Bài 70: Xức Dầu Cho Kẻ Vâng Phục (TT)

1590

 

Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới

 

 

 

 

 

Trong chương trình lược khảo toàn bộ Kinh thánh, chúng ta đã đến sách thứ nhất của Sa-mu-ên. Sách đã ghi lại những gương tốt để noi theo và những gương xấu để tránh xa. Kết thúc bài vừa qua, chúng ta đã học về gương sáng chói của Đa-vít. Đa-vít là một cậu bé chăn chiên nhưng rồi đã được xức dầu trở nên vị vua thứ nhì và là vị vua tốt nhất trong lịch sử dân Y-sơ-ra-ên.

 

Một nhận xét khá lý thú là nhiều nhân vật lãnh đạo kiệt xuất trong Kinh thánh như Môi-se hay Đa-vít đã xuất thân từ thành phần chăn chiên. Khi còn chăn chiên, họ đã học những nguyên tắc lãnh đạo giúp họ trở nên những nhà lãnh đạo vĩ đại sau nầy. Đa-vít đã học rất nhiều điều khi còn là một cậu bé chăn chiên. Nhưng cơ hội đầu tiên đã đến với ông nhờ vào năng khiếu âm nhạc. Mục sư Dick Woodward đang định cư tại Hoa kỳ, vào năm 1979 ông về Anh quốc để truy lại nguồn gốc của cha mình là người xuất thân tại đó. Nhân dịp nầy Mục sư hiểu vì sao ông nội của mình đã định cư tại Mỹ. Ông là thợ mỏ tại Lancashire, Anh quốc. Vào thời đó những công nhân hầm mỏ thường lập ra băng nhạc. Lúc nầy chưa có radio hay tivi nên mọi người thưởng thức âm nhạc tự biên tự diễn. Ông nội của Mục sư là một người thổi kèn trumbone. Người chủ của một mỏ than tại miền tây Pennsylvania có một ban nhạc và đang cần người thổi kèn trumbone. Vì ông nội của Mục sư sử dụng được loại nhạc cụ nầy nên người chủ đã đem ông từ Anh sang Mỹ để làm việc trong mỏ than và đồng thời thổi kèn cho ban nhạc. Cuối cùng Mục sư kết luận “Nếu ông nội tôi không biết thổi kèn thì tôi đã không sinh ra tại Mỹ. Ông tôi đã có một cơ hội rất tốt để định cư tại Mỹ vì ông biết thổi kèn trumbone.”

 

Tương tự như vậy, Đa-vít đã bắt lấy được cơ hội đầu tiên bằng vàng vì ông có khả năng chơi đàn. Khi Sau-lơ rơi vào tình trạng tâm thần bất định thì Đa-vít dùng âm nhạc để khuây khỏa nhà vua. Có thể nói đây là một lối điều trị bằng âm nhạc. Có một số loại nhạc thật sự bổ ích nếu tinh thần của chúng ta gặp vài rắc rối nhỏ nào đó. Học giả Kinh thánh nổi tiếng là Tiến sĩ Martin Jones nói rằng điều trước nhất ông làm mỗi ngày là nghe nhạc của Mozart. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng ông sẽ nói việc đầu tiên là dành vài tiếng đồng hồ để cầu nguyện. Một người hỏi vì sao ông không nghe nhạc Bach thì ông đã trả lời, “Ồ! Bach thì rất tốt cho thờ phượng, nhưng Mozart giúp ích cho tâm trí. Chỉ việc lắng nghe Mozart thì tâm trí của bạn sẽ trở nên lành mạnh.” Ông thật sự tin rằng nhạc của Mozart có khả năng điều trị tâm lý. Mục sư Dick Woodward là một người yêu âm nhạc và ông đồng ý như vậy. Theo ông, nhạc của Mozart giúp hồi phục tinh thần. Nhưng nếu ai đó có những nan đề mà nghe nhạc của Stravinsky thì người đó có thể sẽ đi đến chỗ tự tử. Như vậy ngay vào thời của Đa-vít, âm nhạc đã được dùng như một phương cách trị liệu những rắc rối tâm thần. Khi Đa-vít khảy đàn, có lẽ chàng cũng hát những thi thiên chàng đã sáng tác. Qua những lời ca thánh cùng với tiếng đàn, Đa-vít đã giúp cho Sau-lơ thoát khỏi tâm trạng thất thường. Những bước đầu tiên của Đa-vít trên con đường thăng tiến nhờ vào tài âm nhạc của chàng. 

 

Chúng ta cùng xem xét sự đóng góp của Đa-vít cho công việc Chúa qua âm nhạc. Môi-se là người đã dạy con dân Đức Chúa Trời cách thờ phượng Ngài, nhưng Đa-vít mới là người đem âm nhạc vào trong sự thờ phượng. Ông có đến 4000 người thuộc chi phái Lê-vi chuyên dùng những nhạc cụ ông đã chế tạo để ca ngợi Chúa. Điều này được đề cập đến trong 1 Sử ký 23. Đa-vít là người dạy rằng con dân của Đức Chúa Trời có thể ra mắt Ngài với lời ca tiếng hát. Âm nhạc là một phép lạ lớn lao. Bạn có để ý là vì sao Billy Graham đã chi phí hằng triệu đô la cho những chiến dịch truyền giảng Tin lành trên tivi, trong đó một nửa chương trình toàn là âm nhạc? Lý do là một nửa sứ điệp đến từ âm nhạc. Đức Chúa Trời phán qua những dòng nhạc thánh. Đa-vít đã đem âm nhạc và Lời Đức Chúa Trời đến với nhau và nó kết chặt cho đến muôn đời.

 

Đa-vít không những là nghệ sĩ mà còn là một chiến sĩ can trường. Phần lớn chúng ta biết đến Đa-vít lần đầu tiên qua câu chuyện đầy hào hứng: Đa-vít hạ sát Gô-li-át. Bạn có để ý Đa-vít đã nói gì khi đương đầu với Gô-li-át không? Phần quan trọng nhất trong câu chuyện được chép ở 1 Sa-mu-ên 17, Đa-vít nói với Gô-li-át rằng:

Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhơn danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ nhục.

 

Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta

 

Khắp thế gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta.

 

Đây là những lời thật tuyệt vời của một chàng thanh niên đối đáp với tên khổng lồ.

 

Bạn hẳn nhớ câu chuyện nầy. Quân đội Y-sơ-ra-ên và Phi-li-tin án binh bất động, họ quyết định tìm hai người để đọ sức với nhau. Gô-li-át là một tay khổng lồ người Phi-li-tin, mỗi sáng y đều bước ra, khiêu chiến, chế nhạo, nguyền rủa và nói phạm thượng với người Y-sơ-ra-ên. Đa-vít được cha sai mang thực phẩm cho các anh ngoài chiến trường. Buổi sáng đó Đa-vít chứng kiến tất cả những khiêu khích của Gô-li-át. Chàng lấy làm kinh sợ vì tay khổng lồ đó dám cả gan nhạo báng Đức Chúa Trời. Với chính kinh nghiệm cá nhân, Đa-vít biết rằng Đức Chúa Trời của chàng có thể giết sư tử và gấu beo. Bởi vậy Đa-vít nói:

 

Người ta sẽ đãi thể nào cho kẻ giết được người Phi-li-tin nầy, và cất sự sỉ nhục khỏi Y-sơ-ra-ên? Vì người Phi-li-tin nầy, kẻ chẳng chịu phép cắt bì nầy, là ai, mà lại dám sỉ nhục đạo binh của Đức Chúa Trời hằng sống?

 

Câu hỏi của Đa-vít khiến cho những người anh giận dữ vì ai nấy đều sợ hải chiến đấu với tay khổng lồ. Đa-vít thẳng thắn tuyên bố:

 

Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến trận.

 

Đó là lời phát biểu thật vĩ đại của Đa-vít. Chàng tin rằng trận chiến thuộc về Chúa, điều này có nghĩa không phải là tôi nhưng là Chúa và Ngài ở với tôi. Tôi không thể, nhưng Ngài có thể và Ngài ở với tôi. Đa-vít tin điều đó. Đa-vít đã chứng minh điều đó khi ông giết Gô-li-át.

 

Trong lúc Đa-vít xông đến để đối chất và tấn công Gô-li-át, vua và tướng Áp-ne ngồi đó theo dõi. Sau-lơ quay sang Áp-ne mà hỏi, “Áp-ne, chàng thanh niên kia là con của ai vậy? Tướng Áp-ne trả lời, “Tôi không biết,” Vua liền bảo, “Hãy tìm xem nó là con của ai.” Áp-ne điều tra và trong lúc chưa báo cáo lại cho vua biết thì Đa-vít đã giết xong Gô-li-át, mang thủ cấp đến cho nhà vua. Khi Đa-vít trình diện thì vua liền hỏi, “Ngươi là con của ai vậy?” Đa-vít trả lời,

 

Tôi là con Y-sai, tôi tớ của vua, ở tại Bết-lê-hem.

 

Sa-lô-môn cho biết cha mẹ với con cái giống như cung với tên. Mũi tên đi được bao xa, đi theo hướng nào tùy thuộc vào cây cung. Điều Sa-lô-môn muốn nói là con cái sẽ đi được bao xa, đi theo chiều hướng nào khi chúng dấn thân vào cuộc sống tùy vào gia đình đã dưỡng dục và đưa chúng vào đời.

 

Khi vua và tướng Áp-ne nhìn xem trận chiến hôm đó, Sau-lơ hẳn muốn nói những lời thế nầy, “Một mũi tên bắn ra thật đẹp mắt, ta muốn biết cây cung nào đã bắn nó đi. Nói cách khác, ta muốn gặp người đã nuôi dạy Đa-vít. Người đó đã không chỉ nuôi chiên, mà còn nuôi dạy những đứa con nên người.”

 

Đa-vít là một tướng có tài. Ở vị trí của một tướng lãnh, Đa-vít có ảnh hưởng rất lớn trên binh sĩ. Một số người có khả năng ảnh hưởng trên người khác. Họ có tài lãnh đạo người khác. Đa-vít là mẫu người đó. Một trong những câu chuyện lý thú minh họa ảnh hưởng của ông trên binh sĩ của mình được ghi trong sách Sa-mu-ên và được lập lại trong Sử ký. Chuyện kể lại việc người Phi-li-tin xâm chiếm thành Bết-lê-hem là quê hương của Đa-vít. Ngày kia khi lẩn trốn với các binh sỉ trong hang đá, Đa-vít nói,

 

Chớ chi ta được uống nước bởi giếng ở bên cửa thành Bết-lê-hem!

 

Ba binh sĩ liền nạp gươm, tiến thẳng đến Bết-lê-hem, múc nước đem về dâng cho Đa-vít. Đa-vít nhận lấy nước rồi đổ trên mặt đất. Ông nói:

 

Tôi hẳn không uống đâu. Nước nầy khác nào huyết của ba người nầy, liều mạng sống mình đặng đi đến nơi kia.

Có phải Đa-vít là một mẫu người lãnh đạo không? Lãnh đạo là người sống chết với những người theo mình. Nếu xét theo tiêu chuẩn này thì Đa-vít đúng là mẫu người lãnh đạo vậy.

Khi khảo sát cuộc đời của Đa-vít, chúng ta cũng để ý đến mối liên hệ của Đa-vít với Giô-na-than là con trai của Sau-lơ. Đây là một câu chuyện tuyệt đẹp nói về tình bạn. Khi Đa-vít hay tin Giô-na-than bị tử trận thì Đa-vít đã thương khóc rằng,

Hỡi Giô-na-than, anh tôi, lòng tôi quặn thắt vì anh. Anh làm cho tôi khoái dạ; Nghĩa bầu bạn của anh lấy làm quí hơn tình thương người nữ.

 

Nhiều người nam ngày nay không dám nhìn thẳng vào mắt của một người nam khác mà nói rằng, “Tôi yêu anh.” Vì họ sợ mối quan hệ đồng tính luyến ái.

 

Tình bạn giữa người nam với người nam hoặc giữa người nữ với người nữ là điều tốt đẹp. Tình bạn và tình yêu mà Đa-vít và Giô-na-than đã san sẻ cho nhau là một gương tốt. Cách mà Chúa đã liên kết họ với nhau thật đẹp. Khi Đức Chúa Trời tạo nên những điều tốt đẹp trong cuộc sống thì ma quỉ cố gắng gieo sự sợ hải để chúng ta tránh xa những ý định tốt lành của Ngài. Chúa muốn chúng ta có tình bạn sâu lắng. Tình bạn giữa Đa-vít và Giô-na-than cũng như với binh sĩ của ông là một gương sáng để chúng ta noi theo.

 

Chúng ta cũng không nên bỏ qua những ngày tháng lẩn trốn của Đa-vít. Đó là những chuỗi ngày mà Đức Chúa Trời chuẩn bị cho ông một chức vụ lớn lao trong tương lai. Nhiều Thi thiên của Đa-vít đã được viết ra trong thời gian nầy. Trong sách 2 Sa-mu-ên, chúng ta cũng sẽ thấy những gì mà Kinh thánh nói về nước đời đời của Đa-vít.

 

Tóm lại khi đọc sách thứ nhất của Sa-mu-ên, xin hãy chú ý đến 2 điều quan trọng: Thứ nhất là tập trung vào khái niệm vương quốc của Đức Chúa Trời. Đó là khái niệm quan trọng nhất chúng ta học được trong 1 Sa-mu-ên. Sau đó để ý đến Sa-mu-ên, ông là một gương sáng chói. Tiếp theo là Saulơ, cuộc đời của ông là bài học cảnh cáo nghiêm trọng cho chúng ta. Và cuối cùng là Đa-vít, một nửa sách 1 Sa-mu-ên và toàn bộ 2 Sa-mu-ên nói về Đa-vít. Ông là một gương tốt để noi theo vì ông là người Chúa đẹp lòng và làm theo mọi điều Chúa phán dạy. Mỗi chúng ta nên hết lòng tìm kiếm Chúa và khao khát làm theo mọi điều Chúa muốn.

 

Bài trướcNgày 18/5/2016: Chuẩn Bị Xây Nền Đền thờ
Bài tiếp theoBài 70: Tiếp Tục Bài Giảng Trên Núi