Thập tự giá nơi Chúa Giê-xu bị đóng đinh ở đâu?

8081

HTTLVN.ORG – Việc Chúa Giê-xu ở Na-xa-rét bị đóng đinh là một trong những sự kiện đã được chứng minh trong lịch sử cổ xưa. Sự thật đã được chứng minh bởi các nhà thần học và nhà sử học. Nó đã được viết mà không cường điệu: “Ngay cả những học giả và nhà phê bình, họ đã tẻ tách ra khỏi hầu hết mọi việc khác trong bối cảnh lịch sử sự hiện diện của Đấng Christ trên trái đất cũng không thể nghĩ ra sự thật về cái chết của Đấng Christ.” (John McIntyre, ‘The Uses of History in Theology’)

Một thí dụ về lời phát biểu này là sự khẳng định của Tiến sĩ Bart Erhrman của Đại học North Carolina trên Đồi Chapel. Trong khi ông chỉ trích Tân Ước về nhiều trường hợp và phủ nhận bản chất siêu nhiên của Cơ Đốc giáo, thì học giả thế tục nổi tiếng này cũng đã khẳng định như sau:

Một trong những sự kiện lịch sử chắc chắn nhất, ấy là Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá theo lịnh của Bôn-xơ Phi-lát, Tổng đốc xứ Giu-đê của người La Mã”.

Bốn sách Tin Lành khẳng định cột mốc quan trọng này trong lịch sử cứu chuộc. Các nhà cầm quyền thế tục trong thời buổi ấy đã xác nhận nó. Hội Thánh đầu tiên đã khẳng định điều đó. Hàng triệu và hàng triệu người tin vào điều đó. Nhưng sự đóng đinh trên thập tự giá đã đã xảy ra tại đâu? Câu trả lời cho câu hỏi đó có liên quan mật thiết đến ý muốn của Đức Chúa Trời và phương thức của Đức Chúa Trời. Nói một cách đơn giản, vị trí đóng đinh của Chúa Giê-xu có cả hai mặt: biết không biết.

Chúng Ta Biết Gì Về Địa Điểm Đóng Đinh Trên Cây Thập Tự

Các sách Tin Lành khẳng định rằng Đấng Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá ở bên ngoài cổng thành Giê-ru-sa-lem. Cả Giăng và trước giả sách Hê-bơ-rơ khẳng định sự thật này:

Vì nơi Đức Chúa Giê-xu bị đóng đinh ở gần thành, và chữ đề trên bảng đó viết bằng chữ Hê-bơ-rơ, chữ La-tinh và chữ Gờ-réc, nên có nhiều người Giu-đa đọc đến” (Giăng 19:20).

Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Giê-xu đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh (Hê-bơ-rơ 13:12).

Kinh Thánh cũng khẳng định rằng việc Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự được các quan chức của đế quốc La Mã sắp xếp khi liên minh với cấp lãnh đạo Do Thái trong hệ thống ra-bi, là Toà Công luận. Sự hiện diện của quan chức quân sự La Mã chỉ ra bản chất quân sự của sứ mệnh và tầm quan trọng của sự hành quyết cho cả hai: địa phương và, phù hợp với áp lực của địa phương, nhà cầm quyền tỉnh lẽ (Quyển Jesus: A New Vision). Chúng ta biết rằng người ta có thể nhìn thấy sự hành quyết của người La Mã từ một khoảng xa xa. Vì chúng ta đọc: Lại có những đàn bà đứng xa xa mà xem. Trong số ấy có Ma-ri, Ma-đơ-len, Ma-ri là mẹ Gia-cơ nhỏ, và Giô-sê, cùng Sa-lô-mê (Mác 15:40).

Quan trọng nhất, chúng ta biết danh xưng của địa điểm Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên cây thập tự. C. W. Wilson viết: “Rõ ràng . . . Đấng Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá tại một địa điểm ai cũng biết, với danh xưng phân biệt…”. Vì sau khi bị sĩ nhục và quấy rầy qua việc vác thập tự giá mình qua các đường phố đông đúc có nhiều người quan sát trong giận dữ, dẫn tới bối cảnh hành quyết, Chúa Giê-xu người Na-xa-rét đã bị đóng đinh trên thập tự giá ở một chỗ gọi là Gô-gô-tha, nghĩa là chỗ cái Sọ (Ma-thi-ơ 27:33). Gô-gô-tha “là cách phiên âm chữ Hy Lạp từ Gulgulta tiếng A-ram, từ này tương đương với Gulgoleth tiếng Hê-bơ-rơ” theo Wilson. Tiếng Hy Lạp tương ứng là kranion (từ chữ này mới rút ra chữ cranial theo Anh ngữ). Chính bác sĩ Lu-ca sử dụng từ La-tinh calvaria. Phần dịch thuật Anh ngữ là chỗ ai cũng biết là Calvary (Gô-gô-tha). Phần dịch thuật trong Anh ngữ sẽ là “sọ hay cái sọ” (Carl Hensley, Tự điển bách khoa Kinh Thánh Baker).

Các cuộc chiến Nổi dậy của người Do Thái (66-73SC) đã chứng kiến sự huỷ diệt Đền thờ Thứ hai vào năm 70-71 SC ở thành Giê-ru-sa-lem bởi Titus (39-81SC), chắc chắn được thêm vào sự giảm dần của địa hình địa phương (Lawrence Schiffman, From Text to Tradition). Cuối cùng, sử gia nổi tiếng của Hội Thánh thời cổ đại, Eusibius, đã hành trình đến Giê-ru-sa-lem để khám phá bối cảnh của việc Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Giáo phụ Hội Thánh và là học giả lỗi lạc của Hội Thánh đã cùng đến đó với Nữ hoàng Helena (246-330SC), Hoàng hậu La Mã và là mẹ của Constantine Đại đế (272-337SC). Các Cơ Đốc nhân địa phương ở thành Giê-ru-sa-lem đã dẫn Eusibius và Helena đến một địa điểm bên ngoài cổng cổ thành (các bức tường được mở rộng vào thế kỷ XVI), một địa điểm nơi tổ chức tế lễ cho đến năm 66SC (Jerome Murphy-O’Connor, The Holy Land). Bối cảnh đã nếm trải những thay đổi đáng kể khi Hadrian (36-138SC), vào năm 135, xây dựng các đền thờ cho các thần của người La Mã, bao gồm Aphrodite và Jupiter, trong quyển Aelia Capitolina (tên mới La Mã mà Hadrian đặt cho Giê-ru-sa-lem).

Jerome Murphy-O’Connor phát biểu: “Mặc dù có bằng chứng về Jerome và một số văn bản Byzantine, nhiều khả năng nhất Ngôi Mộ Thánh (Holy Sepulcher) chính là nơi tọa lạc của Đền thờ Capitoline”. Và đấy là một lời tuyên bố đáng chú ý. Vào năm 326 SC, con trai của Helena, Constantine bắt đầu xây dựng trên đó một tòa lâu đài Cơ Đốc, Nhà thờ Mộ Thánh (the Church of the Holy Sepulcher), bao quanh cả đồi Gô-gô-tha, nơi đóng đinh Chúa trên thập tự giá và ngôi mộ của Giô-sép người A-ri-ma-thê, nơi chôn cất và là nơi Đức Chúa Giê-xu Christ phục sinh. Murphy-O’Connor, trong quyển Oxford Archeological Guide from the Earliest times to 1700, đã tóm tắt cả lịch sử và khảo cổ học của Nhà thờ Mộ Thánh và các khả năng rồi kết luận: Có phải đây là chỗ mà Đấng Christ đã chịu chết và chịu chôn? Phải, rất có thể”.

Những Gì Chúng Ta Không Biết Về Địa Điểm Đóng Đinh Chúa Trên Thập Tự Giá

Để đáp lời cho câu hỏi nêu trên, và bất chấp các quyết đoán của một số người, chúng ta phải đáp: “rất nhiều”. Chúng ta biết những gì chúng ta biết, và chúng ta phải nhất định rằng chúng ta không biết những gì chúng ta không biết. Chúng ta hãy nắm lấy lời xưng nhận trong Kinh Thánh nói rõ rằng Chúa của chúng ta đã bị đóng đinh tại đồi Gô-gô-tha. Trong khi chúng ta biết từ ngữ này: Gô-gô-tha, hoặc Calvary, ý nói (nghĩa là, “sọ”), chúng ta không biết liệu nó có đề cập đến một trong ba nguồn gốc của danh xưng này hay không.

Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Đồi Sọ, Đề Cập Đến Địa Điểm Huyền Thoại “Sọ Của A-Đam”

Phải, đúng như thế đấy. Giáo phụ Hội Thánh, Origen (185-253SC), vừa là học giả Hê-bơ-rơ và là cư dân ở Giê-ru-sa-lem, biết Gô-gô-tha là địa điểm mà sọ của A-đam được chôn cất ở đó. Nếu bạn nghĩ Origen là “đúng”, thì ai cũng có thể thách thức nhận định của bạn bằng cách chỉ ra cấp lãnh đạo khác của Hội Thánh đầu tiên, họ đã tin rằng Chúa Giê-xu đã bị đóng đinh trên thập tự giá trong chỗ chôn cất A-đam. Trong số này bao gồm Athanasius đáng kính (296-373SC), Epiphanies (312-403SC) và Basil ở Caesarea (329-379SC).

Nhận định thứ hai về Gô-gô-tha thì hợp lý hơn, nhưng vẫn khác việc với nhận định của đa số:

Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Đồi Sọ, Đề Cập Đến Địa Điểm Hành Quyết Của Người La Mã

Trong bối cảnh này, địa điểm mà ở đó Chúa chúng ta bị đóng đinh trên thập tự giá là “miếng ruộng chết” phổ thông dành cho những kẻ loạn nghịch và hàng tội phạm thù nghịch đối với sự chiếm đóng của người La Mã. Như vậy, khu vực này nằm rải rác với những hộp sọ của “những tên tội phạm bị kết án” (Wilson, quyển Golgotha and the Holy Sepulchre). Một khi thịt biến mất khỏi hộp sọ và bộ xương, các thành viên trong gia đình sẽ lo chôn cất hài cốt. Không kém gì học giả Cơ Đốc và dịch giả Kinh Thánh, là Jerome (347-420SC), và sử gia và thầy tu người Anh, Venerable Bede (673-735SC), đã duy trì vị trí này. Có một khu chôn cất nổi tiếng ở Luân Đôn được gọi là “Bunhill Fields” (Alfred Light, quyển Bunhill Fields). Cụm từ đó “Bunhill”, là một cách phát âm thông thường của “Bone Hill”. Các mục sư không theo quốc giáo và nhiều người khác ngoài vòng Giáo hội Anh đã bị chôn vùi ở đó. Quan điểm thứ hai về ý nghĩa Calvary cho rằng ngọn đồi nơi Đấng Christ bị đóng đinh cũng là một “Bunhill” nữa.

Giờ đây, nhận định thứ ba là nhận định mà bạn đã nghe.

Gô-Gô-Tha, Địa Điểm Của Sọ, Đề Cập Đến Một Tương Thích Về Địa Lý Giống Như Một Cái Sọ

Sự hiểu biết này đã duy trì quan điểm phổ thông nhất về địa điểm Gô-gô-tha ít nhất là thế kỷ thứ 18. Như vậy, có người đã viết Gô-gô-tha là một ngọn đồi trọc, một mảng đá có hình giống với cái sọ người. Tuy nhiên, chúng ta phải nhớ rằng không có một tham khảo nào nói tới việc này trong Kinh Thánh. Phải, đây là một vị trí khá cao có thể nhìn thấy được, song không một trước giả nào trong Kinh Thánh, và cũng không một người Hy Lạp, người Do Thái hay các nhà quan sát người La Mã nào gọi nó là Núi Calvary. Đây hoàn toàn là một khái niệm Tây phương (Wilson, quyển Golgotha and the Holy Sepulchre).

Bây giờ, mọi sự này có thể gây khó chịu cho một số người đã tin theo một hoặc các khái niệm khác về Gô-gô-tha. Hơn nữa, cuộc tranh cãi nhấn mạnh thực tế: chúng ta thực sự chỉ dám chắc về những gì Kinh Thánh nói. Và như thế là đủ chưa?

Chúng Ta Biết Mọi Sự Chúng Ta Cần Phải Biết

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Giê-xu Christ của chúng ta đã bị đóng đinh trên thập tự giá giữa hai tên cướp, một kẻ ăn năn và một kẻ không. Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết ai đã đóng đinh Đấng Christ: một âm mưu của các quan chức La Mã cùng các nhà lãnh đạo tôn giáo người Do Thái. Nói cách khác, Dân Ngoại và người Do Thái như nhau được tiêu biểu trong tội ác giết người có tổ chức (“giết người của Đức Chúa Trời bởi Con Người). Chúng ta biết rằng thập tự giá có thể được nhìn thấy từ một khoảng xa xa. Chúng ta biết rằng có những người phụ nữ ở đó, bao gồm cả mẹ của Chúa Giê-xu. Chúng ta biết rằng Sứ đồ Giăng đã có mặt ở đó. Chúng ta biết rằng nhiều người đã lìa bỏ Đức Chúa Giê-xu Christ trong thì giờ có cần nhất của Ngài.

Nhưng còn nhiều điều mà chúng ta chưa biết. Sự việc giống như thể Đức Thánh Linh đã đặt một bức màn thường trực tại bối cảnh. Chúng ta phải nhớ rằng việc làm đó quá khủng khiếp đến nỗi đất rung chuyển và bóng tối tăm giáng xuống trên bối cảnh khủng khiếp, giống như thể chính Đấng Tạo Hoá không thể chịu đựng được cảnh tượng ấy. Nhưng đối với địa điểm chính xác nơi Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh, thì chúng ta không thể dám chắc. Rất có thể là Nhà thờ Mộ Thánh hiện nay là vị trí chính xác của đồi Calvary và ngôi mộ của Giô-sép người A-ri-ma-thê, nơi Chúa của chúng ta sống lại từ kẻ chết.

Vậy, có một số việc mà chúng ta nhìn biết từ Kinh Thánh, và có đủ bằng chứng khảo cổ và văn hoá xưa chứng minh sự đóng đinh Đấng Christ trên thập tự giá và đề xuất một địa điểm. Và có nhiều việc mà chúng ta chưa biết. Chúng ta nhớ tới lời cảnh cáo từ Phục Truyền Luật Lệ Ký 29:29: Những sự bí mật thuộc về Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta; song những sự bày tỏ thuộc về chúng ta, và con cháu chúng ta đời đời, để chúng ta làm theo mọi lời của luật pháp nầy”.

Nhưng chúng ta biết việc này: Chúa và Cứu Chúa của chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Christ đã chịu chết vì chúng ta tại một địa điểm được gọi là đồi Gô-gô-tha. Chính ở đó mà Đấng Tạo Hoá của thế gian đã bị đóng đinh trên thập tự giá bởi những kẻ mà Ngài đã dựng nên. Ngài đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta và đã làm ứng nghiệm Giao ước của Việc Làm (“nếu các ngươi bất tuân, các ngươi sẽ chết”). Ngài gánh lấy cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trên linh hồn vô tội của Ngài là làm thoả mọi đòi hỏi của luật pháp cho những ai chịu tiếp nhận Ngài (Giao ước Ân điển). Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá trên cây gỗ xù xì lấy từ khu rừng mà Ngài đã dựng nên, với những mũi đinh lấy từ sắt mà Ngài đã dựng nên. Và tuy nhiên ở địa điểm ấy, Chúa Giê-xu đã nhìn xuống những kẻ đã đóng đinh Ngài và khạc nhổ nơi mặt Ngài và tìm cách sĩ nhục Ngài, rồi phán: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Lu-ca 23:34).

Có một câu chuyện trong đời sống của Chúa chúng ta rất quan trọng cho chúng ta khi nghiên cứu. Trong sự hoá hình (Ma-thi-ơ 17:1-8; Mác 9:2-8; Lu-ca 9:28-36), Môi-se và Ê-li đã hiện ra với Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng để xác nhận thần tánh của Chúa Giê-xu. Đây là điểm nhấn thần học đầy năng quyền trong lịch sử cứu chuộc. Trong giây phút vinh hiển đó, “Luật pháp cùng các đấng tiên tri” khẳng định thân vị Chúa Giê-xu là Đấng mà họ viết ra; từ Cựu Ước đến Tân Ước; các lời tiên tri đời xưa đã được ứng nghiệm; lai lịch của Đấng Christ đã được tỏ ra trọn vẹn cho các môn đồ và đã được khẳng định về mặt siêu nhiên; cõi đời đời chạm đến cõi thời gian; và trời hạ xuống [thêm một lần nữa] tới đất. Đây là bối cảnh rất rực rỡ phải biết chắc. Phi-e-rơ muốn dựng ba cái trại để tưởng niệm biến cố ấy (có lẽ, phải xây qua những người may trại và xây dựng một đền thờ thật lớn). Chúa Giê-xu, Chúa chúng ta bảo Phi-e-rơ trên Núi Hoá Hình rằng ông sẽ không xây dựng (như Phi-e-rơ đã muốn làm) bất kỳ nhà thờ nào để đánh dấu địa điểm vật lý của sự hội hiệp long trọng ấy.

Chúa cũng căn dặn người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng, trong Giăng 4:21-23, rằng từ đó trở đi người tin Chúa phải thờ phượng Đức Chúa Trời “bằng tâm thần và lẽ thật”, chớ không phải trên hòn núi này hoặc hòn núi kia. Ấy chẳng phải là về địa điểm nữa. Mà đó là một Thân Vị. Ấy chẳng phải là về phần thuộc thể nữa — xứ sở, đền thờ, bàn thờ. Địa điểm ấy thuộc về cõi đời đời. Ấy chẳng phải là về các dấu hiệu nữa, mà là về Đấng Cứu Thế.

Và có lẽ đấy là lý do tại sao chúng ta nhận biết về địa điểm Ngài bị đóng đinh vào thập tự giá, nhưng chúng ta không biết hết mọi sự. Ấy là bởi đức tin mà chúng ta nhìn lên cây thập tự xù xì xấu xí để nhìn thấy địa điểm tốt nhất của nó: Thập tự giá này là chỗ mà ở đó một “sự trao đổi lớn lao” đã diễn ra. Vì Chúa Giê-xu đã mang lấy án phạt dành cho tội lỗi của hết thảy những người nào kêu cầu Ngài trong sự ăn năn và đức tin; và đấy là chỗ mà ở đó sự thánh khiết của Đấng Christ được ưng ban cho hạng tội nhân giống như tôi. Hoặc, như tôi thường nói với thanh thiếu niên của Hội Thánh chúng ta trong lớp học giáo lý: “Nơi thập tự giá đồi Gô-gô-tha, Chúa Giê-xu gánh lấy tội lỗi của các con. Các con đã tiếp nhận sự sống trọn vẹn của Ngài”.

Mùa lễ Phục Sinh này, và trong từng mùa lễ của đời sống chúng ta, địa điểm đặc biệt mà ở đó Chúa Giê-xu bị đóng đinh trên thập tự giá vì bạn và tôi, ấy là chỗ mà chúng ta hướng đến Ngài trong sự tan vỡ và trong tình yêu thương. Chính địa điểm ấy ở đó bởi đức tin, chúng ta dự phần cùng Ma-ri và Giăng và thầy đội La Mã, họ đã xưng nhận: Thật người nầy là Con Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 27:54). Người lính ấy đã nhận biết. Và bạn cũng nhận biết nữa. Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá ở chỗ nào? Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá tại giao điểm của tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự tan vỡ của bạn. Bạn phải biết chắc về điều đó.

 

Mục sư Michael A. Milton, PhD
Người dịch: Đoàn Phan Danh

Bài trướcVì Ai Chúa Chịu Sỉ Nhục? – 18/4/2019
Bài tiếp theoUBKT: Thư Ngỏ HT Buôn Wik + Đê