Sống Với Lòng Can Đảm – Chương III

684

 

Sống Cuộc Đời Quan Tâm

Có hai loại quan tâm. Loại thứ nhất là đứng nhìn những tình cảnh đau thương và bi thảm từ xa, lắc đầu trong sự tuyệt vọng và nói những câu đại loại như: “Thật đáng buồn. Thật đáng trách. Tại sao không có ai làm gì hết vậy?” Loại quan tâm thứ hai là tìm cách làm điều gì đó.

 

Sự quan tâm có thể là một động lực lớn lao, như đối với Clara Barton. Lúng túng trước sự thiếu hụt thuốc men và cách điều trị thích hợp cho những người lính bị thương trong Cuộc nội chiến của Mỹ, Barton bắt đầu cung cấp hỗ trợ thuốc men và phương tiện cứu thương đến tiền tuyến. Những nỗ lực và sự can thiệp của bà, cùng sự thể hiện lòng quan tâm bằng vật chất của bà đã cứu vô số người và thể hiện tình người giữa một trong những sự kiện tàn bạo nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuối cùng, việc làm của bà đã trở thành nền tảng hình thành Hội Chữ Thập Đỏ của Mỹ mà hơn 150 năm sau, vẫn tiếp tục “làm điều gì đó” cho những cộng đồng và những cuộc đời cần đến. Sự quan tâm mang tính hành động là sẵn sàng dấn thân.

 

Đã ba mươi năm kể từ khi Đa-ni-ên làm phu tù ở Ba-by-lôn. Đến thành phố phu tù từ khi còn là một thiếu niên, giờ đây Đa-ni-ên đã ở tuổi bốn mươi. Suốt thời gian ở Ba-by-lôn, ông luôn giữ mình trung thành với Đức Chúa Trời của mình, nhưng cũng trở nên bạn của Nê-bu-cát-nết-sa, người đã bắt ông. Tôi nghĩ chúng ta có thể chắc chắn rằng Đa-ni-ên đã cầu thay cho người đàn ông này và thiết lập mối quan hệ với Đức Chúa Trời một cách mẫu mực trước mặt ông ta. Do đó, Nê-bu-cát-nết-sa đã phải đối diện và đương đầu với thách thức. Nhưng, dầu bị lay động, vị đại đế này vẫn không chịu thay đổi. Chưa thay đổi cho đến khi thế giới của Nê-bu-cát-nết-sa bị lay động và Đa-ni-ên can thiệp vào. Lòng quan tâm đối với bạn không cho phép Đa-ni-ên ngồi yên quan sát.

 
Kết Thúc Ngay Lúc Bắt Đầu

 

Khi đọc phần này trong câu chuyện của Đa-ni-ên, chúng ta thấy ông đóng hai vai: ông là người viết tốc ký, ghi chép lại lời chứng của Nê-bu-cát-nết-sa, và là một phần trong câu chuyện ông đang ghi lại. Câu chuyện bắt đầu:

 

Vua Nê-bu-cát-nết-sa truyền cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng, ở trên khắp đất, rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên! Ta lấy làm tốt lành mà rao cho các ngươi những dấu lạ và sự lạ mà Đức Chúa Trời Rất Cao đã làm ra đối với ta. Ôi! Những dấu lạ của Ngài lớn lao là dường nào! Những sự lạ của Ngài mạnh sức là dường nào! Nước Ngài là nước còn mãi mãi, và quyền thế Ngài từ đời nọ đến đời kia. Ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ở yên lặng trong cung ta, và thạnh vượng trong đền ta (Đa-ni-ên 4:1-3).

“Không biết có phải Đức Chúa Trời chỉ ban phước cho một người cách lạ lùng cho đến khi Ngài làm cho người ấy tổn thương một cách cùng cực.” —A.W.Tozer

 

Đối với một vị vua ngoại bang, đây là một tuyên bố khá ngạc nhiên. Nó đánh dấu một sự chuyển hướng lòng trung thành của ông từ thế giới phiếm thần của Ba-by-lôn đến Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp. Điều gì góp phần vào sự chuyển đổi này? Tất nhiên những điều ông đã thấy qua Đa-ni-ên và những người bạn khi ông trích dẫn các “dấu lạ” (có lẽ những giấc mơ và khải tượng được mô tả trong chương 1 và 2) và những “sự lạ” (có lẽ chỉ lò lửa hực trong Đa-ni-ên 3) đã dự phần. Nhưng tất cả những điều này lên đến đỉnh điểm trong các sự kiện ở Đa-ni-ên 4.

 

Khi bắt đầu câu chuyện của mình, Nê-bu-cát-nết-sa, một ông vua kiêu ngạo từng tìm cách xây dựng một vương quốc đời đời theo tên của chính mình, đã nhận biết “nước còn mãi mãi” của Đức Chúa Trời (4:3). Một con người từng kiêu ngạo, tự mãn, giờ đây trong sự khiêm nhường chân thật, nhìn thấy và công bố sự yếu đuối của mình. Nê-bu-cát-nết-sa thuật lại sự thất bại thảm hại của mình khi chia sẻ những sự kiện mà cũng sẽ làm đau lòng bạn Đa-ni-ên của mình, là người có lòng quan tâm.

 
Một Tình Huống Nguy Hiểm

 

Một trong những chương trình tivi yêu thích của tôi khi còn nhỏ là Lost in Space (Lạc trong không gian). Trong chương trình đó, gia đình Robinson—một gia đình du lịch không gian—bị ném chệch hướng ra ngoài không gian. Khi cố gắng sống sót qua vô vàn những nguy nan và hiểm nghèo, đôi lúc gia đình Robinson phải trải qua những mối đe dọa vì những hành động mạo hiểm của Will, đứa con sớm phát triển của họ. Không những thế, tình trạng càng tồi tệ hơn vì không ít lần Will gặp phải rắc rối vì phớt lờ những cảnh báo lớn phát ra từ rô-bốt đồng hành của họ: “Cảnh báo! Cảnh báo! Cảnh báo! Nguy hiểm, Will Robinson, nguy hiểm!” Không them đếm xỉa đến những tiếng cảnh báo vang dội đó, chắc chắn thế nào Will cũng gặp rắc rối, và một cuộc mạo hiểm khác tiếp tục hút chúng tôi vào trước cái tivi.

 

Thật đáng tiếc, nguy hiểm không luôn xảy ra kèm theo những bảng cảnh báo. Nó thường lẻn đến bên chúng ta một cách yên lặng, và rồi tấn công đột ngột khi chúng ta ít sẵn sàng để đối diện nhất. Như trường hợp xảy ra với Nê-bu-cát-nết-sa:

 

Ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ở yên lặng trong cung ta, và thạnh vượng trong đền ta. Ta thấy một điềm chiêm bao làm cho ta sợ sệt; những ý tưởng của ta ở trên giường, và những sự hiện thấy của đầu ta làm cho ta bối rối. Vậy ta truyền chiếu chỉ, đem hết thảy những bác sĩ của Ba-by-lôn đến trước mặt ta, hầu cho họ giải nghĩa điềm chiêm bao cho ta. Bấy giờ, những đồng bóng, thuật sĩ, người Canh-đê và thầy bói đều đến, ta kể điềm chiêm bao trước mặt họ, nhưng họ không giải nghĩa cho ta (4:4-7).

 

Vua hoàn toàn bị mất cảnh giác. Giống như Đa-vít khi không kháng lại sức quyến rũ của Bát-sê-ba, Nê-bu-cát-nết-sa cũng đang “sống an nhàn” (HĐTT). Điều này có nghĩa ông không ở ngoài chiến trường; không có những kẻ thù chực chờ để khiến ông phải nhạy bén và cảnh giác. Ông đang “thạnh vượng trong đền” của ông, – thỏa mãn với những vinh quang của mình, nghỉ ngơi, tận hưởng thành công! Ông đã sử dụng vô số cuộc đời và tài sản để xây dựng một đế chế cho vinh quang của mình. Nói về sự tôn thờ “thần bản thân”—Nê-bu-cát-nết-sa có thể là mẫu chuẩn cho quan điểm sống này! Thực ra, ông là người rất tự phụ, trong hai câu (4:4-5), ông dùng đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất (ta) không dưới tám lần!

 

“Sự đánh lừa của uy quyền khiến tôi cảm thấy tốt hơn nhiều về chính mình.” — JANE WAGNER

 

Ông cảm thấy vững vàng trong những cuộc chinh phục và vững vàng trong địa vị của mình—nhưng hoàn toàn bất an trong lòng. Có những ý tưởng xuất hiện—và một lần nữa, nó lại đến trong giấc mơ.

 

Giấc ngủ của ông bị gián đoạn bởi một giấc mơ mà như chính ông mô tả, làm cho “sợ sệt” và “bối rối”. Đây là những dấu hiệu của một tấm lòng đau buồn rất cần có một sự khuây khỏa.

 

Ông đã làm gì? Ông tìm kiếm câu trả lời—nhưng không phải từ người bạn Đa-ni-ên của ông. Thay vào đó, như những năm trước đây, vua triệu tập những nhà thông thái Canh-đê. Có lẽ ông sợ điều Đa-ni-ên sẽ nói với ông, hoặc có thể ông nghĩ ông vẫn có thể điều khiển được những người Canh-đê. Tuy nhiên, thực tế là Nê-bu-cát-nết-sa đã sai lầm khi không tham khảo ý kiến của người có thể cho ông những câu trả lời chân thực—và có lẽ đó là người thật sự quan tâm đến ông.

 

Một lần nữa, những người Canh-đê không thể giải nghĩa giấc mơ, và một lần nữa Đa-ni-ên vào vai chính.

 
Giấc Chiêm Bao Gây Bối Rối

 

Vào ngày 28 tháng 8 năm 1963, Martin Luther King, Jr. trình bày bài diễn văn nổi tiếng Tôi Có Một Giấc Mơ từ những bậc thềm của Đài tưởng niệm Lincoln tại Washington DC. Trong bài diễn văn đó, King chia sẻ giấc mơ của ông về một quốc gia công bằng và bình đẳng chủng tộc, một xứ sở của sự no đủ và hòa bình. Đó là một giấc mơ đem đến hy vọng cho nhiều người, và tập trung vào phong trào dân quyền.

 

Giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa vô cùng khác biệt. Đó là một giấc mơ của sự thống khổ và đau đớn thay vì hy vọng và yên bình. Không có gì ngạc nhiên khi nó khiến ông phải bối rối đến thế.

 

Trong giấc mơ của mình, vua nhìn thấy một cây ở giữa đất, rất cao. Lá đẹp, nhiều trái , và mọi vật sống tìm thấy nơi trú ẩn, sự bảo vệ, và thức ăn trong những nhành và dưới những lá của nó (4:10-12). Chẳng phải rất bình yên sao?

 

Nhưng sau đó “một đấng thánh canh giữ” xuống từ trời và truyền những mệnh lệnh đáng lo ngại nhất:

·         Hãy đốn cây và chặt nhành nó (4:14)

·         Hãy tuốt lá và rải trái nó ra (4:14)

·         Hãy làm cho thú vật tránh xa khỏi tán nó, và chim chóc khỏi nhành nó (4:14)

·         Hãy để lại gốc và xích lại bằng dây đồng (4:15)

 

Lưu ý phần sau của câu 15 sự thay đổi đại từ “nó” [it] thành “hắn” [him] (theo bản NIV). Cây đó không thật sự là một cây; nó tượng trưng cho một người nào đó, không phải là một thứ gì đó.

 

Nê-bu-cát-nết-sa không biết điều này có nghĩa gì, nhưng ông hết sức bối rối bởi những gì ông đã thấy. Ông kết luận phần mô tả giấc mơ bằng sự thừa nhận rằng ông không chút nghi ngờ về khả năng của Đa-ni-ên giải nghĩa giấc mơ này—dù tốt hay xấu.

 
Sự Quan Tâm Sâu Sắc

 

Đa-ni-ên cũng hết sức bối rối vì giấc mơ này—quá xúc động đến nỗi không thể nói nên lời trong một lúc.

 

Bấy giờ Đa-ni-ên, gọi tên là Bên-tơ-xát-sa, bị câm trong giây lâu, và những ý tưởng làm cho người bối rối. (Đa-ni-ên 4:19a)

 

Đa-ni-ên biết những gì đang xảy đến, và ông bị sốc bởi điều đó. Ông đau đớn trong lòng bởi những điều phải nói với bạn mình.

 

Đôi khi có những sự thật hay những điều rấtkhó nói—và thường những điều đó cũng gây đau đớn cho người nói lẫn người nghe. Đa-ni-ên không thể không xúc động. Lòng yêu mến sâu sắc đối với nhà vua dẫn đến sự quan tâm sâu sắc đến tình trạng của bạn mình.

 

“Khi một người đồng ý để bạn mang lấy gánh nặng của anh ta, thì bạn đã tìm thấy một tình bạn sâu sắc.”—Real Live Preacher

 

Lưu ý rằng Nê-bu-cát-nết-sa cũng bày tỏ lòng quan tâm đối với Đa-ni-ên. Ông nhìn thấy sự lo âu của Đa-ni-ên và ông cố gắng không để cho Đa-ni-ên phải khó xử. Tôi rất thích thú với việc những người này đã trở nên gần gũi với nhau thế nào sau nhiều năm mặc dầu họ có những khác biệt rõ rệt.

 

Vua lại cất tiếng nói rằng: Hỡi Bên-tơ-xát-sa, đừng cho điềm chiêm bao và sự giải nghĩa làm rối ngươi. (4:19b).

 

Đa-ni-ên đau buồn. Ông biết giấc mơ có lợi cho các kẻ thù của vua. Tuy nhiên ông phải chia sẻ ý nghĩa của giấc mơ đó.

 

Cây là nhà vua (4:20-22). Đó là tương lai của chính Nê-bu-cát-nết-sa đang được báo trước trong giấc mơ khủng khiếp này. Đấng canh giữ ở đây là thiên sứ, được xem như một công cụ của sự phán xét thiêng liêng (4:23). Và thông điệp của giấc mơ thật khắc nghiệt (4:24-27). Đa-ni-ên nói với nhà vua:

·         Vua sẽ chịu đựng bảy năm nhục nhã cùng cực.

·         Người ta sẽ đuổi vua xa khỏi loài người.

·         Vua sẽ ở chung với các loài thú vật, và ăn giống như chúng.

·         Bảy kỳ sẽ qua đi cho đến khi vua học được bài học cần thiết. (Các học giả cho rằng điều này chỉ về bảy năm sẽ qua đi cho đến khi vua học được bài học cần thiết, cho đến khi ông giải quyết vấn nạn, cho đến khi ông xưng nhận tội kiêu ngạo của mình. “Cho đến khi” là một từ giàu nghĩa. Đó là từ ngữ của hy vọng và mục đích, không nhất thiết là một từ chỉ về sự ngắn ngủi.)

 

Đây là những lời thật khó nghe, nhưng mục đích là dạy cho vị vua kiêu căng và ngạo mạn Nê-bu-cát-nết-sa biết hạ mình trước Đức Chúa Trời toàn năng—và gốc cây còn lại bày tỏ rằng vua sẽ được phục hồi, nhưng không bao giờ vinh hiển như xưa.

 

Sự trả lời của Đa-ni-ên thể hiện lòng quan tâm của ông. Ông không thể chỉ đứng nhìn. Ông không thể để bạn mình tự hủy diệt. Ông phải can thiệp. Đa-ni-ên nài xin Nê-bu-cát-nết-sa ăn năn.

 

Vậy nên, hỡi vua, xin hãy nghe lời tôi khuyên vua: hãy lấy sự công bình mà chuộc tội lỗi, hãy thương xót những kẻ nghèo khó để chuộc những điều gian ác mình. Như vậy sự bình an vua còn có thể lâu dài hơn nữa (4:27).

 

Đức Chúa Trời là Đấng thích bày tỏ lòng thương xót (“Bởi tôi biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, chậm giận, giàu ơn, và đổi ý không xuống tai vạ.” Giô-na 4:2). Đa-ni-ên van nài nhà vua từ bỏ tội lỗi và đến với Đức Chúa Trời trong sự ăn năn—nhưng Nê-bu-cát-nết-sa không ăn năn.

 
Sự Sụp Đổ Khủng Khiếp

 

Hết thảy những sự đó đều đến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa (4:28).

 

Mặc dầu Nê-bu-cát-nết-sa đang kể chuyện của mình, nhưng tính trung thực và thẳng thn vẫn được thể hiện trong lời khẳng định này. Đức Chúa Trời với lòng nhân từ, cũng đã cho vua có một năm ân điển (“Khi khỏi mười hai tháng,” 4:29)—một cánh cửa cho sự ăn năn—nhưng vua vẫn không chịu ăn năn. Không chỉ vậy, Nê-bu-cát-nết-sa còn tiếp tục tìm kiếm sự vinh quang riêng của mình—và sự kiêu ngạo đó đã trở nên sự bại hoại của ông. Ông tuyên bố với sự tự mãn rằng:

 

“Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao?” (4:30).

 

Nhưng lời tuyên bố kiêu căng của vua được tiếp nối bởi lời tuyên bố đoán phạt của Đức Chúa Trời (4:31-32), và lời cảnh báo của giấc mơ đã thành sự thật: vua trải qua bảy năm sống như thể một con thú hoang (4:22). Ông ăn cỏ như bò, vì đó là thứ mà ông đã trở thành! Về mặt y khoa, đây là một tình trạng thực tế, ám chỉ một người tưởng tượng mình là con thú, một loài ăn cỏ, một loài thú hoang. R.K. Harrison mô tả hành vi của một người trong viện tâm thần Anh quốc đã có tình trạng này như sau:

 

Công việc hàng ngay của anh ta là lang thang quanh những bãi cỏ đẹp đẽ với những bãi đất khác xám xịt đã được bao phủ, và thói quen của anh ta là nhổ và ăn những nắm cỏ khi đi đi qua… anh ta không bao giờ ăn thức ăn của bệnh viện cùng với những bệnh nhân khác, và anh ta chỉ uống nước mà thôi… Biểu hiện khác thường duy nhất trên cơ thể được lưu ý là việc để tóc dài, tình trạng móng tay dày và thô kệch. Nếu không có sự chăm sóc y tế, bệnh nhân hẳn có cùng biểu hiện về tình trạng thể chất như trong Đa-ni-ên 4:33 (Trích từ Donald K. Campell, Daniel: Decoder of Dreams, trang 52.)

 

Hãy tưởng tượng bảy năm sống nhục nhã, đê hèn này–và thậm chí không hề nhận thức nó đang xảy ra cho bạn! Hãy tưởng tượng, ngày qua ngày, những kẻ thù chính trị của Nê-bu-cát-nết-sa đang thèm thuồng sự thoái vị của ông. Và hãy tưởng tượng thêm, Đa-ni-ên đang đứng trên ban công của cung điện cùng với vợ của Nê-bu-cát-nết-sa, nữ hoàng Amytis đau buồn, khi họ nhìn thấy nhà vua sống như động vật—một con thú đồng.

 

Trong bảy năm, Nê-bu-cát-nết-sa nhục nhã. Trong bảy năm, Đa-ni-ên đau buồn.

 
Lòng Thương Xót Lớn Lao

 

Bây giờ, nhìn lại bảy năm, hãy nhớ rằng đây không phải là sự quan sát của ngôi thứ ba. Đây là lời chứng của chính Nê-bu-cát-nết-sa! Sau bảy năm nhục nhã công khai, “cho đến khi” việc cuối cùng xảy đến:

 

Đến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia (4:34).

 

“Cuộc sống là một bài học dài về tính khiêm nhường”
—JAMES M. BARRIE

 

Tính kiêu ngạo không còn, thay vào đó là sự hiểu biết rõ ràng về thân vị và sự vĩ đại của Đức Chúa Trời. Thật là một thay đổi lớn! Giờ đây, thay vì khẳng định về quyền lực của mình, Nê-bu-cát-nết-sa xác quyết rằng không ai có thể được xem là tôn trọng mà không nhờ Đức Chúa Trời, và chỉ mình Đức Chúa Trời mà thôi.

 

Vua Nê-bu-cát-nết-sa sẽ không bao giờ bị như thế nữa, vì cuối cùng ông đã gặp được Đức Chúa Trời mà ông đã nghe biết rất nhiều từ miệng của Đa-ni-ên, bạn ông.

* * *

 

Giữa những khổ đau, điều cần thiết nhất không phải là nhìn thấy rõ ràng tình trạng đau khổ của mình, nhưng là nhìn thấy rõ ràng Đức Chúa Trời, Đấng tể trị những khổ đau đó. Đây chính là Đức Chúa Trời mà nay Nê-bu-cát-nết-sa nhận biết Một bài học đời đời, mạnh mẽđược học theo những cách đau thương nhất.

 

Ở một thời khác liên quan đến sự đau khổ, một vị vua khác (Đa-vít) đã than khóc về sự đau đớn cô đơn mà ông phải trải qua với những lời như sau:

 

Xin Chúa nhìn phía hữu tôi, coi;
Chẳng có ai nhận biết tôi;
Tôi cũng không có nơi nào để nương náu mình;
Chẳng người nào hỏi thăm linh hồn tôi
(Thi Thiên 142:4).

 

Nhưng Nê-bu-cát-nết-sa đã không phải bước đi trên đường đau thương một mình. Trong sách Đa-ni-ên, ông có một người bạn quan tâm, chăm sóc bước đi cùng với ông. Như ông đã có trong khoảng ba mươi năm, Đa-ni-ên bên cạnh ông—thách thức, giúp đỡ, ủng hộ, và tư vấn cho ông. Hơn nữa, Đa-ni-ên không chỉ là một người bạn tâm tình, mà còn là người tạo nên sự khác biệt. Tấm gương về sự trung thành và kiên định của Đa-ni-ên đã mang đến sự ảnh hưởng thuộc linh đời đời trên đời sống của nhà vua. Đa-ni-ên sẵn lòng can thiệp và tạo ảnh hưởng trong thế hệ của ông vì Đức Chúa Trời — ngay cả dưới những hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Ông sẵn sàng can dự vào.

 

Edmun Burke nói rằng: “Tất cả những gì cần thiết cho chiến thắng của điều xấu là những người tốt không làm gì cả.” Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng chúng ta không thể bày tỏ kiểu quan tâm từ xa, đứng bên ngoài và than vãn, nhưng duy trì khoảng cách. Đó là lời nhắc nhở rằng, giống như Đa-ni-ên, chúng ta phải bày tỏ lòng quan tâm bằng cách bước vào, ở bên , và tìm cách giúp đỡ.

 

Bài trướcBài thứ 337: Sự Thay Đổi
Bài tiếp theoLễ Cảm Tạ Chúa – Cung Hiến Kinh Thánh Cựu Ước & Tân Ước Tiếng Jrai