Nguồn Gốc Của Khôn Ngoan Tri Thức

1870

Kinh Thánh I Cô-rinh-tô 1:22-24

Trong lúc người Do Thái đòi hỏi dấu lạ, người Hi Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan thì chúng tôi rao giảng Đấng Christ bị đóng đinh vào thập tự giá, điều mà người Do Thái cho là sai lầm, còn dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những người được kêu gọi, cả Do Thái lẫn Hi Lạp, thì Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời.

Kinh ThánhCô-lô-se 2:2-3

Để lòng họ được khích lệ, hiệp nhất trong yêu thương, cũng như có được sự hiểu biết phong phú và chắc chắn để nhận biết sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời, tức là Đấng Christ; trong Ngài ẩn chứa mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức.

Chúng ta tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu nhưng có biết rõ Ngài:
– Đấng Christ là quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời?
– Trong Ngài ẩn chứa mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức?
Đấng Christ sự mầu nhiệm của Đức Chúa Trời?

Căn cứ vào những câu Kinh Thánh kể trên, thì trong Chúa Cứu Thế chúng ta được tiếp cận với quyền năng của Đức Chúa Trời, kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức. Nói một cách khác, chúng ta bước vào sự hiểu biết mầu nhiệm của Đức Chúa Trời.

Thánh Phao-lô dạy cho tín hữu tại Cô-lô-se và cho chính chúng ta trong thư Cô-lô-se 2:20 như sau: “Nếu anh em đã chết với Đấng Christ, thoát khỏi các thần linh của thế gian, thì tại sao anh em lại vẫn sống như mình còn thuộc về thế gian? Tại sao vẫn thuận phục những luật lệ…”

Kết quả là: “Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt” (Cô-lô-se 2:23).

Chế ngự dục vọng của xác thịt chính là mục tiêu của mọi triết thuyết và tôn giáo của loài người. Nhưng Sứ đồ Phao-lô dạy rằng: “Đừng để bị lừa mà mất phần thưởng bởi những kẻ cố làm bộ khiêm nhường và thờ lạy các thiên sứ. Họ dựa vào các sự hiện thấy đặc biệt, bởi tâm trí xác thịt mà kiêu ngạo vô cớ” (Cô-lô-se 2:18).

Trong Cô-lô-se 2:23, Phao-lô giải thích rõ: “Thật những điều ấy, bề ngoài có vẻ khôn ngoan vì thờ lạy theo ý mình, cùng với sự hạ mình và khắc khổ thân thể, nhưng chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.”

Đây là câu Kinh Thánh tóm tắt mọi triết thuyết và tôn giáo của loài người ngày nay, vì tất cả đều chẳng có giá trị gì trong việc chế ngự dục vọng của xác thịt.

Thánh Phao-lô không ngừng lại tại đó nhưng tiếp tục lý luận trong suốt chương ba của lá thư gởi cho tín hữu tại Cô-lô-se. Người tin nhận Chúa Cứu Thế được dạy từ chương ba câu 1 đến 11 với chủ đề chính là:

Tìm kiếm các sự ở trên trời. Bốn câu đầu của chương ba như sau:

1Vậy nếu anh em đã được sống lại với Đấng Christ, hãy tìm kiếm những điều ở trên trời, nơi Đấng Christ ngồi bên phải Đức Chúa Trời.
2Hãy chú tâm vào những điều ở trên trời, đừng chú tâm đến những điều ở dưới đất,
3vì anh em đã chết, sự sống của mình đã giấu với Đấng Christ trong Đức Chúa Trời.
4Khi nào Đấng Christ là sự sống của anh em hiện ra, lúc ấy anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong vinh quang.”

Khi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, bản chất cũ của mỗi chúng ta đã chết, sự sống của mỗi chúng ta đã giấu với Chúa Cứu Thế trong Đức Chúa Trời. Thánh Phao-lô kết luận: Khi nào Đấng Christ là sự sống của anh em hiện ra, lúc ấy anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong vinh quang”.

 Từ câu 5 đến câu 11 là phương pháp chế ngự dục vọng của xác thịt, câu 7-10 ghi:

7Lúc trước, anh em đã từng sống trong những điều nầy và cư xử như vậy.
8Nhưng bây giờ, hãy từ bỏ tất cả những điều ấy, tức là thịnh nộ, buồn giận, độc ác, phạm thượng, và lời nói tục tĩu từ miệng anh em.
9Chớ nói dối nhau vì đã lột bỏ người cũ cùng các công việc của nó
10mà mặc lấy người mới, là người đang được đổi mới trong nhận thức, theo hình ảnh Đấng tạo dựng người ấy.

Thánh Phao-lô kết luận trong câu 11: “Tại đây không còn phân biệt người Hi Lạp hay người Do Thái, người nhận cắt bì hay không nhận cắt bì, người dã man, người Sy-the, người nô lệ hay tự do; nhưng Đấng Christ là tất cả và trong tất cả”.

Niềm tin nơi Chúa Cứu Thế giúp chúng ta chết đi bản chất cũ mà mặc lấy người mới, là người đang được đổi mới trong nhận thức, theo hình ảnh Đấng tạo dựng người ấy.

Thánh Phao-lô tiếp tục dạy về lối sống tích cực trong chương 3 từ câu 12-14 như sau:

12Anh em là những người được tuyển chọn của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu. Vậy, hãy mặc lấy lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục.
13Nếu một người trong anh em có điều gì phàn nàn với người khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau; như Chúa đã tha thứ anh em thể nào thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy.
14Nhưng trên hết những điều nầy, phải mặc lấy tình yêu thương, vì là dây liên kết của sự toàn hảo.

Để kết thúc bài học, Phao-lô dạy:

15Hãy để sự bình an của Đấng Christ ngự trị lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến trong một thân thể, và hãy tỏ lòng biết ơn.
16Cũng hãy để lời của Đấng Christ sống sung mãn trong lòng anh em; hãy dùng tất cả sự khôn ngoan để dạy và khuyên bảo nhau, dùng thi thiên, thánh ca, linh khúc để hát cho Đức Chúa Trời với lòng biết ơn.
17Bất cứ điều gì anh em nói hay làm, hãy thực hiện mọi sự trong danh Chúa là Đức Chúa Jêsus, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Trong Chúa Cứu Thế, chúng ta là những người mới được quyền năng của Chúa vận hành trong khôn ngoan và hiểu biết về mọi huyền nhiệm về Đức Chúa Trời. Chúa từ trời cao với xuống con người trong tội ác bằng ân sủng, con người với lên Chúa bằng niềm tin. Chúng ta muốn nhận được khôn ngoan từ nơi Chúa, chỉ cần hết lòng tin là nhận được.

Chúng ta cũng cần hiểu rõ khôn ngoan từ Chúa Cứu Thế là loại khôn ngoan nào. Khôn ngoan ấy như ánh sáng soi rọi vào tâm linh đen tối để phân biệt rõ chân giả, đúng sai và cho chúng ta cái an bình hy vọng. Đây không phải là loại khôn ngoan như đời, nhưng là loại khôn ngoan cho ta nhìn vào cõi vô hình và cảm nghiệm được về Chúa, về huyền nhiệm trong Ngài.

Nguyễn Sinh   
(Các phần Kinh Thánh trích dẫn được lấy từ Bản Truyền Thống Hiệu Đính)                                     

Bài trướcTrung Tín Rao Giảng Phúc Âm – 2/8/2021 
Bài tiếp theoỦy Ban Y Tế Xã Hội Tổng Liên Hội Hỗ Trợ Thực Phẩm Cho Người Dân Xung Quanh Viện Thánh Kinh Thần Học