Học Tập Vâng Lời Qua Những Khổ Đau – Tĩnh Tâm Mùa Thương Khó 2022

2326

HTTLVN.ORG – Mùa Thương Khó – Phục Sinh lại về giữa những đau thương, mất mát của nhân loại trên toàn cầu do dịch bệnh, chiến tranh, bất công, và đói nghèo. Đau khổ là một hiện thực không mong đợi của con người, và người con Chúa cũng như bao nhiêu người khác, đều khắc khoải, khao khát được giải cứu ra khỏi tình trạng khổ đau. Học tập thuận phục Chúa qua những khổ đau trong đời sống là điều không hề dễ dàng, nhưng đó là điều chính Chúa Giê-xu đã trải qua trong sự thống khổ của Ngài.

Thánh Kinh Hê-bơ-rơ 5:7 cho biết, Khi còn sống trong thân xác, Đấng Christ đã lớn tiếng dâng những lời cầu nguyện và nài xin đầy nước mắt lên Đấng có quyền cứu mình khỏi chết; và bởi lòng thành kính, Ngài được nhậm lời.” Đấng Christ đã nài xin điều gì trong nước mắt và đã được nhậm lời? – Trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Ngài đã khẩn thiết kêu cầu rằng: Nếu có thể được, xin Cha cất chén khổ đau khỏi con, nhưng xin ý Cha được nên. Xin cho con thuận phục chương trình của Cha, uống chén đau khổ theo ý Cha! Lời cầu xin đó đã được nhậm khi Chúa Giê-xu vui lòng thuận phục, đón nhận tất cả những đau thương trong thân xác, tâm hồn và tâm linh, đi trọn con đường thương khó.

Bởi đó, trước giả thư Hê-bơ-rơ nhận định trong câu kế tiếp, “Mặc dù là Con, Ngài cũng đã học tập vâng lời qua những khổ đau mình đã chịu” (5:8) – Là Con Đức Chúa Trời, nghĩa là Ngài chính là Đức Chúa Trời, lẽ ra Ngài không phải chịu khổ đau. Khổ đau không phải là một phần trong bản chất của Đức Chúa Trời. Khổ đau là trải nghiệm Ngài mang lấy khi vâng lời Chúa Cha, chịu sai phái vào trong thế gian, thực hiện sứ mạng cứu con người ra khỏi tội lỗi và sự chết đời đời qua sự chết và sống lại của Ngài. Không có sự chết của Ngài thì không thể có sự đền tội và tha thứ cho con người. Thế nhưng, tại sao Đức Chúa Trời không chọn cái chết êm ái, ít khổ đau cho Chúa Cứu Thế Giê-xu? Tại sao Đấng Christ phải trải qua những khổ đau? Có ít nhất ba lý do.

Thứ nhất, Đấng Christ chịu khổ đau vì Ngài đã thật sự nhập thể và đồng nhất chính Ngài với con người. Chịu đau khổ là một hiện thực của con người trong thế giới sa ngã, và Ngài không thể làm một con người hoàn toàn mà không trải nghiệm hiện thực đó. Khổ đau là hậu quả của con người khi họ quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá yêu thương, sống theo ý riêng của mình, ở dưới quyền lực và hậu quả của tội lỗi. Chúa Giê-xu chịu khổ đau khi làm người và mang lấy gánh nặng tội lỗi thay cho con người. Khổ đau không phải là mục đích mà là kết quả tất yếu trong sứ mạng làm người của Chúa Giê-xu, để có thể đồng nhất với con người và giải cứu con người. “Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị thử thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Thứ hai, Đấng Christ chịu khổ đau vì Ngài gánh chịu hậu quả tột cùng của tội lỗi con người. Đấng Tạo hóa Toàn Năng, Đấng Tể trị trên cả cõi hoàn vũ lại đặt mình trong tay tạo vật của Ngài, để cho sự tàn ác nhất của tạo vật tác động lên Ngài. Không có sự gian ác nào của nhân loại mà Chúa không là nạn nhân; không có nỗi đau tột cùng nào của nhân loại gây ra bởi sự tàn ác của đồng loại mà Chúa không trải qua. Nhà văn, triết gia gốc Do Thái Ellie Wiesel đã kể lại trong tác phẩm Đêm (1972, tr. 75) rằng khi chứng kiến cảnh hành hình những người vô tội trong trại tập trung của Đức Quốc xã, trong đó có cả những cậu bé, ông đã thốt lên: “Đức Chúa Trời ở đâu?” Và rồi ông trả lời: “Ngài đang ở đây. Ngài đang bị treo trên giá treo cổ.” Dù dường như yên lặng, nhưng Đức Chúa Trời đảm bảo rằng Ngài thấu hiểu và vẫn đang hiện diện với tất cả những nạn nhân khổ đau của thế giới tội lỗi này, vì Ngài đã trải qua nỗi đau đó bởi tay con người và vì con người.

Thứ ba, Đấng Christ chịu khổ để giải cứu những ai tin Ngài ra khỏi nỗi đau khổ của sự xa cách Đức Chúa Trời đời đời. Trước giả thư Hê-bơ-rơ viết tiếp trong câu 9: “Và khi đã hoàn tất, Ngài trở nên cội nguồn của ơn cứu rỗi đời đời cho mọi người vâng lời Ngài.” Tại sao không chỉ là cái chết đơn giản để cứu rỗi là đủ rồi, mà phải có sự khổ đau thì Ngài mới hoàn tất công cuộc cứu rỗi con người? – Nỗi khổ đau lớn nhất của Chúa không phải những lằn roi, mão gai, đinh đóng và cái chết đớn đau trên thập tự giá. Nỗi đau lớn nhất của Ngài cũng không phải sự sỉ nhục và khinh khi của những người hành hình Ngài, vì Ngài đã cầu xin Chúa Cha tha cho họ. Nỗi đau lớn nhất của Ngài là trở nên một tội nhân xa cách Đức Chúa Trời, nguồn sáng và nguồn sống. Thời khắc đáng sợ nhất đối với Ngài là lúc Ngài kêu lên: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, Lam-ma-sa-bach-ta-ni? Đức Chúa Trời của con ơi! Sao Ngài lìa bỏ con?” Đấng Thánh cũng là con người toàn hảo phải trải qua nỗi đau tột cùng trong tâm linh khi bị Đức Chúa Trời ngoảnh mặt vì cớ tội lỗi của cả nhân loại chất trên Ngài. Chỉ bằng cách đó, Ngài mới có thể đem những ai tin Ngài trở về làm hoà với Đức Chúa Trời và vui hưởng mối tương giao với Đức Chúa Trời. Sự chịu khổ của Chúa không chỉ đồng cảm mà còn để đem con người ra khỏi khổ đau, vốn là hậu quả của tội lỗi.

Trong khi kỷ niệm Chúa chịu thương khó và suy ngẫm về nguyên nhân mà Chúa Giê-xu đã chịu thống khổ vì chúng ta, người trẻ Cơ Đốc được thôi thúc điều gì? Trước hết, giữa những đau thương trong hiện tại, chúng ta được nhắc nhở rằng đau khổ không đến từ Chúa, không ở trong chính Chúa, cũng không bị phớt lờ bởi Chúa, mà được Ngài mang lấy để đồng nhất với con người trong đau khổ, giải quyết nguyên nhân của đau khổ, và giải hòa người tin với Đấng ban sự giải cứu con người ra khỏi đau khổ. Suy niệm điều đó, chúng ta được thêm lòng biết ơn và tin cậy Chúa, sống với niềm vui và hy vọng nơi Đấng đã giải cứu người tin Ngài ra khỏi khổ đau đời đời. Nếu có lần ta đã oán trách, than vãn vì lầm tưởng rằng khổ đau mình đang chịu là đến từ Chúa hoặc rằng Chúa không nhìn thấy, không thấu hiểu sự vật lộn của mình, thì chúng ta hãy đến trước Chúa, ăn năn và thờ phượng Ngài.

Kế đến, chúng ta được kêu gọi để cùng thông công trong sự thương khó với Chúa – đón nhận đau thương trong thế giới này trong tinh thần nhận biết ý nghĩa của khổ đau. Mục sư Dietrich Bonhoeffer, cũng là một nạn nhân đã bị hành hình trong trại tập trung của Đức Quốc xã, đã viết, “Đức Chúa Trời đã để cho chính Ngài bị đẩy ra khỏi thế giới, lên thập tự giá… Chỉ bằng cách đó Ngài ở với chúng ta và giúp chúng ta… Chúng ta được kêu gọi để chia sẻ sự khổ đau của Chúa trong tay một thế giới không tin kính.” (Theo Letters and Papers from Prison, ấn bản 1971, tr. 36). Nhận thức được điều này, người trẻ của Chúa không những sẵn sàng đón nhận khổ đau trong thế giới sa ngã với niềm hy vọng chắc chắn về sự giải cứu và sự sống mà Chúa ban cho, mà họ cũng sẽ chuẩn bị sự nghiệp và đời sống của mình để sẵn sàng trở nên cánh tay nối dài của Chúa, cảm thông với người đau khổ và đem sự chữa lành đến với thế giới chứ không sống tách biệt khỏi thế giới hay phớt lờ nỗi đau nhân thế.

Nguyện xin Chúa giúp chúng ta tin cậy sự cảm thông và bảo đảm của Chúa khi chính mình đang trải qua những đau khổ trong đời sống. Nguyện Chúa giúp chúng ta không thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh khổ đau, mà học tập vâng lời Chúa trong niềm hy vọng. Nguyện Chúa giúp chúng ta dự phần vào sứ mạng của Ngài để ngày càng dạn dĩ dấn thân vào thế giới và đồng cảm với thế giới khổ đau, trở nên sứ giả đem hy vọng về sự cứu rỗi đời đời cho người hư mất.

 

Khối Thanh Niên 
Ủy Ban Thanh Thiếu Nhi Tổng Liên Hội

Bài trướcTỉnh Thức và Cầu Nguyện – 13/4/2022
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Sóc Trăng Lần Thứ 22