị buộc phải uống nước màu đỏ, ăn bánh. Và sau khi dùng loại thuốc hướng thần này, con người sẽ trở nên ngu muội, làm theo mọi điều người truyền đạo yêu cầu, bao gồm cả bán cả nhà cửa, để nộp phí cho hội, với lý do thời gian họ nhận được sự sống vĩnh cửu sớm hay muộn tuỳ thuộc vào số tiền phí tích luỹ.

Kết Luận:

Tóm lại, từ những điều đã đề cập ở trên, rõ ràng sự thực hành đức tin Cơ Đốc của Hội Thánh Tin Lành hoàn toàn khác biệt và cao trọng hơn nhiều, bởi đối tượng chúng ta tin và thờ phượng là chính Chúa, không phải là một nhân vật do con người tạo nên. Động cơ chúng ta làm những việc lành, đóng góp cho xã hội không phải vì lợi ích, danh tiếng của bất kỳ con người hay tổ chức nào, nhưng xuất phát từ tấm lòng biết ơn Chúa, bày tỏ nếp sống làm vinh hiển danh Chúa. Nguyện danh Chúa luôn được tôn cao.

Sự xuất hiện của những tiên tri giả, những đạo lạ là điều Kinh Thánh đã cảnh báo trước cho chúng ta. Và khi chúng ta thấy những điều này xảy ra càng nhiều, chúng ta càng phải chú ý về nếp sống của chúng ta hơn hết. Bên cạnh đó, trước sự tấn công mạnh mẽ của đạo lạ, tà giáo, mỗi Cơ Đốc nhân cần trang bị chính mình, vững vàng trong đức tin, trong sự hiểu biết Chúa và lời Ngài để không bị lừa dối và:

Hãy tôn cao Đấng Christ là thánh, là Chúa trong lòng anh em. Luôn sẵn sàng để trả lời những kẻ chất vấn về niềm hy vọng trong anh em, nhưng phải ôn tồn và trân trọng. Khi bị nói xấu, anh em phải giữ lương tâm mình trong sáng, để những kẻ xuyên tạc cách cư xử tốt đẹp của anh em trong Đấng Christ phải hổ thẹn. Vì nếu đó là ý muốn của Đức Chúa Trời thì thà làm điều thiện mà chịu khổ còn hơn làm điều ác. (I Phi-e-rơ 3:15-17).

Xuân Thủy

————–

[1] VCCorp.vn, “Nỗi kinh sợ tà đạo ‘Thánh Đức Chúa Trời’: Cơ quan chức năng ở đâu giữa ngàn tiếng kêu cứu tuyệt vọng khắp nơi?,” truy cập 26/04/2018, http://kenh14.vn/noi-kinh-so-ta-dao-thanh-duc-chua-troi-co-quan-chuc-nang-o-dau-giua-ngan-tieng-keu-cuu-tuyet-vong-khap-noi-20180424084835377.chn

[2] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), Hiến Chương, (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002), Điều 62 “Kinh Thánh”. Cũng xem Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), Hiến Chương (Lưu hành nội bộ, 2013), Điều 59 “Kinh Thánh”.

[3] Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Nam), Hiến Chương, (Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2002), Khoản 1 điều 72 “Yêu thương, giúp đỡ”. Cũng xem Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (Miền Bắc), Hiến Chương (Lưu hành nội bộ, 2013), Khoản 1 điều 68 “Yêu thương giúp đỡ”

Bài trướcLược sử Hội Thánh Tin Lành Phước Thiện – tỉnh Quảng Ngãi
Bài tiếp theoMột Sự Kiện Lạ – 27/4/2018