Phấn Hưng Nhờ Lời Chúa

2671

Trước khi Thế Chiến Thứ Nhất xảy ra, chiếc tàu Endurance với hai mươi bốn thủy thủ rời Anh Quốc với ý định trở thành những người đầu tiên trên thế giới đi xuyên qua Nam Cực. Chẳng may vừa khi đến Nam Cực, chiếc tàu không thể đi được nữa vì bị nước đông đá bao quanh. Tất cả thuỷ thủ đoàn phải bỏ chiếc tàu, đem theo phao cấp cứu, và phải sống trên miền băng giá đó suốt một năm. Cuối cùng, không còn sự lựa chọn nào khác, họ quyết định sẽ để bốn người với chiếc phao cứu cấp đi đến trạm giao liên cách đó khoảng 1.200 cây số; một trong số bốn người đó là Frank Worsely. Trong tay của Frank Worsely có một bản đồ, một đồng hồ và một la bàn. Vấn đề sinh tử là Frank Worseley phải sử dụng la bàn thật giỏi, vì chỉ cần sai một độ, không những bốn người ra đi sẽ chết mà hai mươi người còn ở lại cũng sẽ chết. Đôi khi họ phải chịu những cơn sóng cao như cao ốc mười tầng, chịu ướt, chịu lạnh, chịu thức ăn giới hạn; nhưng sau hai tuần lễ, họ đến được trạm giao liên. Cuối cùng cả thủy thủ đoàn trên chiếc tàu Endurance được cứu sống. Mọi người lúc bấy giờ cho rằng Frank Worseley không những là anh hùng, mà còn là người khôn ngoan.

Cuộc đời chúng ta là một cuộc phiêu lưu, và Kinh Thánh là chiếc la bàn của chúng ta. Có người sử dụng la bàn cho cuộc phiêu lưu này; nhưng rất tiếc, lại có người cứ để hoàn cảnh đưa đẩy, không phải vì họ không có la bàn, nhưng chỉ vì họ không chịu sử dụng la bàn mình có trong tay.

Sách Nê-hê-mi 8:1-18 thuật lại cho chúng ta câu chuyện thái độ của dân Y-sơ-ra-ên đối với Lời Đức Chúa Trời. Phân đoạn Kinh Thánh này cho thấy ba ý chính: thứ nhất, nghe Lời Chúa, từ câu 1 đến câu 6; thứ hai, hiểu Lời Chúa, từ câu 7 đến câu 12; và thứ ba, áp dụng Lời Chúa, từ câu 13 đến câu 18.

I. NGHE LỜI CHÚA

Giống như bao thành trì ngày xưa, thành Giê-ru-sa-lem, nơi có đền thờ của Đức Chúa Trời và nhà của dân chúng, được bao bọc với bốn bức tường; và có một số cổng hay là “cửa” để dân chúng có thể vào ra. Chúng ta không hiểu sao E-xơ-ra không tụ họp dân chúng lại tại đền thờ để lắng nghe lời của Đức Chúa Trời qua năm sách của Môi-se, là nơi mọi sinh hoạt tôn giáo được tổ chức, mà lại tụ họp dân chúng tại “cửa Nước”? Phải chăng vị trí tại Cửa Nước rộng đủ cho nhiều người tụ họp, hay Nê-hê-mi muốn dân Y-sơ-ra-ên hiểu rằng Lời Đức Chúa Trời quan trọng hơn đền thờ, và Lời Đức Chúa Trời quan trọng hơn các của lễ dâng?

Khi dân Y-sơ-ra-ên xem Lời Ngài có thẩm quyền tuyệt đối trên đời sống mình, và khao khát được học biết Lời Ngài thì họ “nhóm hiệp lại như thể một người” (c. 1), yêu cầu E-xơ-ra “đem quyển sách luật pháp của Môi-se mà Đức Giê-hô-va đã truyền dạy” (c. 1) giảng dạy cho họ nghe. Chúng ta lưu ý là không phải Nê-hê-mi kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên hãy nghe Lời Đức Chúa Trời giống như các Mục sư tha thiết kêu gọi con dân Chúa ngày nay; nhưng đây là lòng khao khát của toàn dân. Cụm từ “những người có thông sáng” trong câu 2 có thể hiểu là trẻ em; tức là mọi hạng tuổi nào có thể hiểu sự giải thích Lời Đức Chúa Trời của người Lê-vi đều cần nghe Lời Ngài.

Câu Sứ đồ Phao-lô khuyên Mục sư Ti-mô-thê “hãy chăm chỉ đọc sách” trong I Ti-mô-thê 4:13 không có nghĩa là đọc sách bách khoa tự điển, hay đọc báo chí; nhưng là đọc Kinh Thánh theo thứ tự trong thì giờ Hội Thánh thờ phượng Đức Chúa Trời. Rất tiếc là ngày nay còn rất ít Hội Thánh giữ theo lời khuyên và truyền thống này. Bây giờ, chúng ta có Kinh Thánh nhưng lại không chịu đọc và không chịu học. Theo một bản thăm dò trước đây, khoảng 40% tín đồ chỉ đọc Kinh Thánh tại nhà một lần trong năm. Phải chăng đây là lúc những người lãnh đạo Hội Thánh nên đặt lại vấn đề đọc Kinh Thánh theo thứ tự trong thì giờ thờ phượng Chúa mỗi Chúa Nhật?

Theo quy định cứ bảy năm một lần, người Y-sơ-ra-ên sẽ được nghe đọc sách luật pháp của Đức Chúa Trời chung với nhau; nhưng sau những năm dài bị lưu đày nơi Ba-by-lôn, sự việc này đã bị lãng quên cho đến bây giờ. Vì thế lòng dân Y-sơ-ra-ên khao khát được lắng nghe Lời Đức Chúa Trời, nên E-xơ-ra “đọc trong quyển sách ấy từ rạng đông cho đến trưa” (c. 3), tức khoảng sáu đến bảy tiếng đồng hồ liên tiếp. Câu “thầy thông giáo E-xơ-ra đứng trên một cái sạp bằng gỗ mà người ta làm nhân dịp ấy” (c. 4) cho thấy chương trình nghe đọc Lời Đức Chúa Trời đã được chuẩn bị kỹ càng; để mọi người có thể thấy và nghe E-xơ-ra dễ dàng. Trên bục gỗ, bên cạnh E-xơ-ra có mười ba người nữa được chọn để chia nhau đọc Lời Đức Chúa Trời cho dân sự nghe; chớ không phải E-xơ-ra đọc. Từng hồi từng lúc những người Lê-vi đọc và giải thích Lời Đức Chúa Trời cho dân sự hiểu. Dầu E-xơ-ra đọc Lời Đức Chúa Trời và được người Lê-vi giải thích dài và lâu như vậy; nhưng dân Y-sơ-ra-ên “lắng tai nghe” (c. 3).

Khi E-xơ-ra mở quyển sách luật pháp Đức Chúa Trời ra để đọc, “thì dân sự đều đứng dậy” (c. 5b), và đây là lý do mà tại một số Hội Thánh mỗi khi đọc Kinh Thánh, hội chúng đứng để lắng nghe. Hành động “đứng” khi nghe đọc Lời Đức Chúa Trời bày tỏ thái độ tôn kính nghe Lời Ngài phán với chúng ta. Rồi trước khi đọc Lời Đức Chúa Trời, theo truyền thống, E-xơ-ra có lời ngắn ca ngợi “Đức Chúa Trời cao cả”; và cả dân sự đáp lại bằng tiếng “A-men! A-men”, giơ hai tay lên, sấp mặt xuống đất mà thờ lạy Ngài, và sau đó đứng dậy để nghe Lời Đức Chúa Trời được tuyên đọc. Tiếng “A-men” được lập lại để nhấn mạnh đến sự đồng ý và đồng tình của họ. Hành động giơ hai tay lên bày tỏ rằng họ có nhu cầu và họ tuỳ thuộc vào Đức Chúa Trời, cũng như tin rằng Ngài sẽ đáp ứng những nhu cầu đó qua Lời Ngài. Hành động “sấp mặt xuống đất mà thờ lạy” cho thấy sự hạ mình của họ trước Đức Chúa Trời và Lời Ngài.

Một số con cái Chúa ngày nay không trưởng thành đời sống tâm linh, và lý do là họ thiếu sự đọc, lắng nghe đọc Kinh Thánh và học Kinh Thánh. Khi con cái Chúa có lòng khao khát Lời Ngài như dân Y-sơ-ra-ên vào thời Nê-hê-mi, chắc chắn sẽ có sự phấn hưng tâm linh, vì “cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành” (II Ti-mô-thê 3:16-17).

II. HIỂU LỜI CHÚA:

Chữ “họ” trong câu “họ đọc rõ ràng” cho thấy những người Lê-vi thay phiên với thầy thông giáo E-xơ-ra đọc Lời Đức Chúa Trời. Còn câu “dân sự đứng tại chỗ mình” trong câu 7, và câu “họ đọc rõ ràng trong sách luật pháp của Đức Chúa Trời, rồi giải nghĩa nó ra, làm cho người ta hiểu lời họ đọc” cho thấy sau khi đọc, dân sự vẫn đứng yên tại chỗ, và người Lê-vi đi đến từng nhóm người để giải nghĩa lời họ vừa nghe, hầu mọi người có thể hiểu được. Lý do là sau khoảng bảy mươi năm sống tha hương tại Ba-by-lôn, đây có thể là thế hệ thứ hai của những người Y-sơ-ra-ên từ đó trở về, nên tiếng mẹ đẻ của họ bị giới hạn, cần được giải nghĩa để hiểu.

Hơn thế nữa, những người Lê-vi “làm cho người ta hiểu lời họ đọc” (c. 8), cũng có nghĩa là áp dụng Lời Đức Chúa Trời phán cùng dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se vào đời sống hằng ngày của họ, “vì Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh nghiệm” (Hê-bơ-rơ 4:12).

Nghe và hiểu được Lời Đức Chúa Trời phán dạy “cả dân sự đều khóc” (c. 9). Tại sao? Có thể sau nhiều năm dài không được nghe Lời Đức Chúa Trời trong một khung cảnh như thể này; nhưng có thể yếu tố mạnh mẽ nhất khiến họ khóc vì họ hiểu được Lời Đức Chúa Trời qua sự giải thích của những người Lê-vi.

Mặc dầu thái độ của dân sự sau khi nghe Lời Đức Chúa Trời như vậy là phải; nhưng E-xơ-ra không muốn dân sự ra về trong tâm trạng đau buồn về tội lỗi mình, nên lên tiếng: “Ngày nay là thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi; chớ để tang, cũng đừng khóc lóc… Hãy đi ăn vật gì béo, uống đồ gì ngọt, và hãy gửi phần cho những người không có sắm sửa gì hết; vì ngày nay là thánh, biệt riêng ra cho Chúa của chúng ta. Chớ buồn thảm, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi” (c. 9-10). Trong câu 2 ghi rằng sự việc này xảy ra vào “ngày mồng một tháng bảy” mà theo Lê-vi Ký 23:24 cho biết: “Hãy truyền cho dân Y-sơ-ra-ên rằng: Ngày mồng một tháng bảy, sẽ có cho các ngươi một ngày nghỉ, một lễ kỷ niệm lấy tiếng kèn thổi mà rao truyền, tức là một sự nhóm hiệp thánh vậy”, và cũng ngày tháng này dân Y-sơ-ra-ên tổ chức lễ chuộc tội là “sự nhóm hiệp thánh” (Dân Số Ký 29:1-6). Các ngày lễ đó, Đức Chúa Trời dạy bảo: “Các ngươi, con trai, con gái, tôi trai, và tớ gái của các ngươi sẽ vui vẻ trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi” (Phục Truyền 12:12). Tại sao? Vì lễ này nhắc lại ân điển của Đức Chúa Trời đối cùng họ trong sự cứu chuộc tội lỗi. Nương theo sự dạy dỗ đó, E-xơ-ra kêu gọi dân sự “ngày nay là ngày thánh cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi…, vì sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va là sức lực của các ngươi”. Kinh Thánh cho biết “cả dân sự bèn đi đặng ăn và uống, gởi cho những phần, cùng vui vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta đã truyền dạy cho mình” (c. 12).

Khi đọc Kinh Thánh đến sách Ê-sai 53:7-8 hoạn quan Ê-thi-ô-bi không hiểu hai câu này nói về ai, và đã được chấp sự Phi-líp đến giải thích rằng đó là nói về Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu thương khó và chịu chết thay cho tội lỗi con người. Nghe xong, hoạn quan lên tiếng: “Này, nước đây, có sự gì ngăn cấm tôi chịu phép báp-têm chăng?” Sau khi chịu phép báp-têm, hoạn quan “cứ hớn hở lên đường” (Công vụ 8:26-40). Đó là kết quả của người hiểu được Lời Đức Chúa Trời.

Có thể nói một số con cái Chúa chưa ham thích học Lời Ngài vì họ chưa hiểu được Lời Ngài như đáng phải hiểu. Con cái Chúa sẽ “vui vẻ” khi hiểu được những câu Kinh Thánh mà trước đó họ không hiểu; khi hiểu được họ ham thích học Kinh Thánh, và thực hiện điều Kinh Thánh dạy. Vì thế, các giáo viên Trường Chúa Nhật nên được học hỏi thêm về Lời Đức Chúa Trời để có thể giải thích Lời Ngài cho người nghe “hiểu”.

III. ÁP DỤNG LỜI CHÚA

Dân Y-sơ-ra-ên ăn bữa thông công với nhau, và tặng phần ăn cho những người không chuẩn bị, hoặc những người quá nghèo; mọi người đều “vui vẻ lắm; vì chúng có hiểu các lời người ta truyền dạy cho mình”, và áp dụng lời mình nghe. Nói cách khác, khi dân sự nghe lời Đức Chúa Trời, được giải nghĩa để hiểu, thì có sự ăn năn tội; khi dân sự có lòng ăn năn tội, thì nghĩ đến nhu cầu của những người khác, và có sự vui vẻ tiếp theo.

Có người tín đồ tham gia thi đọc Kinh Thánh mỗi tuần, và khi đọc đến Lê-vi Ký đoạn 27 liên quan đến vấn đề dâng 1/10 lợi tức, người đó ý thức là mình đi nhà thờ bấy lâu nay mà chưa dâng 1/10 lợi tức như Lời Đức Chúa Trời phán dạy. Từ đó, người này bắt đầu dâng 1/10 lợi tức và khuyên dạy các con cũng dâng 1/10 lợi tức; rồi cũng từ đó người này đi thờ phượng thường xuyên, và tham gia các công việc trong Hội Thánh.

So sánh câu “cả dân sự bèn đi đặng ăn và uống” (c. 12), “các trưởng tộc của cả dân sự… đều nhóm lại bên E-xơ-ra” (c. 13), và “chúng phải hô truyền trong các thành và tại Giê-ru-sa-lem nghe” (c. 15), chúng ta được biết là sau khi nghe Lời Đức Chúa Trời, qua ngày hôm sau đa số dân chúng đều trở về nơi mình cư ngụ. Riêng các trưởng tộc, những thầy tế lễ và người Lê-vi tiếp tục ở lại Giê-ru-sa-lem “đặng chú ý nghe các lời của luật pháp” qua môi miệng của E-xơ-ra. Họ chưa hoàn toàn thoả lòng về sự phấn hưng vừa xảy ra, họ muốn lắng nghe thêm Lời Đức Chúa Trời, muốn hiểu và muốn vâng phục Ngài trong từng chi tiết. Lời Đức Chúa Trời không phải dành riêng cho “những thầy tế lễ và người Lê-vi”, những Mục sư và Truyền đạo; nhưng cũng dành cho “các trưởng tộc của cả dân sự”, các người chủ của mọi gia đình trong Hội Thánh nữa. Dầu muốn dầu không, các chủ gia đình là người chịu trách nhiệm về lối sống của những thành phần trong gia đình; và nếu chúng ta không tha thiết nghe, hiểu và làm theo Lời Đức Chúa Trời, thì làm sao con cái của chúng ta muốn nghe, hiểu và làm theo Lời Ngài. Kinh Thánh ghi lại chi tiết cho biết ông Gióp hết sức quan tâm về đời sống tâm linh của các con mình như sau: “Xảy khi các ngày yến tiệc xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thanh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số chúng nó; vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy.” (Gióp 1:5). Vì thế, thì giờ mà chúng ta quen gọi là “Gia Đình Lễ Bái” rất quan trọng mà các chủ gia đình cần thực hiện.

Khi đang học hỏi Lời Đức Chúa Trời, họ được nghe rằng “dân Y-sơ-ra-ên phải ở trong nhà lều đang lúc lễ tháng bảy” (c. 14), tức là lễ Lều Tạm, thì rao truyền trong nhân gian: “Hãy đi kiếm trong núi những nhánh ô-li-ve và ô-li-ve rừng, những nhánh cây sim, những tàu lá kè, và những nhánh cây rậm, đặng làm những nhà lều, y như đã chép” (c. 15). Sau khi nghe và hiểu Lời Đức Chúa Trời phán dạy qua năm sách của Môi-se, dân sự thực hiện điều họ nghe bằng cách dựng những lều tạm và sống trong lều để kỷ niệm bốn mươi năm lưu lạc trong sa mạc, là điều mà từ sau thời Giô-suê đến nay họ đã bỏ qua. Người sống tại thủ đô Giê-ru-sa-lem “làm nhà lều trên nóc nhà mình, ngoài sân mình”; còn người từ các nơi khác đến làm nhà lều “trong hành lang của đền Đức Chúa Trời, nơi phố của cửa Nước, và nơi phố của cửa Ép-ra-im” (c. 16). Khi thực hiện căn lều bằng lá cây, người Y-sơ-ra-ên muốn bày tỏ lòng tin rằng Đức Chúa Trời cư ngụ với họ trong căn lều như những ngày trong sa mạc; và cũng có thể nói lên rằng dầu sống trong căn nhà vững chắc hơn thì sự hiện hữu của họ vẫn không phải vì đó mà được bảo đảm.

Câu “cả hội chúng của những kẻ bị bắt làm phu tù được trở về” (c. 17) diễn tả những người vừa trở về sau những năm dài bị đày qua Ba-by-lôn bây giờ kỷ niệm những năm dài mà tổ phụ họ lưu lạc trong sa mạc. Khi dân Y-sơ-ra-ên khởi sự hiểu và vâng lời Đức Chúa Trời, thì “bèn có sự rất vui mừng” (c. 17). Sự vâng lời Đức Chúa Trời không những nhận được ơn phước từ Ngài, nhưng còn đem lại sự vui mừng cho mọi người.

Một thanh niên Việt Nam qua Hàn Quốc lao động đã tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu. Anh tham gia hướng dẫn chương trình thờ phượng, ban hát dẫn, trung tín dâng 1/10 lợi tức,… Sau khi tin nhận Chúa, anh tìm cách giới thiệu Tin Lành cho mẹ mình tại Việt Nam, là một thầy bói, rồi bà cũng trở thành tín đồ Tin Lành. Bà đốt bỏ bàn thờ nghề, và bằng lòng dâng mảnh đất của gia đình để xây cất nhà thờ. Đây là những người nghe Lời Đức Chúa Trời, hiểu và làm theo Lời Ngài dạy.

Câu chuyện được ghi trong Nê-hê-mi 8:1-18 cho thấy có một khoảng cách rất lớn từ những lời đầy thẩm quyền trong Kinh Thánh đến hành động của chúng ta; vì những gì được ghi trong Kinh Thánh chưa hẳn được chúng ta đọc, và khi đọc chưa hẳn chúng ta hiểu; rồi khi hiểu chưa chắc chúng ta áp dụng cho mình. Kinh Thánh cho biết mặc dầu Chúa Cứu Thế Giê-xu “dạy như có quyền phép” (Mác 1:22); nhưng khi người tại quê hương Ngài nghe, thì thái độ của họ xem thường Ngài và Lời Ngài, nên “Ngài không làm phép lạ nào được” (Mác 6:5). Chúng ta phải ý thức rằng những gì được ghi trong Kinh Thánh cũng phải là những gì chúng ta áp dụng trong cuộc sống mỗi ngày. Có như vậy “sự vui vẻ của Đức Giê-hô-va” sẽ “là sức mạnh của” chúng ta.

KẾT LUẬN:

Nê-hê-mi không những quan tâm đến tường thành Giê-ru-sa-lem để ngăn chặn quân thù tấn công nên cho xây lại tường thành; nhưng cũng quan tâm đến đời sống tâm linh của dân Y-sơ-ra-ên, nếu không muốn nói là quan tâm hơn, nên cho đọc Lời Đức Chúa Trời. Nói cho cùng, không phải tường thành bảo vệ được thành trì, nhưng là những con người trong tường thành. Nê-hê-mi đã đọc Lời Đức Chúa Trời cho dân sự nghe, cho người giải nghĩa để dân sự hiểu, và sau đó có cơn phục hưng tâm linh đến với mọi người.

Ngày nay, một số tôi con của Đức Chúa Trời muốn có sự phục hưng tâm linh, nhưng lại không chú tâm đến Lời Đức Chúa Trời, mà lại chú tâm đến cảm xúc. Mục đích rất đúng, nhưng phương cách đạt đến mục đích không đúng. Hội Thánh cần được phấn hưng trong việc đọc, học và áp dụng Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta thử áp dụng đề nghị này: (1) mỗi con cái Chúa ít nhất cần đọc suốt Kinh Thánh một lần trong đời, (2) con cái Chúa cần tham gia Trường Chúa Nhật, (3) mỗi con cái Chúa nên có giờ tĩnh nguyện theo Bài Học Kinh Thánh Hằng Ngày cho riêng mình mỗi ngày.

Mục Sư Đoàn (BTMV 31 – Tháng 09/2012)

Bài viết này được trích đăng từ chuyên mục “Dưỡng linh” của Bản Tin Mục Vụ. Để đọc thêm nhiều bài viết bổ ích khác, quý độc giả có thể đặt mua BTMV qua địa chỉ contact@httlvn.com hoặc số điện thoại của Phòng Truyền thông: 028.38.533.633

Bài trướcThơ: Gam Màu Đen
Bài tiếp theoHết Lòng Phục Vụ – 2/9/2020