Giàu Có Trong Ân Điển Của Đức Chúa Trời

2337



 

 

Kinh Thánh: I Côr 1.4-9 (Bản hiệu đính)

“Tôi luôn vì anh em cảm tạ Đức Chúa Trời, bởi ân điển Ngài đã ban cho anh em trong Đấng Cơ Đốc Giê-xu, vì trong Ngài anh em được phong phú về mọi phương diện, cả lời nói lẫn tri thức – cả lời làm chứng về Đấng Cơ Đốc cũng đã được xác lập trong anh em – để anh em không thiếu bất cứ ân tứ thuộc linh nào, trong lúc chờ đợi sự hiện ra của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Đức Chúa Trời sẽ giữ anh em bền vững cho đến cuối cùng, để không bị khiển trách trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc. Đức Chúa Trời là Đấng thành tín; Ngài đã gọi anh em vào sự tương giao với Con Ngài là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta.”

 

 

Trong những ngày đầu năm, người Việt chúng ta ai nấy đều mong muốn và cầu chúc cho nhau rằng: ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khương, Ninh). Trong các buổi sinh nhật, khai trương chúng ta chúc cho bình an, vui vẻ, thịnh vượng… đó là những nét văn hóa hướng tâm về sự giàu có.

 

Trong thực tế những lời chúc đó không thể trở thành hiện thực, bởi chúng ta chỉ là con người và những lời cầu chúc chỉ nằm ở những ước mơ, còn những phước lành kia hay giàu có vốn được lưu xuất từ Đức Chúa Trời, và quyền định đoạt vẫn thuộc về Ngài.

 

Tuy nhiên, trong danh Chúa Giê-xu, chúng ta chắc chắn trải nghiệm được giàu có nhiều điều trong ân điển của Chúa hằng hữu. Lời Chúa ở I Côr 1:4-9 cung cấp cho chúng ta những điều giàu có ấy:


 

1. CHÚNG TA ĐƯỢC CUNG CẤP MỌI NHU CẦU. (c 4-7)                                                                               

Tôi hằng vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời, bởi cớ anh em đã được Đức Chúa Trời ban ơn trong Đức Chúa Jêsus Christ; vì chưng anh em đã được dư dật về mọi điều ban cho, cả lời nói và sự hiểu biết, như lời chứng về Đấng Christ đã được vững bền ở giữa anh em. Anh em đang trông đợi kỳ Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta hiện đến, cũng chẳng thiếu một ơn nào.”

 

       a. Mọi điều được ban cho bởi Đức Chúa Trời.

Từ “ơn” trong câu 4 có nghĩa là “ân điển”. Ân điển là sự ban cho diệu kỳ của Đức Chúa Trời. Ân điển của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua ít nữa là 2 dạng:

       – Cung ứng sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu Christ.

Quyền năng và những mầu nhiệm của ơn cứu rỗi chắc hẳn mỗi người Cơ Đốc đã từng nếm trải và đang tiếp tục rờ đụng điều đó trong danh phận là con cái của Chúa.

       – Ban cho các ân tứ thuộc linh.

Từ “ơn” trong câu 7 dịch chính xác là “ân tứ thuộc linh” hiểu cách nôm na là “một tài năng đặc biệt được ban cho dù người nhận không có gì xứng đáng để được nhận”. Những ban cho các ân tứ đó được thể hiện qua bất cứ sự trang bị nào cần cho đời sống (sự sống, năng lực, tài năng, tiền bạc…) đều được từ Đức Chúa Trời ban cho (1), hay những tài năng đặc biệt một con người có được đều được ban tặng bởi Đức Thánh Linh. Ngay phân đoạn Thánh Kinh nầy nhấn mạnh đến hai ân tứ quan trọng mà người Cô-rinh-tô chú trọng: Ân tứ lời nói và tri thức. Phao-lô muốn xác nhận rằng cả đến những khả năng, tài trí đó cũng được Chúa ban cho bởi ân điển của Ngài.

 

       b. Mức độ cung cấp bởi Đức Chúa Trời.

Từ liệu “dư dật” có nghĩa là “người giàu có, phong phú”. Phạm vi của sự giàu có nầy được thể hiện trong mọi sự. Câu 5 và 7 chép: “5 vì trong Ngài anh em được phong phú về mọi phương diện,… 7 Để không thiếu bất cứ ân tứ thuộc linh nào, trong lúc chờ đợi sự hiện ra của Chúa chúng ta là Đức Chúa Giê-xu Cơ Đốc”. Ân điển của Chúa cung cấp cho cách phong phú, không thiếu thốn điều gì, trong khi người thuộc về Ngài còn đang sống động trên đất chờ đợi ngày Chúa Giê-xu tái lâm.

 

Những tiền nhân chúng ta đã kinh nghiệm trong cuộc sống cho rằng: “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” để vừa bày tỏ sự an ủi một ai đó trong cảnh nghèo khốn, đồng thời cũng bày tỏ ra rằng sự giàu có, thịnh đạt của con người không tồn tại mãi mãi, nó hiện hữu và có thể mất tất cả vào ngày mai, ngày mốt. Cơ Đốc nhân thì hoàn toàn khác, sự giàu có trong ân điển của Chúa không chỉ hướng về tiền bạc, nhưng trên tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống: Quyền năng của sự cứu rỗi, sự biến đổi nên mới và kinh nghiệm nên mới mỗi ngày càng hơn, sự bình an, vui tươi, hy vọng và cả đến những vinh hiển, thành công trong cuộc sống. Có thể chúng ta không giàu có về tiền bạc, nhưng những điều khác không ai có thể sánh bằng chúng ta bởi sự ban cho lớn lao của Chúa. Cho nên, một ai đó được dư dật trong lãnh vực nầy hay lãnh vực khác trong cuộc sống, người ấy được Đức Chúa Trời ban cho – người ấy được Chúa làm cho giàu có.

 

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng chúng ta được dư dật bởi Ngài! Chúng ta được chính Chúa làm cho giàu có. Không một phương diện nào thuộc đời sống quý vị mà bị bỏ quên không bị đụng đến, bởi Đấng mà quý vị đang thờ phượng như Thi 23:1 (theo một bản dịch khác) đã công bố: Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, Đấng cung cấp mọi điều mà tôi cần đến.

 

 

2. CHÚNG TA ĐƯỢC BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG CÁCH TOÀN HẢO. (c 8)

“Ngài sẽ khiến anh em được vững bền đến cuối cùng, để khỏi bị quở trách trong ngày của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.”

 

Từ liệu: – “vững bền” có nghĩa là “chắc chắn” hay “ổn định”. – “không bị khiển trách” có thể dịch là “không chỗ trách được”, tại đây nhóm từ nầy có hàm ý rằng không có một sự cố nào xảy đến quá lớn lao vượt cả tầm bảo toàn của Chúa, khiến tín hữu tại Cô-rinh-tô bị khó khăn, khốn đốn đến nỗi họ không thể chịu được, phạm tội khiến phải bị trách phạt trong ngày Đức Chúa Giê-xu Christ.

 

Chính Đức Chúa Trời sẽ bảo toàn cho dân sự của ngài để họ luôn vững chải, mà dạn dĩ trình diện mình trước Chúa Giê-xu trong ngày Chúa phán xét cả thế giới.

 

Con người đang tìm kiếm sự bảo đảm cho bản thân và gởi gắm mọi niềm tin vào những con người, vào tình cảm, công danh sự nghiệp hay vào những hãng bảo hiểm, những ngân hàng…

 

Tuy nhiên, không ít người đã vỡ mộng và đau đớn khốn khổ vì những nơi mình đặt niềm hy vọng. Điển hình, trong trung tuần tháng 2 năm 2009, hàng trăm ngàn người ở Hoa Kỳ và vùng Nam Mỹ đã tin cậy nơi uy tín nhiều chục năm của hệ thống tài chính Stanford, có mặt ở Hoa kỳ và nhiều nước khác trong khu vực. Thế nhưng, vào ngày nói trên hệ thống nầy đã bị phát hiện là không thật như những tuyên bố hay quảng cáo, hệ thống nầy đã lường gạt những người tin cậy sự bảo toàn của nó với con số lên đến 8 tỷ Mỹ Kim. Hàng chục ngàn người trong nhiều nơi bị đỗ vỡ niềm tin, họ xếp hàng ở các chi nhánh ngân hàng Stanford để rút lại tiền của mình mà không thể rút được.

 

Trong khi đó Allen Stanford, tổng giám đốc của hệ thống nầy, trốn mất biệt. Ngày 22 tháng 2 năm 2009, cảnh sát đã bắt gặp được Stanford đang lái xe du hí, thoải mái với người tình trẻ đẹp của mình trên một đường phố tiểu bang Virginia Hoa kỳ. Mới đây giới chức hữu quan định sẽ kết án Allen Stanford 250 năm tù vì tội lừa gạt sự tín nhiệm của người khác (2). Quả thật, không một con người nào, một nơi nào bảo đảm cho con người cách bền vững và hoàn hảo, nhưng trong ân điển của Đức Chúa Trời thì rất khác biệt, I Côr 10.13 chép: “Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được”. Được quyền năng bảo đảm toàn hảo của Chúa bao phủ đời sống đồng nghĩa với người đó được sống an bình, phước hạnh và giàu có trong Đức Chúa Trời.

 

 

3. CHÚNG TA ĐƯỢC TƯƠNG GIAO VỚI CHÚA JESUS CHRIST. (c 9)

“Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài đã gọi anh em được thông công với Con Ngài là Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta.”

 

Từ “thông công” còn được hiểu là liên hệ mật thiết (tương giao). Một người tín hữu của Chúa có một mối tương giao với chính Đức Chúa Giê-xu Christ nhờ vào sự kêu gọi và vun đắp rất rõ ràng của Đức Chúa Trời thành tín. Những liên hệ tương giao của một người Cơ Đốc với Chúa Giê-xu là:

       a. Trở nên con cái Đức Chúa Trời (Giăng 1:12, Rô-ma 8:15-17), được gọi Ngài là Aba – cha yêu dấu.

       b. Trở nên một phần trong thân thể của Đấng Christ.

       c. Được tương giao với Chúa Giê-xu, mối tương giao đó tồn tại cho đến đời đời.

       d. Được thừa kế cơ nghiệp trong Chúa Giê-xu Christ (Rôm 8.17).

 

Mọi mối liên hệ mật thiết tại trần gian đều sẽ vơi cạn và phôi phai; như vụ việc của cô Vũ Thị Kim Anh. Sau nhiều năm yêu đương, mặn nồng với một doanh nhân (Nguyễn Tiến Chính). Nhưng giờ đây tình yêu mật thiết đó không còn nữa, nên sau khi người đàn ông nầy điện thoại gây áp lực để hẹn hò, rạng sáng ngày 14/2/09 (ngày Valentine) Chính đã đưa xe đến rước Kim Anh đi chơi, đồng thời anh Chính muốn bày tỏ những động tác âu yếm với cô như những ngày trước đây, cô Kim Anh đã từ chối, để chống lại điều đó cô đã dùng con dao, cắt cổ anh Chính đến đứt cuống họng, đóng cửa xe và bỏ đi, mặc cho anh bị máu chảy mà không thể kêu cứu được, dẫn đến tử vong ngay trên chiếc xe Lexus của mình sau khi cố lái xe chạy được 800m (3).

 

Mối liên hệ mật thiết của con người dễ dàng vơi cạn, đổi thay là thế, nhưng mối tương giao với Chúa có tính đời đời và thiêng liêng cao đẹp. Chính sự tương giao đầy bảo đảm đó khiến người Cơ Đốc: – Sống trong tình yêu của Đức Chúa Cha không bao giờ vơi cạn. – Sống trong mối liên hệ với Chúa có tính hữu cơ (chi thể của một thân thể), sự sống của Chúa được truyền đến sự sống của chúng ta. – Nhận hưởng mọi cơ nghiệp Chúa dành cho ngay hôm nay và tiếp tục kế nghiệp trong tương lai cách vững chắc. Mỗi Cơ Đốc nhân luôn sống vui, sống trong tình yêu thân thiết của Đức Chúa Giê-xu đáng tin cậy và không bao giờ đổi thay (Hêb13.8).

 

Sự giàu có của người theo Chúa khác biệt với thang giá trị hay cái nhìn của con người, Sứ đồ Phao-lô đã từng mô tả trong II Côr 6:10: “Ngó như buồn rầu, mà thường được vui mừng; ngó như nghèo ngặt, mà thật làm cho nhiều người được giàu có; ngó như không có gì cả, mà có đủ mọi sự!”

 

Tất cả những điều kỳ diệu Chúa cung ứng đã đem lại cho người Cơ Đốc sự cao trọng, giá trị trước Chúa và trước con người trong sự ban cho dư dật của ân điển ngài.

 

Quý vị có đang sống trong tư cách là người giàu có bởi ân điển Đức Chúa Trời ban cho không ?

 

Hãy nhìn biết và sống trong sự dư dật, giàu có trong Đức Chúa Trời dành cho để nếm trải hạnh phúc và tươi vui mỗi ngày vì ai nấy đều được chính Ngài:

Cung cấp cho mọi nhu cầu.

Bảo đảm đời sống cách toàn hảo.

Ban cho mối tương giao mật thiết với Đức Chúa Giê-xu Christ.

 


Mục sư Nguyễn

 


————–

(1) W. Barlay, Giải nghĩa Thư Cô-rinh-tô, trang 20-21

(2) www.vnexpress.net/kinh doanh quốc tế, ngày 22.2.2009

(3) www.ngoisao.net, ngày 17 và 19.2.2009

 

 

Bài trướcNgày 3/8/2015: Việc Lành và Tin Đạo
Bài tiếp theoChiếc Ca Inox Cũ