Ghết-sê-ma-nê – Gô-gô-tha Và Ngôi Mộ Trống.

2586

Ngày thứ năm 11/10/2012 sau buổi ăn sáng thịnh soạn và giờ cầu nguyện tại khách sạn, đoàn hành hương được xe buýt (buýt) đến đón đi tham quan. Vì không biết trước lịch trình trong ngày nên địa điểm đầu tiên mang đến người viết bài này ngạc nhiên lẫn xúc động. Ghết-sê-ma-nê, tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là ép dầu, là một khu vườn nằm một bên sườn thấp của núi Ô-li-ve, nơi Chúa ưa thích, thường đến để cầu nguyện. Không biết ngày xưa Ghết-sê-ma-nê lớn đến mực nào, nhưng Ghết-sê-ma-nê mà người viết bài này thấy được chỉ là một vườn nhỏ, có lẽ vì địa điểm quá lừng danh, các giáo phái khác nhau cất rất nhiều nhà thờ chung quanh ngôi vườn này. Nếu đứng tại một góc vườn, ta có thể nhìn thấy cả khu vườn. Với bàn tay chăm sóc của các nhà thờ chung quanh, Ghết-sê-ma-nê tuy nhỏ bé nhưng rất sạch sẽ, êm đềm, đúng với tinh thần của địa điểm Chúa thường đến cầu nguyện.

 

Vườn Ghết-sê-ma-nê

 

Điểm nổi bật của Ghết-sê-ma-nê là những cây Ô-li-ve trong vườn. Ta có thể nói Ghết-sê-ma-nê là vườn Ô-li-ve. Tour guide hướng dẫn chúng tôi đến cây Ô-li-ve già nhất trong vườn, được 3000 năm, và những cây 2000 năm, cùng thời với Chúa, và cây 1000 năm. Những cây Ô-li-ve cao và lớn này nhìn cũng biết là rất già, vì khô và bộng, nhưng vẫn sống. Trong những cây Ô-li-ve già tại vườn, không biết Chúa đã quỳ gần cây nào trong giờ tương giao thống thiết với Đức Chúa Cha. Người Do Thái tin rằng cây Ô-li-ve bất tử. Hướng dẫn viên nhắc chúng tôi câu chuyện nước lụt thời Nô-ê, sau khi nước bắt đầu rút, chim bồ câu được thả đi và đã bay trở về tàu Nô-ê với một nhánh Ô-li-ve nơi miệng. Trong cơn lụt, mọi sinh vật và cây cối khác đều chết nhưng cây Ô-li-ve vẫn sống.

 

Ngày nay, các du khách không cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê nhưng thường bước vào một trong những nhà thờ chung quanh để cầu nguyện. Thì giờ dành để tham quan Ghết-sê-ma-nê rất ngắn ngủi nên người viết bài này đã không cầu nguyện nơi đây được. Nhưng Ghết-sê-ma-nê nhỏ bé, êm đềm bắt đầu sống trong tâm trí, mỗi năm khi mùa thương khó lại về, người viết bài này có thể nhìn thấy được hình ảnh Chúa quỳ trong vườn, chiến đấu trong sự cầu nguyện cô đơn. Trong những năm thi hành chức vụ, Chúa vẫn cầu nguyện hàng ngày, thường trong lúc sáng sớm, tại nơi vắng vẽ. Chỉ lần cầu nguyện tại Ghết-sê-ma-nê là lần duy nhất mồ hôi Ngài đổ ra như những giọt máu lớn, vì đó là giờ Ngài phải đi đến một quyết định tối hậu, quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến số phận Ngài và số phận của chúng ta. Chúa có quyền tự do để theo ý Đức Chúa Cha nhưng cũng có trọn quyền tự do để từ chối ý muốn của Đức Chúa Cha trên cuộc đời của Ngài. Bài hát “Gethsemane” (I only want to say) trong vở nhạc kịch “Jesus Christ Super Star” diễn tả nỗi lòng của Chúa trong đêm cầu nguyện đặc biệt, đối với người viết bài này, là bài hát Anh ngữ hay nhất không nằm trong Thánh ca. Kể từ ngày được vinh dự nhìn thấy Ghết-sê-ma-nê, địa điểm này giúp đỡ người viết bài trong những sự lựa chọn giữa ý mình và ý Chúa. Ghết-sê-ma-nê được thăm viếng và nhắc nhở thật nhiều không phải vì địa điểm nhưng vì ĐẤNG ĐÃ QUỲ TRONG VƯỜN CẦU NGUYỆN THỐNG THIẾT ĐỂ THEO Ý ĐỨC CHÚA CHA VÀ SỰ VÂNG PHỤC CỦA NGÀI ĐÃ THAY ĐỔI SỐ PHẬN CỦA CHÚNG TA.

 

Đến ngày hôm sau, thứ sáu 12/10, đoàn tham quan mới được đưa đến chỗ gọi là Cái Sọ, tiếng Do Thái thời Chúa (Aramaic) gọi là Gô-gô-tha, tiếng La-tin gọi là Calvary. Địa điểm này ở bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, vì Ngài đã bị đóng đinh bên ngoài thành. Từ nơi xử án của Tổng Trấn Phi-lát đến nơi đây khoảng vài cây số, vài sử gia ước định khoảng 3 cây số.

 

Đồi Gô-gô-tha

 

Hướng dẫn viên của ngày hôm nay là một người Do Thái đã tin nhận Chúa, một thanh niên trắng hơn nhưng thấp người hơn Hướng dẫn viên các hôm trước. Anh đã trình bày rõ ràng về địa điểm Gô-gô-tha. Từ sau cái chết của Chúa đến nay, xứ thánh ngập tràn chiến tranh, cảnh máu đổ thịt rơi không dứt và thành Giê-ru-sa-lem đã bao lần bị san thành bình địa. Nên muốn tìm lại những di tích xưa cách chính xác không phải dễ. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đất nhiều nhà khảo cổ học đã đào xới để tìm lại những chứng tích của Kinh Thánh. Năm 1842 một nhà thần học người Đức đã tìm ra được nơi xử tội và một ngôi mộ. Đến năm 1883, nơi này đã được một vị tướng Anh quốc, Gordon, cùng nghiên cứu với các nhà thần học, xác nhận địa điểm này là Gô-gô-tha, nơi Chúa bị đóng đinh, dựa vào những lý do sau đây:

 

1. Tên của địa điểm trong Kinh Thánh, cả 04 sách Tin Lành đều ghi là Chỗ Cái Sọ. Hình của khu đất này mang đúng hình của một cái sọ người, vầng trán phía bên trên, hai lỗ mắt sâu hoáy, chiếc mũi đã gãy và bên dưới mũi mang hình của một cái miệng. Cả xứ thánh không có vùng đất nào mang hình như vậy. Đúng là Chỗ Cái Sọ, đúng như tên người xưa đã đặt. Phái đoàn tham quan chúng tôi đã nhìn rất rõ vùng đất này, nhìn gần cũng như nhìn xa, đúng là hình một cái sọ.

 

2. Địa điểm này gần thành Giê-ru-sa-lem cũ, Giăng đoạn 19 đã ghi rằng Ngài chết bên ngoài thành. Địa điểm này nằm bên ngoài thành. Theo những lời diễn tả của 04 sách Tin Lành, địa điểm này đúng như sự diễn tả.

 

3. Dựa theo truyền thống của người dân sống ở vùng đất này, người dân ở đây tin rằng đây là nơi xử tử phạm nhân ngày xưa. Địa điểm này thỏa đáng được một số đòi hỏi của người La Mã: bên ngoài thành, ngay bên xa lộ nơi có nhiều người qua lại để chứng kiến.

 

Mỗi người tham quan Gô-gô-tha đều mang những xúc cảm khác nhau, mỗi người tìm đến Gô-gô-tha đều có những lý do khác nhau, nhưng Gô-gô-tha thu hút con dân Chúa vì điều đã xảy ra và lời kết luận của hướng dẫn viên bao gồm trọn vẹn ý nghĩa của Gô-gô-tha: NGÀI ĐÃ CHẾT NƠI ĐÂY VÌ TỘI LỖI CỦA CHÚNG TA.

 

Ngôi mộ trống

 

Rồi chúng tôi được đưa sang thăm ngôi mộ trống bằng xe buýt. Dù tất cả những nơi chúng tôi tham quan đều đầy xe buýt với khách tham quan nhưng chưa nơi nào tôi thấy nhiều xe buýt và người bằng nơi đây. Ngôi mộ trống của Chúa vẫn là biến cố hàng đầu của lịch sử nhân loại.

 

Những điều Giăng 19:41 đã diễn tả đang hiện ra trước mắt chúng tôi: nơi Chúa bị đóng đinh có một cái vườn, và trong vườn này có một ngôi mộ mới. Ngôi vườn trước mắt tôi thật đẹp và khang trang vì có bàn tay chăm sóc. Ngôi vườn này lớn hơn vườn Ghết-sê-ma-nê, có lẽ vì có người can thiệp nên các giáo phái không xây nhà thờ đầy chung quanh được. Trong khi Ghết-sê-ma-nê mang vẻ hiu quạnh, êm đềm, vắng vẻ, gợi cho người những xúc cảm trầm lặng, lâng lâng, ngôi vườn tại đây mang nét nhẹ nhàng, tươi sáng, như hoa đang bừng nở, như chim đang hót trong lòng. Tôi thấy dấu vết của một sân ép nho hoặc ép Ô-li-ve ngày xưa, những cây trồng theo thứ tự trang nhã, những hàng ghế gỗ sắp theo cách nhóm thờ phượng của nhà thờ ngay trong vườn. Và đang khi ngồi trên những chiếc ghế gỗ này, chúng tôi được nghe hướng dẫn viên trình bày lịch sử cuộc tìm kiếm ngôi mộ trống.

 

Xứ Do Thái đã được khảo cổ học dầy công tìm hiểu. Năm 1867 một người Hy Lạp mua khu đất này và ông bắt đầu đào xới để tìm nước. Tình cờ, ông đã tìm được một ngôi mộ. Liên lạc và cộng tác với một thần đạo gia người Đức, họ bắt đầu đào xới thêm nữa và đã tìm ra một ngôi nhà thờ đã có từ thế kỷ thứ 5. Tại sao có người xây nhà thờ nơi đây? Tại sao có sự thờ phượng nơi đây? Dù không có sử sách nào ghi lại tại sao nơi đây có nhà thờ, nhưng chứng cớ rất rõ ràng là đã có sự thờ phượng nơi đây. Người đầu tiên xác nhận nơi đây là ngôi vườn của mộ Chúa là Tướng Gordon vào năm 1883, một vị Tướng người Anh quốc và cũng là một sinh viên thần học. Năm 1893 Garden Tomb Association (Hội Vườn Mộ) ra đời và một năm sau đó Hội đã mua lại vùng đất này từ nơi người Hy Lạp. Từ đó đến nay, Hội gìn giữ, chăm sóc ngôi vườn này để dành cho sự cầu nguyện và thờ phượng.

 

Câu hỏi được đặt ra là tại sao nơi đây được xem là ngôi mộ của Chúa vì chung quanh thành Giê-ru-sa-lem chắc chắn có rất nhiều ngôi mộ và một số các ngôi mộ ấy thuộc gia đình giàu? Để thỏa đáng cho câu hỏi trên, hướng dẫn viên đã trình bày những điểm như sau:

 

1. Dựa theo Tin Lành Giăng 19:41 ngôi mộ Chúa phải là ngôi mộ mới, chưa chôn ai. Đây là một ngôi mộ được đục bên trong một tảng đá rất lớn với một tảng đá khác nằm bên ngoài để được xử dụng như cửa. Ngôi mộ mới và lớn, nằm trong một khu vườn lớn chắc chắn là ngôi mộ của một gia đình giàu. Giô-sép người Arimathea đã xin phép Phi-lát được chôn Chúa, là một người giàu.

 

2. Ngài bị đóng đinh bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem. Ngôi mộ nằm trong khu vườn này ở bên ngoài thành, về hướng bắc. Từ nơi khu vườn của ngôi mộ, ta có thể nhìn thấy được thành Giê-ru-sa-lem cũ.

 

3. Ba địa điểm – nơi đóng đinh, khu vườn, ngôi mộ phải gần nhau. Và địa điểm nơi đây hoàn toàn thỏa đáng được điều Giăng 19:41 diễn tả. Đây là một khu vườn dành cho việc trồng trọt, cũng như Ghết-sê-ma-nê là vườn Ô-li-ve thì đây là vườn trồng nho. Người ta tìm được một ao nước rất sâu và rất lớn bên dưới khu vườn, chứa được một triệu lít nước. Điểm này rất quan trọng trong việc chứng minh sự chính xác của địa điểm, nhưng không phải là điểm then chốt.

 

Rồi chúng tôi được sắp hàng để vào thăm mộ. Trong buổi sáng trời nắng đẹp ngày hôm ấy, chúng tôi được đứng trước cửa mộ của Chúa. Bên ngoài cửa mộ, người ta đã khắc trên đá hàng chữ bằng Anh ngữ: Ngài không ở đây đâu – Ngài đã sống lại (HE IS NOT HERE – FOR HE IS RISEN). Du khách tham quan rất đông, phải theo thứ tự để vào bên trong mộ và cũng không ở trong mộ lâu được. Đến phiên, chúng tôi phải cúi người để bước vào mộ vì cửa mộ không cao. Bên ngoài đang nắng sáng, phía trong mộ bỗng tối lại ngay. Người ta để một ngọn đèn rất nhỏ, treo lơ lững trên cao từ một góc để du khách có thể thấy bên trong ngôi mộ. Hơi lạnh toả ra từ đá trong mộ. Ngôi mộ khá lớn, chiều ngang hơn 3 mét và chiều cao hơn 2 mét, gồm có hai ngăn: phòng nhỏ ngay khi bước vào mộ dùng làm phòng cho gia đình than khóc; phòng bên cạnh là nơi đặt xác người. Tuy là hai ngăn nhưng nhìn giống như một vì không có vách ngăn. Ngôi mộ này được đục trong đá lớn đủ chôn cho 03 người, đúng là ngôi mộ riêng của một gia đình giàu và chủ vườn nho này cũng là chủ mộ.

 

Tôi nhìn sửng sờ vào nơi mà hơn 2000 năm trước đây, xác Chúa đã nằm. Bên trong mộ khá tối nên những người muốn chụp hình kỷ niệm phải dùng đèn flash. Số người chờ đợi bên ngoài rất đông nên không ai dám chần chờ lâu trong mộ. Dù chỉ đứng bên trong mộ có đôi phút nhưng cảm xúc lúc ấy sẽ chẵng bao giờ quên: vì tội lỗi chúng ta, Chúa đã phải bước vào thế giới của Tử Thần, và Chúa đã chiến thắng Tử Thần vì chúng ta và cho chúng ta. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

Sau khi mọi người trong đoàn đều đã thăm mộ, chúng tôi cùng nhau thờ phượng Chúa ngay trong khu vườn nho này, cùng nhau hát những bài thánh ca về sự sống lại, cùng dự Tiệc Thánh. Lời hướng dẫn của hướng dẫn viên sáng hôm ấy như là bài giảng cho chúng tôi, nhất là lời kết luận của anh: “Chúng ta có thể tiếp tục nói về công trình của khảo cổ học trong việc tìm kiếm ngôi mộ thêm vài ngày nữa, nhưng điểm tối quan trọng là khảo cổ học đã tìm được NGÔI MỘ TRỐNG.” Đến phần dâng hiến, mọi người được cho biết một thùng dâng hiến bằng kiếng đặt ở góc vườn sẽ nhận tiền dâng hiến của du khách để Hội Vườn Mộ có thể tiếp tục công tác chăm sóc, gìn giữ ngôi mộ Chúa. Chúa ơi! Dù chúng con biết rõ rằng “Ngài không ở đây đâu – Ngài sống lại rồi”, nhưng ngôi mộ trống này là chứng cớ cho mọi người chưa tin rằng Chúa của chúng con đã chiến thắng Tử Thần, nên chúng con sẽ cùng nhau gìn giữ ngôi mộ Chúa. Chúa đã phán cùng Thô-ma “Phước cho người chẳng thấy mà tin.” Chúng con đã là những người có phước đó. Bây giờ, chúng con đã tin và đã thấy, chúng con là những người có phước nhất đời. Chúng con xin tạ ơn Chúa.

 

 

Đoàn Thu Cúc

Bài trướcHội Đồng Bồi Linh Hội Thánh Tin Lành Tỉnh Bình Định Năm 2015
Bài tiếp theoBài thứ 137: Tình yêu vĩnh hằng