Tại sao con cái của người hầu việc Chúa lại từ bỏ đức tin?

6649

Khi con cái của người hầu việc Chúa từ bỏ đức tin mà chúng đã được nuôi dưỡng thì đó không chỉ là điều đáng tiếc mà còn trở nên gương xấu về chân lý Cơ Đốc. Thực tế cho thấy có nhiều người, trong đó có cả con cái của các gia đình Mục sư, Truyền đạo đã từ bỏ hoặc không sống theo đức tin. Chúng ta phải suy nghĩ về điều này như thế nào? Tại sao những đứa trẻ mà chúng ta kỳ vọng sẽ trở nên những người thuộc linh, sốt sắng, đầy ơn và kết quả cho Chúa lại quay lưng với đức tin mà chúng được thừa hưởng và nuôi dạy? Có thể kể đến một số lý do sau đây:

Những nan đề bên trong Hội Thánh

Một trong những lý do phổ biến khiến con cái người hầu việc Chúa rời bỏ đức tin là vì chúng bị tổn thương sâu sắc khi chứng kiến cách các thành viên trong Hội Thánh đối xử với cha mẹ mình, hoặc là nhìn thấy những xung đột, những nan đề diễn ra bên trong Hội Thánh mà người ngoài nhìn vào thì chỉ thấy toàn điều tốt đẹp. Thực tế này sẽ khiến những đứa trẻ lớn lên với nhận thức rằng “đức tin” của những người trong Hội Thánh không có thực, chỉ là vỏ bọc tôn giáo mà thôi. Chúng sẽ mặc định rằng xung quanh mình toàn là người giả hình và bắt đầu hoài nghi về niềm tin của bản thân.

Áp lực của vị trí “con Mục sư”

Con cái của người hầu việc Chúa thường phải chịu rất nhiều áp lực vì phải cố gắng trở nên hoàn hảo, hoặc ít nhất là phải hành động giống như mình là người hoàn hảo để không làm ô danh gia đình và Hội Thánh. Vì vậy, chúng cố gắng đáp ứng kỳ vọng của mọi người và điều này có thể khiến chúng thực hành thói đạo đức giả mà chúng đã thấy ở người khác. Đặc biệt là ở một số Hội Thánh nhỏ hơn, gia đình của người hầu việc Chúa luôn nằm trong tầm ngắm của mọi người, dường như mọi bước di chuyển của tất cả thành viên trong gia đình đều bị “theo dõi”.

Thiếu sự quan tâm từ cha mẹ

Con cái của người hầu việc Chúa thường có suy nghĩ rằng Hội Thánh đang đánh cắp thời gian của cha mẹ chúng. Thường thì các Mục sư là những người hầu việc Chúa trọn thời gian, luôn ở trong tư thế sẵn sàng phục vụ 24/7 chứ không phải làm theo giờ hành chính. Điều này khiến con cái dễ bị quên lãng.

Nuôi dưỡng sự oán giận

Bên cạnh đó là việc chuyển đổi nhiệm sở. Các thống kê cho thấy trung bình con cái của người hầu việc Chúa phải thay đổi chỗ ở 3-4 lần trong suốt quãng đời thơ ấu của mình. Điều này cũng kéo theo những căng thẳng về chỗ ở mới, trường học mới và bạn bè mới, và vô tình chúng đổ lỗi cho Chúa hoặc Hội Thánh về sự thay đổi này. Trong hoàn cảnh căng thẳng, lo sợ như vậy thì cha mẹ lại phải gồng mình để thích nghi với những áp lực của chức vụ mới với những thách thức mới. Vì vậy, nhiều đứa trẻ sẽ không dám “than thở” với cha mẹ. Điều này làm tăng thêm căng thẳng, tức giận và thất vọng nơi những con cái của người hầu việc Chúa.

Khi sự oán giận được nuôi dưỡng thì thường đến tuổi thiếu niên sẽ bắt đầu nổi loạn. Đó là lý do tại sao nhiều con cái của người hầu việc Chúa từ bỏ đức tin trong thời gian này hoặc ngay khi vào đại học. Chúng chỉ cố thể hiện mình là con của Mục sư, chúng nói tất cả những điều đúng đắn và thực hiện tất cả các nhiệm vụ được yêu cầu. Nhưng khi chúng lớn lên và có quyền tự do lựa chọn thì chúng quyết định từ chối sự giả hình trong cuộc sống và đức tin của mình.

Chúng ta thường nghe những báo cáo đáng buồn về những đứa trẻ lúc đầu sống rất chuẩn mực theo tiêu chuẩn Cơ Đốc, được cha mẹ và người thân khen ngợi vì lòng tin kính và sốt sắng tham gia mọi hoạt động tại Hội Thánh địa phương, nhưng khi đi học xa hoặc đi làm thì đời sống thiêng liêng trở nên nguội lạnh và khô cằn.

Đây là một cuộc chiến

Vậy, chúng ta cần làm gì để có thể ngăn chặn thực tế đáng buồn này, để không còn thấy cảnh con cái người hầu việc Chúa quay lưng lại với đức tin? Điều quan trọng trước tiên là phải nhận ra rằng đây là một phần trong chiến lược tổng thể của Sa-tan chống lại Hội Thánh. Khi con cái của các Mục sư rời bỏ đức tin, Hội Thánh sẽ mất đi những nhà lãnh đạo tương lai. Gia đình của người hầu việc Chúa là mục tiêu chính để tấn công. Nếu gia đình Mục sư luôn ở trong tình trạng hỗn loạn thì đâu là bằng chứng của những chân lý mà họ dạy dỗ và thế giới sẽ dễ dàng làm ngơ trước sứ điệp Phúc Âm. Vì vậy, có thể nói đây là mưu kế rất thâm độc của kẻ thù.

Để chống lại tình trạng này, những người hầu việc Chúa nói riêng và Hội Thánh nói chung cần phải hành động. Các Mục sư cần sắp xếp thời gian của mình sao cho quân bình, đặc biệt phải có thời gian dành riêng cho gia đình và con cái. Khi những đứa trẻ cảm nhận cha mẹ quan tâm mình, ưu tiên mình hơn những thứ khác thì chúng sẽ cảm thấy an toàn.

Hội Thánh cũng phải nhận thức được rằng Mục sư cũng cần có thời gian riêng với gia đình, với con cái và điều đó sẽ làm cho chức vụ của họ kết quả hơn, là bức tường bảo vệ vững chắc để chống lại những tấn công của Sa-tan vào đời sống cá nhân và gia đình của họ.

Thế giới hiện đại với sự đề cao về chủ nghĩa vật chất và sự thỏa mãn cái tôi khiến cho đức tin Cơ Đốc phải đối diện với nhiều thách thức. Đặc biệt đối với con cái của người hầu việc Chúa thì mức độ thách thức còn lớn hơn, nhất là những yêu cầu khắt khe từ cha mẹ. Tuy nhiên, trẻ con đương nhiên cảm thấy tò mò với về những điều mình bị ngăn cấm. Do đó, điều quan trọng hơn hết là những người hầu việc Chúa cần phải dành thời gian chuẩn bị cho con cái của họ trước những cám dỗ mà chúng sẽ phải đối mặt, và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách dành thời gian chất lượng, đầy đủ cho chúng.

Niềm tin tôn giáo sẽ mất đi nhưng đức tin thật sẽ chiến thắng

Bản chất của vấn đề sự tái sinh. Kinh Thánh khẳng định, “nếu ai ở trong Đấng Christ,thì nấy là người dựng nên mới” (II Cô-rinh-tô 5:17). Thật vậy, chúng ta là đền thờ của Đức Thánh Linh (I Cô-rinh-tô 6:19), nhờ đó chúng ta được chiếm ngự bởi Đấng vĩ đại hơn “kẻ ở trong thế gian”, tức là ma quỷ (I Giăng 4: 4). Do đó, chúng ta không thể cứ sống trong tội (I Giăng 3:6) mặc dù bản chất xác thịt sẽ luôn tìm cách chống lại những khao khát thiêng liêng, vốn là kết quả của một đời sống được tái sinh (Ga-la-ti 5:17).

Một người tin Chúa có thể vấp ngã, có thể lạc lối trong một thời gian, thậm chí là nhiều năm, nhưng nếu người đó thực sự thuộc về Chúa, có Thánh Linh Chúa ngự trị, thì Ngài sẽ có cách để cáo trách, phục hồi và đưa người đó trở về (Giăng 6:39; Giu-đe 24). Như vậy, phải làm sao để giúp các con của người hầu việc Chúa đến với đức tin chân thật nơi đức Chúa Giê-xu Christ chứ không phải niềm tin tôn giáo.

Cuối cùng, không thể không nhắc lại tầm quan trọng của sự cầu nguyện. Mục sư cùng với Hội Thánh nơi Mục sư hầu việc Chúa nên quan tâm và cầu nguyện cho các con của Mục sư.  Phải thường xuyên dâng trình người hầu việc Chúa và gia đình của họ lên ngai ân điển của Đức Chúa Trời. Chỉ khi nào các con của người hầu việc Chúa được bao bọc trong những khí giới thuộc linh thì chúng mới được vững vàng trong Chúa và không xa rời đức tin mà chúng đã được nuôi dưỡng.

Hồng Nhung
(Tổng hợp từ GotQuestion)

Bài trướcKiên Giang: Khánh Thành Cầu Tân Lợi – Công Trình Do Hội Thánh Tin Lành Hỗ Trợ Thực Hiện
Bài tiếp theoV/v Trại Ban Điều Hành Thiếu Niên Tp.HCM năm 2021