Kinh Thánh Dạy Gì Về Người Cha Cơ Đốc

3029

Dạy con biết đường lối Chúa

Đại điều răn được ghi lại trong Kinh Thánh là: “Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:5) Quay trở lại câu 2, chúng ta thấy, “hầu cho ngươi kính sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trọn đời, ngươi và con cháu ngươi vâng giữ các luật lệ và điều răn của Ngài mà ta truyền cho ngươi, để ngươi được sống lâu ngày.” Và tiếp sau câu 5: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy.” (câu 6-7).

Lịch sử dân Y-sơ-ra-ên cho thấy rằng người cha có trách nhiệm chuyên tâm hướng dẫn con cái mình đi theo đường lối và lời Chúa để tâm linh được phát triển, đời sống được thịnh vượng. Những người cha vâng theo các mạng lệnh của Kinh Thánh đã làm điều đó. Điều này đưa chúng ta đến Châm Ngôn 22:6, “Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.” Từ “hãy dạy” chỉ ra rằng các bậc làm cha mẹ phải sớm giáo dục cho con cái mình để thiết lập lối sống của chúng. Dạy dỗ con trẻ từ sớm là việc làm vô cùng quan trọng.

Đừng “chọc giận”, hãy “sửa phạt, khuyên bảo”

Ê-phê-sô 6:4 là bản tóm tắt những lời răn dạy đối với người cha, được nêu theo cả cách tiêu cực và tích cực. “Hỡi các người làm cha, chớ chọc cho con cái mình giận dữ, hãy dùng sự sửa phạt khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” Phần “tiêu cực” của câu này là lời cảnh báo rằng người cha không được dạy bảo theo cách quá khắt khe, bất công, thiên vị, lạm dụng quyền hành cách vô lý. Cụm từ “chọc cho con cái mình giận dữ” nghĩa là khiêu khích hoặc kích động chúng. Điều này sẽ xảy ra khi người cha dạy con với một tinh thần và phương pháp sai trật, như là: trừng phạt cách khắc nghiệt, vô lý, hung dữ, ngăn cấm không cần thiết và chuyên quyền độc đoán. Sự khiêu khích như vậy sẽ tạo ra những phản ứng tiêu cực, làm suy yếu tình cảm cha con, suy giảm ước muốn theo đuổi sự nên thánh của con, và khiến con cảm thấy rằng mình không thể làm hài lòng cha mẹ.

Những bậc phụ huynh khôn ngoan luôn tìm cách khiến cho sự vâng lời trở nên điều đáng để con theo đuổi và có thể thực hiện được bằng tình yêu và sự dịu dàng.

Phần tích cực của Ê-phê-sô 6:4 được thể hiện theo hướng toàn diện — giáo dục, nuôi dưỡng, phát triển nhân cách của con bằng sự hướng dẫn và khuyên bảo của Chúa. Đây là toàn bộ quá trình giáo dục và kỷ luật. Từ “khuyên bảo” mang ý tưởng nhắc nhở đứa trẻ về những lỗi lầm (mang tính xây dựng) và bổn phận (trách nhiệm).

Người cha Cơ Đốc thực sự là một công cụ trong tay Chúa

Toàn bộ quá trình khuyên bảo và kỷ luật con cái phải phù hợp với điều răn của Chúa và theo phương cách của Ngài, để thẩm quyền của Ngài liên tục được thấm nhuần vào trong tâm trí, tấm lòng và lương tâm của con cái. Người cha xác thịt sẽ không bao giờ thể hiện mình là người có thẩm quyền tối thượng để xác định lẽ thật và bổn phận. Chỉ khi nào Chúa trở thành người thầy, người cai trị, và mọi việc được thực hiện trong thẩm quyền của Ngài thì mục tiêu giáo dục mới có thể đạt được một cách tốt nhất.

Martin Luther nói, “Giữ một quả táo bên cạnh cây roi để cho đứa trẻ khi nó làm tốt.” Kỷ luật phải được thực hiện với sự cẩn trọng, liên tục dạy khuyên và không ngừng cầu nguyện. Bản chất cốt lõi của việc “khuyên bảo” là sửa dạy, kỷ luật, khuyên lơn từ Lời Chúa, bao gồm cả hình phạt lẫn sự khích lệ. 

Qua trải nghiệm của cuộc sống Cơ Đốc, sự hướng dẫn của Chúa sẽ được cha mẹ truyền tải cho con cái – với vai trò chính yếu là người cha. Việc kỷ luật Cơ Đốc là cần thiết để giúp con cái lớn lên với lòng tôn kính Đức Chúa Trời, tôn trọng thẩm quyền của cha mẹ, hiểu biết các tiêu chuẩn Cơ Đốc và phát triển các thói quen tự chủ.

“Cả Kinh Thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn. có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.” (2 Ti-mô-thê 3:16-17) Trách nhiệm đầu tiên của người cha là giúp cho con cái hiểu biết Kinh Thánh. Các phương pháp mà người cha có thể sử dụng để dạy lẽ thật của Đức Chúa Trời sẽ khác nhau. Khi người cha trung tín làm gương cho con, những gì con cái học được về Đức Chúa Trời sẽ giúp chúng có thể đứng vững trong suốt cuộc đời trần thế, bất kể chúng làm gì hay đi đâu.

Hồng Nhung (nguồn GotQuestion)

Bài trướcHiệp Nguyện Giáo Phẩm Tỉnh Bình Thuận Tháng 9/2020
Bài tiếp theoChúa Không Quên – 11/9/2020