Ngày 5/11/2016: Vâng Phục Để Được Sự Sống

913

Hê-bơ-rơ 12:4-11

 4 Anh em chống trả với tội ác còn chưa đến nỗi đổ huyết; 5 lại đã quên lời khuyên anh em như khuyên con, rằng:
Hỡi con, chớ dể ngươi sự sửa phạt của Chúa,
Và khi Chúa trách, chớ ngã lòng;
6 Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu,
Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.
7 Ví bằng anh em chịu sửa phạt, ấy là Đức Chúa Trời đãi anh em như con, vì có người nào là con mà cha không sửa phạt? 8 Nhưng nếu anh em được khỏi sự sửa phạt mà ai nấy cũng phải chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con thật. 9 Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kinh sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao? 10 Vả, cha về phần xác theo ý mình mà sửa phạt chúng ta tạm thời, nhưng Đức Chúa Trời vì ích cho chúng ta mà sửa phạt, để khiến chúng ta được dự phần trong sự thánh khiết Ngài. 11 Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng;nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy.

 

Câu gốc: “Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kinh sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?” (câu 9).

 

Câu hỏi suy ngẫm: Cha mẹ thường làm gì để sửa phạt con cái? Vì sao Đức Chúa Trời sửa phạt con dân Ngài? Chúng ta nên có thái độ nào khi bị Chúa sửa phạt?

 

Văn hóa phương đông khi dạy con, cha mẹ thường dùng nhiều hình thức đánh phạt để sửa trị nhằm giúp con cái có kỷ luật hơn. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.” Do đó, cha mẹ thương con, muốn con trở nên người tốt thì thường la rầy, sửa phạt nghiêm khắc chứ không chiều theo ý con muốn. Ở đây, tác giả sách Hê-bơ-rơ trích hai câu châm ngôn để nhấn mạnh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời sửa phạt con cái Ngài xuất phát từ tình yêu thương “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu” (câu 6a).

 

Khi sống trên trần gian này, chắc chắn mỗi người chúng ta đều bị người cha thuộc thể của mình sửa phạt. Một đứa trẻ không biết vâng phục mà hay cãi lời dạy của cha mẹ thì chắc chắn sẽ khó trở thành người hữu dụng. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta danh phận làm con của Ngài nên Ngài mới sửa phạt để tôi luyện chúng ta trở nên thánh khiết hơn (câu 7, 10). Vì nếu Ngài không yêu chúng ta, không kể chúng ta là “con thật” của Ngài thì Ngài sẽ bỏ mặc chúng ta (câu 8). Vì thế, chúng ta chớ nên phiền lòng hay trách Chúa vì sao để mình phải chịu những gian nan, nhưng trái lại “chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?” (câu 9). Nói cách khác, nếu chúng ta không biết đầu phục Chúa thì có thể đánh mất sự sống. Vậy, được Chúa sửa phạt qua những hoạn nạn thử thách là một đặc ân để chúng ta được rèn luyện mà trở nên mạnh mẽ, vững vàng bước đi theo Chúa và giữ được sự sống đời đời.

 

Là con cái Chúa, nếu chúng ta chưa từng chịu sự sửa phạt của Ngài thì hãy xem lại đức tin của chúng ta nơi Chúa. Vì như Lời Ngài phán: “Hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt” (câu 6b). Tuy nhiên, tác giả Hê-bơ-rơ cũng cho chúng ta biết rằng: “Các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sinh ra bông trái công bình và bình an cho những người đã chịu luyện tập như vậy” (câu 11).

 

Chúng ta hãy sẵn sàng thuận phục Chúa khi bị Ngài sửa phạt và tin chắc rằng Chúa yêu chúng ta nên Ngài muốn rèn luyện chúng ta cho chương trình và ý muốn tốt đẹp của Ngài. Bạn có sẵn sàng vâng phục sự sửa trị của Chúa không?

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tha thứ cho con nếu có lần con than vãn khi gặp nghịch cảnh. Xin Chúa giúp con luôn biết vâng phục ý Chúa để giữ được sự sống đời đời mà Ngài ban cho.

 

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 24.

Bài trướcNgày 4/11/2016: Vâng Phục Vô Điều Kiện
Bài tiếp theoNgày 6/11/2016: Tại Sao Người Lành Gặp Khổ Nạn?