Bạn Và Mục Sư Của Bạn

4257

Top

 | Chương 1 | | Chương 2 | Chương 3 | |Chương 4 |

 

 

 

 

Tác giả: Richard W. De Haan

Tác quyền thuộc về RBC.

 

                                                                       

1

 

 

Những Nguyên Tắc Thánh Kinh

 

           

            Được hầu việc Chúa trong nhiều năm với tư cách là một người phụng sự Phúc Âm là một đặc quyền thiết thân và lạ lùng đối với tôi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nầy tôi không phải là mục sư của Hội Thánh. Tôi chưa từng nếm trải phước hạnh làm một truyền đạo được bổ nhiệm của một Hội Thánh địa phương. Sau khi rời trường Đại học và Chủng viện, tôi cùng cha tôi làm việc cho chương trình lớp học Kinh Thánh trên Đài Phát Sóng (Radio Bible Class). Kể từ đó, hầu như cả đời tôi dự phần và tận hiến cho công việc nầy.

 

            Dầu tôi chưa bao giờ làm người chăn bầy ở một nhà thờ nào, nhưng những năm tháng sống trong tư thất của một mục sư là những năm tháng chịu ảnh hưởng tốt lành và hình thành những điều dịu dàng hơn hết trong đời tôi. Tôi là con trai của môt mục sư và tôi luôn nhớ những ngày nầy. Làm sao tôi có thể quên được những trải nghiệm đầy xúc động của thời thơ ấu. Khi đó dường như các cửa sổ trên thiên đàng đang mở toang và tuôn đổ những cơn mưa phước lành dư dật. Dường như chỉ mới hôm qua thôi, tôi tựa đầu vào vai mẹ và lắng nghe lời cha tôi khẩn nài cho những linh hồn hư mất thoát khỏi cơn thạnh nộ hầu đến. Vâng, tôi sẽ luôn lưu giữ những hồi ức quý báu nầy và càng trân trọng gìn giữ chúng kể từ khi cha tôi trở về nhà đời đời của ông. Cha tôi đang ở với Chúa, Đấng mà ông yêu mến và hầu việc Ngài thật trung tín.

 

            Tuy nhiên, có một số điều mà tôi muốn quên đi. Dầu công việc của một mục sư hầu như đầy sự thỏa lòng và bổ ích, nhưng cũng bao gồm những kinh nghiệm đầy thất vọng, cực kỳ khó khăn, gây nản lòng, làm cạn kiệt sức lực và làm hỏng đi những thành quả của những người đầy tớ tận hiến hơn hết của Đức Chúa Trời. Là con của một mục sư, tôi nhận biết những nan đề có một không hai mà một người được Đức Chúa Trời kêu gọi vào một chỗ hầu việc danh dự phải đối mặt. Bởi thế, lòng tôi vẫn nghĩ về những mục sư tận trung là những người hầu việc Đức Chúa Trời trong sự kêu gọi cao quý của họ.

 

            Không những việc giảng dạy, kêu gọi và nhiệm vụ quản trị làm tiêu tốn năng lực và khả năng chịu đựng của một mục sư, mà sự mòn mỏi về thể chất và sự suy kiệt tinh thần có thể dẫn đến những mối quan hệ căng thẳng giữa mục sư và giáo đoàn. Khi có sự hiểu lầm và phản đối liên quan đến những khác biệt ý kiến và những nhận định nghiêm túc từ phía những thành viên được tôn trọng, mục sư sẽ cảm thấy sức ép đè nặng trên chức vụ của ông. Việc không thể làm hài lòng những người mà ông yêu quý và sự ngao ngán vì bị chống đối bởi những người mà ông mong được họ ủng hộ tinh thần đôi khi khiến cho ông đưa tay lên để bày tỏ sự thất vọng.

 

            Thật lấy làm tiếc vì trong nhiều Hội Thánh dường như mục sư không thể làm điều gì đó thích hợp. Bất kể ông chân thành và cố gắng chịu khó nhọc đến đâu, lúc nào cũng có một số người sẵn sàng phê phán và bới lông tìm vết. Một người đã mô tả điều nầy như sau:

 

        Nếu trẻ, mục sư thiếu kinh nghiệm; nếu tóc hoa râm, mục sư quá già đối với giới trẻ.

        Nều có năm hoặc sáu con, mục sư có quá nhiều con; nếu không có con, mục sư đang nêu gương xấu.

        Nếu đọc bài giảng soạn sẵn, bài giảng của mục sư sẽ khô khan; nếu giảng ứng khẩu, bài giảng sẽ không đủ sâu sắc.

        Nếu chăm lo cho người nghèo khó trong Hội Thánh, mục sư đang trình diễn trên sân khấu; nếu quan tâm đến người giàu, mục sư đang cố trở thành nhà quý tộc.

        Nếu sử dụng quá nhiều minh họa, Mục sư không chú ý đến Kinh Thánh; nếu không sử dụng các câu chuyện để minh họa, bài giảng của ông không rõ ràng.

        Nếu lên án điều sai trái, mục sư lập dị; nếu không giảng chống lại tội lỗi, mục sư là kẻ thỏa hiệp.

        Nếu giảng lẽ thật, mục sư làm mất lòng; nếu không giới thiệu “ý chỉ trọn vẹn của Đức Chúa Trời” mục sư là kẻ giả hình.

        Nếu thất bại để làm mọi người hài lòng, mục sư làm tổn hại Hội thánh; nếu khiến cho mọi người vui lòng, mục sư không đáng tin cậy.

        Nếu lái ô tô cũ; ông làm nhục giáo đoàn; nếu mua chiếc mới, mục sư yêu mến những điều thuộc về thế gian.

        Nếu giảng suốt, giáo đoàn sẽ cảm thấy nhàm chán vì cứ nghe mãi một người giảng; nếu mời các diễn giả khác, mục sự trốn tránh nhiệm vụ.

        Nếu nhận lương cao, mục sư ham lợi; nếu đồng lương thấp, họ nói rằng mục sư không đáng giá bao nhiêu.

 

Tôi hiểu rằng những tình huống trên được phóng đại nhằm nhấn mạnh đến thái độ chung ở nhiều nơi. Dường như không có quá nhiều khác biệt ở những nơi bạn đến hoặc ở Hội Thánh mà bạn tham dự, luôn luôn có một nhóm hoặc một phe phái đang gây cho Mục sư nản lòng. Dầu ông đang làm hết sức để chăn bầy chiên một cách trung tín, mong muốn những phước hạnh phong phú của Chúa trên chức vụ của ông và nói chung ông nổ lực để nhận được sự tán đồng từ giáo đoàn, vẫn luôn có người tìm lỗi lầm, chống đối ông hoặc đằng sau lưng, hoặc công khai.

 

Nhận biết tình trạng như thế đang tồn tại và gây tổn hại đến Hội thánh địa phương, tôi đã chuẩn bị bài chuyên khảo dưới chủ đề Bạn và Mục sư của Bạn. Một số người đặt câu hỏi về những động cơ của tôi và hiểu lầm những gì tôi nói, dầu vậy tôi không quan tâm và tôi sẽ phải nói.

 

 

            Một Tấm Gương

            Trong Phúc Âm Giăng có ba điều nói về Giăng Báp-tít đúng là một đầy tớ thật của Đức Chúa Trời. Tôi tin rằng nếu từng mục sư và mọi thành viên của giáo đoàn ghi nhớ ba điều nầy, nhiều khó khăn đang xảy ra trong các Hội Thánh của chúng ta ngày nay sẽ tránh được. Sứ đồ Giăng viết:

 

Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin. Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng (Giăng 1:6-8).

 

            Có ba điều quan trọng đề cập đến Giăng Báp-tít trong các câu nầy.

            Thứ nhất, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người.” Ông là một người phàm, có những yếu đuối và giới hạn như những người khác. Giăng không phải là thiên sứ; ông không phải là một tạo vật siêu phàm; ông không phải là một đặc sứ phi thường đến từ ngôi của Đức Chúa Trời. Thay vì vậy lời ký thuật nói rằng “Có một người.”

 

            Thứ hai, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến.” Dầu là một con người có nhiều giới hạn, Giăng được biệt riêng ra từ giữa những người khác để trở thành người được lựa chọn một cách đặc biệt. Ông là người “Đức Chúa Trời sai đến.”

 

            Thứ ba, các câu nầy nói với chúng ta rằng “Có một người Đức Chúa Trời sai đến…để làm chứng về Sự Sáng.” Ông đến để rao giảng về Đấng Christ là Sự Sáng của thế giới. Đây là sứ mạng của Giăng. Câu 8 chép, “Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng.” Từ phân đoạn nầy trong Giăng 1 chúng ta học được ba đều sau đây về Giăng Báp-tít”:

 

1.     Ông là một con người.

2.     Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến.

3.     Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng.

 

Những điều nầy cũng được dùng để nói về tất cả những mục sư là những người thật sự được kêu gọi. Họ là những con người – họ có những giới hạn của con người. Họ là những người được Đức Chúa Trời sai phái– họ có thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Họ được sai đến để làm chứng về sự sáng – họ có sự ủy nhiệm từ trên trời. Công việc chính của họ là giới thiệu Chúa Giê-xu, Lời Hằng Sống, được khải tỏ trong Lời văn tự. Sứ mạng của họ là rao giảng về Đấng Christ, giống như Giăng Báp-tít, họ phải “làm chứng về Sự Sáng.”

 

Vì thế bạn cần nhớ ba điều nầy khi nghĩ về mục sư của bạn – đó là ông phải được sanh lại, phải tin Kinh Thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời, phải có bằng chứng được Đức Chúa Trời tấn phong, tận tâm hầu việc trung tín và giảng dạy Lời Đức Chúa Trời.

 

Hãy nhớ rằng, là con người, mục sư có những lỗi lầm và giới hạn. Tuy nhiên là người với sự kêu gọi của Đức Chúa Trời, mục sư phải được đối xử với tư cách là đầy tớ của Đức Chúa Trời. Bởi vì sứ mạng của ông là công bố Phúc Âm của Đấng Christ, bạn phải hợp tác và dâng lời cầu nguyện để giúp cho chức vụ của ông đạt hiệu quả.

 

Những gì tôi nói trong quyển sách nhỏ nầy không áp dụng cho những người giảng một Phúc Âm khác, bài bác sự cứu rỗi bởi ân điển qua đức tin, hoặc khước từ thần tính của Đấng Christ, sự sinh đồng trinh, đời sống trọn vẹn, sự chuộc tội và sự trở lại của Ngài. Một người không chấp nhận những lẽ thật Kinh Thánh nầy không thể được gọi là “người Đức Chúa Trời sai đến.” Hãy cẩn thận về những người lãnh đạo mù lòa dẫn dắt kẻ mù lòa!

 

Giống như Giăng Báp-tít, mục đích công bố Lời Đức Chúa Trời là “làm chứng về Sự Sáng” và rao giảng về Đấng Christ – Cứu Chúa của tội nhân, nguồn hy vọng duy nhất của thế giới thương tổn và hầu chết nầy.

 

 

         Lời Mời Mở Rộng

 

        Sứ đồ Phao-lô viết về Chúa Giê-xu như sau:

 

Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:6-8).

 

Sứ đồ Giăng diễn đạt lại những ý trên như sau:

 

              Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật (Giăng 1:14).

            Trong khi những người phục vụ Đức Chúa Trời là những người được Đức Chúa Trời sai đến, chỉ có Chúa Giê-xu vừa là Đức Chúa Trời vừa con người. Bạn có thể phớt lờ những gì tôi nói và bịt tai với những người rao giảng khác, nhưng bạn đừng xem thường Con Đức Chúa Trời là Chúa Giê-xu. Ngài là Đức Chúa Trời nhập thể, Ngôi Lời trở thành xác thịt. Ngài xuống thế gian với mục đích hiến thân Ngài làm của lễ chuộc tội cho chúng ta. Ngài nói:

 

Bởi Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất (Lu-ca-ca 19:10).

 

Vì Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người (Mác 10:45).

            Sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta:

 

Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa… Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết (Rô-ma 5:6,8).

 

            Bởi vì Cứu Chúa đã đến và ban cho chúng ta sự cứu chuộc qua sự chết trên cây thập tự, sự cứu rỗi được ban cho như một món quà. Món quà nầy được tiếp nhận bởi đức tin. Kinh Thánh nói, “Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Giăng cho chúng ta lời hứa nầy “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin Danh Ngài” (Giăng 1:12).

 

            Để tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa, hãy dâng lời cầu nguyện đơn giản bởi đức tin ngay giờ nầy: Lạy Chúa Giê-xu, con nhận biết tội lỗi của con và sự bất năng để tự cứu mình. Nhưng con tin rằng Ngài đã chết và đổ huyết ra vì tội của con, giờ đây con tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa của con. Con tin rằng chỉ có một mình Ngài là có thể cứu con. Xin giải cứu con.

 

            Bạn đã cầu nguyện như thế chưa? Nếu đã cầu nguyện và nói những gì bạn muốn nói, thế thì hãy tạ ơn chúa đã cứu linh hồn bạn và rồi bạn công bố lời hứa trong Rô-ma 10:13, “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu.”

 

            Giờ đây nếu bạn đã tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của bạn, bạn trở nên thành viên của Hội Thánh rao giảng Phúc Âm, giảng dạy Kinh Thánh và tin Lời Đức Chúa Trời. Làm thành viên của Hội Thánh không có liên quan gì đến việc nhận được sự cứu rỗi – đó là sự ban cho bởi ân điển Đức Chúa Trời qua đức tin. Nhưng bạn cần một chỗ để bạn nghe giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, vui hưởng sự thông công với các tín hữu khác và tìm cơ hội để hầu việc Ngài.

 

 

 

2

 

 

 

Những Giới Hạn Của Con Người

 

 

 

Tôi chắc rằng hết thảy chúng ta đều đã nghe những lời bình như sau:

 

            “Ô, Mục sư của chúng tôi là người tốt, NHƯNG…”

            “Mục sư của chúng tôi là một giáo sư giảng dạy Kinh Thánh kiệt xuất, NHƯNG…”

            “Mục sư của chúng tôi có nhân cách rất tốt, NHƯNG…”    

 

           Mặc dầu ông có nhiều đức tính đáng khen, nhưng dường như luôn có một điều gì đó mà họ không thích. “Ông ấy có khả năng giãi bày Lời Đức Chúa Trời,” họ nói, “nhưng một người chia sẻ Phúc Âm như thế thì không có hiệu quả.” “Ông ấy là một nhà Truyền đạo mạnh mẽ, nhưng là một mục sư kém cỏi.” “Ông ấy làm việc tốt với những người già cả,” họ nhận định, “nhưng giới trẻ dường như không thích ông ấy.” Họ tiếp tục nói những điều giống như vậy.

 

            Vâng, ở hầu khắp các Hội Thánh dường như luôn có ít ra một nhóm nhỏ với những lời bình phẩm thuận lợi đối với mục sư, nhưng họ không thể kiềm chế việc công khai vạch ra những thiếu sót của mục sư. Bởi vì điều nầy, nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời phải chiến đấu với cuộc chiến đầy khó khăn và nản lòng. Họ làm hết sức mình, nhưng vì sự chia rẽ, không thỏa lòng và chống đối từ những người trong Hội Thánh, công việc của Chúa bị tổn hại. Trong nhiều trường hợp công viêc Chúa bị tổn hại vì hiểu sai về bản chất và công việc của mục sư. Lời nguyện cầu của tôi cho quyển sách nhỏ nầy, nhằm nhấn mạnh đến mục sư và người của ông, sẽ được Đức Chúa Trời dùng để ban cho chúng ta sự hiểu biết về mối quan hệ đúng giữa mục sư và giáo đoàn. Điều nầy sẽ nuôi dưỡng tình yêu thương và sự hòa hợp trong Hội Thánh địa phương.

 

            Trong tất cả các bài học của chúng ta về chủ đề Bạn và Mục sư của Bạn, chúng ta sử dụng ba câu trong Phúc Âm Giăng làm nền tảng việc học của chúng ta:

 

Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin.  Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng (Giăng 1:6-8).

 

Giăng Báp-tít

 

            Trong các câu nầy, có ba điều đề cập đến Giăng Báp-tít.

 

Thứ nhất, ông là một người, không phải là thiên sứ hay một tạo vật siêu phàm. Thay vì vậy, ông là người phàm như chúng ta. Câu 6 bắt đầu bằng những từ “Có một người.”

Thứ hai, ông là một người “Đức Chúa Trời sai đến.” Ông được phân biệt khỏi những người khác ở chỗ ông là một ống dẫn được chọn lựa đặc biệt. Ông là người được Đức Chúa Trời sai đến.

Thứ ba, ông là một người được Đức Chúa Trời sai đến “để làm chứng về Sự sáng.” Ông được sai đến để làm chứng về Đấng Christ, Cứu Chúa của những người có tội.

 

Thế thì hãy ghi nhớ ba sự kiện nầy về Giăng Báp-tít:

1.     Ông có những giới hạn của con người- ông là “một người.”

2.     Ông có thẩm quyền của Đức Chúa Trời- ông “được Đức Chúa Trời sai đến.”

3.     Ông có sự ủy nhiệm từ trời- ông đến “để làm chứng về Sự sáng.”

Đây cũng là đặc điểm của mọi mục sư được Đức Chúa Trời sai đến ngày nay.

 

Người của Đức Chúa Trời

 

            Trước hết, tất cả chúng ta cùng suy nghĩ về yếu tố là tất cả các mục sư đều là con người. Họ bị hạn chế và vướng mắc bởi những giới hạn của con người như mọi người. Khi đề cập đến Giăng Báp-tít, trong Giăng 1:6 tác giả Phúc Âm nói với chúng ta rằng “có một người.” Câu ngắn ngủi nầy mô tả cho chúng ta về tất cả các đầy tớ của Chúa. Mặc dầu họ có những thiếu sót và lầm lỗi, Đức Chúa Trời đã tấn phong những người đó để khiến họ trở nên những ống dẫn qua đó Đạo Đức Chúa Trời được công bố cho người khác.

 

            Tôi lấy làm kinh ngạc về sự chọn lựa của Đức Chúa Trời. Tôi không ngừng tự hỏi rằng tại sao Ngài chọn tôi, một ống dẫn không xứng đáng, gây va vấp và kém cỏi để rao truyền Phúc Âm. Theo quan điểm của con người, tốt hơn hết là Ngài sai phái các thiên sứ để rao giảng Đạo hoặc tạo ra các đặc sứ để công bố sứ điệp của Ngài. Họ có thể làm những công việc hoàn hảo và sau đó không ai có thể phàn nàn hay chỉ trích. Không ai có thể nói rằng, “Ồ, ông ấy được, nhưng…” Nhưng mà Đức Chúa Trời thấy thích hợp để chọn lựa con người.

 

            Chúa chọn lấy những người tự bản thân họ cần Cứu Chúa và đặt họ vào vị trí có đặc quyền để công bố sứ điệp vinh hiển về sự cứu chuộc người khác. Sứ đồ Phao-lô truyền cho người bạn trẻ Ti-mô-thê của ông:

 

“Những điều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao phó cho mấy người trung thành, cũng có tài dạy dỗ kẻ khác” (II Ti-mô-thê 2:2).

 

            Việc các mục sư của chúng ta chỉ là con người với những điều bất toàn và những đặc điểm như những con người khác chắc chắn là hiển nhiên với mọi người. Tuy nhiên, lẽ thật nầy dường như dễ dàng bị lãng quên, đặc biệt là vấn đề về đời sống và chức vụ của họ. Hậu quả là có nhiều người trong các Hội Thánh mong đợi quá nhiều nơi mục sư của họ và tiếp tục phê phán ông với những lời bình phẩm như: “Ô, mục sư chúng tôi là một người tuyệt với, NHƯNG…” “Ông ấy là một mục sư tốt, nhưng ông ấy không biết sử dụng người như thế nào.” “mục sư chúng tôi là một nhà nghiên cứu chuyên sâu Kinh Thánh, nhưng là một nhà quản trị tồi.”

 

            Một phụ nữ nói với tôi, “mục sư của chúng tôi thật sự là người của Đức Chúa Trời. Ông thực hành những điều ông giảng dạy. Cuộc đời ông không chỗ trách được. Nhưng dường như bạn không thể đến gần ông ấy. Ông biết tôi nói gì mà, ông ấy là loại người mà – ôi, ông không cảm thấy tự do để gọi ông ấy bằng chính tên của ông ấy.” Người phụ nữ nầy có thể muốn nói, “Tôi tin rằng ông ấy là là một nhà nghiên cứu tận hiến cho Đạo; nhưng tôi không thích cá tính của ông ấy.”

 

            Dường như người phụ nữ nầy là một lãnh đạo Cơ Đốc tốt. Hẳn là chị biết nhiều hơn và chị thất bại để nhận biết về mục sư của chị là một người, một con người như bao người khác, mặc cho sự kêu gọi thiên thượng và những phẩm chất thuộc linh đáng phục, và vì lý do nầy mà ông không thích hợp với khuôn mẫu trọn vẹn mà chị cắt vẽ ra cho ông. Không phải chỉ có người phụ nữ nầy làm thế. Bởi vậy khi một người được kêu gọi làm mục sư của một Hội Thánh, người ta mong đợi ông phải có hầu hết phẩm chất phi thường sau:

 

–        Ông phải là một diễn giả tốt.

–        Ông phải là một nhà nghiên cứu Kinh Thánh sâu nhiệm.

–        Ông phải là một nhà truyền đạo hăng say.

–        Ông phải là một mục sư có lòng thương xót.

–        Ông phải có sự khôn ngoan của Sa-lô-môn.

–        Ông phải có cá tính dễ chịu và dễ nhìn.

–        Ông phải là nhà kinh doanh tinh khôn và là một nhà quản lý hiệu quả.

–        Ông phải sáng tạo và độc đáo.

 

Và bản liệt kê nầy cứ tiếp tục. Thật đáng thương cho mục sự tội nghiệp nào không sống đúng theo những yêu cầu nầy. Người ta sẽ nói về ông rằng “Ồ, ông ấy có những điểm tốt, NHƯNG…”

 

            Trước đây tình cờ tôi có đọc một bài báo tựa đề “Những Phẩm Chất Của Một Mục sư Tốt,” và bài báo nầy nhấn mạnh đến những đòi hỏi không hợp lý nơi những đầy tớ của Đức Chúa Trời. Bài báo viết: “Một Mục sư tốt phải có:

 

–        Sức mạnh của bò.

–        Sự gan lì của chó.

–        Sự táo bạo của sư tử.

–        Sự khôn ngoan của cú.

–        Sự vô hại của bồ câu.

–        Sự cần cù của hải ly.

–        Sự hiền lành của chiên.

–        Sự linh hoạt của tắc kè.

–        Thị lực của diều hâu.

–        Nhìn xa như hươu cao cổ.

–        Giấu mình như tê giác.

–        Kiên trì như lạc đà,

–        Bước nhảy của Kangaroo.

–        Bụng của ngựa.

–        Tính khí của thiên sứ.

–        Sự trung thành của một sứ đồ.

–        Sự thành tín của một tiên tri.

–        Sự dịu dàng của người chăn chiên.

–        Lòng nhiệt thành của một nhà truyền đạo.

–        Sự tận tâm của người mẹ

–        Và ông vẫn không thể làm hài lòng mọi người!”

 

Sẽ có những người nói, “Ồ, ông ấy được, NHƯNG…” Hãy nhớ rằng Kinh Thánh nói, “Có một người.” Là một người, mục sư của bạn có thể không có khả năng thông biết mọi sự, hoặc làm mọi điều một cách hoàn hảo. Ông sẽ có lỗi lầm và thiếu sót đơn giản là vì Đức Chúa Trời thấy thích hợp để sử dụng một con người và trong nhiều trường hợp Ngài chọn con người yêu đuối hơn hết. Sứ đồ Phao-lô công bố:

 

            Hỡi anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những kẻ khôn; Đức Chúa Trời đã chọn những sự yếu ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạnh; Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, để chẳng ai khoe mình trước mặt Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 1:26-29).

 

            Vì thế đừng mong đợi mục sư của bạn hoàn hảo hoặc xuất sắc trong mọi lãnh vực của chức vụ. Cố gắng đừng hành động quá sốc khi bạn nhận ra rằng bạn không tìm thấy nơi con người ông sự tập hợp của một người giảng dạy Kinh Thánh nổi bật, một nhà truyền đạo mạnh mẽ và hiệu quả, một mục sư giàu lòng thương xót, một người truyền giảng có thần cảm, một nhà quản trị tài giỏi và một doanh nhân khôn ngoan. Bản thân Chúa không đòi hỏi nhiều. Sứ đồ Phao-lô viết:

 

           Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng (I Cô-rinh-tô 9:26-27).

 

           Tôi khích lệ bạn ghi nhớ những điều nầy, sau đó cầu nguyện cho mục sư bạn thay vì chỉ trích ông. Tuy nhiên, nếu bạn thấy không thể không than phiền về ông ấy và bạn cần phải nói với một người nào đó, lúc ấy bạn hãy nói lời than phiền với Đức Chúa Trời. Trong khi bạn làm như thế, hãy cầu nguyện cho mục sư của bạn. Người cần lời cầu nguyện của con dân Đức Chúa Trời ngày nay chính là những người lao nhọc trong chức vụ mục sư, vì ít có nghề nghiệp nào chịu sự đòi hỏi khắt khe và có quá nhiều điều gây nản lòng như thế.

 

           Mục sư không những phải đối mặt với những cám dỗ về bản chất tội lỗi của ông và thế gian, mà còn phải đối mặt với những lời bình phẩm của những thành viên chưa được thánh hóa trong Hội Thánh và sự căm ghét tội nhân. Vì vậy ông là mục tiêu tên lửa của Sa-tan. Vì thế hãy cầu nguyện cho ông và khích lệ ông. Tính từ ngày mà bạn bắt tay mục sư và siết chặt để bày tỏ lòng biết ơn về chức vụ của ông đến nay đã được bao lâu rồi? Bạn sẽ ngạc nhiên, thậm chí là sửng sốt, nếu bạn biết có nhiều mục sư nhận được rất ít sự khích lệ, thậm chí không được khích lệ gì cả trải qua nhiều tuần và nhiều tháng. Không hiểu vì sao có người nghĩ rằng Mục sư không cần được khích lệ như người khác. Giống như bạn thích được người khác vỗ vai khen ngợi bạn làm tốt một công việc, mục sư của bạn cũng thế, ông sẽ hoan nghinh việc bạn bày tỏ lòng biết ơn và sự nâng đỡ tinh thần của bạn – không phải ca ngợi để nhằm thổi phồng cái tôi của ông nhưng là lời nói chân thành bày tỏ lòng biết ơn về chức vụ trung tín rao giảng Đạo.

 

           Tôi hy vọng rằng bạn sẽ nhớ bài học được nêu ra bởi ba chữ trong Giăng 1:6, “Có một người.”

 

          Đức Chúa Trời đã sử dụng con người có những thiếu sót và lỗi lầm “để làm chứng về Sự sáng.” Họ cần những lời cầu nguyện. Họ cần sự khích lệ của bạn. Họ cần sự giúp đỡ của bạn. mục sư của bạn có nhận được sự ủng hộ như thế không? Nếu ông được tái sanh, được Đức Chúa Trời kêu gọi và trung tín rao giảng Lời, ông đáng nhận được sự hiệp tác và lòng trung thành của bạn.

 

          Thế thì hãy nghĩ đến những điều nầy. Sau đó hãy làm những gì bạn nên làm đối với mục sư của bạn.



 

 

3

Thẩm Quyền Từ Đức Chúa Trời

 

Dưới đây là hai câu hỏi hay để thỉnh thoàng hỏi các thành viên trong Hội Thánh:

 

Bạn sẽ đối xử với mục sư của bạn khác hơn trong tuần qua nếu có người khuyên bạn rằng ông là một “sứ giả” đặc biệt mà Đức Chúa Trời sai đến từ ngôi Ngài không?

Bạn sẽ chỉ trích mục sư của bạn một cách gay gắt hơn hoặc nói những lời tầm phào về ông nếu bạn biết rằng ông được chọn lựa và chỉ định bởi chính Chúa để làm công việc ông đang làm không?

 

Tôi chắc rằng nhiều người sẽ thừa nhận rằng suy nghĩ, hành động và lời nói của họ đối với các mục sư của họ sẽ khác đi nhiều nếu họ được bảo rằng Đức Chúa Trời đã đặt các mục sư trong các Hội Thánh của họ với một mục đích rõ ràng.

 

Nhiều đầy tớ của Đức Chúa Trời bị đối xử một cách đáng hổ thẹn bởi vì chúng ta quên rằng họ là những người có sự yếu đuối của con người như chúng ta đã thấy trong bài học trước. Họ là những người Đức Chúa Trời sai đến – có nghĩa là họ thật sự được kêu gọi.

 

Sứ đồ Giăng nói cho chúng ta biết lẽ thật nầy trong Giăng 1:

 

Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin.  Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng (Giăng 1:6-8).

 

Sự kêu gọi một mục sư

 

            Có ba điều được đề cập ở đây về Giăng Báp-tít:

 

            Thứ nhất, ông là một người, “Có một người … tên là Giăng” (câu 6). Ông là một tạo vật được sinh ra trên đất với những thiếu sót của con người.

 

            Thứ hai, ông được Đức Chúa Trời sai đến, “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng” (câu 6). Ông khác với những con người khác. Ông là một người, nhưng là người được chính Chúa sai đến.

            Thứ ba, ông được sai đến để rao giảng về Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chịu xức dầu. “Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng” (câu 7).

 

            Mục đích sống của Giăng là làm chứng về Cứu Chúa Giê-xu. Ba điều nầy có thể được dùng để nói về tất cả các mục sư được tái sanh, được Đức Chúa Trời kêu gọi, tin Kinh Thánh là Lời vô ngộ của Đức Chúa Trời và sống vâng lời Kinh Thánh. Họ là những người được Đức Chúa Trời sai đến – họ thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Họ là những người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về sự sáng – họ có sự ủy nhiệm từ trời.

 

Trách nhiệm của giáo đoàn

 

Trong bài hai chúng ta đã nhấn mạnh đến khía cạnh con người của những người đang giữ chức vụ chăn bầy. Điều nầy nhắc chúng ta về nhu cầu được khích lệ, được cảm thông và hỗ trợ bằng cách cầu nguyện cho người chăn bầy.

 

            Sứ đồ Phao-lô, là một nhà truyền đạo vĩ đại hơn hết mà thế giới từng biết đến, nhận biết những thiếu sót của ông. Trong I Cô-rinh-tô 9:27 ông nói:

 

Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.

 

            Ông cũng công bố trong Rô-ma 7:

 

Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi … Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta! (Rô-ma 7:18,24).

 

            Hãy ghi nhớ những lời nầy, “Có một người.” Bởi vì mục sư của bạn là một người, ông cần những lời cầu nguyện và khích lệ của bạn. Chúng ta không chỉ đọc thấy trong Giăng 1:6 “Có một người,” nhưng câu tiếp theo chép, “Có một người Đức Chúa Trời sai đến.” Chúng ta sẽ có được cái nhìn quân bình về cá nhân và công việc của mục sư khi áp dụng lẽ thật nầy cho ông. Nếu ông chỉ được xem làm một người, chắc chắn một số người sẽ lập luận, “Bởi vì mục sư là người và có khuynh hướng yếu đuối và mắc phải cạm bẫy như tôi, tại sao tôi phải lắng nghe ông ấy? Ông ấy không tốt hơn tôi.” Đúng, ông là một người nhưng là người có sự kêu gọi và được Đức Chúa Trời sai đến. Như thế, họ đáng được bạn tôn trọng – không nhất thiết là vì họ tốt hơn, thay vì vậy điều cần quan tâm là họ có sự kêu gọi từ trên trời.

 

Điều nầy đem chúng ta trở lại với những câu hỏi lúc mở đầu: Bạn sẽ đối xử với mục sư của bạn khác hơn trong tuần qua nếu có người khuyên bạn rằng ông là một “sứ giả” đặc biệt từ Đức Chúa Trời? Bạn sẽ nói gì về ông? Bạn sẽ phê phán cung cách của ông trên tòa giảng? Bạn sẽ vạch ra lối truyền đạt nghèo nàn và những sai lầm về văn phạm mà ông mắc phải? Bạn sẽ nói không tốt về ông? Mặc cho sự yếu đuối của ông, nếu các thành viên trong Hội Thánh nhận thức rằng mục sư là một người “được Đức Chúa Trời sai đến,” tôi chắc rằng phần lớn sự phê phán nhỏ nhặt trong các Hội Thánh của chúng ta sẽ giảm thiểu.

 

Tuy nhiên, một số người sẽ đáp lời bằng cách nói, “Rõ ràng là ông không hiểu. Mục sư chúng tôi không lịch thiệp. Nhiều lúc ông không tỏ lộ được sự tốt lành về bản thân. Ông luôn đặt đằng chân lên đằng đầu. Một số điều về phong cách của ông đủ để dồn người khác vào chân tường. Ông không biết mục sư của chúng tôi đâu.”

 

Ô không, tôi biết rõ mục sư của bạn. Bạn thấy đấy, tôi biết ông ấy giống như tôi – một con người với nhiều khuyết điểm và lỗi lầm. Nhưng nếu ông ấy là một đầy tớ thật của Đấng Christ, thế thì (giống như đã nói về Giăng Báp-tít) ông ấy là một người Đức Chúa Trời sai đến và “chức vụ” đặc biệt của ông đòi hỏi sự kính trọng của bạn. Tôi không có ý bảo bạn phải tôn thờ ông hoặc đặt trên một cái bệ dành cho giới tăng lữ. Nhưng ông phải được tôn trọng bởi sự kêu gọi của Chúa.

 

Sứ đồ Phao-lô có những lời diễn giải như sau trong Rô-ma về những người rao truyền Phúc Âm:

 

Nhưng họ chưa tin Ngài thì kêu cầu sao được? Chưa nghe nói về Ngài thì làm thể nào mà tin? Nếu chẳng ai rao giảng, thì nghe làm sao? Lại nếu chẳng ai được sai đi, thì rao giảng thể nào? Như có chép rằng: Những bàn chân kẻ rao truyền tin lành là tốt đẹp biết bao! (Rô-ma 10:14,15).

 

Dầu các mục sư là những người thực sự được Đức Chúa Trời sai đến, nhưng phải nói rằng lắm khi đời sống của họ không nhất quán với những lời giáo huấn của Thánh Kinh. Một số người cố tình vi phạm các lời răn dạy của Đức Chúa Trời, đến mức độ họ bị quở trách công khai vì Đấng Christ. Nhưng ngay trong trường hợp như thế, tín hữu đừng dính dáng vào chiến dịch cá nhân nhằm chống lại mục sư. Thay vì vậy, tín hữu nên vì mục sư và công việc của Chúa mà giải quyết vấn đề trong mối quan tâm yêu thương. Mọi điều được làm trong sự cầu nguyện và được thực hiện với sự cẩn trọng tối đa để không có một hành động độc dữ, không cần thiết và bất công nào nhằm chống lại người không những là anh em trong Đấng Christ, mà còn là một đầy tớ được chọn lựa đặc biệt của Đức Chúa Trời.

 

Trong I Sa-mu-ên chúng ta đọc thấy lúc Đa-vít tha mạng cho vua Sau-lơ. Gương nầy cho thấy chúng ta phải cẩn thận như thế nào trong cách cư xử với người được Đức Chúa Trời chỉ định đứng vào vị trí được tin cậy và có trách nhiệm. Câu chuyện Cựu Ước nầy cho chúng ta biết rõ bối cảnh của câu chuyện. Đa-vít được chọn để làm vị vua tiếp theo của Y-sơ-ra-ên, nhưng Sau-lơ vẫn còn trên ngôi. Bị thúc đẩy bởi sự ganh tỵ điên rồ, Sau-lơ tiếp tục săn đuổi để giết Đa-vít. Một đêm kia, Đa-vít cùng người của ông đột nhập vào đoanh trại của Sau-lơ đang khi Sau-lơ ngủ say. Thật là cơ hội có một không hai để Đa-vít loại kẻ thù không đội trời chung, nhưng ông không làm như thế. Đây là lời ký thuật về kinh nghiệm của ông:

 

Vậy, Đa-vít và A-bi-sai lúc ban đêm, vào giữa quân lính, thấy Sau-lơ đương ngủ, nằm trong đồn, cây giáo cặm dưới đất tại nơi đầu giường. Áp-ne và quân lính nằm ở xung quanh người. A-bi-sai nói cùng Đa-vít rằng: Ngày nay Đức Chúa Trời đã phó kẻ thù nghịch ông vào tay ông. Xin cho phép tôi lấy giáo đâm người chỉ một cái mà cặm người xuống đất; chẳng cần phải đâm lại. Nhưng Đa-vít bảo A-bi-sai rằng: Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt? Người tiếp rằng: Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng sống mà thề, Đức Giê-hô-va chắc sẽ đánh người, hoặc khi người đến kỳ định mà chết, hoặc khi người ra trận mà bị diệt vong. Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài! Ta xin ngươi chỉ hãy lấy cây giáo nơi đầu giường người cùng cái bình nước, rồi chúng ta hãy đi. Như vậy, Đa-vít lấy cây giáo và bình nước nơi đầu giường của Sau-lơ, rồi hai người đi. Không ai thấy hay là biết, và cũng chẳng ai tỉnh thức; hết thảy đều ngủ, vì Đức Giê-hô-va đã khiến sự ngủ mê giáng trên chúng.Đoạn, Đa-vít sang qua bên kia, dừng lại tại trên chót núi, xa trại quân; có một khoảng xa cách nhau. Người gọi quân lính với Áp-ne, con trai Nê-rơ, mà nói rằng: Áp-ne, ngươi chẳng đáp lời sao? Áp-ne đáp rằng: Ngươi là ai mà kêu la cùng vua? (I Sa-mu-ên 26:7-14).

 

            Giờ đây, tôi nhận thức được sự khác biệt hoàn toàn giữa một vị vua của Y-sơ-ra-ên và một mục sư của Hội Thánh. Như Đa-vít rất tôn trọng Sau-lơ, người được Đức Chúa Trời xức dầu, chúng ta phải cẩn thận đừng tra tay một cách bất công chống lại bất cứ người nào “được Đức Chúa Trời sai đến.”

 

            Tuy nhiên, tôi vẫn tưởng tượng có người nói, “mục sư của tôi không được việc. Hội Thánh đang chịu khổ. Ông ấy nên rời Hội Thánh. Làm thế nào chúng ta có thể điều hành Hội Thánh trong tình trạng như thế? Tôi tôn trọng ông ấy và không muốn làm tổn thương ông ấy chút nào.” Có lẽ bài viết dưới đây được tìm thấy trên tập san của một Hội Thánh sẽ khiến bạn chú ý. Bài viết có tựa đề, “Làm Thế Nào Để Tống Khứ Một Mục Sư.”

 

Cách đây không lâu một nhóm tín hữu có thiện chí của một Hội Thánh lân cận đến gặp tôi. Họ muốn tôi giúp ý kiến về một số cách không gây đau buồn và thuận tiện để tống khứ mục sư của họ. Tuy nhiên, tôi e rằng tôi không giúp được gì. Lúc đó tôi không thể đưa ra một ý kiến nghiêm túc nào. Nhưng kể từ đó tôi ngẫm nghĩ nhiều về vấn đề nầy và lần tới bất cứ ai đến để xin lời khuyên làm thế nào tống khứ một mục sư, đây là những gì tôi sẽ nói:

 

1.     Hãy nhìn thẳng vào mắt mục sư đang khi ông ấy giảng và thỉnh thoảng nói “A-men, ông ấy sẽ giảng cho đến chết.

2.     Vỗ vai ông và nói về những điểm tốt của ông, có thể ông sẽ làm việc cho đến chết.

3.     Tái dâng hiến đời sống bạn cho Đấng Christ và xin mục sư cho bạn làm một số việc, tốt nhất là chinh phục một vài người hư mất cho Đấng Christ, ông ấy sẽ chết vì đau tim.

4.     Kêu gọi Hội Thánh hiệp một để cầu nguyện cho mục sư và chẳng bao lâu ông trở nên thật hiệu quả đến nỗi một Hội Thánh lớn hơn sẽ đem ông ra khỏi vòng tay của bạn.

 

Nếu các giáo đoàn cầu nguyện cho các mục sư của họ vì các mục sư là người và bày tỏ sự tôn trọng các mục sư vì họ là người Đức Chúa Trời sai đến, Hội Thánh sẽ tránh được nhiều nan đề. Hội Thánh sẽ có được hình ảnh tốt trong cộng đồng và công việc rao truyền Phúc Âm sẽ được giới trẻ ưa thích hơn.

 

Biết bao nhiêu lần tôi nghe người ta nói, “Tôi không hiểu tại sao các con tôi rất ít quan tâm đến Hội Thánh kể từ khi chúng lớn lên. Chúng dường như không còn thích đến nhà thờ nữa.” Có gì lạ không khi nghe lời phê bình như thế. Hết Chúa nhựt nầy đến Chúa nhựt khác, mục sư bị chỉ trích gay gắt. Các bài giảng của ông bị xé toạc, người ta cười cợt dáng vẻ của ông khi đứng trên bục giảng, vóc dáng và trang phục của ông bị phụ huynh chế nhạo. Sau đó họ lại tỏ ra ngạc nhiên khi con cái của họ lơ là chuyện đi nhà thờ và nghe mục sư giảng dạy. Nếu con cái ở nhà, bạn cẩn thận về việc chỉ trích mục sư trước mặt các con của bạn. Trách nhiệm của người cha người mẹ trung tín là vun trồng sự tôn trọng trong tâm trí của con trẻ đối với chức vụ của những người được Đức Chúa Trời sai đến để hầu việc với tư cách người chăn bầy. Vì thế bạn đừng quên điều nầy. Mục sư của bạn là một người, một người được Đức Chúa Trời sai đến và một người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng.

 

Tôi muốn nói lời nầy với bạn nếu bạn chưa tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của bạn. Khi bạn nhìn con người, chắc chắn bạn sẽ thất vọng. Ngay cả những mục sư kiệt xuất trên thế giới, dầu được Đức Chúa Trời sai đến, vẫn có những sai lầm của con người. Tuy nhiên, có một Đấng không làm cho bạn thất vọng. Ngài là Chúa Giê-xu. Chỉ một mình Ngài sống cuộc đời trọn vẹn. Ngài không phạm tội và không chết như những người khác. Ngài mang lấy tội lỗi của chúng ta, bị treo thân trên cây thập tự, huyết Ngài đổ ra vì tội chúng ta và Ngài sống lại từ kẻ chết. Giờ đây sự tha tội và sự sống đời đời thuộc về bạn nếu bạn xưng nhận tội mình và tin cậy vào sự cứu rỗi của Ngài. Kinh Thánh chép:

 

Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jê-sus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu; vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi (Rô-ma 10:9-10).

 

 

 

 4

 

Sứ Mạng Từ Trời

 

 

            Những người bận bịu hơn hết trên trên thế giới là những người dự phần vào việc thỏa đáp những nhu cầu cấp thiết và cơ bản của nhân loại. Tôi nghĩ đến các mục sư, đặc biệt là mục sư của các Hội Thánh. Nhiều nhu cầu đòi hỏi năng lực về thể chất và tình cảm của họ đến mức độ họ không thể chịu nổi.

 

            Khi chúng ta luận bạn về Bạn và Mục sư của Bạn, tôi không quan tâm nhiều đến khối lượng công việc của mục sư như tôi đã làm với bản chất của các việc mà ông làm. Ví dụ, trước đây tôi có đọc một bài viết trên một tạp chí mô tả hoạt động trong ngày của một mục sư của một Hội Thánh, bài viết giả định đây là thời biểu thường nhật của mục sư. Bài viết như thế nầy:

 

           Đến Hội Thánh lúc 8 giờ sáng, ông dư định dành ít nhất hai giờ để soạn các bài giảng vào Chúa Nhật, bài phát biểu cho câu lạc bộ phục vụ địa phương và năm sứ điệp được phát sóng trên radio cho tuần tới. Thư ký của ông nhắc ông trên thông báo của Hội Thánh là trưa nay ông đến tòa báo và ông có một bài báo cho tòa báo ấy. Ông cần phải gọi ba cú điện thoại, trong đó một cú gọi cho Chủ tịch của Ủy Ban Tài Chánh của Hội Thánh. Sau khi làm xong những việc trên, chỉ còn 30 phút để chuẩn bị cho việc phát sóng trên radio. Từ 10 giờ trở đi ông phải họp với ủy ban chương trình của Hiệp Hội các mục sư. Nhưng khi bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh, ông nhận được tin mẹ của giám đốc Hiệp Hội phụ nữ trong Hội Thánh qua đời và ông cần đến ngay để an ủi tang quyến. Điều nầy khiến ông bỏ lỡ cuộc họp với Hiệp Hội các mục sư; nhưng ông có thể ăn trưa với Hội Hỗ trợ phụ nữ. Sau đó ông giảng cho một lớp học. Lúc 2 giờ chiều, ông thi hành lễ cưới. Lúc 3 giờ như thường lệ ông bắt đầu những chuyến thăm viếng các bệnh viện và kết thúc đúng lúc bằng cách đến dự bữa ăn tối của quý ông để cầu nguyện. Bữa ăn kéo dài đến 7 giờ 30, cho phép mục sư lên đường đúng giờ để dự cuộc họp với Hiệp Hội Every Member  Canvas. Như thế ngày làm việc của ông cuối cùng kết thúc và ông về đến nhà vào lúc 9 giờ 30 tối.

 

            Đây là lời mô tả của một mục sư về cách mà ông làm việc trong một ngày. Ông có hoàn thành được nghĩa vụ của một mục sư của Hội Thánh không? Đây có phải là cách làm việc mà Chúa muốn cho ông làm trong ngày không?  Khi một người là mục sư, liệu có đúng không khi ông dành hầu hết thời gian cho các cuộc họp quản trị, họp ban chấp sự, họp với các hiệp hội, họp dự trù ngân quỹ, họp triển khai kế hoạch xây dựng, ăn trưa, ăn tối và tiệc tùng?

 

            Những lời giải đáp cho các câu hỏi nầy nằm ngay trong phân đoạn Kinh Thánh mà chúng ta dùng làm nền tảng cho bài học trước:

 

Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin.  Chính người chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng (Giăng 1:6-8).

 

Ba Đặc Điểm:

 

           Những câu nầy đề cập ba đặc điểm về Giăng Báp-tít.

 

           Thứ nhất, ông là người. Giăng Báp-tít không phải là thiên sứ, ông là một người có những giới hạn của con người.

           Thứa hai, ông là người Đức Chúa Trời sai đến. Dầu ông có những yếu đuối về xác thịt, nhưng ông là một người Đức Chúa Trời sai đến – ông đến với thẩm quyền của Đức Chúa Trời.

           Thứa ba, ông là người Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng. Công việc độc đáo của ông là công bố về Đấng Christ. Câu 8 nhấn mạnh đến công việc nầy của ông. Sứ đồ Giăng viết, “Ông không phải là sự sáng, song ông phải làm chứng về Sự Sáng.”

 

            Vâng, Giăng Báp-tít là một người – ông có những giới hạn của con người. Ông là người Đức Chúa Trời sai đến – ông có thẩm quyền của Đức Chúa Trời. Ông được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về sự sáng- ông có sứ mạng từ trời. Ông rao giảng về Đấng Christ.

 

            Ba điều nầy cũng đúng với tất cả những người phục vụ Đức Chúa Trời để rao truyền Phúc Âm ngày nay. Là người, họ có những yếu đuối và thiếu sót của con người. Vì thế họ cần lời cầu nguyện của chúng ta. Là người Đức Chúa Trời sai đến, họ đáng được chúng ta tôn trọng và quý mến bởi thánh chức của họ. Giống như Giăng, họ được kêu gọi để làm chứng về sự sáng. Đây là những lời giải đáp cho chúng ta về những câu hỏi đặt ra về các việc làm của mục sư.

 

            Giống như công việc của Giăng Báp-tít là làm chứng về Sự Sáng, cũng vậy ngày nay công việc của những người Đức Chúa Trời sai đến là giới thiệu về Đấng Christ. Dĩ nhiên, điều nầy được hoàn thành một cách xuất sắc qua việc trung tín rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Trong cuộc đời của những người được kêu gọi để “làm chứng về sự sáng, giảng Đạo phải là ưu tiên hàng đầu trên mọi ưu tiên khác. Phải cẩn thận tránh bất cứ điều nào ngăn trở họ thi hành công việc nầy – tránh bất cứ điều nào khiến cho họ xao lãng việc giới thiệu Đấng Christ là Lời hằng sống thông qua Lời văn tự.

 

            Ưu tiên hàng đầu trong việc truyền Đạo Đức Chúa Trời mà những đầy tớ được Đức Chúa Trời kêu gọi để rao truyền được nói rõ trong Công Vụ 6. Trong phân đọan nầy chúng ta nhìn thấy tình trạng của Hội Thánh đầu tiên, nếu không điều hành đúng, các sứ đồ có thể bị chệch hướng:

 

            Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày (Công Vụ 6:1).

 

            Rất có khả năng là “sự cấp phát hằng ngày” là phân phát tiền và thức ăn cho những người đàn bà góa trong Hội Thánh Giê-ru-sa-lem. Đây là điều được thực hiện để giải quyết vấn đề nầy:

Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp (Công vụ 6:2).

 

            Là những người có lương tâm, họ không thể làm ngơ trước thảm cảnh của những người đàn bà góa nghèo. Nhưng họ kết luận, “Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp” (câu 2). Bạn thấy, phục vụ bàn tiệc không phải là công việc của họ. Đây không phải là những gì họ được kêu gọi để làm. Nhiệm vụ của họ là dâng lời cầu nguyện và giảng Đạo. Đối với loại phục vụ như thế tự họ không xem mình là quá tốt và quan trọng, nhưng họ nhận thức rằng đây không phải là chức vụ mà Đức Chúa Trời kêu gọi. Vì thế xin vui lòng lưu ý đến những gì họ đã làm. Ồ từ đây chúng ta có thể học được một bài học. Họ nói:

 

          Vậy anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Đức Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho. Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo (Công Vụ: 6:3,4).

 

           Bảy con người thuộc linh được tin cậy giao chăm lo cho nhu cầu của những người đàn bà góa để những trưởng lão có trách nhiệm dạy dỗ (tôi thích những từ nầy) “cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo.”  Đức Chúa Trời đã chúc phước cho việc rất tốt lành nầy. Câu 7 chép, “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm. Cũng có rất nhiều thầy tế lễ vâng theo đạo nữa.”

 

          Khi giao trách nhiệm một cách thích hợp để thỏa đáp nhu cầu của con người cho một nhóm các chấp sự, các sứ đồ là những người “được Đức Chúa Trời sai đến để làm chúng về Sự Sáng” hiến mình hoàn toàn cho công việc cầu nguyện và rao giảng. Kết quả là “Đạo Đức Chúa Trời càng ngày càng tràn ra, số môn đồ tại thành Giê-ru-sa-lem thêm lên nhiều lắm.”

 

         Ngày nay bất cứ khi nào bạn tìm thấy một Hội Thánh có một mục sư được tái sanh và tận hiến, là người dâng mình cách trung tín cho việc cầu nguyện, nghiên cứu và rao giảng Đạo Đức Chúa Trời, bạn sẽ tìm thấy một hội chúng trưởng thành, mạnh mẽ và thuộc linh. Nhưng khi giáo đoàn đòi hỏi lãnh đạo của họ phải thỏa đáp mọi yêu cầu của cộng đồng, phải tham dự mọi hoạt động thông công và phải năng động trong vô số công việc hành chánh đến mức độ đời sống cầu nguyện và học Kinh Thánh bị gián đọan, bạn sẽ tìm thấy một Hội Thánh hâm hẩm, thờ ơ hoặc một Hội Thánh chết hay nguội lạnh. Ồ, đây có thể là một Hội Thánh có nhiều sinh hoạt và có một chương trình to lớn, nhưng là một Hội Thánh không kết quả đời đời. Một Hội Thánh có thể có sinh hoạt, nhiều cuộc họp, câu lạc bộ, dự án và nhiều “bánh xe đang quay” nhưng lại không quan tâm đến công việc được mong đợi.

 

        Khi nhìn vào một số giáo đoàn, tôi được nhắc nhớ về một cổ máy gây ấn tượng với hàng trăm bánh răng, phụ tùng, bánh xe và dây curoa mau chóng hoạt động trơn tru khi người ta ấn vào một chiếc nút. Khi người ta hỏi nhà phát minh về chức năng của cổ máy và nó được tạo ra để làm gì, nhà phát minh trả lời, “Ồ, không làm gì cả, nhưng không phải là nó hoạt động tốt đó sao?”

 

       Cũng vậy, khi dự nhóm ở một Hội Thánh mà Kinh Thánh không được chú trọng, Đấng Christ không được rao giảng và mục sư đa đoan với trách nhiệm quản trị, bạn sẽ nhìn thấy một tổ chức lớn với “nhiều bánh xe đang quay” nhưng không có sức mạnh thuộc linh phát lưu. Vì thế bạn hãy chắc rằng những điều ưu tiên phải đặt ra trước nhất. Hãy chắc rằng các công việc hành chánh, quản trị không trở thành gánh nặng cho mục sư của bạn đến mức độ đời sống thuộc linh và chức vụ giảng Đạo Đức Chúa Trời không còn là trọng tâm trong đời sống của ông và trong Hội Thánh.

 

       Giăng Báp-tít, gương của chúng ta trong các bài học nầy, đến “để làm chứng về Sự Sáng.” Mục sư của bạn cũng bận rộn với việc rao giảng về Đấng Christ. Nếu ông thực hiện một cách hiệu quả, đừng mong ông trở thành một cậu bé chạy việc vặt trong Hội Thánh, lái xe đưa rước các học viên Trường Chúa Nhựt, điều hành các tập san của Hội Thánh, làm công việc trông nom nhà thờ, đưa các thành viên của hội phụ nữ đi dự tất cả các cuộc họp của họ, chủ tọa mọi hoạt động hoặc đi thăm viếng vào mỗi buổi chiều và tối. Bạn thấy tất cả những việc nầy tự thân chúng là những việc tốt. Mỗi mục sư là người thật sự được Đức Chúa Trời sai đến sẽ vui lòng làm bất cứ việc gì mà ông có thể làm, nhưng bạn và mục sư của bạn phải cảnh giác nếu không những hoạt động nầy sẽ ngăn ông trở thành người cầu nguyện và người rao giảng Kinh Thánh. Những điều như thế có thể làm ông không hoàn tất sứ mạng quan trọng nhất. Không những ông sẽ trượt dài về mặt thuộc linh, mà cả Hội Thánh cũng thế. Hãy nhớ rằng mục sư giữ vai trò chủ chốt trong việc quyết định trình độ thuộc linh của Hội Thánh.

 

        Vì thế khi bạn được yêu cầu để làm một việc gì đó phù hợp với khả năng của bạn và thời gian, hoàn cảnh cho phép, bạn đừng nói, “hãy để mục sư làm việc đó; ông ấy được trả lương để làm việc mà.” Thay vì vậy, bạn hãy dự phần và giúp người “do Đức Chúa Trời sai đến” để ông có thể “làm chứng về Sự Sáng” một cách hiệu quả hơn. Mỗi Cơ Đốc nhân phải có ước muốn giúp mục sư của mình bằng cách như thế để cùng nhau hoàn thành công việc của Hội Thánh. Có những người cao tuổi cần được quan tâm; những người nguội lạnh về mặt thuộc linh cần được cảnh cáo và khuyên bảo; những người nghèo cần tình thân hữu; những người buồn rầu cần được an ủi và làm cho vui mừng. Mục sư của bạn không thể cáng đáng tất cả những việc nầy. Ông ấy và Hội Thánh cần nhau. Chúng ta có thể cùng nhau làm những công việc lớn lao cho Đức Chúa Trời.

 

        Tôi muốn lập lại bằng cách nhấn mạnh rằng – bất cứ khi nào bạn được yêu cầu để làm một việc mà bạn có khả năng làm, bạn nên nghiêm túc cân nhắc. Nếu việc nầy có thể làm mà không gây phương hại đến gia đình bạn hoặc đến những trách nhiệm ngang bằng hoặc những ưu tiên lớn hơn, bạn nên làm. Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho bạn nếu việc nầy được thực hiện trong Danh Ngài và vì sự vinh hiển Ngài. Hãy giúp đỡ bằng bất cứ cách nào mà bạn có thể làm để mục sư của bạn có thể được tách ra để thực hiện thánh chức của ông theo cách mà Đức Chúa Trời muốn.

 

 

Kết luận

 

        Để kết luận bài học nầy, tôi muốn ôn lại trách nhiệm mà bạn cần có đối với mục sư của bạn:

 

        1. Là một người, ông cần những lời cầu nguyện của bạn.

        2. Là một người Đức Chúa Trời sai đến, ông đáng được bạn tôn trọng.

        3. Là một người được Đức Chúa Trời sai đến để làm chứng về Sự Sáng, ông cần và xứng đáng để bạn giúp đỡ.

      

       Bây giờ, nếu bạn đang ở trong một Hội Thánh không có một người đứng trên tòa giảng là người đáng được bạn tôn trọng và hợp tác bởi vì người nầy không được tái sanh, không thật sự tin Kinh Thánh và không rao giảng Kinh Thánh, đó là chuyện khác. Bạn cần phải thừa nhận rằng bản thân bạn và gia đình bạn cần gắn bó chặt chẽ với Hội Thánh nơi có một người Đức Chúa Trời sai đến với sứ điệp của Ngài.

 

 

 

(Võ Minh Sơn dịch từ quyển Your Pastor &You)

 

 

 

 

 Chương 1 | | Chương 2 | Chương 3 | |Chương 4 |

 

 

 

 

Bài trướcGiới Thiệu Sách
Bài tiếp theoHuấn Luyện Thánh Kinh Hè Năm 2012 Khu vực Bù Đăng Tỉnh Bình Phước.