Tấm Lòng Của Ngoại

1156

 

Ngoại hỏi tôi:

– Chừng mô hai đứa con đi?

– Dạ, chắc chiều ni ngoại nợ.

 

Ngoại chắc lưỡi:

– Cha mi! Không nói sớm để ngoại làm cái chi cho mấy đứa bây ăn rồi đi.

– Thôi ngoại, thời buổi ni mà, ăn đâu không được, 2 giờ là tàu chạy rồi. Tụi con xuống sớm một chút, còn mua ít đồ rồi đi luôn.

– Ăn đồ ngoài đường phải cẩn thận, đau bụng nghe con. Có chai dầu Miên, ngoại để trong tủ, đem theo phòng khi gió máy, có mà xức cho con Duyên.

– Dạ!

– Con có ăn khoai chà không, ngoại còn mấy lon, đem theo ăn cho vui.

– Thôi ngoại, để dành cho mấy đứa nhỏ.

– Mấy đứa nhỏ thì hồi mô ăn không được, vô trong nớ, nhiều khi thèm ăn, không ai bán cho đâu. Thôi cứ vô lấy đại đi, đem vô làm quà cho anh em trong nớ cũng được.

 

Tôi cười, không biết trong đó họ có ăn khoai chà như ở quê mình không, thôi kệ cứ đem cho đỡ nhớ nhà, mà cũng để cho ngoại vui…

 

Ngoại ngồi im lặng, nhìn tôi với đôi mắt buồn buồn. Thời gian này, ngoại ốm hẳn đi. Tôi biết ngoại buồn vì phải xa tôi. Lần này tôi và Duyên vào thành phố, chắc lâu lắm mới về thăm ngoại được. Cả gia đình lớn, hồi nào hằng mấy chục người mà tới chừ chỉ còn lại mấy người, ngoại, dì Chín, tôi và mấy đứa em… Thời gian và chiến tranh đã làm cho cái đại gia đình đó phân tán, tuổi ngoại đã ngoài chín mươi, người mẹ của chín đứa con, vậy mà phải lần lượt đưa tiễn tám người con ra đi…

 

Hồi xưa, ngoại rất khó. Má tôi nói hồi trẻ, ngoại còn khó hơn, mười phần bây giờ còn một, con cháu trong nhà ai cũng sợ. Vậy mà sau khi ba má tôi qua đời, ngoại thay đổi hẳn, thương con, thương cháu một cách kỳ lạ. Khi tôi đến với Duyên, ai cũng phản đối, kể cả một số người trong Hội Thánh, bởi lúc đó tôi mới ra trường, hoàn cảnh khó khăn, ba má đã qua đời. Duyên cũng vậy, cũng chẳng hơn gì tôi, chính vì vậy mà mọi người lại sợ chúng tôi khổ bởi không có nơi nào để nương tựa… Tôi và Duyên gặp nhau trong một buổi nhóm thông công thanh niên, lúc mới quen hầu như tôi không biết về hoàn cảnh của nàng, chỉ sau khi yêu rồi mới biết. Tuy vậy, Duyên là người rất biết mình, nàng không chịu chấp nhận lời yêu của tôi vì sợ thiệt thòi cho tôi nhiều… Ai cũng nói ra, tuy vậy tôi cũng biết vì họ thương và lo lắng cho tôi. Chỉ riêng mình ngoại, khi nghe chuyện của tôi, ngoại im lặng một hồi lâu rồi nói: tình duyên là cái số trời định, nếu con thương nó, thì cứ tới, người ta nói thì chuyện của họ, nhưng hai đứa phải sống cho đàng hoàng, cố gắng làm ăn rồi cũng không đến nỗi gì đâu…

 

Ngày đám cưới tôi, ngoại không tới được, vẫn gởi quà cho tôi. Sau này, mỗi lần chúng tôi về thăm, ngoại rất mừng, ngoại thương Duyên nhiều lắm, ngoại nói ngoại thích cái khuôn mặt phúc đức, cái giọng nói nhỏ nhẹ và cái tính chăm chỉ, chịu khó của nàng. Tôi mừng vì nàng đã nhanh chóng hòa nhập được vào cái gia đình nhỏ bé của tôi, tìm được niềm vui bên ngoại, người mà tôi thương yêu nhất.

 

Chúng tôi cũng muốn ở lại với ngoại vài ngày nhưng công việc không cho phép. Tôi vừa nhận công tác tại thành phố, Duyên cũng vào tranh thủ xin việc làm luôn.

– Ba má con mất rồi, chừ con chỉ có mình ngoại với dì Chín… con ước mong ngoại tin Chúa để khi ngoại trăm tuổi còn gặp được ba má con trên thiên đàng.

Ngoại nhìn tôi một hồi lâu, rưng rưng nước mắt. Ngoại cười buồn:

– Cái thằng này, răng không lo cho mình mà lo cho ngoại miết rứa. Thôi, hai đứa lo chuẩn bị rồi đi. Đồ đạc thì giữ gìn cẩn thận, lỡ mất thì không có mà dùng. Vô tới nơi thì điện cho dì Chín nghe. Sức khỏe là trên hết con nợ, làm chi thì làm mà cũng phải giữ gìn sức khỏe, ăn uống vô…

 

Con đường về quê một lần nữa khép lại sau lưng tôi, tôi biết rằng chuyến đi này không giống như những lần trước, lần này tôi đã có gia đình và bắt đầu một cuộc sống mới. Những hàng tre cũng ngã đầu nghiêng bóng giữa trưa hè như vẫy tay chào, một kiểu chào tạm biệt thân thương để tiễn một người con quê hương bắt đầu cuộc hành trình xa xứ. Cánh đồng như vừa thức giấc sau những ngày say ngủ, những hạt nắng tròn trịa khẻ len vào từng khe lá nhỏ cành cây ven đường, thời gian có lẽ vừa dừng lại một vài bước chân, tôi cũng không hiểu vì sao con đường đất nhỏ hôm nay lại đáng yêu quá như vậy, vạt cỏ bạc màu vàng úa, mùi đất nồng hương lá trong ánh nắng của một vùng quê mẹ… Con suối nhỏ với chiếc cầu tre của những ngày hè tuổi học trò, năm tháng đó hình như còn đọng lại dưới chân cầu dẫu dòng nước vẫn đêm ngày tuôn chảy. Chiếc cầu tre lắc lư, dòng suối nhỏ với những lần đi chơi, đi tắm… có lẽ sẽ theo tôi suốt năm tháng cuộc đời, nó không chỉ là những kỷ niệm của một thời học trò vô tư, trong sáng mà là những nét riêng của một vùng quê đã đi vào thời xa vắng, vùng quê này chứa đựng cả hình ảnh ba má tôi, ngoại, dì và các cậu tôi, những biểu tượng của tình thương đã trở thành máu thịt trong con người tôi hôm nay… Rồi cuối cùng con đường nhỏ cũng khép lại, Duyên ngồi bên tôi không nói một lời vì nàng biết những lúc này nên dành cho tôi một khoảng trống để hồi niệm, để tìm về một chút yêu thương từ những gì còn lại trong hiện tại, bởi chúng tôi biết rằng, nếu mình không gìn giữ lại thì những hình ảnh đó sẽ mãi mãi mất đi như không bao giờ tồn tại trong cuộc sống của mình. Chắc cũng lâu lắm mới về quê thăm ngoại được, rồi cũng không hiểu khi tôi về ngoại có còn khỏe như hôm nay không, nghĩ đến vậy mà thấy lo. Tôi chỉ mong sao ngoại ở với tôi càng lâu càng tốt, để thấy những đứa chắt của ngoại lớn lên, để cho nó có một niềm an ủi, dẫu không còn ông bà nội, ngoại thì cũng còn có bà cố luôn thương yêu chúng nó. Tôi biết, lúc đó ngoại sẽ vui lắm khi bên ngoại có thêm vài đứa cháu chắt, và cũng mong rằng niềm vui đó sẽ làm vơi đi nỗi nhọc nhằn năm tháng của ngoại trong những ngày tháng cuối đời… Và trên hết là để ngoại có cơ hội tin Chúa.

 

Vào thành phố, công việc cứ xoay chúng tôi như chong chóng. Ổn định chỗ ở, chỗ làm, sinh hoạt… Chúng tôi sinh hoạt với một Hội Thánh nhỏ, vùng ngoại ô, anh em ở đây cũng toàn là người phương xa đến nên khá chân tình và hòa đồng, bởi hoàn cảnh ai cũng như nhau. Chúng tôi hầu như không có thời gian để về quê thăm ngoại nữa. Chỉ trông đến tết về, vậy mà xe cộ đi đâu phải dễ, đành cứ phải hẹn nay hẹn mai vậy. Lâu lâu, tôi lại điện thoại về thăm hỏi sức khỏe ngoại và dì Chín, mấy đứa em, cùng với đôi lời nhắn nhủ ngoại tin Chúa để gặp ba má con trên thiên đàng. Thời gian này ngoại hay đau bởi tuổi cũng đã quá cao rồi, chắc ngoại cũng buồn vì con cháu không còn ai bên cạnh. Dì Chín thì phần lo chăm sóc ngoại, phần lo cho mấy đứa nhỏ ăn học, chắc cũng vất vả lắm. Tôi cũng thấu hiểu được một phần nào nỗi buồn của dì, của ngoại khi chiều về đêm xuống, cả ngôi nhà vườn rộng lớn chỉ có mấy con người nhỏ bé… đùm bọc nhau trong tình yêu thương…

 

Nhận được điện thoại của dì, tôi và Duyên vội xin nghỉ phép về ngay. Khi tôi về đến nơi thì ở nhà rất đông người, có mục sư và các tín hữu trong Hội Thánh đến dự lễ tang. Dì Chín nói với tôi, vài tháng trước khi qua đời ngoại có biểu dì dẫn đi nhà thờ. Rồi mấy hôm trước ngoại có mời mục sư đến nhà, xin cầu nguyện giúp ngoại, cho ngoại “tin theo Chúa” để được gặp ba má thằng Vũ bên kia, dì nói trong nước mắt. Dì cũng đã đi nhà thờ rồi. Tôi cũng khóc, nhưng trong lòng rất vui vì vào những giờ phút cuối đời, ngoại đã bằng lòng tiếp nhận Chúa theo như mong ước của tôi. Những ngày tháng qua, ngoại đau nặng nhưng không cho dì Chín báo tin cho tôi, ngoại sợ ảnh hưởng công việc làm của tôi. Chỉ khi ngoại thấy không thể qua khỏi được thì mới nói dì Chín điện cho tôi, nhưng tôi về không kịp để gặp ngoại lần cuối. Nghe dì nói ngoại ra đi rất thanh thản, rất nhớ con, ngoại thường biểu dì lấy cái hình cũ của con ra xem rồi nói, nó giống y hệt má nó…

 

Mục sư đến bên tôi, an ủi, ngoại em rất tốt. Những ngày cuối đời, cụ đã tin Chúa. Thật ra cụ hiểu biết khá nhiều về giáo lý, hỏi ra mới biết cụ đã có lòng hướng về Chúa đã lâu nhưng chưa có dịp, cho nên có thể nói cụ tin Chúa thật sự. Dì Chín sực nhớ, vội lấy trong tủ ra một cái hộp nhỏ, nói là ngoại để dành cho tôi, không biết cái gì. Tôi, Duyên và dì cùng mở ra thì thấy ở trong toàn là tiền lẻ, những tờ giấy bạc đủ loại mệnh giá, cũ có, mới có, mà ngoại dành dụm bấy lâu cho tôi, nói là để cho thằng Vũ đi làm “cái việc của nhà thờ”. Tôi òa lên khóc nức nở, con cám ơn ngoại nhiều lắm, cả một đời ngoại đã lo cho ba má con rồi bây giờ ngoại vẫn lo cho con, cho công việc nhà thờ, dù tuổi già sức yếu. Con mong rằng ngoại sẽ được gặp ba má con trên thiên đàng phước hạnh mà Chúa đã dành cho ngoại, cho má, cho ba…

 

 

Vũ Hướng Dương

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.