Tấm Lòng

1112

 

 

Ông Tám ngồi nhìn ra sân, mấy ngón tay nhịp nhịp trên bàn, có vẻ vui lắm. Ông nói với bà Tám:

–         Má mấy đứa nhỏ nè, tôi thấy xóm dưới có mấy đứa sinh viên tội lắm.

–         Tội là sao?

–         Thì tụi nó ở xa, nhà nghèo nên phải đi bộ tới trường, một ngày đi cả chục cây chứ chẳng ít đâu.

–         Ờ thì cũng tội, mấy đứa con mình hồi xưa đi học cũng còn có được chiếc xe đạp cũ để mà đi.

–         Bởi vậy, tôi nói với má mấy đứa nhỏ nghe thử được không?

–         Nghe sao?

–         Thì cái xe đạp mình đó, lâu nay mình không đi, thôi cho tụi nó cũng được.

–         Rồi hồi mình cần thì lấy chi mà đi?

–         Thì bên con Hương, thằng Hà đó chi, muốn đi thì có xe đạp, muốn chở thì có xe máy, cũng tiện thôi.

 

Bà Tám trách:

–         Ờ, tui biết cái ý ông rồi, hèn chi mấy tháng nay ông cứ rủ tui, Chúa nhật nào cũng đi bộ hết, hóa ra là để chiếc xe cho mấy đứa nhỏ…

Ông Tám cười, không nói.

 

Chuyện là thế này, hai vợ chồng già có chiếc xe đạp, cứ mỗi Chúa nhật là cùng chở nhau đi nhóm. Ông Tám cũng thường hay dùng chiếc xe đạp này để đi thăm viếng các anh chị em tín hữu chung quanh. Một hôm ông về bàn với bà, hay là mình đi bộ. Bà hỏi tại sao thì ông nói, để tập thể dục, mình già rồi, đi bộ cho giãn gân cốt, có lợi cho sức khỏe.

 

Vậy là cả hai đi bộ đến nhà thờ vào mỗi sáng Chúa nhật. Mấy lần đầu, bà Tám thấy cũng vất vả, vì chưa quen, nhưng sau đó mấy tuần, bà thấy người như khỏe ra, tập thể dục mà. Thật ra, mỗi ngày bà Tám cũng đi bộ tới chợ, nhưng từ nhà đến chợ khá gần hơn nhà thờ, quãng đường có thể hơn cả cây số. Vả lại, đi bộ cũng có cái vui được gặp gỡ bà con lối xóm nhiều hơn, mà có đứng lại nói chuyện, thăm hỏi một chút cũng dễ dàng hơn đi xe nhiều.

 

–         Ờ, ông cho ai thì cho, nhưng hỏi han cẩn thận hoàn cảnh, chứ nhiều khi cho không đúng người thì uổng lắm.

–         Cái này tui đã hỏi ông Mục sư rồi, ông giới thiệu đó.

–         Vậy chừng nào đem xe đạp cho mấy đứa nhỏ?

–         Thì chiều nay, mấy đứa tới nhà mình chơi, rồi cho luôn. Má sắp nhỏ coi thử, trong nhà còn đậu chi không, nấu nồi chè ăn cho vui.

 

Thật ra, bà Tám cũng hơi tiếc chiếc xe, tuy không giá trị gì nhiều, nhưng gia đình bà cũng không phải khá giả lắm. Tính ông Tám thì bà rất hiểu, nghèo nhưng cũng rất rộng lòng. Cái tính thích giúp đỡ người khác của ông bao đời vẫn không thay đổi. Hồi xưa, khi còn làm công chức nhà nước, ông đã vậy. Hễ giúp được ai là ông giúp, miễn là không trái với pháp luật, qui định của nhà nước thôi. Nhiều người đem biếu tiền, ông không lấy, chỉ nhận chút khoai sắn, rau củ của ruộng vườn, như là đáp nhận cái tình của họ. Chính vì vậy, dẫu làm bao nhiêu năm, đến khi nghỉ việc, ông vẫn không thể xây được một ngôi nhà kiên cố, sắm được chiếc xe cho đàng hoàng… như nhiều đồng nghiệp. Thanh thản, thoải mái, đó là những gì hai vợ chồng ông mong muốn trong cuộc sống này, dẫu nhiều người chê bai, cho rằng dại…

 

Hai đứa con đã ra riêng, chỉ còn hai ông bà sống với nhau dựa vào mấy cây trái trong vườn, cũng đủ qua ngày. Được một cái là mấy đứa nhỏ, cùng sắp cháu rất yêu mến Chúa, có hiếu với ông bà, cha mẹ. Đó là điều mà ông bà Tám rất hãnh diện.

 

Một hôm nọ, cả hai gia đình Hương, Hà qua chơi. Sau bữa cơm, Ông Tám ngồi nhìn ra sân, mấy ngón tay nhịp nhịp trên bàn, có vẻ vui lắm. Ông Tám nhìn họ, nói:

–         Mấy đứa giúp ba một cái nghe.

 

Hương nói:

–         Gì mà quan trọng vậy ba?

–         Thì cũng làm từ thiện thôi. Bây giờ ba tính, mỗi tháng, hai đứa con, mỗi đứa giúp cho ba năm chục ngàn thôi, ba để dành cho mấy đứa học sinh nghèo trong Hội Thánh, để có tiền mua sách vở, giấy bút.

 

Hà nói:

–         Con thấy mấy người kha khá mới làm từ thiện chớ ba, nhà mình ngó đi ngó lại cũng chỉ đủ ăn thôi mà.

–         Ờ, hồi xưa ba cũng nghĩ vậy, mình có dư mới đi là từ thiện. Nhưng rồi, hôm gặp chú Thanh, ba mới hiểu. Làm từ thiện không phải người giàu mới làm được, mà người nghèo cũng phải làm. Mà đâu có chuyện người ta đưa tiền cho mình, rồi mình đi giúp người này, người kia thì gọi là làm từ thiện. Làm từ thiện là tự mình phải tiết kiệm, lấy tiền đó giúp người khác mới là giá trị. Ba nghe nói nhiều Hội Thánh, người ta nghèo lắm, nhưng mỗi năm đều có đóng góp để giúp đỡ những nơi khác, khó khăn hơn.

 

Hương tán thành:

–         Không biết sao chớ kỳ này con nghe ba nói hay quá.

–         Ba mà nói không hay thì ai hay?

 

Cả nhà cùng cười. Hà nói:

–         Thôi giờ thế này, gia đình con với gia đình chị Hương góp cho ba mỗi người 100 ngàn. Cứ đầu tháng, nhận lương là tụi con gởi cho má. Ba cứ làm chi đó mà làm. Hà quay sang hỏi Hiếu, vợ mình:

–         Em thấy sao?

Hiếu cười:

–         Chuyện đó thì tốt quá đi chớ, anh bớt tiền uống cà phê đi là được.

–         Chà, không uống cà phê là dễ chết lắm đó nghe.

Ông Tám nói:

–         Mấy đứa con đồng ý thì ba mừng rồi.

Hạnh, chồng Hương nói:

–         Nhưng lâu lâu, tụi con rảnh thì cho tham gia với, đi cho vui. Với lại, cũng coi như giáo dục cho các cháu biết yêu thương, quan tâm đến người khác.

–         Ô, vậy thì quá hay. Thiệt ra thì ba có đi đâu xa, trong Hội Thánh nè, rồi mấy đứa nhỏ trong xóm mình nữa, thấy tụi nó đi học nhớ lại hai đứa con hồi xưa…

 

Chúa nhật, sau khi đi nhóm về, hai vợ chồng ngồi uống nước, nghỉ ngơi. Ông Tám ngồi nhìn ra sân, mấy ngón tay nhịp nhịp trên bàn, có vẻ vui lắm. Bà Tám hỏi:

–         Bữa nay có chuyện gì vui quá vậy?

–         Bà đi nhóm mà không biết hả?

–         Thì biết bao nhiêu chuyện, ai biết ông vui chuyện gì?

Ông Tám cười :

–         Sáng nay bà không nghe ông Mục sư nói gì hả?

–         Ông nói gì?

–         Hội Thánh mình đang vận động quyên tiền xây dựng nhà nguyện cho Hội Nhánh mới. Gia đình mình cũng phải tham gia chớ. Tui với bà phải lên kế hoạch ra sao đây nè…


Vũ Hướng Dương

 

Bài trướcBài thứ 263 Phép Lạ Bay
Bài tiếp theoBiểu Mẫu Thông Tin Giáo Phẩm