Ghi Nhớ Việc Chúa Làm – 13/9/2019

2661

 

Ê-xơ-tê 9:18-29

18 Nhưng dân Giu-đa ở tại Su-sơ nhóm hiệp trong ngày mười ba và mười bốn của tháng ấy; còn ngày mười lăm tháng ấy, chúng an nghỉ và lập thành một ngày tiệc yến vui vẻ. 19 Bởi cớ ấy, những người Giu-đa ở nơi các hương thôn, lấy ngày mười bốn tháng A-đa làm một ngày vui mừng, tiệc yến, một ngày lễ để gởi cho lẫn nhau những lễ vật.
20 Mạc-đô-chê ghi chép các điều nầy, và gởi thơ cho hết thảy dân Giu-đa ở trong các tỉnh của vua A-suê-ru, hoặc gần hay xa, 21 để khiến cho họ hằng năm giữ ngày mười bốn và mười lăm của tháng A-đa, 22 vì trong ngày và tháng ấy dân Giu-đa đã thoát khỏi kẻ thù nghịch mình và được bình an, sự đau đớn đổi ra mừng rỡ, và ngày buồn thảm hóa ra ngày lễ; lại bảo họ lập thành ngày tiệc yến và vui mừng, gởi cho lẫn nhau những lễ vật, và bố thí cho người nghèo khổ. 23 Dân Giu-đa nhận làm theo việc mình đã khởi làm, và theo điều Mạc-đô-chê đã viết gởi cho mình; 24 vì Ha-man, con trai Ham-mê-đa-tha, dân A-gát, kẻ hãm hiếp hết thảy dân Giu-đa, có lập mưu hại dân Giu-đa đặng tuyệt diệt đi, và có bỏ Phu-rơ, nghĩa là bỏ thăm, để trừ diệt và phá hủy chúng đi. 25 Song khi bà Ê-xơ-tê đến trước mặt vua để tỏ ra việc ấy, thì vua ra chiếu chỉ truyền bảo rằng các mưu ác mà Ha-man đã toan hại dân Giu-đa hãy đổ lại trên đầu của hắn, và người ta treo hắn với các con trai hắn nơi mộc hình.
26 Bởi cớ đó, người ta cứ theo chữ Phu-rơ, mà gọi các ngày đó là Phu-rim. Lại vì có lời của thơ nầy, và vì cớ các điều chúng đã thấy, cùng bị xảy đến cho mình, 27 nên dân Giu-đa nhận và định thường lệ cho mình, cho dòng giống mình, và cho những người sẽ nhập bọn với mình, mỗi năm phải giữ hai ngày nầy tùy cái thơ nầy và theo thì nhứt định, chẳng ai nên bỏ bê; 28 lại người ta phải nhớ lại hai ngày ấy, và mỗi gia tộc trong mỗi tỉnh mỗi thành phải giữ nó trải qua các đời; chẳng được bỏ bê ngày Phu-rim nầy khỏi giữa dân Giu-đa, và kỷ niệm nó chớ hề mất khỏi dòng dõi họ.
29 Hoàng hậu Ê-xơ-tê, con gái của A-bi-hai, và Mạc-đô-chê, người Giu-đa, lại viết thơ thứ nhì đặng khuyên dân Giu-đa gìn giữ lễ Phu-rim;

Câu gốc: “Lại người ta phải nhớ lại hai ngày ấy, và mỗi gia tộc trong mỗi tỉnh mỗi thành phải giữ nó trải qua các đời; chẳng được bỏ bê ngày Phu-rim này khỏi giữa dân Giu-đa, và kỷ niệm nó chớ hề mất khỏi dòng dõi họ” (câu 28).

Câu hỏi suy ngẫm: Ai là người khởi xướng giữ kỷ niệm ngày lễ Phu-rim này? Người dân Giu-đa làm những gì trong ngày lễ đó? Ngày lễ này có ý nghĩa quan trọng gì với dân Giu-đa và với chúng ta?

Ngày lễ Phu-rim được khởi xướng từ ông Mạc-đô-chê, và được tán đồng bởi Hoàng hậu Ê-xơ-tê, là hai nhân vật đã trải qua biết bao thăng trầm trong câu chuyện lịch sử ly kỳ của dân Y-sơ-ra-ên. Hơn ai hết, họ biết tận tường mọi điều mà Chúa đã sắm sẵn và mở đường khi đối diện với nguy nan. Họ biết chắc nếu không có sự can thiệp đặc biệt đến từ Đức Chúa Trời thì không một ai trong dân Giu-đa có thể sống sót trong ngày mười ba tháng A-đa. Đó là lý do mà ông Mạc-đô-chê ra lệnh mọi người dân Giu-đa phải giữ lấy ngày lễ Phu-rim từ đời này sang đời kia. Bởi đây là ngày để tưởng nhớ đến sự cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho dân tộc Giu-đa sinh sống ở xứ sở Ba Tư tránh khỏi nạn diệt chủng do ông Ha-man lập mưu bày kế. Có thể nói đây là một trong những ngày lễ rất quan trọng đối với dân Giu-đa. Thế nên, trong dịp lễ này người ta sẽ đem sách Ê-xơ-tê ra tuyên đọc giữa nhà hội, và hễ khi nào nghe đọc đến tên ông Ha-man, thì mọi người liền dậm chân la lên: “Hãy xóa tên hắn đi.” Bởi tên của ông Ha-man gắn liền với hình ảnh kẻ ác độc cố tình muốn tuyệt diệt dân Giu-đa, và đó là phản ứng của họ khi nghe đến tên ông Ha-man. Bên cạnh đó, mọi người dân sẽ cùng nhau mở yến tiệc ăn mừng, cùng gửi phần ăn cho nhau và trao quà tặng cho người nghèo khó.

Chúng ta thấy một trong những cách giáo dục con cái của người Y-sơ-ra-ên là kể cho con cháu họ nghe những câu chuyện lịch sử của dân tộc họ. Nếu như người Y-sơ-ra-ên có lịch sử của riêng họ, thì người Tin Lành Việt Nam cũng có những câu chuyện lịch sử riêng của chúng ta. Một câu hỏi đặt ra cho chúng ta hiện nay là, chúng ta am hiểu bao nhiêu về lịch sử của giáo hội mình? Nếu nhìn về hơn 100 năm qua, kể từ ngày Tin Lành truyền đến Việt Nam, hoặc ngay cả nhìn về lịch sử của Hội Thánh mình đang nhóm lại, chúng ta sẽ thấy được vô vàn những phép lạ Chúa đã làm trên Hội Thánh Ngài. Đây là những câu chuyện sống động giúp chúng ta cảm nhận được thể nào Chúa đã đồng hành với Hội Thánh Chúa trong từng chặng đường khác nhau của lịch sử. Thế nên, hãy dành thời gian tìm hiểu về lịch sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, và tại Chi Hội mình đang tham dự. Hãy kể lại cho con cháu nghe để nung nấu lòng biết ơn Chúa của gia đình mình.

Câu chuyện nào trong lịch sử của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam khiến bạn cảm động nhất?

Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì những điều Ngài đã làm trên dân tộc con. Xin giúp con luôn ghi nhớ những điều đó, và kể lại cho thế hệ sau của con để cùng nhau ghi nhớ ơn Ngài.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Sử Ký 16.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org

Bài trướcTP.HCM: Tổng Kết Lớp Huấn Luyện Âm Nhạc Khoá I
Bài tiếp theoHội Đồng Bồi Linh Tỉnh Kon Tum 2019