Nguồn: Đài Xuyên Thế Giới
Trong những bài vừa qua, chúng ta đã học về khái niệm Nước Đức Chúa Trời và đã khảo sát 2 cuộc đời tương phản đó là Sa-mu-ên và Sau-lơ. Sa-mu-ên là gương sáng để noi theo, nhưng Sau-lơ là một gương xấu cần phải tránh.
Sau-lơ là một nhân vật đã tạo ra sự tranh luận ngày nay. Nhiều người ngờ vực liệu Sau-lơ có phải là một người thuộc linh không. Giống như trường hợp Ba-la-am trong Dân số ký, Sau-lơ không thật sự là người thuộc linh, ông chỉ tỏ vẻ như vậy mà thôi. Chắc chắn Sau-lơ có triển vọng không những là một người thuộc linh nhưng còn là một nhà lãnh đạo vĩ đại. Khi một người được xức dầu như Sau-lơ, không có nghĩa là họ sẽ trở nên như một cái máy. Họ vẫn còn có ý chí tự do để chọn lựa. Sau-lơ đã sử dụng ý chí tự do và chọn lựa sai lầm. Ông đã chọn để không vâng lời Đức Chúa Trời hai lần. Ông đã thi hành phận sự của Sa-mu-ên là công việc chỉ dành riêng cho thầy tế lễ. Đó là sai trật thứ nhất. Sau đó Sau-lơ được phán bảo hãy tận diệt quốc gia A-ma-lét, ông đã không vâng lời. Hành động không vâng lời thứ hai nầy khiến ông bị Đức Chúa Trời phán xét. Chúa bảo Sa-mu-ên tước vương quyền khỏi Sau-lơ và xức dầu cho vị vua thứ nhì đó là Đa-vít. Đa-vít là vua tốt nhất trong lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên.
Sau sự bất tuân thứ nhì thì Sau-lơ rơi vào chứng đa nghi, nó đã hủy hoại cả con người của ông. Cuộc đời của ông ngày càng xuống dốc thê thảm. Nhưng cũng từ chương 16, một nhân vật mới xuất hiện. Đó chính là Đa-vít. Lúc đó Đa-vít chỉ là một cậu bé chăn cừu. Trong lúc mà Sau-lơ đang đi xuống thì Đa-vít lại đi lên. Nếu bạn muốn thực hiện việc nghiên cứu nhân vật cách hứng thú, xin hãy đối chiếu cuộc đời của Đa-vít và Sau-lơ. Đa-vít là một gương sáng chói nhưng đồng thời cũng có những gương xấu chúng ta cần phải tránh. Nhiều người trong Kinh thánh thể hiện cả gương tốt lẫn gương xấu. Nhưng cuộc đời của Sau-lơ hầu như chỉ là những gương xấu nhằm cảnh cáo mỗi chúng ta. Sau-lơ rơi vào chứng đa nghi, những người như vậy luôn luôn nghĩ rằng những người khác âm mưu hại mình. Sư thật không phải như vậy. Đa-vít không hề có ý giết Sau-lơ, nhưng Sau-lơ lúc nào cũng cho là Đa-vít có ý hãm hại ông. Sau-lơ đã ganh tị cách điên cuồng với Đa-vít vì tiên tri Sa-mu-ên đã nói rằng Đức Chúa Trời đã tìm được một người tốt hơn Sau-lơ, một người sẽ làm theo mọi điều Chúa phán dặn. Đặc điểm chính của Sau-lơ là không vâng lời. Sa-mu-ên nói với Sau-lơ rằng,
Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực; sự bội nghịch cũng đáng tội bằng sự tà thuật; sự cố chấp giống như tội trọng cúng lạy hình tượng.
Đối nghịch với Sau-lơ là Đa-vít. Đa-vít là người Chúa hài lòng và làm mọi điều theo ý Chúa. Đức Chúa Trời không thể làm việc qua một người không vâng lời Ngài. Và ngược lại Ngài có thể hành động qua người sẽ vâng lời Ngài. Vì sự bất tuân mà cuối cùng Sau-lơ đã bị Đức Chúa Trời loại bỏ.
Nhiều người đặt câu hỏi, “Điều đó có thể xảy ra ngày hôm nay không?” Có sự khác biệt trong cách đối xử của Đức Thánh Linh với con người trong thời Cựu ước và Tân ước. Ngay cả trong Tân ước, cách đối xử của Đức Thánh Linh cũng tùy từng giai đoạn. Có sự khác biệt giữa thời xưa và thời nay. Lấy ví dụ, khi phạm tội thì Đa-vít đã cầu nguyện rằng, “Xin đừng cất Thánh Linh Chúa khỏi tôi.” Rõ ràng là Thánh Linh đã ra khỏi Sau-lơ. Nhiều người tin rằng từ ngày lễ Ngũ tuần, Đức Chúa Trời không còn đối xử với loài người theo cách đó nữa. Ngài không ngự xuống trên những người Ngài dùng rồi sau đó thì rời họ. Lời Chúa dạy trong Tân ước rằng, “Ta không lìa bỏ ngươi.” Có rất nhiều câu Kinh thánh chứng minh rằng một khi chúng ta đã kinh nghiệm sự tái sinh thì Đức Chúa Trời bắt đầu hành động trong đời sống chúng ta, và Ngài sẽ tiếp tục hoàn thành cho đến ngày trở lại của Chúa Jêsus Christ bởi vì lời Chúa trong Phi-líp 1:6 và 2:13 dạy rằng, Chúa làm việc trong chúng ta để chúng ta vừa muốn vừa làm theo ý tốt của Ngài.”
Đức Thánh Linh hành động trên hai phương diện. Ngài hành động trong chúng ta và trên chúng ta. Thánh Linh làm việc trong chúng ta và kết quả là sinh ra trái của Thánh Linh, việc Thánh Linh hành động trong chúng ta được Thánh Linh gọi là sự tái sinh. Còn việc Thánh Linh giáng trên chúng ta là để trang bị, ban quyền năng cho chúng ta trong sự phục vụ Ngài.
Bây giờ chúng ta cùng học hỏi về một nhân vật rất tuyệt vời, đó là Đa-vít. Một nửa phần sau của 1 Sa-mu-ên và toàn bộ 2 Sa-mu-ên đều nói về Đa-vít. Sa-mu-ên đã đến nhà của Y-sai ở Bết-lê-hem để xức dầu cho vị vua tương lai. Y-sai làm nghề chăn chiên, ông có 7 con trai và Đa-vít. Khi đến nhà Y-sai thì Sa-mu-ên không biết là ông phải xức dầu cho ai làm vua. Khi người con đầu tiên là Ê-li-áp bước qua, Sa-mu-ên cứ ngỡ đây là người Chúa chọn. Nhưng Chúa đã dạy Sa-mu-ên bài học rất thấm thía, Lời Chúa phán có thể được diễn tả như sau,” Đừng đánh giá ai bởi diện mạo bên ngoài hoặc vóc dáng cao lớn của họ. Ta không quyết định theo cách mà ngươi quyết định. Con người chỉ xem thấy bề ngoài nhưng Đức Chúa Trời thấy trong lòng, Ngài thấy mọi ý định sâu xa trong lòng người.” Y-sai bảo người con kế bước qua trước mặt Sa-mu-ên nhưng Chúa phán, “Ta cũng không chọn người này.” Cứ như vậy 7 người con trai bước qua, nhưng Chúa đều không chọn người nào. Sa-mu-ên bèn hỏi Y-sai rằng, “Có phải đó là tất cả những người con của ông?” Y-sai trả lời, “Còn một đứa con út nữa, nhưng nó đang chăn chiên ở ngoài đồng.” Sa-mu-ên nói, “Chúng ta sẽ không ăn uống cho đến khi nó đến.” Khi Đa-vít về nhà, trình diện thì Kinh thánh mô tả như sau,
Mặt người hồng hồng, con mắt xinh lịch, và hình dung tốt đẹp.
Chúa phán với Sa-mu-ên, “Đó là người ta chọn, hãy xức dầu cho nó.” Bởi vậy, Đa-vít đứng giữa các anh em của mình và Sa-mu-ên đổ dầu ôlive trên đầu của Đa-vít. Thánh Linh của Đức Chúa Trời đến trên Đa-vít và ban cho ông năng lực từ ngày đó trở đi. Đó là sự xức dầu cho vua thứ nhì, cũng là vị vua vĩ đại nhất của Y-sơ-ra-ên.
Sau khi xức dầu, Đa-vít không lập tức làm vua nhưng trải qua một thời gian lâu. 1 Sa-mu-ên 16 cho đến 31 được xem là giai đoạn huấn luyện hay chuẩn bị của Đức Chúa Trời cho Đa-vít. Chúa muốn Đa-vít bước lên ngai vua nhưng Ngài phải chuẩn bị ông cho trọng trách nầy. Do đó Đa-vít có đủ mọi kinh nghiệm. Mọi việc xảy ra nhằm rèn luyện ông trở nên vị vua. Chúa chuẩn bị cho Đa-vít một chức vụ mà Ngài muốn ông gánh vác.
Richard là Mục sư cố vấn cho các thượng nghị sĩ nói rằng, từng ngày đã qua trong đời sống của ông đã chuẩn bị cho chức vụ của ông. Ông đã là Mục sư trong suốt 27 năm, đó cũng là thời gian Chúa chuẩn bị cho công tác nầy. Điều này đúng cho Richard và cũng đúng cho Đa-vít trong Cựu ước. Khi bạn nhận thức việc Đức Chúa Trời đã chuẩn bị cho Đa-vít những gì mà Ngài muốn ông làm sau này, bạn rút ra được những bài học áp dụng. Nếu chúng ta yêu mến Chúa, và được kêu gọi theo mục đích và chương trình của Ngài thì mỗi một kinh nghiệm chúng ta có ngày hôm nay chuẩn bị cho những tháng ngày trong tương lai.
Đa-vít thật là người thật tuyệt vời và toàn diện. Một huấn luyện viên đã nói rằng, một người nhỏ con mà giỏi hơn là một người lớn con mà dở nhưng ngược lại một người lớn con mà giỏi thì hơn một người nhỏ con mà giỏi. Đa-vít chính là mẫu người đó, vừa giữ chức vụ cao trọng vừa là người tốt.
Người Y-sơ-ra-ên đã nói về Đa-vít như sau:
Nầy tôi đã thấy một con trai của Y-sai, người Bết-lê-hem; nó gảy đờn hay, một người chiến sĩ mạnh bạo, ăn nói khôn ngoan, và mặt mày tốt đẹp; Đức Giê-hô-va ở cùng người.
Sở dĩ Đa-vít trở nên người mạnh mẽ và là một chiến sĩ can trương vì Đức Chúa Trời đã trang bị cho chàng. Trước khi lên ngôi, Đa-vít đã chứng tỏ là một tay anh hùng trong chiến trận. Đa-vít cũng là một nghệ sĩ có tài. Ông cũng đã tổ chức lại cơ cấu của thầy tế lễ. 1 Sử ký chương 23 cho biết rằng Đa-vít có 4000 thầy tế lễ biệt riêng cho việc dùng các nhạc khí do ông chế tạo để ca ngợi Chúa. Đa-vít cũng viết một nửa Thi thiên, nó được xem là thánh ca của con dân Chúa. Thật khó tìm thấy 2 đặc điểm nầy trong một con người, nhưng Đa-vít có cả hai: một nhà quân sự tài ba, đồng thời cũng là một nghệ sĩ xuất sắc. Đa-vít là vị vua vĩ đại vì ông là người rất khôn ngoan. Tuy nhiên trên tất cả mọi sự, Đa-vít là người vĩ đại của Đức Chúa Trời ở chỗ ông là người kính mến Chúa và làm theo ý chỉ của Ngài.
Nhà truyền giáo Moody là người có chức vụ rất thành công nhưng lại ít học. Cho đến khi Billy Graham dấn thân vào công trường thuộc linh thì Moody là người đã giảng cho nhiều người mặt đối mặt hơn hẳn những người khác. Khi đến nước Anh, ông giảng tại Oxford và Cambridge, mọi người chăm chú lắng nghe như nuốt từng lời mặc dầu Moody không nói chuẩn văn phạm. Không có sự giải thích nào khác hơn là Đức Thánh Linh đã xức dầu trên chức vụ của ông. Trước đó có lần Moody nghe một người nói, “Thế giới sẽ thấy được những gì mà Đức Chúa Trời có thể làm qua một người hoàn toàn thuận phục Ngài.” Khi nghe những lời nầy, ông nói, “Bởi ân điển của Đức Chúa Trời tôi sẽ là người đó.” Điều này giải thích vì sao ông có một chức vụ hết sức kết quả. Trước khi qua đời ông đã nói những lời sau cùng này, “Thế giới vẫn còn sẽ thấy những gì mà Đức Chúa Trời có thể làm qua một người hoàn toàn thuận phục Ngài.” Đó là bí quyết thuộc linh của Moody, đó cũng là bí quyết thuộc linh của Đa-vít. Đa-vít là người hoàn toàn thuận phục Chúa, người muốn làm mọi sự theo ý của Ngài. Đa-vít được ghi lại trong Kinh thánh như là một trường hợp điển hình về những gì mà Đức Chúa Trời có thể hành động qua một người hoàn toàn thuận phục Ngài.
Nhiều điều khác nhau đã nẩy sinh từ những tài năng của ông. Đa-vít là một nhạc sĩ. Chính ở chỗ này là khởi đầu để đưa ông đi lên. Ông đã thăng tiến từ chỗ thấp nhất đến chỗ cao nhất. Đa-vít là một cậu bé chăn chiên mà lại được lên làm vua. Cậu chăn chiên cho cha mình. Ngày kia có một con gấu đến để ăn thịt chiên. Nhiều thiếu niên sẽ suy luận theo kiểu này, Cha ta có nhiều chiên nhưng không có nhiều con trai. Ta sẽ để cho con gấu ăn thịt vài con chiên thì nó sẽ no bụng, chớ ta không dại gì mà thí mạng vì vài con chiên. Đa-vít không suy nghĩ như vậy. Đây là những con chiên của cha ta mà ta có trách nhiệm phải chăn giữ. Đức Chúa Trời sẽ giúp sức để ta đánh bại con gấu đó. Bởi vậy Đa-vít tấn công con gấu với tay không. Đa-vít giết gấu vì Đức Chúa Trời ở cùng chàng. Một trường hợp khác khi sư tử đến ăn thịt chiên, Đa-vít với tinh thần bảo vệ bầy chiên và nhờ sức Chúa mà ông đã giết sư tử bằng tay không. Hầu như cứ mỗi lần như vậy, thì Đức Chúa Trời nhìn xuống và thấy cậu bé trai chăn cừu đó thì Ngài phán, “Hãy xem đứa bé trai này, nó sẵn sàng hi sinh mạng sống mình để bảo vệ bầy cừu của cha nó. Ta sẽ lập nó làm vua. Nếu đứa bé đó đã biết bảo vệ chiên của cha nó thì nó sẽ biết bảo vệ chiên của ta.”