Đối Tượng Được Yêu Thương – 13/1/2018

3065

 

Rô-ma 5:6-8

6 Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. 7 Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. 8 Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.

Câu gốc:  “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết (câu 8).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô cho biết tình trạng của toàn thể nhân loại như thế nào trước khi nhận được sự cứu rỗi từ Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời đã làm gì để cứu chuộc đối tượng Ngài yêu? Thái độ cần có của chúng ta đối với Ngài, với người khác, và với chính mình như thế nào khi nhận biết điều này?

Trong cuộc sống mỗi ngày, thỉnh thoảng chúng ta có nghe về tấm gương của những người hy sinh mạng sống mình vì người khác. Tuy nhiên, đây là những việc hiếm hoi, “họa” hay “dễ thường” mới có chuyện hy sinh như vậy, và sự hi sinh đó cũng chỉ dành cho những đối tượng có mối liên hệ thân thương, hoặc cho “người nghĩa”“người lành” mà thôi. Trong khi đối tượng mà Chúa Giê-xu hy sinh mạng sống mình là những con người “yếu đuối”, “có tội” (câu 6-7). “Yếu đuối” trong nguyên văn có nghĩa là không còn năng lực, không có một chút sức mạnh nào, hay bất lực. Từ ngữ này chỉ về tình trạng nhân loại không thể hiểu lẽ thật thuộc linh (I Cô-rinh-tô 2:14), không thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời (Ê-sai 64:6; Lu-ca 16:15), và không thể vâng lời Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 4:17-24). “Kẻ có tội” trong câu 6 có nghĩa là vô đạo, đồi bại, nguy hại, gian ác. Đây là từ ngữ nói về việc hình ảnh của Đức Chúa Trời trong con người bị bóp méo, sai lệch, thiếu mất sự vinh hiển của Chúa (Rô-ma 3:23), sống không như sự mong muốn của Đức Chúa Trời trong mục đích tạo dựng, và trở nên thù nghịch với Ngài. “Người có tội” trong câu 8 là từ trái nghĩa của “người nghĩa”“người lành” (câu 7), nói cách khác, đây là người biết Luật Pháp nhưng vẫn vi phạm Luật Pháp. Kỳ diệu thay, những người “yếu đuối”“có tội” như vậy lại là đối tượng được Chúa yêu thương và chết thay!

Hơn nữa, cho dù có người nào đó hy sinh mạng sống mình cho người khác – thường được nhìn nhận là anh hùng – thì cũng vẫn là một con người bất toàn bởi đã phạm tội (Rô-ma 3:23). Nhưng để cứu con người tội lỗi ra khỏi sự đoán phạt đời đời, Đức Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài, Đấng Christ, là Đấng vô tội chịu chết thay cho tội lỗi nhân loại. Khi nhận biết tình trạng xấu xa, tuyệt vọng của nhân loại, trong đó có chúng ta, thì chúng ta mới có thể cảm nhận phần nào tình yêu và ân sủng vĩ đại, vô đối mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là đối tượng Ngài yêu. Và khi nhận biết tình yêu lớn lao của Chúa, chúng ta mới có thể sống biết ơn Chúa, trở nên khiêm nhường, hạ mình, và bởi đó mới có thể yêu thương, chấp nhận người khác.

Mỗi khi nhớ đến hay nhìn lên cây thập tự, bạn có nhận biết mình không xứng đáng chi nhưng vẫn được Chúa yêu thương và hy sinh cho bạn không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài vì tình yêu và ân sủng lạ lùng của Ngài dành cho con là đối tượng không xứng đáng. Xin cho con luôn sống với lòng biết ơn Chúa và yêu thương người khác như Ngài đã yêu thương con.

 

Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 13.

Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.

 

Bài trướcBan Trị Sự TLH Họp Mặt Với BĐD, Nhân Sự Đại Diện 34 Tỉnh Thành
Bài tiếp theoMệt Mỏi – 14/1/2018