Khích lệ hay khích bác?

3140

“Chớ có một lời dữ nào ra từ miệng anh em, nhưng khi đáng nói hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích lợi cho kẻ nghe đến” ( Ê-phê-sô 4:29).

Cháu tôi sắp bước vào lớp 1, và trong những ngày giãn cách, cháu được trang bị những kỹ năng đọc, viết tại nhà. Thật ra, rất ít trẻ thích cầm viết nắn nót từng nét chữ! Tôi đã từng dạy trẻ nhiều năm và có thể kết luận như thế! Ông, bà, bố và mẹ đều khuyên lơn, thậm chí năn nỉ bé luyện viết nhưng chẳng đem được hứng thú cho nó. Nhiều lần tôi để ý, nếu doạ đòn, nếu khích bác, nếu chê bai… thì cháu lại càng bị áp lực, sẽ khóc ré lên và có nhiều hành động phản kháng. Tuy nhiên, khi tôi khích lệ cháu qua những câu chuyện điển hình mà chính mình từng trải khi còn nhỏ… thì cháu được khích lệ. Đặc biệt hơn khi tôi cùng ngồi với cháu để học hoặc giúp đỡ trong bài luyện viết thì cháu hăng say hơn. Vậy nên, tôi thấy rõ ràng là thái độ và lời nói của mình có ảnh hưởng nhất định trên người khác. 

Cũng trong những ngày giãn cách, có nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn bình thường, nên thỉnh thoảng tôi cũng lên Internet đọc tin tức trên các báo đài và cả mạng xã hội. Có những câu chuyện tích cực và nhiều câu chuyện ngược lại. Tôi thích đọc những câu chuyện vui, những chuyện đem đến suy nghĩ tích cực. Vì trong Chúa Giê xu chúng ta có sự trông cậy và trông cậy trong niềm vui là thể hiện đức tin trong hi vọng.

Ngày nay, người ta dùng nhiều loại vũ khí để chiến tranh với nhau như súng đạn, giáo mác, vũ khí sinh học… và đáng sợ hơn nữa là chiến tranh bằng ngôn ngữ, còn gọi là “ bút chiến”! Ngôn ngữ công kích được thể hiện qua những lời bóng bẩy chứa đầy sự chỉ trích cá nhân đến nặng nề đau lòng!

Chúa Giê-xu đến thế gian không những ban cho chúng ta sự cứu rỗi linh hồn mà còn ban cho chúng ta cuộc sống sung mãn, vui tươi và tràn đầy ý nghĩa (Giăng 10:10). Sống giữa con đại dịch, ai cũng cảm thấy thấp thỏm lo sợ, từ đó dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực, tâm trí và tấm lòng chìm ngập trong bất an. Nhưng Lời Chúa là những lời khuyên lơn, khích lệ để con người vững tin và có được sự bình an. Nếu là lời cáo trách, nhắc nhở thì cũng là để con người ăn năn mà phục hồi. Thế nhưng ngày nay, trong thời gian giãn cách, tôi lại nhìn thấy một cuộc chiến trên mạng xã hội, đáng buồn là đó lại là cuộc chiến giữa những anh chị em tín hữu. Những lời lên án, phê phán, chỉ trích, khích bác… làm tổn thương nhau cách nặng nề!

Khi chúng ta chê bai người khác thấp kém hơn mình thì đó chính là thái độ kiêu ngạo. Thái độ đó hoàn toàn trái ngược với tinh thần khiêm nhu, hạ mình của Chúa Cứu thế Giê-xu. Tôi rất thích loạt bài học về sự nhu mì trong những ngày gần đây của bài học Kinh Thánh Hằng Ngày. Nhu mì không phải là vỏ bọc bên ngoài, nhưng nó phải xuất phát từ sâu thẳm trong tấm lòng được Chúa tái sinh để trở nên giống như Ngài.

Tôi cũng từng thấy một số người tỏ ra mình là nhu mì nhưng thật ra không phải vậy. Họ đến với tôi dưới vỏ bọc là “chia sẻ để cầu thay” nhưng rồi kể ra biết bao là cái xấu xa của người mà họ nói là muốn cầu thay. Cá nhân tôi học được rằng trong những hoàn cảnh như vậy, hãy suy nghĩ xem câu chuyện có thật không? Câu chuyện có tốt không? Và câu chuyện có đem đến sự gây dựng không?

Lời một khi đã nói ra thì khó mà có thể thu lại. Chữ nghĩa, câu từ một khi đã đăng lên thì dù có xoá đi nhưng vẫn không thể nào gột sạch. Những bài viết nó sẽ ghi sâu vào tấm lòng của người đọc, thậm chí có người còn chụp hình để lưu lại bằng chứng nên dù người viết có xoá đi thì cũng chẳng ích gì. 

Chúa Giê-xu dạy các môn đồ, “Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn, như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn” (Ma-thi-ơ 5:48). Phao-lô mong muốn con cái Chúa phải mạnh mẽ, trưởng thành: “Dầu chúng tôi yếu đuối, miễn là anh em được mạnh mẽ thì chúng tôi cũng vui mừng; và điều chúng tôi cầu xin, ấy là cho anh em được nên trọn vẹn” (II Cô-rinh-tô 13:9). Với mong muốn đó, dù không ở gần anh chị em mình trong đức tin, ông đã dùng ngòi bút để viết thư khích lệ, nâng đỡ đời sống theo Chúa của họ. 

Mạng xã hội là một công cụ hữu ích để Cơ Đốc nhân có thể truyền tải thông điệp của Chúa, những thông điệp đầy tích cực, yêu thương, gây dựng, trông cậy, đem sự vui mừng, sự sống sung mãn có ý nghĩa, để nâng đỡ kẻ ngã lòng, người đang sợ hãi, đang thất vọng khổ đau về tinh thần lẫn thể chất.

Ảnh minh hoạ: Pixabay

Đây là mặt trận tâm linh và mỗi chúng ta đang là những chiến sĩ của Đấng Christ. Khi ở trong mặt trận này, hãy dùng khí giới mà chính Chúa Giê-xu đã sử dụng và đắc thắng ma quỷ, đó là lời cầu nguyện. Trước khi nói, viết hay đăng tải bất cứ điều gì lên mạng xã hội, hãy cầu xin Chúa hướng dẫn để chúng ta là những người thuộc về Ngài có thể bày tỏ vẻ đẹp nhu mì, yêu thương, và sự nâng đỡ khích lệ nhau, nhất là trong giai đoạn khó khăn như hiện nay. Hãy là những chiến sĩ đầy dẫy ân tứ thuộc linh để đem lại niềm hy vọng, trông cậy nơi chính Chúa Giê xu thay vì sử dụng lời lẽ kích động, khích bác để làm tổn thương, hủy hoại anh chị em mình.

Rồi sẽ đến ngày mọi công việc chúng ta làm dưới trần gian này sẽ được thẩm định: “Công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra” (I Cô-rinh-tô 3:13). “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự khen ngợi mình đáng lãnh” (I Cô-rinh-tô 4:5). Mỗi người có trách nhiệm khai trình trước Chúa!  

 

 Đầy tớ gái,

Bài trướcBan Đại Diện Tin Lành Đồng Nai Thăm Viếng Và Tương Trợ Trong Mùa Dịch
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Cụ Ông Phạm Văn Đạm