Chung Dòng Ân Điển

1229

HTTLVN.ORG – Ông Mục sư Nhiệm chức còn trẻ, rất trẻ, chỉ mới ngoài ba mươi tuổi, mũi thẳng, mắt sáng, vầng trán rộng, thoáng nét tư lự, đôi má phơn phớt màu thư sinh, trắng hồng, non trẻ.

          Ông đang đứng ở sân sau nhà thờ. Sân rộng, có gần mươi cội mai già, vài cây trổ hoa muộn sau Tết, vài cây lá đổi màu sậm đón nắng hè, vài cây lác đác dăm ba chiếc lá vàng úa, như đang muốn êm ả xuôi tay lìa cành.

          Ông Mục sư đang bế trên tay một đứa bé ba tuổi. Một bé trai xinh xắn. Cánh mũi thẳng, nhè nhẹ thở hơi thở thiên thần dịu dàng, thơm tho. Vầng trán thoáng rộng, ngời sáng, yên vui.. Đôi mắt to, tròn, đang mở rộng, đăm đăm nhìn vào khuôn mặt ấm áp của cha. Vài cánh mai non nở muộn rơi trên mái tóc xanh xanh đen đen, khoẻ mạnh của bé. Cả hai cha con đang nhìn mấy cánh mai non vui vẻ bên những chiếc lá mầm khép nép.

          Một thanh niên độ hai mươi sáu, hai bảy; cao cao, mảnh khảnh từ cửa bên cánh trái nhà thờ bước ra sân sau. Ông Mục sư Nhiệm chức thả con xuống đất, bảo:

–      Chào thầy đi con!

          Giọng nói non nớt cất lên từ tay nấm xinh xắn vừa mọc lên trên mảnh đất sân sau nhà thờ:

–      Chào thầy!

          Rồi bé quay sang ông Mục sư Nhiệm chức, mấy ngón tay từ bàn tay phải xinh xắn chỉ sang tư thất:

–      Con vô Mẹ, nha Ba ?

          Thầy Truyền đạo mới đến nói với bé:

–      Ừ, con vào nhà đi. Anh An Nhiên đang ở trong đó.

          An Nhiên là cháu, gọi thầy Truyền đạo bằng cậu ruột. An Nhiên theo cậu đến thăm ông bà Mục sư Nhiệm chức, được bà Mục sư giữ lại trong tư thất, cho ăn bánh lá tín đồ vừa biếu.

          Chú bé con ông Mục sư vừa chạy khuất, thầy Truyền đạo nói với ông Mục sư:

–      Ông Mục sư à, hôm lễ khai giảng của sinh viên Thần Học khoá sáu, tôi có ý tìm ông Mục sư, mà không thấy.

–      Tôi ngồi ở hàng ghế sau cùng. Tôi có trông thấy thầy, nhưng không kịp chào. Tôi mãi nói chuyện với cậu Khương ở Hội Thánh mình.

          Thầy Truyền đạo trầm ngâm một lúc, rồi nói:

–      Tôi có gặp cậu Khương sau đó. Cậu rất cảm kích về việc ông bà Mục sư giúp cậu một phần học phí…

          Ông Mục sư Nhiệm chức mỉm cười, vui vẻ:

–      Cậu Khương cũng rất cảm kích việc Thầy cô Truyền đạo giúp cậu một phần học  phí…

          Thầy Truyền đạo đưa mắt nhìn thật nhanh những cội mai già trong sân nhà thờ.Có những cây mai nở hoa xuân muộn màng. Có những cây mai lá đổi màu sậm đón nắng hè. Có những cội mai loáng thoáng dăm ba chiếc lá vàng úa. Năm ba thế hệ cội mai cùng chôn chân trong sân nhà thờ dài, rộng.

          Thầy Truyền đạo nhắc chuyện cậu Khương:

–      Sau lễ khai giảng, cậu Khương có nói chuyện với tôi khá lâu. Cậu tỏ ý ân hận rất nhiều vì đã đồng một lòng một ý với cha cậu trong việc gây phân rẽ giữa tôi với ông Mục sư.

          Ông Mục sư cười nhẹ:

–      Lý do chẳng có gì. Mục sư Nhiệm chức tốt nghiệp khoá một Viện Thánh Kinh Thần học và một thầy Truyền đạo tốt nghiệp khoá ba cùng hầu việc Chúa ở một Hội Thánh. Một người về trước, được bổ nhiệm làm Mục sư Quản nhiệm Hội Thánh, một người về sau, nhận giáo vụ lệnh giữ trách nhiệm Truyền đạo phụ tá. Cả hai người xem như anh em, hiệp nhất dưới một mái nhà hầu việc. Một vài tín đồ thấy Hội Thánh bình an, thiếu sóng vỗ, vắng cơn ba đào, đã ngồi quán cà phê bàn với nhau: “Cả hai đều còn trẻ, kỵ tài ganh sức, làm gì có thể ưa nhau…” Vậy là nhiều chuyện được dựng nên, được đơm đặt, được kết tủa và cuối cùng…sóng dậy. Cả hai người, ông Mục sư và thầy Truyền đạo đều muốn ra đi, để Hội Thánh được bình an…

          Thầy Truyền đạo cũng cười nhẹ:

–      Nhưng rồi, chẳng có ai ra đi cả.

          Ông Mục sư nhìn những lộc non nở muộn trên mấy cội mai già. Thầy Truyền đạo nhìn những cội mai đã đẩy lá ngã màu xanh sậm để đón nắng hè. Còn những bóng nắng chảy lung linh trên những cội mai già đang để cho những lá úa vàng vẫn gắn vào sự sống của thân cây, như còn lưu luyến.

           Ông Mục sư nói, giọng ấm áp:

–      Vào hôm ông Mục sư Uỷ viên Mục Vụ ở Tổng liên đến giảng, thầy còn nhớ không? Ông giảng dạy đề tài “Ăn Ở Hoà Thuận”, ông giảng bằng ý tưởng sâu sắc từ những giá trị thiêng liêng của Lời Kinh Thánh ở Thi Thiên 133

              “ Kìa, anh em ăn ở hoà thuận nhau.

              Thật tốt đẹp thay!

              Ấy khác nào dầu quý giá đổ ra trên đầu,

              Chảy xuống râu, tức râu của A-rôn.

              Chảy đến trôn áo người.

              Lại khác nào sương móc Hẹt Môn

              Sa xuống các núi Si-ôn;

              Vì tại đó Đức Giê-hô-va đã ban phước,

              Tức là sự sống cho đến đời đời ”.

          Ông cũng giảng bằng những hình ảnh sống động từ thiên nhiên của Chúa và bằng lời đượm tình thắm ý của một nhà giáo dạy môn Văn. Ông giảng:“Trên mặt đất nầy, không có hai ngọn cỏ giống nhau, nhưng nhiều ngọn cỏ không giống nhau hợp thành một thảm cỏ xanh rờn, mịn màng, êm dịu. Trong mọi dòng nước nơi thế gian, không có hai giọt nước giống nhau, nhưng từ những giọt nước không giống nhau, những đại dương, những biển cả được hình thành, sóng gợn sóng, thuỷ triều nô nức xuôi dòng ra biển. Trên những bãi biển vàng ánh màu cát, không có hai hạt cát giống nhau, nhưng những hạt cát không giống nhau đã họp thành những bãi cát vàng, óng ánh màu cát nóng bỏng hoặc ấm áp. Trên thế gian này, không có hai con người giống nhau, nhưng giữa những con người không giống nhau đó, có những người bước đến chân thập tự giá, nhận sự cứu rỗi, với những khác biệt của cá tính, của cảm nghĩ, của ước mơ, đã cùng nhau hợp thành một Hội thánh đẹp đẽ, tinh anh, giống như những nốt nhạc không giống nhau đã hợp thành một hoà khúc du dương, êm đềm”.

          Thầy Truyền đạo cũng nhớ lại:

–      Tôi nhớ, bài giảng ấy đã làm cho mắt cậu Khương rưng rưng. Cậu nhìn ông Mục sư rồi nhìn tôi. Tôi thấy mắt cậu loáng buồn, loáng vui, như những cơn sóng trào dâng rồi lại cuộn xuống, lặng thầm.

–      Sau đó, cậu Khương cùng cha của cậu, cùng đi với vài ba ông bà trung niên đã từng lắm chuyện cùng với năm, sáu thanh niên đã từng gây sự, đến tư thất Mục sư. Họ cũng cho mời thầy đến, thầy nhớ không ?

          Thầy Truyền đạo gật đầu:

–      Tôi có nhớ! Và trước mặt hai chúng ta, họ xin lỗi hai người chúng ta, và…họ khóc. Lúc ấy, ông Mục sư Mục vụ bước vào tư thất, mang theo mấy nhánh mai, hoa đã héo tàn, mấy nhánh mai khác lá đã chuyển màu xanh sậm và mấy nhánh khác còn vương lá úa. Cả chúng ta và cả họ đều ngạc nhiên. Ông Mục sư Mục vụ nói:

–      “Tôi đi xa, lúc quay về nhà thường kể chuyện. Hôm nay, khi về nhà, truyện tôi kể sẽ là mấy nhánh mai khác lộc này đây. Có nhánh nằm trên những cội mai già, nở lộc trước, nay nhánh bắt đầu khô, lá đã úa tàn, sắp rơi xuống mặt đất, sẵn sàng cho một sự quay về; có nhánh đang độ vững chải, sắc lá thấm đậm, sẵn sàng cho những đợt nắng gắt mùa hè, có nhánh non trẻ, mới kết nụ ra hoa. Tất cả đều từ những gốc mai bám rễ trên nền sân nhà thờ lặng lẽ…”

          Ông Mục sư nhớ lại chuyện cũ, bật cười:

–      Lúc đó, tôi tưởng đâu ông Mục sư Mục vụ của mình ôm mấy nhánh mai chà chuôm đó đi về Hội Thánh rất xa của ông ấy chứ – Ai ngờ, ông còn nhanh hơn bọn trai trẻ tụi mình. Ông chất mấy nhánh mai khác lứa lên bàn, lấy điện thoại di động chụp nhanh vài bức ảnh, rồi nhờ người thu dọn mấy nhánh mai. Ông nói với mấy nhánh mai: “Rồi nhé, bọn mi dầu trẻ dầu già, dầu giỏi dầu dở đều đã làm xong sứ mạng lịch sử của mình trong khoảng thời gian bọn mi ở trên đất nầy. Chúng ta chia tay nhé!”

          Mọi người lúc đó đều cười, kể cả mấy ông thích quậy, đang len lén nhìn ông Mục sư Mục vụ, cười bẻn lẻn.

          Thầy Truyền đạo vui chuyện:

–      Ông Mục sư biết không, tuần rồi tôi về thăm gia đình. Chúa nhật nhóm thờ phượng Chúa ở Hội Thánh nhà. Diễn giả hôm đó là một vị Mục sư trong Ban Trị sự Tổng liên. Ông giảng đề tài “Nhớ Đến Việc Chúa Đã Làm” – Ông dựa trên lời Chúa ở Thi Thiên 77, nhất là câu Kinh Thánh ở Thi thiên: 77:11

              “Tôi sẽ nhắc lại công việc của Đức Giê-hô-va

                 Nhớ đến các phép lạ của Ngài khi xưa”

–      Ông nhắc nhở ý tưởng trọng yếu trong cuộc đời người theo Chúa: Ấy là hãy nhớ đến ơn lớn nhất và toàn vẹn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta, là ơn cứu chúng ta bằng chính sự chết của Ngài trên thập tự giá – chính ơn cứu chuộc ấy đã đem chúng ta đến gần Ngài và đến gần nhau. Trong cuộc đời theo Chúa, hãy luôn nhìn thấy ý chỉ của Chúa và ơn chăm sóc của Ngài trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tình thương yêu và sự chăm sóc của Ngài trên những kẻ thuộc về Ngài khiến mọi tồn tại trên đất nầy đều run rẩy và thuận phục theo ý chỉ Chúa. Những kẻ thuộc về Ngài sống những ngày trên đất nầy bằng sự biết ơn. Chính tấm lòng biết ơn Chúa khiến tôn cao nhân phẩm của những kẻ thọ ơn. Chính lòng biết ơn ràng buộc những kẻ thọ ơn với nhau trong một côi nguồn ân điển chung là sự cứu chuộc và sự chăm sóc mỗi ngày từ Cứu Chúa.

         

          Hôm đó cậu Khương cũng có theo về thăm gia đình tôi. Em trai tôi là bạn cùng học một lớp Thánh Kinh hè với cậu. Cậu có nghe vị Mục sư ở Tổng Liên giảng dạy. Khi tan nhóm, ra đến cổng nhà thờ, cậu nắm lấy cánh tay tôi, siết mạnh:

–      Thầy ơi! Em mang ơn Chúa vì Chúa dạy em, em và thầy và Mục sư quản nhiệm ở Hội Thánh mình được ràng buộc cùng nhau trong ơn cứu chuộc và chăm sóc mỗi ngày của Chúa.

          Ông Mục sư biết không, tính tôi không quen bày tỏ cảm xúc của mình nên khi nghe cậu Khương nói, tôi chỉ yên lặng, nghe. Ngày hôm sau, trở lại Hội Thánh dưới này, tôi mang sang biếu ông Mục sư ít quà mẹ tôi gởi, là bánh ít lá gai làm từ bột nếp mà mẹ cậu Khương biếu. Bà Mục sư ở đây cũng cho tôi mấy cái bánh ít trần, cũng làm từ bột nếp mà mẹ cậu Khương biếu. Những chiếc bánh ấy làm cho tôi vui lắm, ông Mục sư. Tôi thấy rõ, chúng ta là một, trong đời thường và trong cuộc sống tâm linh.

          Ông Mục sư Nhiệm chức mỉm cười.

 

          Trời tháng tư oi oi. Đã sắp chuyển sang tháng năm. Đất chờ mưa. Lòng người đang ngửa trông ân điển. Ông Mục sư Nhiệm chức hỏi thầy Truyền đạo:

–      Trong điểm nhóm, số ly dùng cho Lễ Tiệc Thánh có đủ không ?

–      Có lẽ sắp thiếu. Sau Lễ Báp têm vào tháng sáu, sẽ có thêm hai mươi bốn tín đồ chính thức…

          Ông Mục sư Nhiệm chức gật đầu:

–      Trong buổi họp sắp tới của Ban Chấp sự, xin thầy báo việc này.

          Thầy Truyền đạo gật đầu. Ông Mục sư Nhiệm chức thầm nghĩ:

–      Thêm hai mươi bốn linh hồn, hai mươi bốn cuộc đời bước vào ơn kêu gọi và cứu chuộc. Hai mươi bốn cuộc đời, hai mươi bốn tâm hồn gắn vào một thân thể thiêng liêng, tắm mình trong dòng sông thanh tẩy của huyết báu Chúa Giê-xu. Tất cả là một. Một thập tự giá – Một dòng huyết thiêng – Một tình yêu – Một sự liên kết – Một sự hoà nhịp – Một hạnh phúc – Một tương lai.

          Rồi ông nhìn thầy Truyền đạo, ông hỏi, giọng trầm ấm áp:

–      Có phải không thầy ?

          Thầy Truyền đạo đâu có nghe được tiếng nói nội tâm của người anh đồng lao, nên thầy ngơ ngác:

–      Thưa, ông Mục sư nói chi ?

 

          Trên nền trời xanh, mấy cụm mây trắng đang bay thong dong, khẽ nghiêng người nhìn xuống hai người trẻ tuổi trong sân nhà thờ, cười nhẹ.

 

Dã Hạc

 

Bài trướcBài thứ 119: Khi Một Hội Thánh Chết?
Bài tiếp theoChương Trình Huấn Luyện Về Công Tác Xóa Mù Chữ Tại Tỉnh Cà Mau