Ích Lợi Của Việc Chịu Khổ Vì Tin Lành – 7/12/2019

2420

 

Phi-líp 1:12-14

“đến nỗi chốn công đường và các nơi khác đều rõ tôi vì Đấng Christ mà chịu xiềng xích. Phần nhiều trong anh em nhân tôi bị xiềng xích mà có lòng tin rất lớn trong Đấng Christ, dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì” (câu 13-14).

Câu hỏi suy ngẫm: Sự chịu khổ vì Tin Lành của Sứ đồ Phao-lô đem đến những lợi ích nào cho xã hội (câu 13) và Hội Thánh (câu 14)? Bạn được khích lệ gì về gương chịu khổ của tiền nhân?

Khi đề cập đến sứ mạng truyền bá Phúc Âm, chúng ta thường nhấn mạnh đến khía cạnh ra đi chứng đạo. Thế nhưng, sự chịu khổ và tinh thần thỏa lòng, vui mừng khi chịu khổ vì Tin Lành của Sứ đồ Phao-lô không những là một lời chứng hữu hiệu cho người chưa biết Chúa mà còn là động lực cho các tín hữu trong việc sống và bày tỏ Phúc Âm.

Tại Rô-ma, trong khi chờ xét xử, Sứ đồ Phao-lô được ở tại nhà riêng trong hai năm nhưng bị xiềng chung với một lính La Mã (Công Vụ 28:20; Ê-phê-sô 6:20). Nhờ chứng kiến nếp sống, sự cầu nguyện, lời chia sẻ của Sứ đồ Phao-lô cho các tín hữu đến thăm,… mà những người lính đã dần dần thay đổi và biết Chúa. Về sau, trong phần kết thúc thư Phi-líp, Sứ đồ Phao-lô đề cập đến “những người nhà Sê-sa” (4:22) trong Hội Thánh Rô-ma. Nếu trước đây Sứ đồ Phao-lô không thuận phục ý Chúa và đến Rô-ma bằng mọi giá thì liệu ông có thể lan truyền Tin Lành đến “người nhà Sê-sa” không?

Sự chịu khổ của Sứ đồ Phao-lô không chỉ là một lời chứng hiệu quả cho Phúc Âm, nhưng cũng là động lực cho các tín hữu tại Rô-ma, những người đang đối diện với sự bắt bớ của chính quyền La Mã. Chính đức tin, sự vững vàng, và đời sống chứng nhân của Sứ đồ Phao-lô đã truyền sức mạnh đến cho Hội Thánh Rô-ma và giúp họ noi gương ông mà “dám truyền đạo Đức Chúa Trời chẳng sợ hãi gì” (câu 14).

Lịch sử Hội Thánh đã ghi lại những tấm gương đã truyền nhiệt huyết cho cả thế hệ của họ trong việc sống và rao truyền Phúc Âm. Ngày 8 tháng 1 năm 1956, các Hội Thánh tại Mỹ đã bàng hoàng khi nghe tin về cái chết của năm thanh niên tốt nghiệp Chủng Viện Wheaton, Illinois trong nỗ lực đem Tin Lành đến cho một bộ lạc bán khai tại Ecuador. Năm người này sau đó được gọi là Auca Five, trong đó Auca có nghĩa là man rợ. Trong hai thập niên kế tiếp, một số rất lớn các sinh viên tốt nghiệp Chủng Viện Wheaton đã tiếp bước Auca Five để đem Tin Lành đến cho các bộ lạc tại Ecuador. Chúng ta, những Cơ Đốc nhân Việt Nam, không thể quên được tấm gương của những giáo sĩ tiền phong của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (CM&A) đã đem Tin Lành đến cho đất nước chúng ta. Và chúng ta cảm ơn Chúa vì cũng có nhiều giáo sĩ Việt Nam được sai phái đến nhiều nơi trên thế giới để rao truyền Phúc Âm.

Gương Sứ đồ Phao-lô đem đến cho bạn những khích lệ cũng như lời cảnh tỉnh nào?

Lạy Chúa, xin giúp con sống trong sự khao khát truyền bá Phúc Âm. Xin dùng đời sống con để giúp người khác biết Ngài, và cũng dùng con để khích lệ, đưa dắt nhiều anh chị em bước vào chức vụ phước hạnh này.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Ca Thương 5.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

 

Bài trướcPhú Yên: Hiệp Nguyện Cuối Năm 2019
Bài tiếp theoQuảng Ngãi: Ra Mắt Điểm Nhóm Sa Huỳnh