DẪN NHẬP
Chế độ nô lệ là một phần không thể tách rời khỏi cơ chế xã hội thời cổ. Người Hy Lạp và La Mã đã định chế hóa nô lệ để khai thác sức lao động của họ cả trên ruộng đồng lẫn trong thị thành. Cơ chế nô lệ đã phát triển và có chỗ đứng vững vàng từ thế kỷ thứ hai trước khi Chúa giáng sinh (TC). Vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa (SC), gần một phần ba dân số trong đế quốc La Mã, nhất là trong các thành phố lớn, là nô lệ. Theo luật La Mã, nô lệ là một thứ đồ vật thuộc quyền sở hữu của người khác nên có thể bị đối xử tệ bạc, dù chỉ một lỗi lầm nhỏ cũng có thể bị trừng phạt nặng nề.
Không ít người đã ngạc nhiên là tại sao Cơ Đốc giáo ngay từ buổi ban đầu đã không tấn công hay lên án mạnh mẽ chế độ nô lệ. Các tác giả Tân Ước không hề nhận định về nguồn gốc chế độ nô lệ hay nêu ý kiến phải xóa bỏ chế độ nô lệ. Dù có đề cập một số tín hữu trong Hội Thánh đầu tiên là nô lệ hay chủ nô (1 Côr. 7:21; Côl. 3:22-4:1; Ê-phê-sô 6:5-9; 1 Tim. 6:1; 1 Phi 2:18-21), trong Tân Ước không có một sự ủng hộ hay biện bác mang tính thần học cho vấn đề nầy.
Sứ đồ Phao-lô đã có khải tượng về một nhân loại mới, trong đó không có sự phân biệt giai cấp, giới tính, chủng tộc hay địa vị xã hội (Gal. 3:28; Col. 3:11). Trong Phi-lê-môn, ý muốn của Phao-lô không nhằm vào sự thay đổi bề mặt của cơ cấu xã hội nhưng ông hướng đến một sự biến đổi sâu xa về các mối liên hệ cá nhân, và đánh giá lại mối liên hệ giữa chủ nô và nô lệ Cơ Đốc bằng một “sự thay đổi mang tính đột phá đối với toàn bộ cơ chế nô lệ.”
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ TRONG THỜI BAN SƠ CỦA HỘI THÁNH
Nguồn gốc: Chế độ nô lệ rất phát triển trong cả thời Hy Lạp lẫn La Mã. Trước thế kỷ thứ nhất (SC), nguồn gốc chính của nô lệ là những người bị hải tặc bắt cóc hay các tù binh chiến tranh. Ngoài ra, vì để trả nợ hay hy vọng vào một cuộc sống khá hơn nhiều người đã tự bán mình hay con cái mình làm nô lệ. Ban đầu, phần lớn nô lệ đến từ phía Đông đế quốc nhưng về sau thì người Đức, Pháp, Anh lại là nguồn cung cấp chính. Các nô lệ thường bị mất quốc tịch và trở thành một phần trong nền văn minh Hy-La.
Tình trạng pháp lý: Địa vị pháp lý của một nô lệ không khác gì một đồ vật, một vật sở hữu để người khác mua bán, trao đổi. Aristotle đã định nghĩa nô lệ là một “tài sản sống”, một “công cụ sống.” Vì vậy họ không thể có một hôn nhân hợp pháp, không có quyền bào chữa trước tòa, không có quyền thừa kế. Tuy nhiên, theo luật Do Thái, Hy Lạp và La Mã, nô lệ có thể sở hữu tài sản riêng, kể cả sở hữu các nô lệ khác. Họ có thể dùng tài sản để mua tự do hay để có một đời sống tiện nghi như những người tự do khác.
Địa vị xã hội: Nói chung thì nô lệ không thuộc vào một giai cấp nào trong xã hội La Mã; địa vị xã hội của họ hầu như tùy thuộc hoàn toàn vào vị trí của người chủ. Trong các gia đình Hy-La, nô lệ không chỉ là người giúp việc đồng áng, nấu ăn, giặt giũ, mà còn là các gia sư, y sĩ, y tá hoặc quản gia. Các nô lệ có khả năng có thể được các chủ nô cho học hành tử tế và trở thành những triết gia nổi tiếng (Epectetus), các giáo sư tài ba (Verrius Flaccus), các quan cai trị (Felix) hay các nghệ sĩ, nhà văn tài danh. Họ đã hợp thành một “giai cấp” trí thức phóng khoáng trong thế kỷ thứ nhất.
Sự phóng thích nô lệ: Theo luật La Mã trong thế kỷ thứ nhất thì nói chung, một nô lệ có thể được tự do vào tuổi ba mươi. Có khi cả nhà nô lệ cùng được phóng thích, đặc biệt là sau cái chết của chủ nô. Cũng có khi người nô lệ lại không muốn được phóng thích vì ở trong nhà chủ họ thấy an toàn và sung sướng hơn.
Luật La Mã đối với nô lệ bỏ trốn: Theo luật La Mã cổ thì chủ nô là công dân La Mã thì “có quyền làm bất cứ điều gì họ muốn đối với bất cứ nô lệ nào họ có”. Nô lệ bỏ trốn có thể đem lại những tổn thất nặng nề cho chủ, vì vậy khi bị bắt lại họ có thể bị chủ giam giữ cho đến khi nào chủ không muốn giam giữ nữa thì thôi. Sau khi được trả về cho chủ, người chủ có thể cư xử rất tàn bạo và ngông cuồng với họ. Họ có thể bị đóng đinh, ném cho thú dữ hay các loài cá ăn thịt người, hoặc nhẹ hơn thì bị đóng lên trán chữ “F” (trốn) bằng con dấu sắt nung đỏ, hoặc xẻo tai hay đánh đập, hành hạ tàn nhẫn.
Theo luật của thành A-thên, một nô lệ khi tính mạng bị đe đọa có thể trốn đến bàn thờ của các gia đình. Người chủ nhà bắt buộc phải cho họ nương náu, dù là tạm thời. Sau đó, chủ nhà phải thuyết phục người nô lệ ấy trở về với chủ với lời cam kết sẽ làm nguôi cơn giận của người chủ; nếu người nô lệ bỏ trốn không chịu trở về vì không tin vào sự tha thứ của chủ nô thì chủ nhà phải đem người ấy ra chợ nô lệ bán lại và đem số tiền bán đó hoàn lại cho chủ nô cũ.
PHAO-LÔ, PHI-LÊ-MÔN VÀ VẤN ĐỀ CỦA Ô-NÊ-SIM
Bối cảnh của thư Phi-lê-môn: Một nô lệ tên là Ô-nê-sim vốn không ích lợi (c. 11) cho Phi-lê-môn, một người chủ Cơ Đốc tốt, sống ở Cô-lô-se (1,2). Ô-nê-sim đã trốn khỏi nhà chủ sau khi ‘làm thiệt hại’ hay ‘mắc nợ” Phi-lê-môn (18) và đã tự nguyện hay tình cờ gặp sứ đồ Phao-lô trong lao tù rồi tiếp nhận Chúa, trở thành một người tốt (c. 11b, Col. 4:9). Bây giờ Phao-lô muốn gửi Ô-nê-sim về lại chủ cũ theo đòi hỏi của pháp luật, nhưng ông yêu cầu Phi-lê-môn không những tha thứ cho người nô lệ cũ của mình mà còn chấp nhận anh ta như “người anh em yêu quý” (16). Phao-lô bảo đảm rằng Ô-nê-sim bây giờ “ích lợi” cho cả ông lẫn Phi-lê-môn, và ông đề nghị sẽ bồi hoàn những thiệt hại hay nợ nần do anh ta gây ra cho Phi-lê-môn (18). Rõ ràng Phao-lô đã thúc giục Phi-lê-môn tiếp nhận người nô lệ bỏ trốn với cả lòng nhân hậu của một Cơ Đốc nhân.
Trường hợp của Ô-nê-sim: Ít nhất có hai có hai sự tranh biện liên quan đến trường hợp của Ô-nê-sim. Thứ nhất, theo John G. Nordling, Ô-nê-sim là một nô lệ đã bỏ trốn khỏi nhà chủ. Giả thuyết nầy không những được thể hiện trong tinh thần Phúc âm của thư Phi-lê-môn mà còn được ủng hộ bởi những bức thư ngoài Kinh Thánh đề cập vấn nô lệ bỏ trốn (như thư của quan tổng trấn Pliny và những quan chức La Mã khác). Có thể Ô-nê-sim đã bị bạc đãi hay đã phạm lỗi hoặc một trọng tội nên đã bỏ trốn và đến nhờ Phao-lô giúp đỡ. Bức thư quan tâm đến việc tiếp nhận và hòa giải giữa chủ tớ khi người nô lệ trở về. Thứ hai, FF. Bruce và W. Schenk thì nói rằng trong thư Phi-lê-môn không có từ nào liên quan đến ‘nô lệ bỏ trốn’ cả. Ô-nê-sim là nô lệ chưa tin Chúa của Phi-lê-môn. Khi được sai đến găp Phao-lô vì một công tác nào đó, anh ta đã trở thành Cơ Đốc nhân và tham gia vào công tác truyền giáo của Phao-lô. Vì vậy, Phao-lô viết thư cho Phi-lê-môn yêu cầu ông trả tự do cho Ô-nê-sim để anh ta có thể trở lại cộng tác với mình. Bức thư không nói về sự tha thứ nhưng về sự tiếp đón Ô-nê-sim trở về không với tư cách một nô lệ nữa mà là anh em trong Chúa.
Dù trong trường hợp nào thì Phao-lô cũng đang gửi chàng nô lệ Ô-nê-sim trở về với chủ Phi-lê-môn với lời yêu cầu là hãy đón tiếp anh ta không như một nô lệ mà là một anh em trong Chúa.
YÊU CẦU CỦA PHAO-LÔ
Để giải quyết tình huống thật nhạy cảm và khó xử nầy, Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời về “lòng yêu thương và đức tin” của Phi-lê-môn (4-7) cũng như bày tỏ tình cảm sâu sắc đối với Ô-nê-sim (12) như là nền tảng của sự kêu gọi. Phao-lô đã cẩn thận chọn lựa ngôn từ thật nhẹ nhàng để tiếp cận vấn đề (8). Phao-lô thừa nhận rằng Phi-lê-môn đã từng cưu mang một Ô-nê-sim (nghĩa là ‘hữu ích’) “không ích lợi gì”, nhưng nay thì “ích lợi cho cả anh và tôi”. Đây là cách ‘chơi chữ’ tài tình của Phao-lô để kêu gọi sự hòa giải tự nguyện của Phi-lê-môn (14). Những câu kế tiếp, Phao-lô thẳng thắng đặt vấn đề rằng nếu Ô-nê-sim có “làm hại hay mắc nợ anh điều chi thì hãy cứ kể cho tôi” (18) và tôi “sẽ trả cho anh” (19).
Phao-lô không dừng lại ở bề mặt của vấn đề là xin cho người nô lệ được sống dựa trên quyền quyết định của chủ nô như bức thư của Pliny gửi cho Sabinianus nào đó. John Knox cho rằng trong khi Pliny dựa vào thái độ hối lỗi của người nô lệ bỏ trốn để xin quyền tha thứ của chủ, thì Phao-lô không hề đề cập sự hối lỗi của Ô-nê-sim hay quyền tha thứ của Phi-lê-môn.
Dù có nhiều cách giải thích khác nhau, câu 16 được xem như là “Bản Tuyên Ngôn” về sự giải phóng nô lệ và giá trị con người. Từ οὐκέτι ‘không còn là’ cho thấy rằng Ô-nê-sim đã lìa bỏ thân phận nô lệ khi trở thành anh em yêu dấu trong Đấng Christ trên mọi bình diện, dưới đất cũng như trên trời. Ô-nê-sim bây giờ là một nô lệ Cơ Đốc cần được Phi-lê-môn đón tiếp như cách ông sẽ tiếp đón sứ đồ Phao-lô sau nầy vậy.
Điều mà Cơ Đốc giáo làm để chống lại chế độ nô lệ là giới thiệu một mối quan hệ mới giữa người với người tại đó mọi khác biệt bên ngoài đều bị xóa bỏ. “Tại đây không còn phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp, người nô lệ hoặc người tự do, nam giới hay nữ giới, vì tất cả anh em đều là một trong Đấng Christ Jesus” (Gal. 3:28, HĐTT). Chính nô lệ Ô-nê-sim đã bỏ trốn, và cũng chính nô lệ nầy đã trở về. Điều Phao-lô đòi hỏi Phi-lê-môn có vẻ khác thường trong xã hội thời ấy, nhưng không thể khác hơn được vì Ô-nê-sim không chỉ là một nô lệ, anh ta là anh em yêu dấu trong Chúa.
LỜI ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI TỪ PHI-LÊ-MÔN
Dù có thể ra lệnh cho Phi-lê-môn hành động, Phao-lô thích để cho ông tự quyết định và đáp ứng một cách hồn nhiên. Phao-lô yêu cầu và tin rằng Phi-lê-môn còn làm quá điều ông yêu cầu nữa (21). Có thể Phao-lô muốn Phi-lê-môn gửi Ô-nê-sim về lại cho ông và hơn thế nữa ông thúc giục Phi-lê-môn đón nhận Ô-nê-sim với lòng khoan nhân, vì điều gì Phi-lê-môn làm cho Ô-nê-sim cũng chính là làm cho ông (20). Thật không dễ cho Phi-lê-môn làm như thế, đặc biệt là trong bối cảnh xã hội vào thời đó vì một nô lệ bỏ trốn phải bị trừng phạt như luật định để răn đe những nô lệ khác.
Nhưng chúng ta vững tin rằng Phi-lê-môn đã làm như vậy. Sự tồn tại của bức thư nầy cho thấy rằng Phi-lê-môn đã nhã nhặn đáp ứng, nếu không ông đã tịch thâu và tiêu hủy bức thư và chúng ta không còn biết về nó nữa. Ít nhất thì Phi-lê-môn đã hòa giải với Ô-nê-sim và sau đó Ô-nê-sim đã tham dự vào các chương trình truyền giáo của Phao-lô. Theo Ignatius, nhiều năm sau đó, Ô-nê-sim đã trở thành giám mục của Ê-phê-sô. Knox cho rằng Ô-nê-sim chính là nhà lãnh đạo Hội Thánh, người lưu giữ bức thư nầy như là bản “Hiến chương Tự do”, và cũng là người chịu trách nhiệm sưu tập và công bố các thư tín khác của Phao-lô.
Ý NGHĨA THẦN HỌC CỦA QUAN ĐIỂM PHAO-LÔ VỀ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ TRONG THƯ PHI-LÊ-MÔN
Bức thư của sứ đồ Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn, một chủ nô Cơ Đốc, đã phát ra một tia sáng khác thường vào nhận thức của Cơ Đốc nhân đối với định chế nô lệ trong thế giới thời cổ. Bức thư không quan tâm đến việc một nô lệ như Ô-nê-sim sẽ phải cư xử thế nào với chủ của mình, nhưng lại chú trọng đến việc chủ nô Phi-lê-môn phải cư xử thế nào với nô lệ của mình. Phao-lô muốn người chủ nô thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một mối quan hệ mới, đặt trên nền tảng đức tin và tình yêu thương, đó là mối quan hệ anh em trong Chúa, đạt đến một mức độ cao hơn và khác hơn mối quan hệ chủ tớ.
Để thuyết phục Phi-lê-môn, Phao-lô đưa ra một cái nhìn thiêng liêng (15) qua cách sử dụng động từ ở thể thụ động “xa cách” với hai từ tương phản về thời gian “tạm thời” và “mãi mãi”. Sự bỏ trốn của Ô-nê-sim là ơn thiên hựu để mang lại phước hạnh cho Phi-lê-môn (ss. 6) khi ông được sở hữu Ô-nê-sim mãi mãi. Đức Chúa Trời luôn có mục đích tốt đẹp cho những ai yêu kính Ngài, cả chủ nô lẫn nô lệ.
Nhờ ân điển Chúa, Ô-nê-sim không còn là Ô-nê-sim vô ích (ἄχρηστον: không có Đấng Christ) nữa mà đã trở thành người hữu ích (εὔχρηστον) cho mọi người (11). Phi-lê-môn không có lý do gì để từ chối một con người đã được biến đổi bởi Đấng Christ để trở nên người được “dựng nên mới (2 Cô. 5:17), từ một người vô dụng trở nên người hữu dụng. Vì vậy, Ô-nê-sim cần được tiếp đón như là anh em yêu dấu. Ông đã hưởng sự tự do trong Đấng Christ và sống với mối quan hệ mới trong Chúa. Đúng như chủ đích của Phao-lô khi viết thư cho Phi-lê-môn và cho chúng ta, điều quan trọng không phải là sự thay đổi cơ cấu mà thay đổi mối quan hệ.
KẾT LUẬN
Dù là một bức thư mang tính cá nhân, gần đây thư Phi-lê-môn đã thu hút giới học giả khi nghiên cứu về những nguyên tắc giải quyết việc đem Phúc âm đến với những nhóm dân tộc có những định chế xã hội lâu đời. Chế độ nô lệ là một định chế xã hội không thể một sớm một chiều thay đổi được, và là vấn đề cần được xem xét như một hệ quả hơn là đối tượng để phê phán. Trong thư Phao-lô không tấn công hay lên án chế độ nô lệ nhưng nói thẳng và đòi hỏi một sự thay đổi quyết liệt nơi người nô lệ và nhất là giới chủ nô.
Mối quan hệ mới giữa con người với con người xây dựng trên đức tin và tình yêu thương được áp dụng cả cho người nắm quyền lẫn người thừa hành. Sự phân biệt giai cấp trong xã hôi loài người không thể tác động hay ảnh hưởng đến mối quan hệ anh em trong Chúa. Theo tinh thần thư Phi-lê-môn, mối quan hệ bình đẳng tác động hỗ tương như hai mặt của cùng một trọng trách. Tình anh em không dựa trên mối quan hệ huyết thống mà trên sự hiệp nhất trong Đấng Christ. Nơi nào có mối quan hệ trong Christ nơi đó không còn chế độ nô lệ.
Với lời lẽ nhẹ nhàng nhưng thái độ cương quyết, Phao-lô đã vận dụng tình huống của Ô-nê-sim và Phi-lê-môn để thực hiện vai trò lịch sử của ông trong việc thiết lập những mối quan hệ mới trong sự sống và sự tự do thật trong Đấng Christ.
LTP