Chào Đời – Lìa Đời

1233

“Sự  tin kính cùng sự thỏa lòng, chính là nguồn lợi lớn.  Vì khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo, thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được; vì vậy, có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng.”

(1 Ti-mô-thê 6:6-7)

 

 

Khi lập gia đình, cặp vợ chồng nào cũng mong có con.  Khi bắt đầu mang bầu, người mẹ cũng như người cha đều trông chờ từng ngày cho đến khi đứa bé cất tiếng khóc chào đời.  Đó là ngày vui vẻ, là ngày đánh dấu một thành viên mới được thêm vào gia đình.  Nếu đó là con đầu lòng, sự ra đời của đứa bé sẽ là ngày trọng đại của hai vợ chồng vì cả hai đều được lên “chức ba, chức mẹ”.  Ngày sinh quan trọng như vậy, nên việc tổ chức sinh nhật là một truyền thống đã có từ lâu đời của nhiều nước trên thế giới.  Riêng ở nước ta, việc tổ chức sinh nhật ngày trước không phổ biến như bây giờ, có lẽ do cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng giới trẻ ngày nay thường tổ chức sinh nhật hơn, có khi khá linh đình, tốn kém.  Trong tiệc sinh nhật, gia đình, bạn bè chúc nhau, vui mừng, ăn uống với nhau và tặng quà cho nhau vui vẻ vì ai cũng cho rằng đó là ngày kỷ niệm sự kiện trọng đại của một người.

 

Lời Chúa cũng nói đến ngày ra đời, tuy nhiên, khi nói đến ngày ra đời của một người, Kinh Thánh đã nhấn mạnh thêm một sự thật hiển nhiên mà nhiều người thường ít chú ý, ấy là khi chào đời chẳng có ai mang gì theo.  Ai cũng bắt đầu hiện hữu trên trái đất này với một thân hình trần trụi, yếu ớt.

 

Rồi cuộc sống của từng người có thể dài hay ngắn khác nhau, công việc làm khác nhau, giàu nghèo cũng không ai giống ai.  Có người cả đời không để dành được chút của cải nào đáng kể nhưng cũng có người tích luỹ cho mình một lượng của cải khá lớn.  Tuy nhiên có một sự thật hiển nhiên nữa được Kinh Thánh nhấn mạnh thêm ngoài việc chào đời tay trắng, thì khi lìa đời cũng chẳng có ai mang gì theo được, chỉ còn một thân xác bất động nằm đó, bỏ lại tất cả những gì người ấy tích luỹ, chắc chiu; kết thúc những hoài bão, những chương trình, kế hoạch dang dỡ. 

 

Lời Chúa khẳng định: “khi chào đời chúng ta chẳng đem gì theo, thì lúc lìa đời cũng không thể mang gì đi được”.  Chúa muốn nhắc chúng ta lưu ý hai điểm quan trọng:

 

Thứ nhất, con người có thời điểm chào đời thì chắc chắn phải có thời điểm lìa đời.  Chết là một sự kiện không ai tránh được, dù chẳng ai mong muốn.  Đã là người, ai cũng có khởi đầu và có kết thúc cuộc sống trên đất.  Sự chết có thể đến với chúng ta bất kỳ lúc nào không ai có thể biết trước được.

 

Và thứ hai, vào đời tay trắng, thì lìa đời cũng trắng tay.  Tài sản, công danh, sự nghiệp của một người chỉ bắt đầu trên đất và cũng chỉ tồn tại trên đất mà thôi.  Những gì trên đất đều phải để lại trên đất, đó là quy luật bất biến của Tạo Hóa.

 

Có người cho rằng nếu như vậy thì khoảng thời gian chúng ta được sống trên đất, cần gì lo học hành, làm ăn, dành dụm.  Cứ sống thoải mái theo ý thích tới đâu thì tới, rồi…  chết.  Nếu nghĩ như vậy thì chúng ta đang tự hạ thấp giá trị của mình ngang hàng với con vật, vì con vật cũng chỉ biết ăn uống rồi chết mà thôi!

 

Có người thì ngược lại, suốt ngày đêm chỉ biết dốc hết tâm lực, trí lực quần quật để kiếm tiền và thâu trữ, rồi khi nhắm mắt lìa đời, bỏ lại sau lưng tất cả, không biết thâu trữ để làm gì, vì chẳng ai có thể mang theo bất cứ điều gì ở trên đất này vào cõi vĩnh hằng. 

 

Chúa không muốn chúng ta, là những Cơ Đốc nhân, sống như vậy, Lời Chúa nhắc nhở rằng cuộc sống vĩnh hằng của mỗi người không phải ở trần gian này nhưng ở đời sau.  Ý thức được sự ra đời và lìa đời đều tay trắng giúp cho chúng ta sống những ngày đáng sống vì xác định của cải vật chất chỉ là những điều tạm bợ, vốn có giá trị thật tương đối ở trần gian.  Chúng ta sẽ không đeo đuổi và tích trữ của cải nhưng biết sử dụng của cải kiếm được như những phương tiện phục vụ cho cuộc sống và cho mục đích đời đời của mình. 

 

Cách sống phải có Chúa dạy cho người tin kính Chúa là sống đúng trong hai phương diện: (1) Về phương diện thuộc thể, “có cơm ăn, áo mặc thì phải thỏa lòng”. (2) Về phương diện thuộc linh, “Sự  tin kính cùng sự thỏa lòng, chính là nguồn lợi lớn”.  Dĩ nhiên Chúa không dạy chúng ta lười biếng hoặc chỉ biết xin xỏ hoặc vay mượn để ăn, mặc, nhưng muốn có cơm ăn áo mặc thì phải siêng năng làm việc, Sứ đồ Phao-lô dạy ai không khứng làm việc thì cũng đừng nên ăn nữa (2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10), tuy nhiên làm việc để sống chứ không phải làm việc để quanh năm suốt tháng chỉ biết đeo đuổi cơm áo gạo tiền.  Nguồn lợi lớn lao con cái Chúa cần đeo đuổi chính là nguồn lợi thiêng liêng, đó là sự tin kính Chúa và sống thỏa lòng trong mọi sự ban cho của Chúa.  Bí quyết thỏa lòng là biết tạ ơn Chúa về sự ban cho của Ngài về những nhu cầu căn bản chúng ta cần; nhưng sẽ chẳng bao giờ thỏa lòng nếu chúng ta luôn thèm khát những gì chúng ta muốn, vì có rất nhiều vật dụng chúng ta thèm muốn nhưng đó có khi lại là điều chúng ta không cần thiết, và cũng có rất nhiều thứ chúng ta thâu trữ, để dành nhưng cho đến khi lìa đời cũng chưa bao giờ sử dụng tới.

 

Chúng ta rất dễ chỉ quan tâm đến những gì nhìn thấy trước mắt trong đời này, nhưng qua lời dạy trong Kinh Thánh, xin Chúa cho chúng ta ghi nhớ chân lý: Vào đời tay trắng, lìa đời trắng tay, để chúng ta có thái độ đúng đắn với của cải, sống đặt niềm tin trọn vẹn vào Chúa, vì biết rằng sau khi nhắm mắt tắt hơi, chỉ có Chúa là còn lại với ta đời đời trong cõi vĩnh hằng mà thôi.  Khi lìa đời, tất cả nguồn lợi vật chất đều phải bỏ lại ở thế gian, nhưng nguồn lợi do sự tin kính và thỏa lòng sẽ còn mãi ở thiên đàng phước hạnh. 

 

Hãy tự hỏi: Tôi đang sống dâng hiến, ban cho hay đang sống thâu trữ?

 

 


Nguyễn Lê

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.