Đức Chúa Trời Ở Cùng Chúng Ta

7504

 

“Ngày nay lễ Giáng sinh đã làm lu mờ hình ảnh của Chúa Cứu Thế.” Đó là lời nhận định khá tinh tế và chính xác về điều đáng buồn của lễ Giáng sinh trong xã hội hiện đại. Thật vậy, ngày nay lễ Giáng sinh đã bị thế tục hóa và người ta đã cố tình lọai bỏ Chúa Cứu Thế ra khỏi lễ Giáng sinh, để nó chỉ còn là lễ hội vui chơi ăn uống mua sắm cho thỏa thích. Giáng sinh không còn là Christmas mà chỉ là X’mas thôi. Là những người Cơ Đốc chân chính, chúng ta phải khẳng định rằng nếu không có Đấng Christ thì không có Giáng sinh và lễ Giáng sinh trở nên vô nghĩa (No Christ No Christmas).

 

Trong mùa kỷ niệm Chúa giáng sinh, chúng ta có dịp nhắc đến nhiều danh hiệu quí báu của Chúa Cứu Thế, nhưng một trong những danh hiệu được nhiều yêu quí và kinh nghiệm là “Em-ma-nu-ên – Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”. Đối với tôi và gia đình, danh hiệu này thật có ý nghĩa trong mùa giáng sinh năm nay khi nhìn lại bốn mươi năm qua kể từ năm 1975, một hành trình gần như dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng ngày xưa… Vì thế, thiết nghĩ giáng sinh năm nay nên là giáng sinh cảm tạ Chúa vì quả thật Đức Chúa Trời đả ở cùng chúng ta. Nhưng trước hết hãy suy niệm một ít về ý nghĩa thần học của danh hiệu Em-ma-nu-ên.

 

Em-ma-nuên – Sự nhập thể nhiệm mầu

“Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” có nghĩa gì? 700 năm trước khi Chúa giáng sinh, Đức Chúa Trời đã dùng tiên tri Ê-sai để tiên báo về Đấng mê-si-a sẽ đến  “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; EsIs 7:14nghĩa  là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Ê-sai 7:14) và lời này đã được ứng nghiệm theo Phúc âm Ma-thi-ơ 1:23. Lời tiên tri này bày tỏ sự giáng sinh của Chúa Giê-xu là sự nhập thể mầu nhiệm. Thánh Giăng cũng bày tỏ tương tự “Ngôi Lời đã trở nên xác thể sống giữa chúng ta, đầy ân điển và chân lý”(Giăng 1:14) (TTHĐ). Để Đức Chúa Trời vốn là thần linh cao cả có thể đến với con người mong manh, nhỏ bé Ngôi hai Thiên Chúa phải hóa thân làm người, mang lấy xác thể như con người qua hài nhi Giê-xu được thai dựng bởi Đức Thánh Linh. Đây là điều vượt quá sự hiểu biết của con người nhưng là sự thật vì “không việc chi Đức Chúa Trời không làm được.”

 

Sự nhập thể và nhập thế của Chúa Giê-xu trước hết nhằm mặc khải Thiên Chúa cho chúng ta. Đây là điều khiến nhiều người xưa nay cảm thấy khó chấp nhận, ngay cả những người xưng là Cơ Đốc nhân và tìm mọi cách để bác bỏ. Người ta dễ dàng chấp nhận Ngài là vị tiên tri của Chúa hay ca ngợi Ngài như là “Người vĩ đại nhất đã từng sống”[1] nhưng không tin chính Ngài là Thiên Chúa thành người. Ngày nay người ta ca ngợi Chúa như một nhân vật lịch sử vĩ đại, là giáo chủ của một tôn giáo lớn nhất thế giới nhưng người ta khó chấp nhận Ngài là hiện thân của Thiên Chúa. Tuy nhiên có nhiều chứng cớ vững chắc để khẳng định điều này. Chính Chúa Giê-xu đã tự xác nhận “Ta với Cha là một” “Ai thấy ta tức thấy Cha.”  Thánh Giăng bởi Đức Thánh Linh soi dẫn đã khẳng định “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết.” (Giăng 1:18). Những ngày gần đây, tôi đã đọc về Lâm Ngữ Đường, nhà văn kiêm học giả nổi tiếng người Trung Hoa mà giới trí thức Việt Nam rất ngưỡng mộ và tôi phải cảm tạ Chúa vì Chúa đã cứu ông. Sau hơn 30 năm chống đối Cơ Đốc giáo và đi tìm kiếm chân lý thì năm 1959 ông đã ăn năn và quay trở về với Chúa và thừa nhận Chúa Giê-xu là hiện thân của Thiên Chúa. Trong bài viết “Vì sao tôi trở lại vơi Cơ Đốc giáo”đăng trong tạp chí Presbyteran Life ngày 15/4/1959, Lâm Ngữ Đường đã viết: “Tôi khám phá ra rằng từ xưa đến giờ chưa có ai dám nói những lời như Chúa Giê-xu đã nói” và “Trở về với Thánh Kinh, tôi thấy Thánh Kinh không chỉ là quyển sách ghi lại những dữ kiện lịch sử, nhưng cũng ghi lại sự mặc khải chính xác qua Chúa Giê-xu; chính sự mặc khải đó đã đem Đức Chúa Trời xuống ngang tầm mắt của tôi, để tôi có thể biết Ngài..”[2]

 

Sự nhập thể của Chúa Giê-xu qua sự giáng sinh cũng để đem con người đến với Thiên Chúa. Tội lỗi đã khiến con người xa cách Thiên Chúa, khiến con người không còn nhận biết Ngài và không thể đến gần Ngài. Vì thế, Chúa Giê-xu giáng sinh làm người cũng để đem con người quay về với Thiên Chúa. Ngài bắt một nhịp cầu tương giao giữa Thiên Chúa và con người qua sự chết chuộc tội trên cây thập tự, như Kinh Thánh chép: “Vả, Đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, là Đấng công bình thay cho kẻ không công bình, để dẫn chúng ta đến cùng Đức Chúa Trời.” (1 Phi 3:18) Mỗi người chúng ta sinh ra là để sống, nhưng Chúa Giê-xu sinh ra là để chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Cho nên chuồng chiên máng cỏ phải gắn liền với Thập tự giá trên đồi Gô-gô-tha. Chúa chịu chết để đem con người hòa thuận với Thiên Chúa và Ngài trở nên Đấng trung bảo giữa Trời và người.  (1 Tim 2:5)

 

Nói đến đây, chúng ta không thể nào quên câu nói nổi tiếng của nhà thần học Athanasius thế kỷ thứ 3 SC, là người đã bảo vệ giáo lý Ba ngôi và sự nhập thể của Đấng Christ bằng câu nói rất sâu sắc: “Con Trời trở nên Con Người để con người trở nên con cái Đức Chúa Trời” (Son of God became Son of Man that the sons of men might become the sons of God).

 

Em-ma-nu-ên- Đấng Cứu Thế vào đời

Ý nghĩa quan trọng nữa của Em-ma-nu-ên là Ngài Đấng Cứu Thế. “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus , vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội.”  (Mat.1:21). Tên Giê-xu không phải là tên thông thường người ta đặt cho con trẻ mới sinh, mà là một danh hiệu cao quí. Trong Lu-ca 2:11, thánh Lu-ca đã liên kết ba danh hiệu lại với nhau “Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa.” thật là có ý nghĩa. Chúa giáng sinh để làm Đấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại mà không thể tìm ở người nào khác “vì chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác vì ở dưới trời chẳng có danh nào ban cho loại người để chúng phải nhờ đó mà được cứu.”. Ngài là Đấng được Thiên Chúa xức dầu để biệt riêng, mặc lấy ơn quyền thiên thượng để thi hành sứ mệnh mà Đức Chúa Cha giao phó. Ngài đến để làm chủ, làm Chúa cuộc đời của mỗi chúng ta. Con người mất phước vì loại bỏ thẩm quyền của Chúa trên đời sống mình. Ngài là Cứu Chúa và cũng là Chủ của cuộc đời mình, nghĩa là Ngài phải trở thành trung tâm điểm của đời sống. Vì thế sự giáng sinh của Chúa trở thành niềm vui lớn cho mọi người.

 

Em-ma-nu-ên đến để ở cùng và ở trong chúng ta

Từ khi loài người phạm tôi thì Kinh Thánh chép “Đức Giê-hô-va phán rằng: Thần ta sẽ chẳng hằng ở trong loài người luôn.” (Sáng 6:3a) Trong thời Cựu ước, Đức Chúa Trời chỉ ở với một số người đặc biệt như vua, thầy tế lễ, tiên tri là những người được xức dầu (được biệt riêng) mà thôi. Nhưng khi Chúa Giê-xu giáng sinh, thời đại ân điển đã mở ra. “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật.” Ngài chẳng những ở giữa chúng ta mà Ngài còn ở trong chúng ta qua Đức Thánh Linh và Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta luôn cho đến tận thế nữa. Cảm tạ Chúa vì Em-ma-nu-ên đã đem đến phước hạnh kỳ diệu không thể kể xiết.

 

Lời Chúa hứa trong Kinh Thánh

Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta không phải chỉ là danh hiệu, một câu khẩu hiệu, mà là hiện thực cần được kinh nghiệm trong đời sống của con dân Chúa. Đó là lời hứa để chúng ta lấy đức tin  nắm lấy và kinh nghiệm sự hiện diện quyền năng của Ngài. Đa-vít đã kinh nghiệm “Dầu khi tôi đi trong trũng bóng chết, tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi.” (Thi Thiên 23:4). Chúa hứa với Giô-suê: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.” (Giô-suê 1:9) .Chúa cũng hứa qua tiên tri Ê-sai 43:2  “Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa, sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi.”

 

Cảm tạ Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta trong bốn mươi năm qua

Nhìn lại 40 năm qua kể từ năm 1975, chúng ta phải dâng lời cảm tạ Ba ngôi Đức Chúa Trời vì thật Em-na-nu-ên – Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta, ở cùng cá nhân, gia đình và Hội thánh Chúa ở Việt Nam. Thật không ai sau 30.4.75 có không thể tưởng tượng được rằng sau 40 năm kinh qua muôn vàn gian truân, hoạn nạn, thử thách mà chúng ta có thể sống còn và tốt đẹp như ngày hôm nay. Tôi vẫn còn nhớ Giáng sinh năm 1975, chúng tôi bồng cháu bé mới ba tháng tuổi đến nhà thờ dự lễ với một tâm trạng buồn bã, lo âu, thất vọng vì trong Hội thánh người thì đi học tập cải tạo, kẻ thì vượt biên, gia đình chia lìa, bạn bè ly tán, không biết còn sống hay đã chết; cuộc sống phải đối diện với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn, đói khổ! Còn Hội thánh thì gặp khó khăn, bắt bớ, tan lạc như chiên không có kẻ chăn. Nhìn vào hoàn cảnh bi đát như thế, chúng ta tự hỏi rồi tương lai sẽ đi về đâu! Nhưng rồi năm tháng dần qua, bởi ơn thương xót, quan phòng của Chúa, bởi sức mạnh của đức tin qua sự cầu nguyện và lời quyền năng của Đức Chúa Trời, con dân Chúa đã vượt qua thử thách, gian truân, kinh nghiệm “dầu khi tôi đi trong bóng chết tôi sẽ chẳng sợ tai họa nào vì Chúa ở cùng tôi.” và “Khá ở trong xứ và nuôi mình bằng sự thành tín của Ngài.” (Thi 37:3b). Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không rơi vào tình trạng yếu đuối vô tín, nghi ngờ quyền năng của Ngài. Cũng có những lúc chúng ta cũng nói như Ghi-đê-ôn rằng:

 

“Ôi! Chúa, nếu Đức Giê-hô-va ở cùng chúng tôi, sao các điều nầy xảy đến cho chúng tôi?” “Đức Giê-hô-va từ bỏ chúng tôi.” (Các quan xét 6:12, 13). Nghĩ lại chúng ta phải ăn năn về sự yếu đuối của mình.  Tuy nhiên, tôi có thể ví sánh con dân Chúa ở Việt Nam trong 40 năm qua với hành trình của dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng. Thật Chúa có “hạ ngươi xuống và thử ngươi, đặng biết điều có ở trong lòng ngươi” (Phục truyền 8:2) Thật “Đức Giê-hô-va đã sửa phạt tôi cách nghiêm trang nhưng không phó tôi vào sự chết.” (Thi 118:18) để rồi hôm nay sau bốn mươi năm nhìn lại, con dân Chúa phải đồng thanh với tác giả Thi Thiên mà nói rằng:

 

“Hỡi các dân, hãy chúc tụng Đức Chúa Trời chúng ta, Và làm cho vang tiếng ngợi khen Ngài.
9 Chính Ngài bảo tồn mạng sống chúng ta,
Không cho phép chân chúng ta xiêu tó.
10 Vì, Đức Chúa Trời ơi, Chúa đã thử thách chúng tôi,
Rèn luyện chúng tôi y như luyện bạc.
11 Chúa đã đem chúng tôi vào lưới,
Chất gánh nặng quá trên lưng chúng tôi.
12 Chúa khiến người ta cỡi trên đầu chúng tôi;
Chúng tôi đi qua lửa qua nước;
Nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có.” (Thi 66:8-12)

 

Hãy thực hành sự hiện diện của Chúa mỗi ngày

Kỷ niệm Chúa Giáng sinh với danh hiệu Em-ma-nu-ên cũng nhắc chúng ta thực hành sự hiện diện của Chúa mỗi ngày trong đời sống. Chúng ta phải nhìn thấy Chúa ở cùng chúng ta trong bất cứ công việc nào chúng ta làm và trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta sống: trong công việc làm ăn, sinh sống mỗi ngày, trong lúc thử thách, hoạn nạn, bệnh tật, khi phải quyết định bất cứ việc gì…Lúc nào chúng ta cũng ý thức rằng chúng ta không ở một mình mà luôn có Ngài bên cạnh và Ngài luôn săn sóc chúng ta như lời Chúa hứa. (1 Phi 5:7). Muốn kinh nhiệm sự hiện diện của Chúa mỗi ngày, thiết nghĩ chúng ta phải làm hai điều: Trước hết, hãy lấy đức tin bước đi với Chúa mỗi ngày, để Ngài dẫn dắt chúng ta trong mọi việc. (Thi 121) Thứ hai, hãy nhìn hoàn cảnh chung quanh với cặp mắt của Chúa, cặp mắt đức tin và để Ngài hành động và dẫn dắt chúng ta vì biết rằng “Đấng ở trong các con là lớn hơn kẻ ở trong thế gian.” (1 Giăng 4:4)

 

Nguyện Em-ma-nu-ên – Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong suốt mùa Giáng sinh và năm mới sắp đến. A-men!

 

Trinh Phan

Giáng sinh 2015

 

 

 


[1] Hãy cảnh giác với quyển sách của tà giáo Chứng nhân Giê-hô-va có tựa đề Người vĩ đại nhất đã từng sống, bản tiếng Việt in ở Hoa Kỳ năm 1996 và đang lưu hành ở VN.

[2] Sau khi trở lại với Cơ Đốc giáo, ông có viết một cuốn sách mà hầu hết giới trí thức VN chưa biết, đó là cuốn From Pagan to Christian, xuất bản năm 1959 tai Anh.

Bài trướcBản Tin 3: Hơn 4.000 Người Tiếp Nhận Chúa Qua Các Chương Trình Truyền Giảng Giáng Sinh
Bài tiếp theoCĐGD: GIỚI THIỆU SÁCH HƯỚNG DẪN ĐỌC KINH THÁNH MỖI NGÀY