Bài 96: Nhìn Vào, Nhìn Lên, Và Nhìn Chung Quanh (tt)

3031

NGUỒN: ĐÀI XUYÊN THẾ GIỚI

Trong bài vừa qua, chúng ta đã thấy sự xuất hiện của Ê-li-hu khi Gióp và bạn ông đang tranh luận để tìm cách giải quyết vấn nạn của sự đau khổ. Ê-li-hu đã đề cập đến câu hỏi mà Gióp đã đặt ra cho vợ ông, “Một người công bình và tin kính sẽ nhận được gì từ nơi Chúa? Phải chăng chỉ toàn những điều tốt và không bao giờ gặp điều xấu?”.

Trở lại với màn thứ nhứt, Sa-tan đã cáo buộc Gióp rằng ông tin kính chỉ vì Đức Chúa Trời ban phước cho ông. Nếu Đức Chúa Trời giáng họa, ông sẽ rủa sả Đức Chúa Trời. Ngày nay những câu hỏi tương tự cũng được đặt ra: Tại sao người ta tin Chúa? Tại sao người ta ngoan đạo? Gióp, ba người bạn của ông và Ê-li-hu đã đề cập đến vấn đề nầy từ hằng ngàn năm trước.

Chương 35:1–7, Ê-li-hu giải quyết vấn nạn đau khổ của Gióp bằng cách đối thoại với Gióp như sau, “Gióp, ông có hỏi Đức Chúa Trời rằng, ‘Tôi có lợi gì nếu không phạm tội?” Tôi sẽ trả lời cho ông và bạn của ông. Hãy nhìn lên trời, nếu ông phạm tội, điều đó có ảnh hưởng gì đến Ngài không? Nếu ông công bình, Ngài sẽ nhận được gì từ nơi ông không?” Ê-li-hu nói ở phần chính trong bài diễn thuyết rằng, “Gióp, ông và bạn của ông đã đặt sai câu hỏi. Các ông xem mình là trung tâm và chỉ nghĩ đến mình mà thôi. Các ông hỏi rằng, “Chúa sẽ ban gì cho tôi?” Ông đã xem mình là trung tâm của mọi sự và đặt vấn đề, “Sẽ có lợi gì nếu tôi sống thánh thiện? Tôi mong sẽ được phước hạnh và những điều tốt lành. Nếu tôi phạm tội, nó sẽ bất lợi cho tôi như thế nào?” Các ông đã đặt mình vào trung tâm của cuộc tranh luận. Nhưng điều ông nên làm là thế nầy, “Hãy đặt Chúa vào trung tâm của mọi sự và hỏi rằng, “Nếu tôi sống thánh thiện, nó sẽ tôn vinh Chúa và làm Chúa hài lòng như thế nào? Nếu tôi sống đức hạnh thì sẽ có lợi cho Ngài như thế nào? Tôi sẽ đem lại điều gì cho Đức Chúa Trời khi tôi sống đời sống tốt đẹp? Rồi cũng nghĩ đến khía cạnh ngược lại, “Nếu tôi sống đời sống tội lỗi, nó sẽ làm tổn thương Đức Chúa Trời như thế nào chớ không phải nó làm tôi tổn thương như thế nào”. Tư tưởng của Ê-li-hu giống như của  Đa-vít được mô tả qua lời cầu nguyện của ông rằng, “Tôi đã phạm tội cùng Chúa.” Nếu so sánh thì việc  Đa-vít gây thương tổn người khác vẫn không là gì so với việc ông đã làm tổn thương Đức Chúa Trời.

Có một phụ nữ rất mực tin kính đã nói rằng, “Thà tôi đi vào địa ngục còn hơn là làm buồn Thánh Linh Đức Chúa Trời thêm một lần nữa.” Chỉ có những người hết lòng kính yêu Chúa mới hiểu và nói được những lời như vậy. Quí vị có nhận thức rằng khi quí vị sống đời sống thánh thiện, quí vị làm Chúa hài lòng, khi phạm tội, quí vị làm thương tổn Chúa.

Vào phần cuối của bài nói chuyện, Ê-li-hu đã nói với Gióp rằng, “Gióp, ông hãy nhìn lên để hiểu mọi việc theo cái nhìn của Đức Chúa Trời. Đừng nhìn vào mình và hỏi, “Điều đó sẽ đem lại gì cho tôi?” Hãy nhìn lên vào hỏi “Nó đem lại điều gì cho Đức Chúa Trời?” Khi những người bạn của Gióp đối đáp với ông thì ông phản đối họ thẳng thừng, nhưng Gióp không hề phản đối Ê-li-hu. Gióp nghe theo điều Ê-li-hu nói, ông nhìn lên và thấy Đức Chúa Trời trong cơn gió lốc. Gióp và Đức Chúa Trời đã đối thoại khá lâu. Chúa phán với Gióp qua nhiều đoạn, nhưng Gióp chỉ trả lời vỏn vẹn vài câu. Gióp đã khăng khăng cho rằng mình là người công bình, nhưng cuối cuộc đối thoại, ông hoàn toàn thay đổi quan niệm của ông về chính mình. Ông nói “Trước tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi thấy Ngài, tôi lấy làm ghớm ghê tôi và ăn năn trong tro bụi.”

Cho phép tôi được đặt câu hỏi, “Tại sao vào phần cuối Gióp thay đổi cái nhìn về ông và ghê tởm chính mình? Gióp ăn năn về điều gì?” Ăn năn nghĩa là thay đổi suy nghĩ, thay đổi ước muốn, thay đổi tấm lòng, thay đổi hướng đi. Ăn năn là quay trở lại và đi theo một hướng khác. Vậy Gióp đã ăn năn về điều gì? Gióp là người tốt, ông tin điều đó. Nhưng có điều ông không nhận thức được đó là ông tốt chỉ vì ông nghĩ rằng Chúa sẽ ban phước cho ông một khi ông tốt và làm điều tốt cho người khác. Ông không hề hiểu được rằng Chúa dùng những khổ đau để buộc ông phải yên lặng để lắng nghe những tiếng nói từ đáy lòng ông và nhận thức rằng những động cơ của ông mang tính vụ lợi. Khi Gióp nhìn lên, ông càng lúc càng thấy nhiều hơn so với lúc ông nhìn vào chính mình.

Cuối cùng ở màn ba, Gióp nhìn chung quanh. Sau khi có cái nhìn từ Chúa, Gióp nhìn vào chính mình, ăn năn vì động cơ vụ lợi của mình. Chúa đã đến và khiển trách ba người bạn của Gióp. Chúa cho biết, những gì họ nói về Ngài và về Gióp là sai trật. Gióp đã cầu thay cho họ.

Thế rồi Đức Chúa Trời đã ban cho Gióp mọi sự gấp đôi khi ông cầu thay cho bạn mình. Nhiều người nghĩ rằng sách Gióp là một câu chuyện nói về một người rất kính sợ Chúa và giàu có. Nhưng Đức Chúa Trời đã lấy hết tài sản của người nầy. Người đó vẫn vững vàng và thờ lạy Chúa nên cuối cùng Chúa đã ban lại cho người đó gấp đôi. Đây là cái nhìn rất cạn cợt về sách Gióp. Có một sự thật rất quan trọng cần lưu ý đó là chỉ sau khi Gióp cầu nguyện cho bạn của ông thì Đức Chúa Trời mới ban mọi sự gấp đôi cho ông.

Sách Gióp dạy chúng ta 3 điều. Chúa muốn chúng ta nhìn vào chính mình cho đến khi thấy được sự thật mà Đức Chúa Trời muốn chỉ cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta nhìn vào để thấy tội lỗi trong đời sống của mình. Ngài muốn chúng ta thú tội, nhưng Chúa không muốn chúng ta dừng lại tại đó, vì nếu như vậy, chúng ta sẽ không làm được gì cả, có khi sự khám phá chính mình khiến chúng ta tê liệt.

Điểm thứ hai là chúng ta phải nhìn lên. Chúa muốn chúng ta nhìn lên để thấy mọi sự theo cái nhìn của Đức Chúa Trời. Chúa muốn chúng ta đặt Ngài vào trung tâm của đời sống mình để khi bất cứ việc gì xảy ra, chúng ta không đặt câu hỏi là “Tại sao tôi phải chịu những điều nầy? Tại sao lại là tôi.” Nếu nhìn lên theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thưa rằng, “Chúa ơi, Làm thế nào để Chúa được tôn vinh qua điều nầy? Ngài đã cho phép sự việc nầy xảy ra thì xin Ngài ban ơn cho con để đối phó và ứng xử theo cách mà danh Chúa được ngợi khen, và người khác sẽ biết đến Ngài.” Đây là một cái nhìn đúng đắn cho những ai ở trong sự đau khổ.

Sau khi Gióp nhìn vào chính mình, nhìn lên và cuối cùng ông nhìn quanh và cầu nguyện cho bạn mình, người như vậy sẽ trở nên một phần trong giải pháp của Đức Chúa Trời cho thế giới chung quanh, một phần trong câu trả lời của Đức Chúa Trời cho những người đang đau khổ.

Có một lẽ thật quí báu ở tại cuối sách Gióp khi Đức Chúa Trời ban cho Gióp gấp đôi tài sản. Ban đầu Gióp có 7.000 con chiên. Kết thúc Gióp có 14.000 con chiên. Ban đầu ông có 3.000 lạc đà, sau nầy ông có 6.000 con. Nhưng hãy để ý là Chúa không ban gấp đôi số con cái của Gióp. Ngài chỉ cho ông có 7 trai và 3 gái giống như khi trước. Tại sao Chúa không cho ông 14 trai và 6 gái? Chính điểm nầy Chúa trả lời một trong những câu hỏi của Gióp, “Người chết sẽ sống lại được chăng?” Khi gia súc chết, nó chết luôn. Bởi vậy Chúa ban gấp đôi. Nhưng khi những con trai và con gái của Gióp bị giết, họ không chết luôn. Họ đi vào một thế giới khác. Do đó theo cái nhìn của Đức Chúa Trời thì Gióp vẫn có số con gấp đôi là 14 trai và 6 gái. Chúa ban cho ông thêm 7 trai và 3 gái vì ông đã có 7 trai và 3 gái khác trên thiên đàng. Đây là cách mà Chúa trả lời cho Gióp khi ông hỏi, “Liệu người chết có sống lại không?” Có những cha mẹ mà con cái họ đã qua đời, khi được hỏi họ có bao nhiêu con thì họ sẽ tính luôn những đứa con không có mặt trên đất nhưng có mặt trên thiên đàng. Ho đã học được điều nầy từ sách Gióp.

Một áp dụng khác có liên quan đến động cơ của những người theo Chúa. Có những người theo Chúa vì họ đã tìm được sự tha thứ và tin rằng Đấng Christ đã cất đi mặc cảm tội lỗi của họ. Họ chấp nhận các lễ nghi, luật lệ, giáo lý mà không hiểu gì về những điều đó. Họ chỉ việc đến nhà thờ và ngồi đó mà thôi. Có những người đã nhận được sự chữa lành, họ theo Chúa vì đã được chữa lành. Có những người đã được Chúa giải quyết những nan đề tình cảm tâm lý nên họ theo Ngài. Có những người theo Chúa vì họ không thuộc về một đoàn thể nào, họ không cảm thấy thoải mái ở gia đình bởi vậy họ đến nhà thờ. Họ cảm thấy rằng họ là một phần tử của Hội Thánh vì họ tìm được một điều gì tại nơi đó. Đây không phải là một Hội Thánh thật của Chúa Giê-xu Christ. Động cơ của những người nầy mang tính chất vụ lợi vì khi đến với Chúa họ hỏi rằng, “Lạy Chúa, Ngài sẽ làm gì cho con?” Sách Gióp nói với chúng ta về một người ở trong tình trạng đó nhưng không nhận thức được điều nầy. Đức Chúa Trời đã khiến ông phải nhìn vào bên trong của lòng mình và Chúa tỏ cho ông thấy cái tôi của mình là trung tâm của mọi sự, và Gióp đã ăn năn. Sau đó ông tôn Chúa làm trung tâm của đời mình và được trưởng thành về phương diện thuộc linh. Từ khi khám phá được chính mình, ông tiếp tục sống thêm 140 năm rồi qua đời khi tuổi cao tác lớn.

Phao-lô là một gương sáng khi ông biết đặt điều gì làm trung tâm cho đời sống của ông. Gặp Chúa trên đường đến Đa-mách, Phao-lô không hỏi, “Lạy Chúa, Chúa sẽ làm gì cho con?” Nhưng ông cầu nguyện, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm chi cho Ngài?” Đây là một sự trưởng thành thuộc linh. Một người trưởng thành thuộc linh sẽ tôn Chúa làm trung tâm của đời mình và cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, con có thể làm điều gì cho Ngài? Con có thể cống hiến điều gì cho công việc của Ngài và cho vinh quang của Ngài?”

Đức Chúa Trời thường dùng đau khổ như phương tiện để giúp chúng ta tăng trưởng trong đời sống tâm linh. Sách Gióp cho thấy Đức Chúa Trời đã dùng khổ nạn để giúp một người đạo đức tin kính được trưởng thành hơn mặc dầu họ không biết rằng sâu kín trong lòng họ đã quan tâm đến chính mình và nghĩ đến những gì Chúa có thể làm cho họ. Sự đau khổ đã xảy ra để đưa người nầy đến chỗ cầu nguyện rằng, “Lạy Chúa, con có thể làm gì cho Ngài? Điều quan trọng không phải là những gì mà con nhận từ nơi Chúa nhưng là những gì con cống hiến cho Ngài.” Nhận thức nầy là cách giải quyết vấn đề của sự đau khổ.

Đó là sứ điệp của sách Gióp. Thông thường Chúa có những bài học dạy dỗ đằng sau những khổ đau Ngài cho phép đến trên đời sống quí vị và tôi. Nếu quí vị đang ở trong sự đau khổ, hãy đến với sách Gióp và xem những gì Đức Chúa Trời đã tỏ cho Gióp thấy qua khổ đau. Hãy lắng nghe những gì Ngài phán dạy với quí vị khi đọc sách nầy. Hãy nhìn vào chính mình, nhìn lên Chúa và nhìn ra những người chung quanh để xem ai là người mình cần cầu thay cho.

W 2290

Bài trướcNgười Quản Trị của Đức Chúa Trời – 25/7/2018
Bài tiếp theoThư Phân Ưu Cùng Tang Quyến Của Cụ MsTs NGUYỄN KIM KHÁNH